30/05/2006 19:16 GMT+7

Tuổi mới lớn - Để dây diều không đứt

Thật sự các em không phải là người có lỗi khi quyết định đi đến cái chết?
Thật sự các em không phải là người có lỗi khi quyết định đi đến cái chết?

TTO - Tuổi mới lớn, phải chăng là cánh cửa bí ẩn mà đa số chúng ta chưa tìm hiểu và khám phá đến nơi đến chốn?! Tuổi của sự nổi loạn, muốn chứng tỏ mình nhưng lại rất cô đơn? Tuổi rất cần sự yêu thương và thấu hiểu... Bàn tròn trực tuyến "Tuổi mới lớn - Để dây diều không đứt" với các khách mời Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh, TS Đinh Phương Duy, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, ca sĩ tuổi teen Tóc Tiên, thành viên nhóm Những ước mơ xanh... tổ chức vào chiều 30-5-2006 đã nhận được gần 450 câu hỏi của nhiều bạn trẻ và các bậc phụ huynh.

U83QhRMA.jpgPhóng to
TTO - Tuổi mới lớn, phải chăng là cánh cửa bí ẩn mà đa số chúng ta chưa tìm hiểu và khám phá đến nơi đến chốn?! Tuổi của sự nổi loạn, muốn chứng tỏ mình nhưng lại rất cô đơn? Tuổi rất cần sự yêu thương và thấu hiểu... Bàn tròn trực tuyến "Tuổi mới lớn - Để dây diều không đứt" với các khách mời Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh, TS Đinh Phương Duy, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, ca sĩ tuổi teen Tóc Tiên, thành viên nhóm Những ước mơ xanh... tổ chức vào chiều 30-5-2006 đã nhận được gần 450 câu hỏi của nhiều bạn trẻ và các bậc phụ huynh.

Thảm kịch 5 nữ sinh Hải Dương tự tử càng gióng lên hồi chuông: tuổi mới lớn thật mong manh, cần nhiều sự chia sẻ. Song, chính họ phải biết tự trang bị cho mình những nội lực để sống tốt, mà làm được điều này không hẳn là khó khăn...

Người lớn ơi, chúng tôi nghĩ, chúng tôi muốn...!

* Có khi nào các bạn thấy mình có trách nhiệm trong những lỗi lầm khi bị gia đình, thầy cô la mắng?

- Phạm Kỳ-HS trường THPT NTMK: Những lúc tôi bị gia đình, thầy cô la mắng, cảm giác đầu tiên đó là khó chịu mặc dù tôi chưa cần biết việc la tôi là đúng hay sai. Có thể là vì tôi hay nhiều bạn cùng tuổi tôi nghĩ mình đã lớn và không thích bị trách mắng.

Nhưng đó cũng chỉ là cảm giác đầu tiên, rồi tôi cũng từ từ bình tĩnh lại và có những suy nghĩ theo hướng tốt hơn để có những hành động tốt hơn. Tôi sẽ bắt đầu xem xét lại việc mình bị mắng có chính đáng không và nên làm gì nếu nó đúng/sai. Nếu đúng thì tôi cũng như các bạn khác sẽ cố gắng làm cái gì đó để làm nhẹ lỗi của bản thân, đó có thể là suy nghĩ của tôi hay một vài người nhưng đó cũng chỉ là 1 cách giải quyết, có thể có những cách giải quyết tích cực hơn.

* Em muốn biết khi tinh thần bị suy sụp thì những điều gì sẽ làm cho những bạn trẻ có thể bấu víu vào để đứng dậy? (Lê Thái Sơn, 24 tuổi tuổi, lethaisonvn2002@)

- Th.sĩ Nguyễn Thị Oanh: Phải công nhận một điều rằng trong một XH đang có nhiều phức tạp, thì các bạn trẻ nên cần tìm đến các nhà tâm lý khi cần thiết. Tuy nhiên, bất cứ ai cũng có thể trở thành nhà tư vấn không chuyên. Bạn có thể chia sẻ những bức xúc của mình với một người bạn, người mẹ hay thầy cô mà bạn tin tưởng. Nhưng, nếu gặp vấn đề phức tạp thì phải gặp nhà chuyên môn.

Song, trước hết bạn phải tập cho mình tư duy tích cực. Phải nhớ lại những điều tốt đẹp mà mình được hưởng trong cuộc sống, cũng nhớ đến trách nhiệm của mình với người thân để có những hành động đúng đắn...

Vấn đề quan trọng nhất là bạn tìm và có được một người bạn tin tưởng để lắng nghe và chia sẻ với bạn.

* Ở tuổi mới lớn, các bạn mong muốn được chia sẻ điều gì với gia đình và thầy cô? Chơi nhóm có tác động nhiều đến tâm lý các bạn?

- Phạm Kỳ-HS trường THPT NTMK: Điều tôi muốn được chia sẻ với gia đình và thầy cô đó là về bản thân tôi, học tập, bạn bè, tình cảm với người khác phái hay hạnh phúc gia đình. Nhưng việc đó không dễ dàng chút nào vì có thể về 1 vài mặt nào đó những suy nghĩ tuổi mới lớn của chúng tôi sẽ sai lệch với những suy nghĩ mà gia đình cũng như thầy cô mong muốn chúng tôi thực hiện.

Nên tôi cũng như những người bạn cùng tuổi muốn gia đình và thầy cô có thể chia sẻ với chúng tôi những vấn đề khá tế nhị như chuyện tình cảm trai gái ở tuổi mới lớn hay những vấn đề về bản thân chúng tôi.

* Các bạn nghĩ gì khi thời đại hiện nay các bạn trẻ đã yêu đương quá sớm mà không nghĩ đến chuyện học hành? (vo thi phuong thao, 16 tuổi, toighetcontrai_pt@)

- Phương Thanh, HS lớp 8: Tôi nghĩ những bạn yêu đương đến quên việc học đang lãng phí thởi gian của chính bản thân họ và nhầm tưởng những cảm xúc của tuổi mới lớn là tình yêu. Chúng ta nên cho các bạn ấy hiểu hiện tại việc học hành quan trọng hơn việc yêu đương vì một tình yêu mà không có tương lai sẽ chẳng đi đến quả tốt đẹp.

* Thưa cô, thực sự lúc này em rất rối loạn, về chuyện gia đình, đã có lúc em nghĩ đến cái chết... em đang sống trong tâm trạng lúc nào cũng lo lắng, suy nghĩ rất nhiều, em thấy rất hoang mang. (ĐÀO THU HẰNG, 18 tuổi, miencattrang_882002@)

- Th.sĩ Nguyễn Thị Oanh: Em không nói rõ điều gì làm em hoang mang lo lắng. Cô đề nghị em nên gặp một nhà tư vấn để có thể giãi bày trực tiếp.

Cái chết không giải quyết được gì hết. Thỉnh thoảng trong đầu chúng ta cũng có thể xuất hiện ý định tự tử nhưng mà đừng giữ nó một mình. Em cũng nên nghĩ rằng tự tử là giết đi một người, mình trở thành người có lỗi, và nhất là có lỗi với gia đình...

* Gửi Tóc Tiên: Vừa để học giỏi, vừa để hoạt động biểu diễn thành công, có phải là sức ép nặng nề cho bạn trong việc giữ gìn hình ảnh "thần tượng" đẹp của mình? Có khi nào bạn thấy bị sức ép và stress? Nếu có thì bạn giải quyết nó như thế nào?

- Ca sĩ Tóc Tiên: Đây là một câu hỏi mà Tóc Tiên vẫn thường được mọi người quan tâm. Quả thật, với vai trò là một ca sĩ tuổi mực tím, phải cố gắng hoàn thành tốt công việc của mình, đó là một áp lực nặng nề với Tóc Tiên.

Tiên thật sự không nhớ rõ mình đã làm gì để vượt qua những thời điểm khó khăn đó, có thể là khóc thật nhiều (nó giúp Tiên bớt căng thẳng), có thể là ngủ một giấc, có thể tâm sự với người bạn thân nhất của mình, cũng có khi Tiên đối mặt với những áp lực đó rồi tìm cách giải quyết... Có nhiều cách khác nhau tùy thuộc vào hoàn cảnh và tâm trạng Tiên lúc đó, nhưng có một điều chắc chắn là Tiên sẽ không bao giờ bỏ cuộc.

* Em muốn hỏi có nên chơi theo nhóm hay không?(15 tuổi, vinhbietngaythangbuon_2608@)

- Phạm Kỳ - HS trường THPT NTMK: Theo tôi việc chơi theo nhóm là rất tốt. Có rất nhiều PH không muốn con của mình chơi theo nhóm vì 1 lí do nào đó. Nhưng theo tôi việc tốt hay xấu đó là do những thành viên trong nhóm cũng như mục đích thành lập nhóm là gì.

Gia đình cũng như thầy cô nếu thấy việc con mình tham gia vào 1 nhóm nào đó với mục đích tốt thì cha mẹ cũng như thầy cô nên ủng hộ và khuyến khích. Đừng vì những suy nghĩ mang tính cổ hũ làm ảnh hưởng đến sự phát triển của con cái.

oiGK1igN.jpgPhóng to
Hai bạn Phương Thanh (bìa phải) và Phạm Kỳ tại bàn tròn trực tuyến - Ảnh: N.C.T
* Các bạn trẻ muốn gì ở người lớn nhỉ? (Nguyễn Hữu Phương, 58 tuổi tuổi, huuphuong7752@)

- Phạm Kỳ - HS trường THPT NTMK: Theo tôi những điều các bạn trẻ muốn ở người lớn đó là sự cảm thông sâu sắc về những suy nghĩ tuổi mới lớn cũng như mong muốn có được sự quan tâm chân thành từ cha mẹ chứ không chỉ khi chúng tôi mắc sai lầm rồi mới thể hiện sự quan tâm bằng cách la mắng chúng tôi, chúng tôi không muốn như vậy.

* Vì sao các bạn phải làm như vậy không còn lựa chọn lào khác hay sao? (ngô vản Đại, tuổi 26 tuổi, vân côn hoài đức hà tây)

- Phương Thanh - HS lớp 8: Không phải là không còn sự lựa chọn nào khác. Nguyên nhân vì các bạn ấy không nhìn thấy còn nhiều cách giải quyết tốt hơn. Thông thường mọi người nghĩ chết là hết tất cả, chết thì sẽ thôi đau buồn mà quên đi trách nhiệm bản thân đang gánh vác. Hành động dại dột như thế chỉ làm khổ những người còn lại, những người lặng lẽ nhìn các bạn ấy ra đi. Đó là kiểu trốn chạy cho thấy sự yếu đuối, hèn nhát.

Hãy sống ngay cả khi không thể, đừng bao giờ ngã gục ngay cả khi bất hạnh tưởng như làm cho ta không thể nào chịu nổi. Số phận sẻ mỉm cười với những ai can đảm, biết chịu đựng và hi sinh, biết sống vì người khác, tôi nghĩ vậy đó.

6sjAV73O.jpgPhóng to
TS Đinh Phương Duy
* Em chào các anh chị làm chương trình. Em có một số câu hỏi muốn nhận được sự giúp đỡ của các anh chị. Có nên yêu khi còn là học sinh không? Và làm thế nào để giữ được hình ảnh tốt trong mắt cô bạn gái mới quen? Em đã yêu một người nhưng bố mẹ em lại cấm em không đựơc yêu sớm, em muốn hỏi em có nên tỏ tình với bạn gái đó không? Em xin cảm ơn chương trình (tô ngọc hiếu, 17 tuổi, changhoangtu_gapmay_91186@)

- TS Đinh Phương Duy: Tình yêu là một hiện tượng bình thường của những người biết yêu. Khi một người có cảm xúc và tình cảm với một đối tượng nào đó thì bao giờ cũng mong muốn được nói ra. Không ai có thể cấm đoán học sinh yêu nhau, nhưng việc yêu sớm có thể ảnh hưởng đến việc học tập và những vấn đề khác của chính mình. Muốn giữ được hình ảnh tốt trong mắt bạn gái, em cần chứng minh sự học giỏi và sự mạnh mẽ của mình. Việc tỏ tình với bạn gái tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có việc chắc chắn rằng mình sẽ thành công. Tuy nhiên, nếu điều đó làm ba mẹ không vui lòng thì em cần cân nhắc.

AloI1uzd.jpgPhóng to
Ca sĩ Tóc Tiên - Ảnh: Nguyễn Hàng Tình
* Tóc tiên - bạn nghĩ thế nào qua cái chết của 5 nữ sinh? Nếu là bạn, bạn có hành động dại dột như thế không? (thu hà, 19 tuổi, thuha61245_1810@)

- Ca sĩ Tóc Tiên: Khi đọc bài viết trên báo Tuổi Trẻ, mình thật sự sốc và cảm thấy bất ngờ.

Bất ngờ vì không chỉ một mà đến năm nữ sinh chỉ mới 12, 13 tuổi mà đã dám hành động như vậy. Thú thật, nếu Tiên bị ba mẹ la mắng như trường hợp các bạn ấy, Tiên không có đủ "can đảm" nghĩ đến cái chết đâu.

Thật sự, đã và đang trải qua giai đoạn tuổi mới lớn nên Tiên hiểu và cảm thông cho những suy nghĩ của các em! Đây là giai đoạn quan trọng, là bước chuyển tiếp cho các em từ một đứa trẻ chuẩn bị thành người lớn. Các em, những tâm hồn khá nhạy cảm và dễ bị tổn thương! Chính vì vậy, tâm lý chung của các bạn lứa tuổi này là rất dễ tự ái khi bị tác động xấu từ bên ngoài (VD: những lời mắng chửi, lăng mạ, hạ nhục...). Sẽ là một điều dễ hiểu và dễ cảm thông hơn nếu những người lớn nhìn nhận các em từ góc độ đó. Nhưng, ba mẹ, bạn bè các em đã không cho các em ấy cơ hội... và chuyện đáng tiếc đã xảy ra.

Tiên không trách các em. Theo những thông tin trên báo, Tiên nghĩ hình như các em cũng bị ảnh hưởng khá nhiều từ phim ảnh, vả lại các em còn nhỏ. Theo Tiên, người lớn cũng có phần trách nhiệm nặng nề từ bi kịch trên...

* Tôi có lỗi với bạn tôi, một tội lỗi không thể nào quên được. Chuyện đó khiến tôi mất tự tin, dù vốn dĩ tôi là cô gái năng động trong lớp. Bạn tôi đã nói "Cậu có tin cậu mất tất cả không"... Tôi rất sợ. (trucnguyen, 18 tuổi, miyuko05)

- TS Đinh Phương Duy: Không ai là người tốt đẹp một cách tuyệt đối, người ta nói rằng, sai lầm mới là con người. Em đừng quá nhạy cảm, quá lo lắng về tội lỗi nào đó, vấn đề là em có đủ bản lĩnh để gạt bỏ tội lỗi đó trong tâm tư và trong ký ức của mình không. Nếu muốn, người ta có thể làm được mọi thứ, do đó, thiện chí và quyết tâm của em có thể làm tình hình trở nên sáng sủa hơn, em sẽ không bao giờ mất tất cả. Phía trước còn có sự nghiệp, bạn bè, và cả gia đình, mọi người sẽ sẵn lòng hỗ trợ và đồng hành với em.

aZvSvPbM.jpgPhóng to
Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh - Ảnh: Thanh Đạm
* Thực ra cháu muốn hỏi hộ bạn của cháu. Nó thần tượng 1 người, nhưng ba mẹ nó ngăn cấm. Cháu biết nó buồn nhưng cháu không có cách nào an ủi nó. Cháu phải làm sao đây? (La Cát tường, 14 tuổi, l_c_tuong@)

- Th.sĩ Nguyễn Thị Oanh: Nếu mà bạn của em thần tượng ai đó thì cũng không là gì xấu nhưng phải chừng mực thôi, đừng si mê quá, đừng bắt chước thì sẽ dẫn đến nhiều hành động không tốt. Em có thể khuyên bạn tìm thêm những sự say mê khác như học những môn mình yêu thích, văn nghệ, thể thao... thì ba mẹ sẽ yên tâm hơn...

* 5 cái chết đau thương này đã ảnh hưởng đến những suy nghĩ của các em cùng trang lứa và xã hội như thế nào? (Quynh Nguyen, 37 tuổi, qpicture@)

- Phạm Kỳ - học sinh trường THPT NTMK: 5 cái chết này như muốn nhấn mạnh lại sự thiếu quan tâm của gia đình, nhà trường, xã hội. Các bậc phụ huynh cần phải quan tâm hơn đến tâm lí của con em và nên có các biện pháp thật tốt để giúp cho con em cảm thấy được mình đang sống ở nơi tốt nhất, được quan tâm nhất và cảm thấy mình là người hạnh phúc nhất. Có lẽ các bậc PH sẽ không phải lo sợ mất đi con của mình nếu làm được những điều trên.

Hãy làm những điều mà sau đó mình sẽ không phải hối hận.

* Em đang rất buồn vì chuyện học hành không như ý muốn, có lẽ chính vì sự kỳ vọng quá nhiều của gia đình đã làm em cảm thấy hụt hẫng và chán nản. Vốn là người trầm tính, bây giờ em thấy mình càng ngày càng lầm lì hơn. Xin cho em một lời khuyên (phong, 22 tuổi, miennam05@)

- BS Đỗ Hồng Ngọc: Lời khuyên tốt nhất ở đây là khuyên các bậc phụ huynh của em. Bởi vì sự kỳ vọng của cha mẹ thì luôn luôn có nhưng sẽ trở thành gánh nặng, áp lực lên cho em. Nếu sự kỳ vọng đó không phù hợp với sở thích, năng khiếu của em. Có rất nhiều người không thành công trong trường học nhưng lại rất thành công trên trường đời. Sức ép của cha mẹ còn có thể làm em phản ứng lại bằng cách học kém đi một cách vô thức. Do vậy, em có thể tâm sự với một người thân như ông bà hoặc cô chú để qua đó thay đổi nhận thức của cha mẹ một cách khéo léo.

* Em năm nay thi tốt nghiệp và thi đại học. Tuy em học ở trường tốt nhất thành phố nhưng học lực em không được tốt. Ngày mai là thi tốt nghiệp rồi mà trong đầu em trống trơn. Nếu em rớt tốt nghiệp thì chỉ còn nước đi tự tử bởi vì không còn mặt mũi nào nhìn thầy cô, bạn bè. Em không chịu nổi ý nghĩ là ba mẹ em, thầy cô đầu tư tiền bạc, thời gian bao nhiêu mà em rớt tốt nghiệp... (Giang, 18 tuổi, freida@)

- Phương Thanh - HS lớp 8: Thay vì tốn thời gian vào ý nghĩ tự tử, bạn nên tìm cách để cải thiện việc học. Tiền bạc, địa vị, học lực tốt... những thứ đó khi mất sẽ lấy lại được nhưng mạng sống của bạn chỉ có một. Bạn không chịu nổi ý nghĩ ba mẹ, thầy cô đầu tư tiền bạc... thì ngược lại ba mẹ bạn cũng chẳng chịu nổi khi mất đi 1 đứa con. Nếu bạn rớt tốt nghiệp thì hãy tìm hiểu nguyên nhân và bắt đầu lại biết đâu bằng những nỗ lực, bạn sẽ không để những người thân thất vọng.

r5OjGjXS.jpgPhóng to
BS Đỗ Hồng Ngọc
* Em tôi 16 tuổi, cũng đã từng uống thuốc tự vận cách đây không lâu nhưng được GĐ đưa đi bệnh viện. Lỗi là ở em tôi nhưng GĐ thật không biết phải làm sao. Có hai cách là: 1. La rầy thì em tôi có khi nào lại tự tử lần nữa? 2. An ủi động viên. Tôi chọn cách này và đang làm thì dường như em tôi không nhận ra lỗi của mình. Liệu nó có biết GĐ lo lắng cho nó, và nó có biết cách chấp nhận sai lầm hay cứ cho là nó đúng? Xin tư vấn cách dạy bảo em tôi. (KHÁNH ĐAN, 24 tuổi, CANHLANXANH@)

- BS Đỗ Hồng Ngọc: Tốt nhất trong những trường hợp này là em bạn được tiếp xúc một tham vấn viên chuyên nghiệp, bởi vì họ có kỹ năng.

Mặt khác, trong gia đình rất khó tiếp xúc mà không mang những mặc cảm này khác. Chẳng hạn như bạn lo lắng đứa em sẽ tiếp tục tự tử trong khi thực ra đứa em không muốn chết mà muốn tìm một cách tốt đẹp hơn để thoát ra khỏi vấn đề bế tắc. Có thể bạn chưa hiểu hết, chưa thấy được vấn đề của em bạn.

* Nếu bạn đặt vào vị trí của các bạn trên, bạn sẽ làm gì khi bị cha mẹ la mắng? Gởi Tóc Tiên (Hân, 21 tuổi, neuchotoidieuuoc@)

- Ca sĩ Tóc Tiên: Khi bằng tuổi các bạn nữ sinh ở Hải Dương ấy, mỗi lần bị la mắng là Tiên thường... khóc! Một phản ứng rất bình thường phải không bạn! Sau đó, Tiên sẽ ngủ một giấc. Tiên thường làm như vậy vì theo "kinh nghiệm" Tiên thấy: khóc sẽ giúp bạn xả bớt một phần bực bội trong người, còn giấc ngủ sâu sẽ giúp bạn bình tĩnh hơn khi thức dậy.

Sau khi bị la mắng, tâm trạng Tiên thường bất ổn với mọi suy nghĩ "xấu xa" trong đầu! Nhưng khi ngủ dậy, Tiên thấy tỉnh táo hơn và nhận ra rằng sự việc cũng không quá nghiêm trọng như mình nghĩ! Những "xấu xa" cũng biến mất và mình lại là mình...

* Tại sao trẻ bây giờ không biết nhìn nhận được sự thiếu thốn của các bạn nhỏ hơn mình đang trong nạn đói khổ? (nguyenhang, 28 tuổi, nguyenhang197918@)

- Phương Thanh - HS lớp 8: nếu khẳng định giới trẻ bây giờ không biết nhìn nhận sự thiếu thốn của các bạn nhỏ hơn thì ý kiến đó hoàn toàn sai. Do họ có những suy nghĩ cá nhân, thiếu thông tin.

* Làm thế nào để ở tuổi này chúng em có thể sống thật với chính mình, có thể nói với ba mẹ rằng chúng em muốn sống 1 cuộc sống mà chúng em lựa chọn chứ không phải theo sự xếp đặt của ba mẹ? (huynh thi huyen trang, 16 tuổi, nhoc_lem_titi3535@)

- TS Đinh Phương Duy: Sống thật bao giờ cũng làm mình thanh thản, nhưng phải có phương pháp và niềm tin. Hãy nói chuyện với ba mẹ một cách tự nhiên về ước muốn, mong đợi của mình. Nếu không nói ra, ba mẹ sẽ không thể biết em nghĩ gì, nhưng đừng gây căng thẳng, đừng cố gắng đối đầu, sẽ dễ dẫn tới "chiến tranh lạnh". Em hãy chứng minh khả năng của mình bằng cách học tốt, thực hiện chu đáo các yêu cầu của gia đình để khẳng định niềm tin nơi ba mẹ. Điều đó sẽ làm ba mẹ tin em hơn, chịu lắng nghe em hơn và tôn trọng em hơn.

rpPcGMjy.jpgPhóng to
Ảnh Nguyễn Hàng Tình
* Tuổi mới lớn chúng ta có nên yêu và có bạn trai không? (van, 19 tuổi, dinhmenhbuon@)

- Ca sĩ Tóc Tiên: Một câu hỏi rất dễ thương! Theo Tiên thì hình như không có giới hạn nào cho tình yêu cả! Quan trọng là bạn phải biết đâu là "điểm dừng". Tiên không phản đối việc tuổi mới lớn có tình cảm với người khác phái vì đơn giản đó là một nhu cầu tự nhiên của con người! Nhưng tuổi mới lớn cần phân biệt rõ ràng giữa "thích" và "yêu". Sự ngộ nhận đôi khi gây ra những rắc rối đáng tiếc.

* Xin được đặt một câu hỏi nữa là chúng em hay bị áp lực về học tập vì yêu cầu của cha mẹ là phải học cho thiệt giỏi để bằng bạn bằng bè. Áp lực ấy đã khiến rất nhiều bạn trong lứa tuổi của chúng em tỏ ra rất sợ hãi và thường nghĩ bậy khi bị điểm xấu hay có vấn đề ở trường mà không dám bày tỏ với cha mẹ vì sợ cha mẹ đánh. Vậy những lúc như vậy chúng em nên làm gì? (hanh, 16 tuổi, thuankhiet_212@)

- BS Đỗ Hồng Ngọc: Học thiệt giỏi thì ai cũng thích thế nhưng tạo một áp lực quá lớn thì có hại cho sức khỏe thậm chí có thể đưa đến bệnh tâm thần như gần đây bệnh viện Tâm Thần thành phố đã lên tiếng báo động. Tình trạng trẻ bị áp lực đến nỗi phải muốn "chết cho sướng" đã xảy ra. Nhiều vụ tự tử của học trò may mà được cứu thoát nên không được lên tiếng trên báo chí để cảnh giác cả xã hội.

Bệnh tâm thần cũng ngày một phát triển, một phần cũng do các áp lực buộc các em phải học tập quá đáng không còn có thì giờ để giải trí, nghỉ ngơi. Nhớ rằng, quả tim của con người đủ sức mỗi ngày phải co bóp đưa hàng ngàn lít máu đi nuôi cơ thể là nhờ mỗi lần co bóp thì lại có một quãng thời gian nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ ngơi dài gấp đôi thời gian co bóp. Chính vì thế, mỗi tiết học có giờ nghỉ, mỗi năm học có nghỉ hè. Thế mà hiện nay, các em không được nghỉ hè mà phải học thêm liên tục thì lỗi ở đâu?

Tôi rất phục một phụ huynh đã có lần lên tiếng trên báo Tuổi Trẻ xin cho con mình được đứng hạng trung bình trong lớp để cháu có thì giờ nghỉ ngơi hơn là theo đuổi những "danh vọng hão huyền" ngay từ khi còn quá nhỏ.

* Thưa TS, em muốn hỏi, ở tuổi chúng em, tuổi nhạy cảm, hay nghĩ nhiều chuyện lung tung nên rất khó tập trung vào việc học. Em muốn hỏi làm cách nào để mình tập trung tuyệt đối trong lúc học bài. Em rất mong được sự giúp đỡ. Em cảm ơn (trang, 20 tuổi, xuongrongtrencat_0001@)

- TS Đinh Phương Duy: Sự nhạy cảm không phải lúc nào cũng làm con người trở nên lúng túng mà có thể trở thành môt điều kiện để khơi dậy tiềm năng và tăng tốc phát triển. 20 tuổi, nghĩ nhiều chuyện lung tung là điều bình thường khi em đang chuẩn bị đối diện với cuộc đời rất thực, rất đa dạng, v.v… Trong nhiều mối quan hệ, nếu biết chọn lọc những ưu tiên, chúng ta có thể sắp xếp thời gian để vừa học tốt, vừa thoải mái trong lúc thư giãn, giải trí. Em không nên quá căng thẳng lúc nào cũng nghĩ đến chuyện học mà cần "giờ nào việc nấy". Việc cân đối quỹ thời gian một cách chủ động sẽ giúp em "quẳng gánh lo đi" để học và chơi.

* Tại sao giới trẻ ngày nay dễ đi vào con đường lầm lỗi? Liệu những bậc phụ huynh đã hiểu hết những gì con em họ chưa? Hay chỉ là phần ít, con họ đang từng ngày lớn lên đổi thay những suy nghĩ mà họ không biết? (lethaison, 18 tuổi, huongvephiatruockt)

- Th.sĩ Nguyễn Thị Oanh: Chúng ta đang đứng trước nhiều sự thay đổi lớn, tuổi trẻ thu nhận thông tin từ nhiều phía, phụ huynh thì lại thường nhìn về quá khứ nên khoảng cách giữa hai thế hệ khá lớn nên dễ phát sinh mâu thuẫn. Vai trò của XH phải giúp rút ngắn khoảng cách này, như các nhà giáo dục, các nhà công tác XH...

Còn lý do mà một bộ phận giới trẻ đi vào con đường lầm lỗi là do mất niềm tin, dễ sa vào cạm bẫy, không được sự hỗ trợ của gia đình và XH.

* Mẹ lúc nào cũng mong em tốt nhất, từ việc học tập đến kỹ năng sống, mẹ đòi em phải hoàn hảo. Dù mẹ không biết em đã cố gắng hoàn thiện. Mẹ lúc nào cũng muốn em tốt hơn và tốt hơn. Em biết, mẹ chỉ muốn em tốt, nhưng điều đó làm em cảm thấy nặng nề hơn, và đó là một lực ép khiến em thấy khó chịu. Nhiều lúc, trong những cuộc tranh luận, em thấy mẹ sai, và chỉ muốn giành lại phần đúng của mình, nhưng em không biết xử sự thế nào cho phải, để không phải bị cho là hỗn... (Chris, 14 tuổi, chocolates_smee@)

- Th.sĩ Nguyễn Thị Oanh: tôi rất đồng cảm với cảm giác bị sức ép của em. Nhưng người mẹ nào cũng muốn con mình tốt hơn thôi. Do vậy, em nên chọn lúc nào mẹ vui, tâm sự nhẹ nhàng những điều em thấy là đúng và chưa đúng. Hoặc em có thể khéo léo nhờ một người lớn (như bố chẳng hạn) để giúp em trong việc gần gũi, chia sẻ với mẹ.

* Những năm gần đây, khi kinh tế - xã hội phát triển, tầng lớp thanh thiếu niên, đặc biệt là tuổi mới lớn có điều kiện tiếp cận với công nghệ thông tin-internet, có người vì mục đích phục vụ cho đời sống, học tập; có người truy cập những trang web không lành mạnh, trụy lạc... gia đình quản lý không chặt dẫn đến một bộ phận tuổi mới lớn không biết phân tích, học đòi người lớn dẫn đến không làm chủ được mình dấn thân vào con đường sa đọa, trụy lạc rất nguy hiểm cho tương lai của đất nước. Vậy hiện nay đã các tổ chức đã có những biện pháp gì để giáo dục, ngăn chặn? (thanh, 25 tuổi, liemcd@)

* Má em cho rằng việc em lên mạng là sai, quá nhiều. Còn em lại không cho là vậy. Một ngày em lên 1 tiếng. Thời buổi này, ai cũng phải có hòm thư, và nên kiểm tra nó mỗi ngày, em thấy mình tự biết cân nhắc bàn thân. Em lên mạng cũng ít khi chat, em chỉ thường viết nhật ký (blog) và nghe nhạc đối với em như vậy là không có gì, còn mẹ thì không. Mỗi lần em làm gì có lỗi thì mẹ đều cho rằng là tại em lên mạng quá nhiều, xin cho em biết ý kiến. (Hanh, lớp 8 tuổi, king_nkh@)

- TS Đinh Phương Duy: Internet là một phương tiện cần thiết giúp con người tiếp cận với thông tin và Kĩ thuật hiện đại. Việc sử dụng Internet như thế nào và nhằm mục đích gì mới ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực.

Người lớn không thể dùng các biện pháp hành chính để cấm đoán các bạn trẻ truy cập vì hiện nay các cháu có khi giỏi hơn chính bố mẹ mình, các cháu có thể lên mạng bất kỳ nơi nào, bất kỳ ở đâu.

Nếu các cháu được giáo dục tốt, nhận thức được ý nghĩa của sử dụng Internet và đặc biệc với khả năng "miễn nhiễm" các cháu sẽ biết cách chọn lọc những thông tin có lợi cho việc học và giải trí của mình. Các bậc cha mẹ nên yêu cầu các cháu thông báo thời khóa biểu học tập, cho phép các cháu tiếp cận với kĩ thuật hiện đại thì sẽ giúp các cháu tiến bộ nhanh hơn. Việc cấm đoán có thể làm tăng thêm tính tò mò và sự hiếu động của các cháu nhưng không nên tốn quá nhiều thời gian cho việc lên mạng.

* Em phải làm gì để bảo vệ mình trước những cám dỗ? (hoang lap, 19 tuổi, hoanglap81@)

- Th.sĩ Nguyễn Thị Oanh: Trước tiên bạn phải biết quý trọng bản thân mình và nghĩ đến tương lai. Quan trọng là mình sống phải có mục đích, hoài bão. Để đạt những mục đích đó thì những gì là cám dỗ sẽ nhẹ đi. Còn nếu mình không có mục đích rõ rệt, không quý trọng những giá trị bản thân thì sẽ dễ sa đà vào những điều không tốt.

Điều cuối cùng tôi muốn chia sẻ với diễn đàn là, các bạn trẻ nên sẵn sàng mở lòng mình và tìm đến với người lớn đáng tin cậy để chia sẻ; còn người lớn thì nên tìm hiểu người trẻ nhiều hơn qua những kênh thông tin khác nhau.

* Bạn xử sự thế nào những khi bị bố mẹ la mắng mà cảm thấy oan ức?

- Phương Thanh (HS lớp 8 trường Sương Nguyệt Anh) : theo em thì chúng ta nên lắng nghe những điều bố mẹ nói và thẳng thắn nói lên suy nghĩ của bản thân em, nhưng điều quan trọng nhất là phải giữ được bình tĩnh, mọi sự nóng giận lúc này chỉ làm sự việc thêm căng thẳng.

Nhưng người trẻ có biết nỗ lực làm bạn cùng con của cha mẹ mình...

* Con học lớp 8, có hiện tượng lười học, nói dối, cho đi trại hè cũng không đi, bắt đầu mê games online, nói năng cộc lốc , muốn gần gũi cũng khó, phân công việc nhà làm miễn cưỡng, nói ngọt có lúc nghe có lúc không. Nói nhiều sợ cháu nhàm chán, có cách gì giúp cháu bớt mê games, và ham học lại?(trương thị Nghĩa, 47 tuổi, nghiappip@)

- Th.sĩ Nguyễn Thị Oanh: Ở lứa tuổi này, trẻ đang có nhiều biến động và môi trường tác động đến trẻ nhiều lắm. Cha mẹ cũng cần phải nghiêm túc xem xét đến cách giáo dục con, lúc thì quá cứng, lúc thì quá mềm... Cách tốt nhất là phải đối thoại với con một cách mềm mỏng để biết con muốn gì, đang cần gì... Nhưng nếu gặp vấn đề thực sự rắc rối, thì bạn và con cần đến gặp nhà tư vấn để bạn và trẻ có thể nói ra những vấn đề đang gặp phải.

Để làm những điều này, cha mẹ cần phải kiên trì, khen thưởng con khi con làm được những điều tốt, la rầy con phải biết cách, như trao đổi nhẹ nhàng, gợi lên tính tích cực của con...

mRSmoekD.jpgPhóng to
BS Đỗ Hồng Ngọc đang trả lời thắc mắc của bạn đọc - Ảnh: N.C.T.
* 1. Xin cho biết tuổi mới lớn có những rối loạn gì về tâm, sinh lý; 2.Làm sao người lớn nắm bắt được những vấn đề này khi xảy ra? Và khi đã biết được rối loạn, cần làm gì để giúp trẻ vượt qua? (Lại mạnh Khang, 18 tuổi, vulan_64@)

- BS Đỗ Hồng Ngọc: Tuổi mới lớn, từ 10 đến 19 tuổi là một giai đoạn hết sức đặc biệt, chuyển tiếp từ một em bé thành một người lớn, sự kiểm soát ở bên ngoài (gia đình, trường học) đã được thay thế bởi sự tự kiểm soát ở bên trong. Do cần phải có thời gian để sự kiểm soát này trở nên có hiệu quả thì đây là một giai đoạn có nhiều nguy cơ.

Có những thay đổi đột ngột về thể chất, cảm xúc và tính dục. Sự thay đổi về thể chất như cao lớn, phát triển giới tính dễ gây sự sợ hãi, lo lắng, tò mò. Đặc biệt là về phát triển tính dục sẽ tạo ra những ham muốn về tình dục, thậm chí dẫn đến những hoạt động và lạm dụng. Về cảm xúc, thì đây là một tuổi có nhiều lý tưởng lãng mạn, rất dễ hoang mang. Và đặc biệt là rất chủ quan. Chính vì những yếu tố này rất cần có sự hiểu biết giữa gia đình và xã hội và các em để có thể tạo nên sự hỗ trợ cân bằng.

Hiện nay, lứa tuổi vị thành niên rất được sự quan tâm nhưng vẫn chưa thỏa đáng. Ví dụ ngành y tế mặc dù đã đề ra những dịch vụ sức khoẻ vị thành niên nhưng vẫn mới chỉ là thí điểm. Tại các trường học, hiện nay vẫn chưa có hệ thống tham vấn riêng phù hợp để làm chỗ dựa cho các em. Trong khi đó, sách báo, phim ảnh có thể đưa tới những suy nghĩ lệch lạc làm cho các em càng sống xa thực tế. Như trong trường hợp 5 em vừa mới tự tử rất đáng tiếc xảy ra ở Hải Dương rất có thể do những ảnh hưởng của phim ảnh qua các hiện tượng như cắt máu ăn thề, "phúc cùng hưởng, họa cùng chịu", coi cái chết nhẹ như lông hồng...

Thực ra, các em đã có cảm tưởng là bị nhiều bế tắc trong cuộc sống, đã không được sự quan tâm chăm sóc của gia đình như ý các em mong ước. Các em muốn tìm một lối thoát chứ không hẳn là tìm cái chết nhưng vì chịu ảnh hưởng của nhóm bạn cộng với tác động của sự lãng mạn trong phim ảnh và thiếu sự giúp đỡ của người thân, của một người nào đó mà em tin cậy để bày tỏ và chia sẻ thì em sẽ tìm được giải pháp tốt hơn.

Tục ngữ của ta có câu: "Mất cha còn chú, xảy mẹ bú dì", nếu các em có một chỗ nào đó để bám víu nương tựa thậm chí là một người bạn lớn tuổi, một bậc lãnh đạo tôn giáo, một người thầy cô mà em quý mến, dành nhiều thì giờ để lắng nghe, biết tôn trọng ý kiến của em và hết sức chân thành quan tâm đến vấn đề của em thì sự việc có thể được giải quyết.

* Làm cách nào để thực sự nghe những tâm sự thật lòng của những thiếu niên có biểu hiện... như thế? (Tâb, 21 tuổi, katanvn@)

- Phương Thanh - HS lớp 8: Theo suy nghĩ của riêng tôi thì cách tốt nhất là tạo cho những đối tượng như thế cảm giác an tâm và tin tưởng, lòng chân thành và sự chia sẻ là những yếu tố cần thiết giúp họ cảm thấy bớt cô đơn và phần nào thôi nghĩ đến những ý nghĩ bi quan.

* Tôi rất quan tâm đến con cái, nhưng làm sao để nhận biết tâm lý khác lạ của trẻ? (Ngyuễn Bá Thể, 34 tuổi, ba_theossc@)

* Tôi thật sự bàng hoàng và đau xót trước sự việc này. Tôi cũng có con trai học lớp 7, đúng là cái tuổi chưa lớn hẳn và không còn trẻ con nữa. Tôi thật sự lo lắng vì không biết trước diễn biến tâm lý của các cháu. Hãy cho tôi một lời khuyên nên cư xử thế nào khi cháu mắc lỗi... (Nguyễn Minh Hường, 37 tuổi, m_huongvtv@)

* Tôi có đứa cháu trai. Năm nay đang học lớp 8, cháu có những biểu hiện làm tôi không thể nào hiểu được. Cháu tự nhiên bắt chước chúng bạn bấm lỗ tai, nhuộm tóc... những điều này làm tôi không thể chấp nhận được và đã la và đánh cháu. Tra hỏi mãi cháu mới nói là tự cháu bấm và nhuộm tóc, thế là tôi bảo cháu phải trả lại mái tóc đen như ngày nào. Cháu rất ngoan nhưng dạo này không thể hiểu nổi những việc làm của cháu. Tôi muốn được lời khuyên và hướng dẫn từ TTO. Tôi chân thành cảm ơn (voquanghop, 28 tuổi, voquanghop@)

- BS Đỗ Hồng Ngọc: Xin chia sẻ nỗi lo âu của các bậc phụ huynh. Có nhiều cách để tiếp cận hiệu quả với trẻ, vấn đề chính là hiểu được tâm lý phát triển lứa tuổi và nhớ lại tuổi mới lớn của bản thân chúng ta. Tuy vậy, môi trường xã hội hiện nay đã khác xa với thời của chúng ta do vậy phải tập nhìn với đôi mắt mới.

Những dấu hiệu dễ nhận thấy trẻ có nguy cơ tự tử:

- Tình trạng trầm cảm, suy sụp kéo dài nhiều tuần, nhiều tháng

- Thình lình phấn chấn một cách bất thường (có vẻ như đã tìm ra một giải pháp tốt để giải quyết bế tắc)

- Thường nói nhiều về cái chết, về các cách tự tử...

- Đem tặng hết các đồ đạc vốn lâu nay coi là quý báu của riêng mình.

- Đột ngột lơ là, từ bỏ, xa lánh bạn bè, người thân.

- Thay đổi hành vi như đang học giỏi bỗng sút kém đột ngột, tính tình điềm đạm bỗng quá khích, gây gỗ, cứng rắn, lạnh lùng.

Trong những trường hợp như vậy, thì phải coi là hết sức nghiêm trọng, thẳng thắn nói ra với trẻ, hoàn toàn không đùa mà phải hết sức nghiêm túc, tìm cho trẻ một lối thoát bằng cách nhờ một người khác khéo léo tiếp cận để giúp trẻ nếu bản thân mình không thể trực tiếp giao tiếp một cách có hiệu quả.

Nếu bạn bè hoặc người thân biết được ý định này của trẻ thì tức khắc bộc lộ để cha mẹ trẻ, người nhà hoặc thầy cô được biết. Trong trường hợp này không cần phải giữ bí mật. Thậm chí trẻ có trách cứ, giận hờn cũng mặc vì sau này trẻ sẽ hiểu.

Ở các nước tiên tiến, có hệ thống đường dây nóng 24/24 dành cho những tình huống trẻ muốn tự tử tiếp xúc bất cứ lúc nào để tham khảo ý kiến. Và đây là cơ hội rất tốt để tham vấn viên tích cực tham vấn các em.

BS Đỗ Hồng Ngọc

Trong trường hợp cháu bé có những dấu hiệu nguy cơ thì cũng rất dễ nhận ra. Các nghiên cứu gần đây cho thấy ở lứa tuổi vị thành niên cảm xúc mạnh mẽ dẫn đến việc tự tử có một tỷ lệ rất cao thậm chí có đến 30% có một ước muốn "chết còn sướng hơn" hoặc là "muốn chết cho rồi". Khoảng 15% đã có ý định thực sự muốn tự tử và có khoảng 6% đã có hành vi tự tử. Có rất nhiều trường hợp có thể nói là lạ lùng như nấu cơm khét bị mẹ rầy.

Thường thường có những "tiền triệu", tức là những triệu chứng ban đầu có thể giúp nhận ra khi trẻ muốn "thực hiện hành vi tự tử" chẳng hạn: có vẻ buồn chán kéo dài, luôn luôn than thở là không ai quan tâm, muốn chết cho rồi... Thường cha mẹ hoặc người lớn cho rằng trẻ đùa giỡn hoặc nói lẫy, thực ra sự việc nghiêm trọng hơn ta tưởng. Khi có một sự kiện gì đó thúc đẩy như giọt nước làm tràn ly thì hành vi tự tử rất dễ diễn ra.

Thường có một tình trạng suy sụp kéo dài khá lâu, có cảm giác bế tắc đối vẻ trẻ mới lớn thì sự thiếu tiếp xúc với cha mẹ gần như là một lý do thường gặp nhất vì trẻ có cảm giác bị bỏ rơi, người lớn chỉ biết chạy theo chuyện làm ăn, không quan tâm đến cảm xúc của trẻ. Tự tử lúc đó đối với trẻ như là một giải pháp duy nhất để giải thoát vấn đề.

* Thưa Cô Oanh, qua câu chuyện của 5 em gái HS lớp 7, chúng ta phải thừa nhận một điều rằng khó có thể kiểm soát nổi hành vi "nổi loạn" của lứa tuổi này. Trong bối cảnh của thời đại hiện nay, chúng ta lại càng khó "quản lý" chúng về mặt tinh thần. Vậy về lâu dài chúng ta có biện pháp nào để phụ huynh thấu hiểu (insight) chúng một cách kịp thời cũng như lâu dài, nhằm ngăn chặn những hành động rất bồng bột như chuyện vừa qua? (Nguyễn an Tim, 38 tuổi, hifigallery@)

- Thsĩ Nguyễn Thị Oanh: Việc đầu tiên, ngày nay, người ta nhấn mạnh sự đối thoại giữa cha mẹ và con cái. Cha mẹ phải biết làm bạn với con. Đừng có hành vi la mắng quá trớn để con không thể nói được gì. Phải thông cảm vì ở tuổi này trẻ phát triển cũng có nhiều biến động.

Càng ngày, trẻ càng hành động một mình, kỹ năng sống sẽ giúp cho trẻ hành động đúng và nói không với cái xấu. Vấn đề trang bị kỹ năng sống cho trẻ hết sức quan trọng. Còn việc trang bị những điều này thì cần phải hết sức linh hoạt và đúng phương cách thì mới giúp trẻ tiếp thu hiệu quả chứ không phải giảng dạy theo kiểu "đọc chép" thụ động...

* Văn hoá phương đông hay dạy con cái bằng đòn roi, còn văn hoá phương tây dạy con cái bằng lý lẽ và trao đổi tìm hiểu tâm tư nguyện vọng con cái một cách thẳng thắn không gia quyền! Vậy làm thế nào chúng ta giảm khoảng cách này? (phu, 29 tuổi, phutiudiucoc@)

- Th.sĩ nguyễn Thị Oanh: Tôi rất thích câu hỏi này vì giáo dục bằng đòn roi đã lỗi thời quá rồi. Còn muốn giáo dục bằng lý lẽ thì phải học nhiều điều. Ở nước ngòai thì có những trường Parenting School, dạy nhiều kỹ năng toàn diện cho cha mẹ. Nếu ở VN, muốn như thế thì chúng ta phải đầu tư nhiều. Ở VN, thường tưởng thương thì cho roi cho vọt nhưng trẻ ngày nay thì không thể chấp nhận được điều đó vì đã tiếp xúc nhiều luồng thông tin giáo dục trẻ ở nhiều nước. Tóm lại, vấn đề ở nhiều phía, chứ trách nhiệm không riêng gì ở cha mẹ.

- TS Đinh Phương Duy: Phương đông và phương tây có những phương pháp giáo dục HS tuỳ thuộc vào đặc thù của các nền văn hoá.

Tuy nhiên, không phải phương đông chỉ dạy con cái bằng đòn roi. Các bậc cha mẹ dạy con theo kinh nghiệm và luôn luôn có khuynh hướng hướng thiện. Để thay đổi phương cách giáo dục là một yêu cầu cấp thiết, nhưng cần phải có thời gian... Ngày nay, người lớn nói chung và cha mẹ nói riêng đã có ý thức lắng nghe con trẻ và đã cải thiện quan hệ tích cực giữa cha mẹ và con. Nhiều lớp trang bị kỹ năng làm cha mẹ đã được tổ chức, thu hút đông đảo các bậc cha mẹ tham dự; điều này khẳng định xu thế hướng tới nguyện vọng của con cái nhiều hơn.

* Tôi có một con trai năm nay 15 tuổi, lực học của cháu đều đạt khá, giỏi, về cơ bản cũng dễ bảo, không cãi lại cha mẹ nhiều, nhưng cứ ý mình làm, nếu không có sự giám sát của gia đình cháu có những hành động rất khó quản lý, nguy hiểm. Về phía gia đình tôi vẫn mắng, có cả phân tích nhưng không thấy cháu tập trung cao trong học tập. Tôi muốn xin được tư vấn về các lĩnh vực sau: ở tuổi của cháu thì tôi phải làm gì để cháu tập trung cho học tập, gần gũi hơn trong tình cảm với cháu. (Minh Mai, 35 tuổi, toibuon_dbp@)

- TS Đinh Phương Duy: Cháu đang trong giai đoạn hình thành cái tôi, khẳng định bản sắc của một thanh niên mới lớn, do đó thường thể hiện khuynh hướng độc lập, tự lập, và hay tranh luận. Việc gia đình vừa mắng vừa phân tích sẽ không có nhiều tác dụng vì lúc đó, cháu đang đứng ở "phía bên kia" để bảo vệ giá trị của mình, đó là một cơ chế tự vệ ở tuổi vị thành niên. Tuy chưa lớn, nhưng không nên đối xử với cháu như một đứa bé. Gia đình cố gắng thể hiện sự quan tâm và đánh giá cao giá trị của cháu bằng cách trao đổi để thoả thuận với cháu về một số công việc gia đình hoặc các lựa chọn của cháu trong học tập. Gia đình cũng tìm cách giúp cháu giảm bớt sự căng thẳng từ áp lực học tập thông qua các hình thức sinh hoạt cả nhà, dành thời gian nhiều hơn để hiểu được mong muốn sở thích của cháu. Điều này sẽ làm cháu có cảm tưởng mình được cha mẹ hiểu và thông cảm

* Qua vụ việc trên có nên thành lập một câu lạc bộ tìm hiểu tuổi mới lớn cho các bậc phụ huynh hay không? Như làm thế nào để các cha mẹ quan tâm khi kiếm tiền cho con ăn, học, làm giàu là chính còn quan tâm đến tâm lý con chỉ đứng hàng thứ yếu? (Vu Thi Thuy Huong, 24 tuổi, Huonghoa_hdh@)

- Th.sĩ Nguyễn Thị Oanh: Chúng ta nên nhờ đến các Hội Phụ huynh ở trường, hoặc các tổ chức phụ nữ của phường... tổ chức thêm những buổi nói chuyện, tìm hiểu thêm về tâm lý của tuổi mới lớn. Cha mẹ nếu hiểu được nhu cầu tìm hiểu tâm lý của con cái sẽ bớt việc chạy theo mục đích kiếm tiền, để từ đó gần gũi và hiểu con hơn.

* Mẹ cháu là một người tương đối hiền lành nhưng khi cháu làm sai việc gì là mẹ lại la mắng và sỉ nhục cháu rất nhiều. Xin hỏi cháu phải làm sao đây? (Lam Minh Phuong, 15 tuổi, minhphuonglam@)

- TS Đinh Phương Duy: Người mẹ nào cũng muốn con mình học hành tiến bộ và thành đạt trong công tác. Do đó, thường có những phản ứng không hài lòng khi con cái có những hành vi sai trái. Mỗi người có một kiểu phản ứng khác nhau tuỳ thuộc vào tính khí và tâm trạng của họ lúc đó. Có thể mẹ cháu quá bức xúc nên không thể kìm chế cảm xúc và đã làm cháu cảm thấy bị sỉ nhục.

Đó là điều mẹ không muốn, nhưng vì phương pháp thể hiện đã gây tổn thương cho cháu. Hãy bình tĩnh đối diện với mẹ trong những lần bị la mắng như vậy, không tìm cách cãi lại hoặc là chối bỏ khuyết điểm. Lúc mẹ đã nguôi giận, cháu có thể nói chuyện với mẹ một cách thoải mái, thẳng thắn để mẹ hiểu tâm trạng và ý nguyện của cháu. Chú tin rằng, với tình yêu thương thiêng liêng, mẹ cháu sẽ hiểu ra và thay đổi cách thức.

7A9H6S3f.jpgPhóng to
Quang cảnh buổi bàn tròn trực tuyến - Ảnh: N.C.T.
* Làm thế nào để luôn trở thành người bạn tâm tình của con gái mới lớn của mình? (Nguyễn Thị Ngọc Mai, 41 tuổi, Nguyen_mai1107)

- Phương Thanh - HS lớp 8: Thep suy nghĩ của em, ba mẹ nên biết lắng nghe, thấu hiểu những gì con nói và ủng hộ con hết mình ở những việc làm đúng và đừng bao giờ nghĩ rằng đó là sự cưng chiều con hay nô lệ con cái. Tạo cho con cái niềm tin và trách nhiệm cũng là cách cho con thấy rằng sự tồn tại của con không vô nghĩa.

* Tôi muốn hỏi là vì sao ở lứa tuổi mới lớn con người ta lại dễ bị "sang chấn" như vậy và nếu khi đã bị "sang chấn" thì nên giải quyết thế nào cho ổn thoả nhất? Rất mong nhận được sự giúp đỡ của những chuyên gia tâm lý! (Trần văn toàn, 46 tuổi, darlingangel)

- TS Đinh Phương Duy: Sự "sang chấn" có thể xuất hiện khi con người cảm thấy thiếu tự tin và mất phương hướng, mất chỗ dựa tinh thần. Các bạn trẻ thường có những ước vọng lớn, nhưng khả năng "chưa đủ tầm" để thực hiện ước vọng này. Do đó, các bạn dễ hụt hẫng, chao đảo, thất vọng, "sang chấn" khi gặp thất bại. Khi đã bị "sang chấn", hãy cố gắng tiếp nhận sự kiện một cách thanh thản, không quá căng thẳng, dành nhiều thời gian để thư giãn làm quân bình đời sống tinh thần. Mặc khác, để giải quyết ổn thoả vấn đề này, chúng ta cần đơn giản hoá vấn đề để có thể thấy nhẹ nhõm nếu mình lại thất bại.

* Con gái mình đang học lớp 11 không thích ở gần mẹ thích đi xa, tôi không biết hiện nay cháu đang nghĩ gì. Cám ơn (Nguyễn Thị xuân Mai, 50 tuổi, mạis2512@)

* Phương pháp nào hữu hiệu để có thể giúp người lớn đồng cảm được với các em tuổi mới lớn, khi đa số những người lớn thường không chịu lắng nghe hay thường cáu gắt trước những suy nghĩ của tuổi mới lớn. Lấy ví dụ là tuổi mới lớn thường muốn khám phá về sinh lý tuổi dậy thì, nhưng người lớn thì lại ít tán thành về vấn đề đó háy thường mặc cảm... (nguyễn bá cừ, 26 tuổi, bacuco_cntp@)

* Con trai tôi 17 tuổi, ngoan và giỏi (cháu học lớp 11 LHP). Chỉ tội lúc này cháu hay phản ứng với tôi như: Tại sao các bạn được tự đi xe đi học còn con lại không được? Tại sao ai cũng được tự do đi chơi còn con đi phải có mẹ?... Sức học của cháu tốt nhưng sao có lúc lại bị điểm kém. Tôi lo quá! Tôi chỉ có mình cháu và tôi rất thương cháu. Thế nhưng tôi phải làm sao đây? Đó có phải là dấu hiệu cháu bắt đầu hư không? Tôi mong nhận được lời khuyên của các chuyên gia tâm lý. Xin cám ơn (Hân Minh, 45 tuổi, phuonglt@)

- BS Đỗ Hồng Ngọc: Cái khó trong việc giao tiếp giữa cha mẹ và con cái trong gia đình là do có khoảng cách giữa hai thế hệ. Khi con cái đến tuổi vị thành niên thì cha mẹ cũng bước vào tuổi có những vấn đề riêng khó khăn của mình, không chỉ là vấn đề kinh tế mà vấn đề sinh học, kích thích tố. Trong rất nhiều gia đình, cha mẹ và con cái khó "nói chuyện" với nhau nhưng đứa trẻ vẫn có thể tiếp xúc được với những người thân khác như ông bà, cô dì, cậu, chú... Ở đây có một yếu tố rất quan trọng là vì không phải là cha mẹ nên những người thân này dễ bình tĩnh, chịu khó lắng nghe và điều này giúp trẻ tự tin để bày tỏ.

Tìm hiểu về sự khó khăn của trẻ khi tiếp xúc với cha mẹ, người ta thấy lỗi thường gặp của các bậc cha mẹ khi trao đổi với con cái là thường: ra lệnh, hăm dọa, cảnh cáo, thuyết giảng, khuyên, lên lớp, phán xét, chỉ trích... nhiều khi chế nhạo, thậm chí hạ nhục với những lời lẽ rất khó nghe. Ngoài ra, còn thường có tâm lý muốn dò xét, thẩm vấn làm cho trẻ rất khó chịu. Cũng có trường hợp dùng những lời ngọt ngào khen tặng không đúng lúc, trẻ sẽ đánh giá là không thật sự chân thành do vậy cuộc trao đổi sẽ dẫn đến thất bại.

Người ta thấy những giao tiếp thành công là khi trẻ cảm thấy được lắng nghe, chấp nhận và tôn trọng trẻ như là một cá nhân có những ý kiến riêng của mình.

* Với vai trò làm công tác tâm lý giáo dục, TS có đưa ra lời khuyên gì cho gia đình không? (cho, giade@)

- TS Đinh Phương Duy: Gia đình - nơi đầu tiên ươm mầm ước mơ cho con người, gia đình có ý nghĩa rất lớn trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách. Hãy quý trọng các giá trị truyền thống của gia đình, hãy tận dụng sức mạnh tình cảm từ sự thiêng liêng trong quan hệ gia đình, để gây ấn tượng giáo dục đến các thành viên. Gia đình hạnh phúc là điều kiện tốt đẹp để có được những người con tài năng và thành đạt. Các bậc cha mẹ có thể tìm hiểu để học cách làm cha mẹ trong thời đại mới.

* Thưa Thạc Sĩ Nguyễn Thị Oanh, làm thế nào để biết được những diễn biến tâm lý bất bình thường của tuổi mới lớn khi lứa tuổi này rất ít bộc lộ ra bên ngoài hoặc tâm sự với người lớn như cha mẹ, thầy cô? (Cavienchien, 24 tuổi, ttmidung@)

- Th.sĩ Nguyễn Thị Oanh: Khi thấy con cái thường biểu hiện vui buồn như là vào phòng, đóng cửa lại, bạn cũng không nên tra hỏi, mà hãy tỏ ra rất quan tâm, chia sẻ với con. Thái độ thấu cảm (đặt mình vào người khác) với con là rất quan trọng, để từ đó con cái chia sẻ; không có la rầy gì khi thấy con có những diễn biến tâm lý bất thường.

Tôi thật sự lo lắng trước những gì đã và đang xảy ra. Gia đình tôi có 02 con gái: con đầu năm nay thi vào Đại học, con thứ hai năm này vào lớp 5. Tôi có một câu hỏi có nên trao đổi trực tiếp với các cháu hay không, vì sau khi đọc bài báo về 05 em học lớp 7 tự tử có nhiều ý kiến không nên cho con cái biết sợ ảnh hưởng và lấy đó để gây áp lực với gia đình, và nếu cho các cháu biết (và có lẽ các cháu sẽ biết), vậy phải giáo dục và tư vấn cho các cháu sao đây (Nguyễn Đình Chi, 46 tuổi, dinhchi @ đbt - QNa)

- BS Đỗ Hồng Ngọc: Sự lo lắng của các bạn là hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên cũng có thể hiểu rằng đây là một cơ hội rất tốt để cha mẹ có dịp bàn bạc, thảo luận với con cái nhân sự kiện này để từ đó hiểu con cái hơn và con cái cũng hiểu cha mẹ hơn. thấy được tình thương và trách nhiệm của cha mẹ. Và riêng trẻ cũng sẽ thấy trách nhiệm của mình với các bậc sinh thành.

Tôi nghĩ rằng những ngày này, rất nhiều gia đình đã đưa vấn đề này ra để thảo luận giữa cha mẹ và con cái, giữa các bậc cha mẹ với nhau và chắc chắn đã có những cuộc thảo luận nghiêm túc trong các trường hợp để thấy vai trò và trách nhiệm của các thầy cô

Trở lại trường hợp nhóm học sinh lớp 7 ở Hải Dương, tôi nghĩ nếu nhà trường có những "sân chơi" phù hợp với các em thí dụ như sinh hoạt văn nghệ, báo chí, CLB thơ văn... sẽ thu hút một số các em có tâm hồn lãng mạn tham gia. Đó cũng là một cách để các em có chỗ phát huy năng khiếu, bày tỏ những ẩn uất chất chứa trong lòng. Cũng vậy, các CLB thể dục thể thao sẽ giúp cho các em có năng khiếu và sở thích có dịp thi thố tài năng và rèn luy

Thật sự các em không phải là người có lỗi khi quyết định đi đến cái chết?
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên