TT - Lần thứ nhì sau hơn 30 năm, TP.HCM mới lại có một triển lãm điêu khắc cá nhân, sau triển lãm của Trần Việt Hưng năm 2006.
![]() |
Bùi Hải Sơn bên tác phẩm Hạt lúa -Ảnh: V.Q. |
Ðó là Nguồn - tên gọi cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên của nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn sau 15 năm làm nghề, vừa được khai mạc tại phòng triển lãm Trường đại học Mỹ thuật TP.HCM (5 Phan Ðăng Lưu, Q.Bình Thạnh, kéo dài từ ngày 13 đến 21-12-2010).
Chỉ với 19 tác phẩm nhưng đây là cuộc rong ruổi tìm nguồn trong suốt 15 năm trời. Khởi đầu là vào năm 1995, sau rất nhiều năm không làm nghề, Bùi Hải Sơn quay trở lại bằng một số tác phẩm điêu khắc chất liệu inox đề tài lúa nước. Tại sao là lúa? Bùi Hải Sơn lý giải bởi ông gốc gác nông dân nên lúa là cái mà ông hiểu nhất. Nghệ thuật là bắt đầu từ cái gần với mình nhất, mình thương yêu nhất. Bùi Hải Sơn quan niệm như vậy. Nhưng hình ảnh lúa nước trong điêu khắc của Bùi Hải Sơn thời kỳ đầu này mang dáng vẻ mô phỏng hiện thực nhiều hơn là khai mở cái đẹp ở chiều kích tâm trạng và cộng hưởng không gian cộng đồng.
Năm 2000 trở lại đây, từ những va chạm trong thực tiễn sáng tác, những kinh nghiệm học hỏi sau nhiều chuyến đi tham quan và dự trại sáng tác ở nước ngoài, Bùi Hải Sơn có điều kiện đi sâu hơn về đề tài này. Từ câu chuyện hạt lúa (mang vẻ hiện thực), Bùi Hải Sơn mở sang hạt giống (mang tính biểu tượng), rồi từ hạt giống chắt lọc thành cái tinh túy nhất là phôi (thiên về cảm giác). Cứ như thế câu chuyện hạt lúa cứ dẫn người nghệ sĩ đi.
Lúa là nguồn, bởi lúa là lương thực. Lúa là nguồn, bởi nó chứa đựng quy luật của sự sinh hóa: hạt giống tan đi cho cây lúa mọc lên, cây lúa nuôi hạt cho đến khi thành rơm rạ. Cứ như thế mỗi hạt giống mang trong mình quá khứ, hiện tại, tương lai. Từ những suy nghiệm đó, Bùi Hải Sơn miệt mài làm việc. Ông không sợ lặp lại mà chủ động lặp lại những thao tác kỹ thuật trên cùng một đề tài. Từ sự lao động đó tình cảm được chuyên chở đi, cái nhìn được thay đổi. Cho nên thoạt nhìn hạt lúa vẫn là hạt lúa, hạt giống vẫn là hạt giống, phôi vẫn là phôi. Nhưng nhìn kỹ lại không hẳn vậy. Mỗi tác phẩm có một dáng vẻ và hơi thở riêng.
Không chỉ mô tả cái đẹp, tác phẩm điêu khắc của Bùi Hải Sơn còn tiếp cận những vấn đề thời sự, như sự lãng quên nguồn cội, đất đai dần mất đi khiến những hạt giống không chỗ bám tựa để mọc lên.
Ðiểm độc đáo trong điêu khắc của Bùi Hải Sơn chính là những liên tưởng và giao thoa văn hóa. Ở triển lãm này, ngoài những tác phẩm chất liệu inox chủ đạo, còn có một tác phẩm hạt lúa được ghép lại bằng mảnh của hai chiếc xuồng gỗ. Nếu tách cái hạt lúa (khổng lồ) ấy ra thì thành hai chiếc xuồng. Và Bùi Hải Sơn cũng gọi đó là nguồn. Từ nguồn, sự sống bắt đầu khởi động và sự sáng tạo không bao giờ dừng lại.
Cuộc chơi sang trọng và khổ ải Điêu khắc là một cuộc chơi sang trọng nhưng cũng thật khổ ải. Bùi Hải Sơn là một trong ít nhà điêu khắc biết vượt qua khổ ải ấy để mang vẻ đẹp đến với công chúng. Được giới chuyên môn đánh giá là một nhà điêu khắc tận tâm và kỹ lưỡng. Từ sự kỹ lưỡng về kỹ thuật đó, tác phẩm của Bùi Hải Sơn mang những vẻ đẹp thật tinh tế. Bùi Hải Sơn sinh năm 1957 tại An Giang. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP.HCM năm 1987. Hiện là giảng viên Đại học Kiến trúc TP.HCM. Từ năm 2000-2010 tham gia nhiều triển lãm điêu khắc trong nước và quốc tế.
|
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận