Thắc mắc trên được học sinh gửi đến ban tư vấn Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp do báo Tuổi Trẻ phối hợp các đơn vị tổ chức.
PGS.TS Vũ Thị Hiền, trưởng phòng quản lý đào tạo Trường đại học Ngoại thương, tư vấn:
Ở Trường đại học Ngoại thương, Kinh tế đối ngoại là một chuyên ngành thuộc ngành Kinh tế, còn Kinh tế quốc tế là một ngành độc lập. Điểm khác nhau là Kinh tế đối ngoại là một chuyên ngành kinh tế theo hướng ứng dụng, trong khi Kinh tế quốc tế lại có định hướng nghiên cứu.
Cấu trúc các môn của Kinh tế đối ngoại gồm có 50% kiến thức vĩ mô và 50% kiến thức vi mô, liên quan đến kinh doanh. Cấu trúc của Kinh tế quốc tế lại có tỉ lệ 70% kiến thức vĩ mô và 30% kiến thức về kinh doanh, quản trị…
Học Kinh tế quốc tế, sinh viên được trang bị nhiều lý thuyết nền tảng, công cụ định lượng, nghiên cứu về kinh tế ở tầm vĩ mô, giúp sinh viên vững vàng trong các vị trí việc làm như các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia nghiên cứu, tư vấn trong lĩnh vực kinh tế quốc tế.
Còn học Kinh tế đối ngoại, cơ hội việc làm khá đa dạng trong cả khu vực công và khu vực tư.
Các em có thể vào website của các trường, mục tuyển sinh để xem mô tả về các ngành/chuyên ngành để biết thêm. Tuy nhiên những ngành trong cùng lĩnh vực có thể có những điểm giao thoa về nội dung kiến thức bên cạnh những sự khác biệt.
Bạn đọc có những thắc mắc về thông tin tuyển sinh năm 2023, xu hướng nghề nghiệp, những ngành nghề mới, cũng như những vấn đề liên quan giáo dục... có thể gửi email đến hộp thư giaoduc@tuoitre.com.vn (để chính xác nội dung, bạn đọc vui lòng gõ tiếng Việt có dấu). Chuyên mục Tư vấn của Tuổi Trẻ Online sẽ chọn lọc và giúp bạn giải đáp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận