![]() |
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần |
Lớn lên từ vùng đất trồng lúa của huyện Giồng Riềng, T.T.D. chỉ học đến lớp 5 rồi theo cha ra đồng, dầm mưa dãi nắng, cần mẫn với ruộng đồng. Bản thân D. không hề hút thuốc, uống rượu hoặc la cà vào những quán cà phê, bàn bida như nhiều thanh niên cùng lứa. Chính những đức tính đó của D. đã làm ông S. - cha của cô N.T.M.T. - hài lòng.
Vốn là bạn tâm giao, nhân một lần uống trà, ông S. dò hỏi ông X. - cha của D. - xem D. có “mối mang” gì chưa. Nghe ông X. nói từ trước đến giờ chẳng thấy D. đi chơi với bạn gái nào, ông S. mừng rỡ nói thẳng tuột: “Tôi muốn gả con T. nhà tôi cho thằng D. nhà ông”. Lúc đầu phản ứng quyết liệt nhưng với câu “áo mặc sao qua khỏi đầu”, T. cũng chiều ý cha mẹ đăng ký kết hôn với D. tại ủy ban nhân dân xã và tổ chức đám cưới theo phong tục địa phương vào ngày 7-5-2007.
Cưới nhau nhưng... đường ai nấy đi
Chưa đầy hai tháng sau, vợ chồng D. và T. đã mỗi người một nơi. T. lên TP.HCM lập nghiệp, D. tiếp tục công việc đồng áng ở quê nhà. Cha mẹ hai bên vẫn cố hàn gắn cho đôi trẻ nhưng không thành vì T. nhất định không chung sống với gia đình bên chồng. Với cách suy nghĩ đơn giản, ngày 26-9-2007 D. viết đơn xin ly hôn cho cha mẹ hai bên và một số người làm chứng ký tên vào, với nội dung cho phép cả hai được quyền có vợ, có chồng khác.
Ngày 18-10-2008, cha mẹ D. tổ chức đám cưới cho D. với L.T.B.N. là người cùng huyện, có mời bà con, xóm giềng đến dự đông đủ nhưng mãi đến ngày 18-4-2009, D. mới bị Ủy ban nhân dân xã Hòa Lợi xử phạt hành chính. Tuy không còn thương yêu chồng, T. về huyện Giồng Riềng định làm thủ tục ly hôn nhưng khi biết D. vẫn còn chung sống như vợ chồng với N., sĩ diện của phụ nữ nổi lên, T. đề nghị cơ quan pháp luật xử lý D. về hành vi vi phạm chế độ một vợ một chồng.
Tại phiên tòa phúc thẩm, khi tôi hỏi: “Bị cáo có biết khi đã kết hôn, chưa được tòa án xử cho ly hôn mà cưới vợ khác là vi phạm pháp luật hình sự hay không?”, với thái độ thành khẩn, bị cáo D. trả lời: “Dạ, lúc đầu thì không biết, gia đình cô T. lên thành phố kêu cô T. về nhưng cô T. không chịu về nên gia đình hai bên ký vào đơn xin ly hôn của bị cáo, cứ tưởng làm giấy xong là bị cáo có quyền lấy vợ khác”.
Tôi tiếp tục thẩm vấn: “Vậy đến khi nào bị cáo mới biết?”. Bị cáo D. vẫn nhỏ nhẹ: “Dạ, đến khi bị ủy ban xã xử phạt vi phạm hành chính”.
“Đã biết là vi phạm pháp luật, tại sao vẫn chung sống như vợ chồng với cô N.?”. “Dạ, tại vì lúc đó vợ của bị cáo (đến lúc này bị cáo vẫn gọi cô N. bằng vợ) đã mang thai nên bị cáo không bỏ mặc vợ con bị cáo được”.
Khi tôi hỏi ông S. và ông X. về đơn xin ly hôn mà hai bên đã ký thì cả hai cùng trả lời ở nông thôn đâu biết làm như vậy là không đúng pháp luật, cứ tưởng việc dựng vợ gả chồng là do người lớn quyết định, khi cơm không lành canh không ngọt thì sui gia nói chuyện với nhau là xong. Khi nghe tôi giải thích hôn nhân của cô T. và bị cáo D. đã được pháp luật công nhận, chỉ có tòa án mới có quyền hủy bỏ mối quan hệ vợ chồng này, lúc này cả ông S. và ông X. thừa nhận việc làm vi phạm pháp luật của D. là do một phần lỗi của cả hai người.
Lỗi tại người lớn
Còn cô T., với tư cách là người kháng cáo bản án sơ thẩm, trình bày: “Tôi không thể chung sống với gia đình anh D., cũng không có yêu cầu ly hôn vì còn thương ảnh”.
Nhưng khi được hỏi: “Nếu còn thương thì tại sao cô kháng cáo yêu cầu phạt tù giam đối với bị cáo và yêu cầu bị cáo và cha chồng của mình phải bồi thường thiệt hại?”. Cô T. ấp úng: “...Xin tòa cứ xử tù giam, tôi... chờ ảnh được(?!)”.
Theo lời trình bày của ông T.V.Đ. - hàng xóm của cô N.: “Đám cưới của bị cáo và cô N. được tổ chức cách đây hơn một năm (tính từ thời điểm lấy lời khai vào tháng 12-2009). Sau đám cưới, cô N. về chung sống với gia đình bên chồng nhưng do vợ lớn của D. (ám chỉ cô T.) khiếu nại nhiều lần nên D. đưa cô N. về bên vợ sinh sống. Lúc đầu thì D. thỉnh thoảng mới ghé thăm vợ, sau khi cô N. sinh được một đứa con trai thì D. chung sống luôn bên nhà cô N.. Tôi thấy vợ chồng họ sống rất vui vẻ, hạnh phúc”.
Khi phát biểu quan điểm giải quyết vụ án, tôi nhận định bị cáo phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, một phần là do hạn chế về nhận thức pháp luật, một phần là do chính quyền địa phương không giáo dục, xử lý kịp thời nên đề nghị hội đồng xét xử giữ nguyên mức án 9 tháng cải tạo không giam giữ đối với bị cáo.
Tuy không được mời tham gia phiên tòa phúc thẩm nhưng cha con cô N. ẵm theo đứa bé đến ngồi ở hàng ghế dự khán. Trong khi chờ hội đồng xét xử nghị án, cha cô N. buồn rầu nói: “Nó là con gái thứ tư của tôi, ông ngoại nó thấy thằng D. hiền lành nên kêu tôi gả. Ban đầu tôi đâu có chịu nhưng khi anh sui đưa ra tờ giấy có chữ ký của cha mẹ vợ trước của nó nên tôi mới gả”.
Quay sang con gái và cháu ngoại, ông nói tiếp: “Giờ mà nó đi tù thì tôi không biết phải làm sao”. Nước mắt lưng tròng, cô N. tức tưởi: “Tôi thương anh D. lắm, tôi không có ý định chống đối pháp luật nhưng cũng không thể chấm dứt hôn nhân với anh D.. Nếu bức bách tôi quá thì tôi tự vẫn”.
Khi nghe hội đồng xét xử tuyên án giữ nguyên bản án sơ thẩm, buộc bị cáo chấm dứt hành vi chung sống như vợ chồng với cô N. cho đến khi hôn nhân trước đó được giải quyết bằng một bản án của tòa án, bị cáo D. mừng rỡ chạy đến ôm đứa con vào lòng, còn cô T. vẫn ngồi đó nhìn theo họ cho đến khi ông S. đến bên cạnh: “Về thôi con, lỗi là tại ba. Nếu ba không ép gả con thì đâu có cái cảnh như ngày hôm nay”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận