16/12/2013 06:01 GMT+7

Từ đuôi chuột tới... kế hoạch nhỏ

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TT - Câu chuyện học sinh Bình Định phải nộp từ 2-3 đuôi chuột đồng cho nhà trường để hưởng ứng phong trào diệt chuột gây hại mùa màng mới đây khiến nhiều bậc phụ huynh nửa tin nửa ngờ, tưởng như chuyện hài hước nhưng lại là chuyện có thật.

Mục đích “diệt chuột, bảo vệ mùa màng” là sáng kiến hay nhưng cách bắt buộc học sinh phải nộp đuôi chuột là việc không hay xét ở khía cạnh giáo dục. Nhiều phụ huynh bức xúc, nhiều cách “đối phó” với phong trào này của học sinh cho thấy nhà trường đã không thật sự xây dựng được ở học sinh ý thức tự nguyện làm một việc có ích.

Cũng những ngày này, ở nhiều trường học tại Hà Nội đã thông báo cho học sinh việc đóng góp làm “kế hoạch nhỏ”. Theo đó, học sinh thu gom giấy vụn để nộp cho nhà trường. Chị Nguyễn Vũ Giang, một phụ huynh có con học một trường tiểu học ở quận Hai Bà Trưng, cho biết thông báo của cô giáo gửi về là mỗi học sinh nộp ít nhất 3 cân giấy, nhà trường chỉ thu duy nhất trong một ngày”. Chị Giang bày tỏ: “Làm kế hoạch nhỏ là phải hướng dẫn cho học sinh ý thức và cách thức thu gom giấy vụn hằng ngày. Đó là tình huống giáo dục, quá trình giáo dục mà các thầy cô, nhà trường cần chú ý và đó mới là ý nghĩa thực của kế hoạch nhỏ. Nhưng ở đây, cách yêu cầu bắt buộc nộp gấp trong một ngày với số lượng ấn định khiến bố mẹ của học sinh tá hỏa đi lo kiếm giấy. Lẽ ra công việc này là của các em học sinh thì lại được chuyển giao cho người lớn vì các em không thể kiếm đủ số lượng giấy như vậy trong một buổi tối”. Từ câu chuyện của chị Giang, tôi có trao đổi thêm với phụ huynh khác ở Hà Nội thì còn nhận được những chuyện nực cười hơn. Một phụ huynh ở Hà Đông cho biết: “Để con có giấy đem đi làm kế hoạch nhỏ, tôi đã phải tìm đến một bà đồng nát mua lại của bà ấy mấy cân giấy”. Một phụ huynh khác có con học cùng lớp con chị Giang nói: “Tôi chọn cách nhanh nhất là ra hàng bán báo để mua đủ số cân trường yêu cầu”.

Phong trào học sinh làm kế hoạch nhỏ đã có từ hơn 20 năm trước đây, vốn là phong trào giúp học sinh hiểu được ý nghĩa của lao động, của việc tiết kiệm, tận dụng vật liệu tái chế..., giờ bị biến thành những chuyện cười nhưng đáng buồn như thế. Chung quy bởi các trường chỉ quan tâm tới kết quả, tới con số thu nhận được mà không quan tâm tới cách làm, tới quá trình giáo dục học sinh qua phong trào này.

Nhiều phụ huynh ở Hà Nội còn cho rằng nhà trường thỉnh thoảng lại thông báo học sinh ủng hộ đồng bào vùng bão lũ, giúp học sinh miền Trung, miền núi... Nhưng thầy cô giáo không hề giải thích cặn kẽ cho học sinh hiểu ý nghĩa của việc làm này. “Tôi thấy buồn khi con tôi cho biết cô bảo đóng góp ủng hộ đồng bào miền Trung, ai nộp 100.000 đồng trở lên sẽ được tuyên dương. Tôi hỏi con có biết ý nghĩa của việc quyên góp này không thì con tôi nói không biết. Một tình huống giáo dục tốt để học sinh làm quen với việc tương thân tương ái, giúp đỡ người khó khăn nhưng lại không được tổ chức làm tốt và đúng với mục đích. Trong khi các trường, thầy cô lại chỉ quan tâm tới số tiền, dạy học sinh chạy theo thành tích vô nghĩa” - một phụ huynh chia sẻ.

Ngành GD-ĐT đang lo đổi mới những điều to tát nhưng lại không chỉ đạo các trường, thầy cô sát sao, quan tâm tới những điều nhỏ nhặt. Những điều nhỏ nhặt đôi khi lại làm nên phẩm chất, cốt cách của học sinh, nuôi dưỡng những điều tốt đẹp trong tâm hồn các em.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên