13/01/2007 14:08 GMT+7

"Từ quá khứ chúng ta tìm thấy tương lai"

VĂN CẦM HÀI thực hiện
VĂN CẦM HÀI thực hiện

TTCT - GS sử học James R.Reckner, tác giả cuốn sách nổi tiếng Hạm đội Trắng vĩ đại của Teddy Roosevelt, là giám đốc Trung tâm VN tại Đại học Texas Tech, một trung tâm lưu trữ lớn nhất Hoa Kỳ về con người và đất nước VN, một địa chỉ giao lưu văn hóa và nghiên cứu lịch sử của hàng triệu độc giả, các nhà nghiên cứu và sinh viên trên thế giới.

Jsc2wEoi.jpgPhóng to
GS J.R.Reckner đến tham quan lăng Minh Mạng, Huế

GS J.R.Reckner là thành viên sáng lập và là giám đốc Trung tâm VN của Đại học Texas Tech từ năm 1989. Suốt 17 năm qua, với sự tận tụy và tình yêu dành cho VN, GS J. R.Reckner và các cộng sự của ông đã thu thập được hàng triệu tư liệu lịch sử cận hiện đại của VN, đặc biệt là những tư liệu về cuộc chiến tranh VN với 375.000 tư liệu cá nhân, bao gồm hơn 2,6 triệu trang văn bản, 700.000 tư liệu ghi âm và 300.000 tư liệu phim ảnh.

GS J.R.Reckner: Đất nước VN không xa lạ với tôi, bởi cách đây hơn 30 năm tôi đã có mặt ở VN với tư cách là một đại úy trong lực lượng hải quân Hoa Kỳ. Từ ngày ấy đến hôm nay, VN là một phần không thiếu trong đời sống của tôi. Tôi không phải là một nhà nghiên cứu lịch sử, công việc của tôi chỉ là sưu tầm tư liệu lịch sử.

Tôi nghĩ không thể đánh mất những gì từ quá khứ của thế giới hay từ chính bản thân mỗi người chúng ta. Sưu tầm tư liệu lịch sử là một công việc đầy xúc cảm, nó giúp mọi thế hệ hiểu biết và thông cảm với nhau hơn qua nhiều điểm nhìn phong phú do tiếp xúc với tư liệu mà có.

* Nguồn tư liệu nào làm ông quan tâm nhất trong quá trình sưu tầm để có thể mang đến cho mọi người nhiều điểm nhìn phong phú về thế giới, trong đó có VN?

- Từng là một người lính trong cuộc chiến ở VN nên điều tôi quan tâm lớn nhất là sưu tầm các tài liệu về cuộc chiến tranh này. Tôi nghĩ rằng cuộc chiến tranh VN vẫn còn nhiều bí ẩn thu hút sự khám phá của mọi người. Nước Mỹ hôm nay vẫn còn nhiều câu hỏi cần trả lời về những trang sử nội chiến đã kết thúc cách đây 141 năm, cũng như những cuộc chiến tranh khác mà nước Mỹ đã can dự. Thế chiến thứ hai, cuộc chiến Triều Tiên, và dĩ nhiên không thể thiếu cuộc chiến tranh VN luôn đặt ra nhiều vấn đề cần sự giải đáp.

Theo tôi, không có lời giải đáp nào chân thực bằng các nguồn tư liệu sống mà chúng tôi đã dày công sưu tầm. Đó là hồi ức và tư liệu của chính những người tham gia cuộc chiến. Cũng không phải là những tư liệu chung chung mà là tư liệu cá nhân của từng con người cụ thể. Hầu hết các nguồn tư liệu đó đều thật sự quan trọng bởi vì khi đọc hay xem nó, chúng ta sẽ hiểu tại sao họ đã làm như vậy, tại sao họ đã thấy như vậy và tại sao họ hiểu như vậy.

Tâm trạng và hoàn cảnh mà họ trải qua sẽ cho chúng ta biết từng lát cắt của lịch sử. Chẳng hạn như vào thời điểm chiến tranh xảy ra trong khu kinh thành Huế, có câu chuyện về một người đàn bà già nua đã lo toan, cố gắng bảo vệ mạng sống và gia đình mình ra sao. Tôi nghĩ đó là những kinh nghiệm quí giá của một đời người nói riêng và của người dân ở đó nói chung khi đối mặt với chiến tranh.

* Đối mặt với cuộc chiến tranh đã qua có cả người miền Bắc lẫn miền Nam VN. Ở trung tâm do GS lãnh đạo, có các nguồn tư liệu về những người miền Nam VN?

- Thật là một sai lầm lớn nếu chúng ta không tìm hiểu về người lính miền Nam VN trong chiến tranh bởi họ cũng có đầy những ký ức, ý tưởng và những trải nghiệm chiến tranh. Chúng ta cần tìm hiểu họ với một tấm lòng rộng mở và mang tính khách quan để hiểu hơn về cuộc chiến tranh. Tôi nghĩ chúng ta cần có một sự hợp tác ở cấp độ cao về mặt nhận thức để tìm thấy sự thật của lịch sử.

* Tìm thấy sự thật của lịch sử là một nhu cầu của mọi người. Với tư cách là một GS sử học, ông đã truyền đạt cho sinh viên như thế nào để họ hiểu một cách sâu sắc về lịch sử?

- Tôi nói với sinh viên rằng các bạn hãy lắng nghe lời tôi một cách cẩn thận nhưng xin đừng tin tuyệt đối vào tôi! Bởi tôi chỉ có một sự trải nghiệm của bản thân mình mà không thể bao quát tất cả, không thể buộc các bạn phải suy nghĩ như tôi về những cuộc chiến tranh. Điều quan trọng là các bạn, những sinh viên muốn hiểu cặn kẽ lịch sử, phải luôn căn cứ vào tư liệu.

Hãy kiểm định tư liệu, kiểm định các nguồn lưu trữ và tự tìm hiểu sự thật từ những tư liệu. Khi nghiên cứu lịch sử, chúng ta cần phải có một ký ức minh bạch, một nhận thức trong sáng và chính các tư liệu lịch sử sẽ giúp chúng ta điều ấy; bởi thời gian sẽ làm cho trí nhớ của tôi, của bạn bị lu mờ. Do vậy, không chỉ sinh viên mà bản thân tôi cũng phải luôn học hỏi thông qua việc tìm kiếm, nghiên cứu tư liệu lịch sử thực tế, chứ không phải chỉ đọc những lý luận của người khác.

* 17 năm trước đây, có bao giờ GS nghĩ rằng Trung tâm VN bây giờ lại lớn mạnh và nổi danh như hôm nay không?

- Khi mới thành lập, Trung tâm VN đã nhận được sự đóng góp của nhiều người. Tôi và các cộng sự đã hợp tác với nhiều cá nhân, nhiều trường đại học, các trung tâm tư liệu ở Mỹ cũng như VN để thu thập tài liệu. Điều làm tôi vui mừng là từ những nguồn tư liệu ngày càng dồi dào của mình, Trung tâm VN đã trở thành một địa chỉ nghiên cứu của nhiều học giả, và nhiều người trên khắp thế giới đã tìm đến đây. Trong số hơn 2,5 triệu tư liệu, có không biết bao nhiêu tư liệu đã được sử dụng có hiệu quả. Nhật ký Đặng Thùy Trâm là một trong những tư liệu quí giá mà chúng tôi đã cung cấp cho các bạn.

* Những chương trình hoạt động nào của Trung tâm VN nhằm thúc đẩy sự giao lưu văn hóa, tìm hiểu lịch sử giữa hai nước VN - Hoa Kỳ?

- Trường đại học Texas Tech và Trung tâm VN đã tổ chức nhiều cuộc giao lưu giữa sinh viên của Mỹ và sinh viên VN. Chúng tôi tạo cơ hội cho sinh viên Mỹ đến thăm VN để trực tiếp tìm hiểu về con người và đất nước các bạn. Ngược lại, trung tâm cũng đón tiếp nhiều học giả, trí thức VN cùng nhiều sinh viên VN đến Đại học Texas Tech theo học chương trình tiến sĩ.

Chúng tôi muốn sinh viên Hoa Kỳ không chỉ tìm hiểu VN trong chiến tranh mà còn tìm hiểu đất nước VN đương đại. 30 năm đã qua, cuộc chiến đã lùi xa, đất nước VN đã có nhiều sự đổi thay. Vì vậy Trung tâm VN càng ngày càng mở rộng phạm vi hoạt động trong việc tìm hiểu lịch sử và tư liệu về đất nước VN, để cập nhật cho thế giới một hình ảnh VN sinh động và chân thật nhất.

* Giá trị của tư liệu là làm rõ sự thật của lịch sử, còn lịch sử, thưa GS, có một vai trò quan trọng như thế nào với cuộc sống con người, nhất là đối với các thế hệ trẻ?

- Chối bỏ lịch sử hay không hiểu về lịch sử nghĩa là chúng ta từ bỏ cuộc sống mà chúng ta đã có. Lịch sử chính là cuộc sống của tôi, của anh, của mỗi dân tộc. Vì vậy các bạn trẻ phải học và am hiểu lịch sử, các bạn sẽ biết được chúng ta cần chia sẻ những điều gì cần thanh lọc, loại bỏ những gì lầm lỗi, kế thừa và phát triển những gì tốt đẹp để làm cho thế giới ngày càng tươi sáng hơn.

Nói cách khác, lịch sử là diễn biến của những sự kiện xảy ra trong quá khứ, những sự kiện ấy là những bài học kinh nghiệm quí giá giúp chúng ta có được cái nhìn sáng suốt hơn trong cách hành xử, định hình cuộc sống hôm nay và mai sau. Chúng ta có thể tìm thấy tương lai từ trong quá khứ tràn đầy những trải nghiệm ấy.

* Cảm ơn GS, xin trân trọng những tình cảm của ông đã dành cho đất nước và con người VN.

VĂN CẦM HÀI thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên