![]() |
Đoàn ngự đạo đi tế Nam Giao năm 1936 |
Trong lịch sử các triều đại quân chủ VN, kể từ thời nhà Lý (1010 - 1225), đàn Nam Giao đã được thiết lập ở kinh đô Thăng Long để tế trời. Đến thời Hậu Lê (1427 - 1789), quy cách kiến trúc đàn tế trời và nghi lễ cúng tế được chỉnh đốn đàng hoàng hơn. Đến triều Nguyễn (1802 - 1945), ngay sau khi lên ngôi (1802), vua Gia Long cho đắp đàn ở làng An Ninh vào năm 1803 để lễ trời.
Nhưng sau đó ba năm, triều đình nhà Nguyễn lại bỏ vị trí này để cho xây đàn tế khác ở làng Dương Xuân, tại một địa thế thích hợp hơn, như chúng ta đang thấy hiện nay.
Đàn tế này được khởi công xây dựng vào ngày 25-3-1806 và có lẽ hoàn tất vào cuối năm ấy, vì qua đầu năm sau - 1807, triều đình đã cử hành lễ Tế Giao lần đầu tiên tại đây.
Khuôn viên đàn Nam Giao hình chữ nhật khá rộng rãi: bề dài 390m, chiều rộng 265m, giới hạn bởi một vòng tường thành xây bằng đá bao bọc chung quanh.
Trong khuôn viên ấy, ngày xưa trồng rất nhiều thông, một loại cây tượng trưng cho người quân tử. Ngoài bản thân đàn Nam Giao gồm ba tầng chồng lên nhau, còn có một số nhà cửa phụ thuộc, bao gồm hai loại: nhà cố định (Trai cung, Thần trù, Thần khố) và loại nhà tạm thời (Thanh ốc, Hoàng ốc, nhà Quan cư...).
Được thiết lập ở phía nam kinh thành Huế, đàn Nam Giao là một đàn tế lộ thiên. Mô thức kiến trúc này mang ý nghĩa vừa tôn giáo vừa chính trị của nền quân chủ Đông Phương, trong đó vương quyền được kết hợp chặt chẽ với thần quyền.
Đàn Nam Giao gắn liền với thuyết Thiên mệnh của Nho học. Bên trong khuôn viên hình chữ nhật (390m x 265m), đàn tế được xây thành ba tầng, dưới lớn trên nhỏ, tượng trưng cho thuyết Tam tài: Thiên, Địa, Nhân. Tầng trên hết hình tròn, gọi là Viên đàn (đường kính 40,5m; cao 2,80m) tượng trưng cho trời. Lan can chung quanh quét vôi mầu xanh.
Đến ngày Tế Giao, người ta dựng lên ở tầng này một cái nhà hình nón lợp vải mầu xanh gọi là Thanh ốc. Tầng kế đó hình vuông, gọi là Phương đàn (mỗi cạnh 83m, cao 1m) tượng trưng cho đất. Lan can bốn phía quét vôi mầu vàng. Mỗi lần lễ, người ta dựng lên ở đó một cái nhà vuông lợp vải vàng, gọi là Hoàng ốc.
Tầng dưới cùng cũng hình vuông (mỗi cạnh 165m; cao 0,85m). Lan can chung quanh quét vôi mầu đỏ, tượng trưng cho người (xích tử: con đỏ). Tại đây, khi tế có 64 văn vũ sinh và võ vũ sinh đứng múa Bát dật. Ba tầng cộng lại cao 4,65m.
Đàn Nam Giao quay mặt về hướng nam. Vòng tường chung quanh có trổ bốn cửa khá rộng nhắm theo bốn hướng: đông, tây, nam, bắc.
Trong dịp tế, ở mỗi cửa cắm hai lá cờ đại với mầu sắc khác nhau: cửa bắc mầu đen, cửa nam mầu đỏ, cửa đông mầu xanh, cửa tây mầu trắng. Như vậy, hình thức, phương hướng và mầu sắc của kiến trúc đàn Nam Giao đều áp dụng nguyên tắc âm dương Ngũ hành của Dịch học.
Những đàn tế trời của các thời Lý, Trần, Lê, Tây Sơn đều không còn nữa. Đàn Nam Giao triều Nguyễn ở Huế là di tích tế trời duy nhất còn lại tương đối nguyên vẹn tại Việt Nam.
Theo thuyết Thiên mệnh của Nho học ngày xưa, vua là con trời (Thiên tử), nhận lệnh của trời, xuống trần gian cai trị thiên hạ. Vua có thần quyền. Cho nên, chỉ ông vua mới có quyền cúng tế trời đất ở đàn Nam Giao.
Từ thời Gia Long (1802 - 1819), lễ Tế Giao được cử hành vào thượng tuần tháng hai âm lịch hằng năm. Đến thời Thành Thái, vào năm 1890, vì thấy quá tốn kém nên triều đình thay đổi ba năm mới tế một lần. Mấy ngày trước lễ, các làng xã tổng huyện ở phủ Thừa Thiên - Huế được lệnh thi đua nhau thiết lập và trang hoàng hương án ở hai bên đường vua đi qua để lạy mừng. Đơn vị hành chính nào trang hoàng hương án đẹp đẽ, khéo tay, lạ mắt và vái lạy trang nghiêm, sẽ được triều đình chấm thưởng.
Xưa kia, mỗi lần tế, vua lên ở lại tại Trai cung trước ba ngày. Đến thời Bảo Đại (1926 - 1945) thì ba ngày rút xuống còn một.
Từ Hoàng cung, vua đi lên Trai cung bằng một đám rước, gọi là Ngự đạo, khoảng từ 600 đến 3.000 người, tùy từng thời vua. Đám rước chia làm ba đạo: Tiền đạo, Trung đạo và Hậu đạo. Ngự đạo có thể dài đến nửa cây số, gồm các hoàng thân, các quan văn võ, lính tráng, gươm giáo, cờ quạt, trướng liễn, tàng lọng, chiêng trống, voi ngựa, Long đình, Ngự liễn, các dàn Đại nhạc, Tiểu nhạc, các đội ca múa... Tất cả mặc phục lễ và trang sức rực rỡ. Vua ngồi trấn Ngự liễn do lính Loan giá gánh đi ở giữa Trung đạo. Vua khởi hành từ Hoàng cung lúc 8 giờ sáng, nhưng phải đến gần 12 giờ trưa mới tới Trai cung vì đoàn Ngự đạo đi rất chậm.
Ngày hôm sau, cuộc đại lễ chính thức bắt đầu từ khoảng hai giờ sáng. Dưới màn đêm yên ả, tiếng chuông, trống bỗng vang rền, hàng trăm ngọn đuốc, hàng ngàn cây đèn được thắp lên làm sáng rực cả một góc trời. Vua rời Trai cung, ngự qua đứng trên Viên đàn làm chủ tế. Nhiều hoàng thân, đại thần được cử làm Bồi tự, Phân hiến, Chấp sự đứng hai bên để hành lễ trước các án thờ phụ.
Lễ nghi cúng tế ở đàn Nam Giao hết sức khó khăn và phức tạp, nhất cử nhất động, vua và các quan phải làm theo tiếng xướng của các quan Thông tán và Nội tán. Trong khi hành lễ có cử Đại nhạc (chuông trống, chiêng, khánh, tù và...); Tiểu nhạc (tỳ, nhị, nguyệt sáo...); văn võ vũ sinh múa Bát dật (mỗi vũ khúc 64 người) và các ca công hát 10 nhạc chương trong 10 đoạn khác nhau của buổi lễ.
Cuộc tế kéo dài gần ba tiếng đồng hồ mới xong. Vua ngự về Trai cung. Đến sáng các hoàng thân và đại thần tập họp tại sân Trai cung để làm lễ Khánh hạ. Họ lạy mừng vua vừa hoàn thành mỹ mãn nhiệm vụ cao cả nhất của mình. Ngay sau đó, Ngự đạo trở về Hoàng cung nghi trượng cũng sắp xếp như khi đi lên, nhưng lần này thì có cử nhạc vui suốt trên lộ trình.
Trong những ngày diễn ra cuộc lễ, từ triều đình cho đến dân chúng ở kinh đô đều nô nức, hớn hở. Người ta kéo nhau đi xem đông như hội. Một số quan lại và dân chúng ở các tỉnh thành trong nước cũng về Huế tham gia hoặc chiêm ngưỡng cuộc lễ long trọng, hoành tráng, đầy mầu sắc và hết sức hấp dẫn này.
Đàn Nam Giao và lễ Tế Giao ở Huế đã gắn liền với lịch sử và văn hóa Triều Nguyễn trong một thời gian dài. Hiện nay, đàn tế trời này đã trở thành một di tích lịch sử và văn hóa hiếm hoi của Việt Nam và của cả vùng Viễn Đông.
Mặc dù Lễ hội Đạo Ngự Nam Giao hồi cung sắp diễn ra chỉ là đoản khúc cuối cùng của cả một trường thiên diễn tiến của lễ Tế Giao ngày xưa, nhưng nếu được tổ chức chu đáo và diễn ra suôn sẻ thì cũng là hoạt động có ý nghĩa. Nếu thành công thì đây sẽ là khúc dạo đầu cho những dự phóng cần thực hiện trong tương lai.
Trong các dịp Festival Huế 2006-2008...chúng ta nên hoàn thiện dần các nghi tiết của cuộc Tế Giao từ đầu đến cuối một cách trọn vẹn. Đồng thời, cần phục hồi diện mạo kiến trúc vốn có của đàn Nam Giao. Làm như vậy để tiến tới hai mục tiêu: Đàn Nam Giao nằm ở vị trí trung tâm trên bản đồ Di tích và Danh thắng Huế. Mọi du khách có thể dừng chân lại nơi đây một cách thuận tiện để tham quan, nghiên cứu. Khu di tích đàn Nam Giao vừa rộng lại vừa thoáng, trong các Festival Huế thường kỳ, có thể dùng để tổ chức một số hoạt động văn hóa nghệ thuật thuộc chương trình OFF, đặc biệt là lễ hội liên quan đến di tích này.
2. Thiết lập bộ hồ sơ về lễ Tế Giao trình UNESCO để đề nghị công nhận là một kiệt tác Di sản Phi vật thể và truyền khẩu của Nhân loại. Chúng ta có đủ khả năng và điều kiện để thực hiện thành công bộ hồ sơ này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận