Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Đã có một thời, những tấm lòng bè bạn chân thành gọi Việt Nam là “lương tâm của thời đại”. Đây không chỉ là trạng huống thăng hoa của cảm xúc, mà là sự phát hiện và tự củng cố cho chính họ một giá trị mà thời đại của chủ nghĩa thực dân mới và chiến tranh lạnh đã xóa nhòa.
"Thương hiệu" đó không phải do chúng ta đi tìm, nhưng là do thế giới tìm hộ và tặng cho ta. Mà họ "làm hộ" điều ấy vì họ hiểu được xương máu của dân tộc ta đã đổ ra để đấu tranh bảo vệ một chân lý mang tính vĩnh cửu của con người, của mọi đất nước, của mọi dân tộc: mỗi dân tộc đều có quyền được sống trên đất nước của mình, và cần phải đánh trả những thế lực ngoại xâm bất kể chúng đến từ đâu để bảo vệ tổ quốc mình, thực hiện "những quyền không ai có thể xâm phạm được" do "tạo hóa" ban cho họ! Việt Nam chúng ta từng được thế giới biết đến như một dân tộc dám "lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh" để "đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân mà thay cường bạo", vì thế mà đã đánh tan mọi thế lực ngoại xâm.
Một học giả Pháp trong một hội thảo khoa học tại Hà Nội năm 1991 về "Truyền thống và hiện đại" đưa ra nhận xét: "Lịch sử cổ xưa và hiện đại cho thấy khả năng kỳ lạ của đất nước này trong việc tìm ra những giải pháp độc đáo cho những vấn đề gặp phải". "Những giải pháp độc đáo cho những vấn đề gặp phải", những "khả năng kỳ lạ” ấy không hề là sản phẩm của sự ngẫu hứng cầu may, mà là kết quả của cả bề dày tích lũy và tạo dựng trong cả chiều dài lịch sử.
Chính bề dày đó đã hun đúc nên "vùng đất có sức sống mãnh liệt nhất" mà nhà ngoại giao Mỹ cảm nhận và nói lên trong dịp diễn ra APEC Hà Nội 2006. Điều này có ngọn nguồn hợp qui luật của nó. Nhà sử học người Anh Arnold Toynbee, được xem là nhà sử học lớn nhất của thế kỷ 20, từng chỉ ra: "Thành công của con người thường là kết quả sự chống trả đối với thách thức. Thiên nhiên phải đến với con người như một khó khăn cần phải vượt qua, nếu con người chọi lại thách thức thì sự chống trả của nó tạo những nền tảng cho nền văn minh của họ”. Phải chăng đất nước này là một minh chứng cho luận điểm đó?
Đối chiếu với lịch sử, từ những gợi ý của những người ngoài cuộc, chúng ta hiểu hơn về mình, hiểu về ông cha mình. Từ đó mà thấu hiểu sức mạnh văn hóa Việt Nam, dòng máu đỏ không ngừng lưu chảy trong huyết quản người Việt chúng ta. Để rồi hiểu rằng trên con đường vạn dặm của sự nghiệp chấn hưng văn hóa, phát triển đất nước trong bối cảnh thế giới đầy biến động với những bất ngờ không đoán trước được, lịch sử dân tộc là một điểm tựa vững chắc cho những bước chân tìm tòi, khám phá.
Lịch sử dân tộc đã hun đúc nên lòng tự hào dân tộc, đó là nguồn sức mạnh để con người Việt Nam đến với thế giới. Dòng sông cuộc sống đang miệt mài tuôn chảy không theo trình tự tuyến tính mà luôn nảy sinh những nhân tố bất ngờ, hình thành những tương tác mới, tạo ra những hợp trội không dự báo trước được. Trong dòng chảy miệt mài ấy, những kinh nghiệm có sẵn, những phương pháp truyền thống đã không còn đủ cho hành trình của dân tộc trên con đường phát triển và hội nhập, song cái mang tính vĩnh cửu, cần được bổ sung và làm phong phú thêm chứ không hề cũ và không gì thay thế được, cái làm nên sức cuộn chảy bất tận của dòng sông cuộc sống, đó là bản lĩnh của dân tộc. Phải chăng, đi tìm "thương hiệu Việt Nam" cũng phải tìm từ sức cuộn chảy bất tận ấy?
Gợi lại lịch sử không phải để đắm chìm vào quá khứ, mượn hào quang của quá khứ để đắp đổi những yếu kém của hiện tại, mà là để cho ánh phản chiếu của lịch sử soi tỏ những bước đi hôm nay. Nghĩ rằng đã từng giành thắng lợi trên chiến trường xưa, thì cũng chắc chắn thành công trên thương trường của thời đại toàn cầu hóa hôm nay là một ngộ nhận.
Nhưng không thấy cái bản lĩnh được rèn luyện thử thách trong máu lửa của một dân tộc từng được khẳng định nay phải tìm cách phát huy, nâng cao để thích nghi với những thách đố mới, lại là sự dại dột của một tầm nhìn thiển cận, tự đánh mất mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận