![]() |
Những trẻ cạo muối trên đồng muối xóm Tân Thịnh (xã An Hòa, Quỳnh Lưu, Nghệ An) ngoài giờ học |
12g trưa, khi tôi đến, Nguyễn Thị Quyên đang đẩy chiếc xe cút kít xuống đồng muối để bắt đầu buổi làm việc của mình. Sau khi xới đất cho khô, rưới nước cho đất, Quyên lên kho ngồi chờ mẹ xuống cùng làm.
Kho lợp bằng fibro ximăng nóng bức, cô bé 13 tuổi này ra phía sau đón gió và rủ rỉ nói về con đường dẫn mình ra đồng muối: “Nhà nghèo, bố đi câu biển chuyến được chuyến không; mẹ phải làm nhiều muối nên mình đi sớm để phụ giúp mẹ”. Cô bé vốn là HS giỏi huyện mấy năm liền này thú thật: “Nhiều lần việc nhiều, em phải bỏ học bồi dưỡng để đi làm cùng mẹ”.
Cùng cảnh ngộ với Quyên là Nguyễn Thị Sen, HS lớp 3. Buổi sáng Sen đi bộ 4-5km tới trường; trưa đi học về, ăn vội chén cơm là vác cào đi. “Lâu lắm rồi em không biết tới ngủ trưa là gì - Sen bảo, rồi nói như mếu - Nhưng khổ mấy cũng chịu được, chỉ mong được tiếp tục đi học. Hôm qua nghe bố nói có thể những buổi học sắp tới sẽ là những buổi học cuối cùng của em”.
Hoàn cảnh của Quyên và Sen cũng là cảnh ngộ chung của hàng trăm đứa trẻ ở làng muối nơi đây. Tháng tư, khi tôi đến, nắng chiều có lúc lên tới 39 - 400C cộng với gió Lào thổi về nóng rát. Trong cái nắng nóng kinh khủng ấy, nhiều em đã phải đi làm từ rất sớm để phụ giúp bố mẹ.
Nhìn một lượt, em nào em nấy da đen cháy vì nắng nóng và tóc bện lại thành từng bệt do nước biển. Riêng đôi mắt trẻ thơ vẫn ánh lên rất sáng. “Cháu chỉ ri (thế này) thôi chứ làm được nhiều việc lắm đó; cháu biết cào đất, tưới nước, cạo muối... giúp mẹ” - bé Hồng 8 tuổi khoe “thành tích” của mình.
Thật ra, từ 3g chiều trở đi mới là giờ làm việc chính của các em. Vào giờ này hầu như trong làng không còn một bóng người. Đứa lớn dẫn đứa bé, đứa bé bế đứa bé hơn xuống đồng với công việc chính là cạo muối. Một em bảo: “Học trò làng này không đứa nào không biết cạo muối”. Đây không phải là công việc nặng, chỉ cần tỉ mỉ nhẹ nhàng lại được làm vào giờ chiều khi trời đã dịu nắng nóng. “Mỗi ngày các em cạo muối được nhiều không?”. Một em khoe: “Trung bình mỗi đứa có thể cạo được 1 tạ muối mỗi ngày, ngày cao điểm có đứa cạo được 2 tạ đấy - nhanh hơn cả “cào”... chữ trên bảng”.
Buổi chiều, khi những người thợ nhỏ trên đồng muối chuẩn bị nghỉ, tôi bỗng thấy xuất hiện cả chục em nhỏ khác luẩn quẩn đến các đồng muối. “Mấy bạn này ở các làng bên - một thợ làm muối “nhí” cho biết - Nhà các bạn ấy không có đồng muối; lại không có cả vốn bán kem dạo nên đi xin muối”.
Dụng cụ “hành nghề” xin muối của mỗi em là một chiếc rổ, lặng lẽ ngồi trên bờ đê đợi khi nào bà con xúc muối lên xe sẽ nhẹ nhàng tới chìa rổ ra xin. Nói đơn giản vậy thôi nhưng Thuận 11 tuổi đã mấy năm xin muối cho biết: “Trước khi xin, khi mô em cũng trình bày thật hoàn cảnh của mình thì bà con mới cho”.
Một thợ làm muối, chị Quang, cho biết: “Trước đây nhiều đứa đi xin muối hơn, còn bây giờ đời sống đã kha khá hơn nên các em xin muối cũng ít dần”. Số muối xin được mỗi buổi như thế may mắn cũng bán được vài nghìn đồng mang về cho gia đình. “Bà con làm muối cũng khổ lắm, có bữa mưa muối tan, muối hạ giá... thì mình còn dám đòi hỏi chi hơn”, một em lớn tuổi nhất trong nhóm bảo.
Theo ông Phạm Ngọc Lập, chủ nhiệm xóm Tân Thịnh, thu nhập của mỗi hộ gia đình ở làng muối Tân Thịnh khoảng 30.000 đồng/ngày, trong đó có 7.000- 8.000 đồng từ những “thợ” làm muối tuổi học trò. Có em phải làm việc từ 12g-18g.
Còn với các “thợ” làm muối tuổi học trò, khi được hỏi “tiền làm muối, xin muối dùng để làm gì?”, em nào cũng rủ rỉ trả lời: “Phụ bố mẹ; mua sách để học”. Một “thợ” có lẽ chỉ 8-9 tuổi thành thật bảo thêm: “Trường xa nhà bốn năm cây số, đi bộ dép rách hết rồi, em đang cố làm để đưa mẹ mua dép mới đấy...”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận