27/05/2006 14:05 GMT+7

Từ LHQ đến ASEAN, APEC rồi thì WTO

HỮU NGHỊ
HỮU NGHỊ

TTCT - Ngày 23-5-2006, lần đầu tiên một tổng thư ký (TTK) LHQ đương nhiệm chính thức thăm VN. Chín năm trước, ông Boutros - Boutros Ghali đến VN không với cương vị TTK LHQ nữa, ông đã thôi chức, mà trong cương vị TTK khối Pháp ngữ.

VN là chặng thứ tư trên lộ trình công du năm nước châu Á (sau VN là Thái Lan) và có lẽ là chặng “nhàn nhã” nhất so với các chặng trước Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc mà nghị trình không chỉ bàn về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Hai tuần trước đây, TTK LHQ Kofi Annan đã phát biểu chuyến thăm lần này là một cơ hội tốt để ông có thể tận mắt chứng kiến kết quả của mối quan hệ hợp tác, đồng thời cũng là dịp để ông tiếp xúc và trao đổi với các nhà lãnh đạo VN về phương hướng hợp tác trong thời gian tới.

Kết quả của hợp tác giữa VN và LHQ là gì? Bắt đầu bằng Tổ chức UNDP ngay từ năm 1978 đến nay còn tiếp tục, với sáu chương trình lớn trong đó đáng kể nhất là các chương trình xóa đói giảm nghèo, cải cách hành chính, tư pháp và kinh tế. Bên cạnh đó, còn có các tổ chức khác cũng thuộc LHQ với những tên tuổi quen thuộc như WHO về y tế, WB và IMF về tài chính, FAO về nông lương, UNICEF về văn hóa và nhi đồng...; lại còn có những tổ chức khác ít biết đến hơn như ILO về lao động, UNFPA về dân số...

Tổng cộng có đến khoảng 16 tổ chức lớn nhỏ. Một trong những “đỉnh” của sự hợp tác này là hội nghị tài trợ hằng năm nhóm họp hai kỳ để cùng bàn việc phối hợp các khoản tài trợ và cho vay (ODA) sao cho có ích nhất đối với các kế hoạch phát triển của VN. Hội nghị tài trợ đầu tiên được tổ chức từ tháng 11-1993 theo sáng kiến của UNDP. Tới đây sẽ có cuộc họp giữa kỳ bàn về kế hoạch phát triển 2006-2010. Một hợp tác đồng hành để phát triển, tuy rằng không phải lúc nào cũng nhất trí ngay.

Ngược lại, VN cũng ngày càng hợp tác tích cực vào các hoạt động của LHQ. Ngày 6-1-2006, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao VN đã loan báo: “Để đóng góp hơn nữa vào hoạt động chung của LHQ, VN đã quyết định ứng cử làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008-2009 và đang chuẩn bị để khi đủ điều kiện sẽ tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình...”.

Một sự hợp tác tích cực như thế, tham gia tận trong Hội đồng Bảo an, tham gia gìn giữ hòa bình ở một điểm nóng nào đó, trong bối cảnh “tứ hải giai huynh đệ” ngày nay là một tiếp diễn logic trên tiến trình hội nhập liên tục, song lại là điều khó có thể nghĩ đến cách đây gần 30 năm, ngay cả vào ngày VN gia nhập LHQ (20-9-1977).

Nhắc lại điều này không là thừa khi mà quá nửa dân số hiện rất trẻ, ít biết về giai đoạn này, và càng để thấy rằng để có ngày hôm nay và cả ngày mai đã phải có những cố gắng, cả những cố gắng vượt bản thân, như thế nào. Ngày nay, khi muốn sang Brunei chẳng hạn, chỉ cần đặt vé hơn trăm rưỡi đôla qua điện thoại cho hãng hàng không nước này.

Chẳng ai có thể hình dung được rằng cách đây gần 11 năm, những nhà báo VN đến đây dự lễ kết nạp VN vào ASEAN đã phải giữa đêm chờ được cấp visa nhập cảnh tại sân bay thủ đô nước này, căn cứ trên một danh sách do Bộ Ngoại giao VN lập và thỏa thuận từ trước! Nội chuyện bỏ visa này thôi cũng đã cần nhiều cố gắng để vượt qua và “tự vượt qua”.

Gia nhập ASEAN xong, rồi sòng phẳng tham gia AFTA với toàn bộ lộ trình cắt giảm thuế (CEPT) vào ngày 1-1-2006 vừa qua, đã là bước nhảy - đà phóng vào các quan hệ quốc tế qui mô hơn: trở thành thành viên chính thức của APEC, của một không gian ASEAN mở (ASEAN +1, ASEAN +3)... và tới đây là WTO.

Gia nhập để được gì? Ngày nay khi cả thế giới giao thương với nhau trong cái “đại dương” WTO, không vào “đại dương” đó thì bơi ở đâu, với ai? Có một thực tế không thể phủ nhận là trong hơn 10 năm gia nhập ASEAN đó, VN đã từng bước điều chỉnh bộ máy hành chính, pháp lý, cơ cấu... sao cho phù hợp với nền kinh tế thị trường; và cũng từ chính sức ép cạnh tranh, mà nay ngoài chợ gọi là “hàng AFTA”, khơi dậy các tiềm năng nội lực để một mặt chống trả trên sân nhà, một mặt nhảy vào thị trường thế giới.

Có thể trong lĩnh vực này, lĩnh vực nọ tốc độ điều chỉnh, sửa đổi, cải tổ có chậm hơn, song nhìn chung đã có thay đổi. Bằng cớ là cách đây tám năm, khi VN lần đầu tiên chính thức tham gia APEC, một tập hợp lớn hơn bao gồm cả ASEAN trong đó, chẳng mấy ai rõ các nước đó có “ăn nhậu” gì tới mình để mà nghĩ đến chuyện làm ăn với các nước bên kia Thái Bình Dương về phía nam. Ấy vậy mà chỉ mấy năm sau, hàng VN cũng đã sang đến tận đó, hàng các nước đó cũng sang tận VN, và nay mấy nước đó lại “cò kè” mặc cả WTO với VN hơn ai hết do sợ “đụng hàng” trong chợ Mỹ!

Tới đây là WTO. Anh nào “ngon” hơn, “lanh” hơn, hàng anh nào tốt hơn, anh đó thắng. Vấn đề là chọn hàng nào mà sản xuất và biết rao bán như thế nào. Bơi trong cái “đại dương” toàn cầu này không dễ, không thể cứ tà tà bơi, phải biết chọn bến bờ nào mà nhắm hướng và nhất là đừng phung phí sức (tiền của, thời gian cùng con người).

HỮU NGHỊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên