* Hậu quả khôn lường
Là người đã sống và làm việc tám năm ở Nhật, tôi thấy truyện tranh bên Nhật rất thịnh hành, cả người lớn cũng đọc rất say sưa. Nhưng truyện tranh như trong bài viết Truyện tranh "phản giáo gợi dục" rất không phù hợp với văn hóa của VN. Tôi nghĩ nên ngăn chặn ngay không cho phát hành những loại truyện như thế này. Hậu quả với con em chúng ta sẽ rất khôn lường!
* Không phải chuyện nhỏ!
Nhìn tủ truyện tranh của cháu tôi, không có một cuốn nào dạng truyện cổ tích, truyền thuyết như Thạch Sanh, Tấm Cám, Sọ Dừa,... mà tôi vẫn thường đọc ngày xưa. Tất cả truyện tranh cháu tôi đang đọc đều có dạng giống như những truyện mà bài báo trên phản ánh. Ngoài những truyện tranh có tính gợi dục, còn nhiều truyện tranh viết lại hoặc phỏng theo tác phẩm kiếm hiệp. Kiểu truyện này lại thường tập trung vào những tình tiết có tính bạo lực, đánh đấm, lời lẽ mắng nhiếc thóa mạ của các nhân vật nhiều hơn là cố gắng chuyển tải tính võ hiệp, nhân văn của tác phẩm gốc.
Tuy nhiên, dù truyện tranh được đầu tư tốt đến đâu thì thể loại kiếm hiệp, tình cảm yêu đương, truyện ma... cũng không phù hợp với lứa tuổi mới lớn. Ðặc biệt, trong nhà chị tôi, cháu 14 tuổi mua truyện nào về đọc thì cháu 8 tuổi cũng đọc theo. Tôi thật sự không yên tâm vì thỉnh thoảng cháu tôi có những câu nói, huơ tay múa chân bắt chước y như nhân vật trong truyện. Thậm chí chúng còn lấy tên nhân vật để gọi nhau.
Dù nội dung rời rạc, cộng với lời thoại ngắn ngủn, đơn điệu, nhưng loại truyện tranh "phản giáo gợi dục" này lại được thanh thiếu niên ưa chuộng, nhất là những em chưa có ý thức chọn lựa. Tôi tự hỏi để có thể xuất bản những loại truyện này ra thị trường, không lẽ không qua sự kiểm duyệt của một cấp hay ban ngành chức năng nào?
Chẳng hạn trường hợp bộ truyện Chàng trai trong truyện tranh do NXB Thanh Hóa - một NXB có tên tuổi đàng hoàng - cấp phép ấn hành, NXB này sẽ chịu trách nhiệm gì khi đồng ý cho xuất bản một tác phẩm phản giáo dục như vậy? Tôi nghĩ đây không phải là chuyện nhỏ. Chính những tác động ngấm ngầm này sẽ gây những hậu quả không thể xem thường!
*Cần phân loại độ tuổi
* Theo tôi biết, nguồn truyện của các NXB làm những quyển truyện loại này hầu như là download ở trên các site chia sẻ truyện tranh của nước ngoài bằng tiếng Trung hoặc Nhật. Thông thường họ đều phân loại độ tuổi đọc những truyện này là 16+ hoặc 18+ với một bảng "khuyến cáo" về nội dung có những cảnh người lớn. Lâu nay NXB Thanh Hóa và Ðà Nẵng đã xuất bản không ít bộ 18+ với rất nhiều cảnh nhạy cảm nhưng không phân loại. Việc xếp các thể loại truyện này vào tủ sách tuổi teen là một việc không thể chấp nhận được của các NXB.
* Truyện tranh ở nước ngoài đã trở thành một nền công nghiệp hẳn hoi, họ viết không phải chỉ cho trẻ em mà còn cả người lớn nữa. Nhật có manga khẳng định tên tuổi lâu đời, Hàn Quốc với manwha cũng đã khẳng định được chỗ đứng, Trung Quốc với manhua mới nổi lên, hay đơn cử phương Tây với comic là truyện viết cho người lớn đấy thôi. Vì truyện tranh không chỉ dành cho trẻ em nên có đủ thể loại, việc truyện tranh không phù hợp lứa tuổi tới tay các em nhỏ là lỗi do ai? Có phải do nhà xuất bản không phân loại rõ độ tuổi, Nhà nước thiếu kiểm soát, người bán ham lợi không quan tâm tuổi và các em nhỏ "không để ý tuổi" ?
Muốn truyện tranh VN phát triển lành mạnh còn cần nhiều cải cách, nỗ lực; nếu không người đọc yêu truyện tranh sẽ càng xa rời truyện tranh giấy và đến với truyện tranh mạng, Nhà nước càng khó quản lý hơn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận