Còn ở ta?
Cha mẹ vẫn phải lo cho con và lo nhiều hơn. Lo học hành, lo xin việc, lo nhà cửa, lo dựng vợ gả chồng... Chưa đủ, lối sống chạy theo vật chất đang khiến nhiều ông bố bà mẹ đau đầu vì biến thành con nợ, thụ động đối phó với những đòi hỏi đôi khi thái quá của con cái. Điều kỳ lạ, nhiều bạn trẻ trong khi vật chất vẫn ỷ lại vào cha mẹ thì mọi việc liên quan đến lợi ích lại ngày càng tự quyết, ngày càng ít chịu ảnh hưởng của phụ huynh.
Có người bảo bây giờ “con cái đặt đâu, cha mẹ ngồi đấy” cũng không phải quá lời. Lối sống “tự quyết nhưng vô lo” này rất không hợp lôgic nhưng ngày càng phổ biến trong đời sống. Đứng trước nhu cầu vật chất của con cái, nhiều phụ huynh trở nên yếu đuối, đáp ứng vô điều kiện với lý lẽ đầy bao biện: “nước mắt chảy xuôi”, “ai bây giờ chả thế”, sao cho con cái “không thua bạn kém bè”...
Hội chứng “thần kinh yếu” của nhiều phụ huynh còn xuất phát từ áp lực ngày càng gia tăng của con cái cũng như môi trường xã hội. Nhiều đứa trẻ có đủ 1.001 cách để vòi bố mẹ phải đáp ứng nhu cầu của chúng: từ giận dỗi, bỏ ăn, lười học đến nói dối..., thậm chí khai thác cả những bất hòa trong gia đình miễn là được việc. Xã hội tiêu dùng mở tivi là thấy hàng hiệu, ra đường là xe đẹp, nhà sang, vào lớp là điện thoại xịn, giày chuẩn, quần áo sành điệu... Môi trường ấy không khuyến khích bệnh “sĩ”, thói quen chạy theo tiêu dùng thái quá mới là chuyện lạ.
Nói cho công bằng, thời hội nhập nhiều bạn trẻ đã thể hiện tư duy độc lập, không trọng vật chất mà trọng tư chất, sống có ý thức trách nhiệm, biết vươn lên. Tuy vậy, nghịch lý “tự quyết nhưng vô lo” cũng đang phổ biến, trở thành lời cảnh báo có tính cộng đồng. Nếu cứ chạy theo vật chất và chỉ vật chất bằng mọi giá thì còn đâu là giá trị nhân văn, còn đâu động lực để tương lai chúng ta vươn lên đuổi kịp các nước xung quanh?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận