30/09/2007 06:34 GMT+7

Truyện ngắn 1.200: Sóng trên bờ sông

Truyện 1.196 chữ của  ĐÀO NGUYÊN THUẬN
Truyện 1.196 chữ của  ĐÀO NGUYÊN THUẬN

TT - Bên kia sông là gia đình hai người con trai cụ Giang đang sinh sống. Cụ sống bên này sông với người con cả và thờ chồng.

RqjkPjv1.jpgPhóng to
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Khổ nỗi chỗ dựa nhờ khi về già - nhất là người thờ cúng mình lúc nhắm mắt - cũng bị mất đi. Trong một lần thồ muối đi lên miền núi bán rong cách nhà 80 cây số, người con trai cả của cụ bị tử nạn khi xe trôi tuột ở con dốc Truông rồi đâm vào vách núi.

Bị xe muối đè lên, con trai cụ phải nằm viện hơn một tháng ròng nhưng không qua khỏi. Cụ ở với con dâu. “Cả đời người có một lần chết. Chỉ mong nằm xuống được mồ yên mả đẹp để phúc cho cháu con sau này” - cụ tâm niệm thế nên càng lo lắng cho chỗ ngủ thiên thu của mình.

Cả xã có một cái nghĩa trang, nằm cạnh bờ sông Thai, bên phía nhà cụ. Quãng hơn 10 năm trở lại nay, tại bờ sông chỗ nghĩa trang đó bị lở rồi nước sông mỗi lúc một dâng to khỏa lấp. Ngày nào cụ cũng hỏi con dâu xem trên xã đã tìm được một mảnh đất mới làm nghĩa trang chưa.

Bị hỏi nhiều quá, con dâu cụ đành nặng lời: “Mẹ đừng hỏi nữa có được không. Người ta đang họp, đang bàn. Con trai mẹ nằm đó cũng là chồng con. Cả làng này đều thế cả, sốt ruột như chúng ta”.

Từ khi nghĩa trang bị chìm, ngoài việc người chết phải đưa qua bên kia sông mai táng thì chỗ sông ấy xuất hiện một đám xoáy nhỏ. Một ngày nọ có một chiếc sà lan chạy qua chỗ xoáy đó thì lựng khựng như vướng cạn.

Chiếc sà lan mở hết tốc lực để vượt qua, khói hụ ra đen cả một triền sông. Nó vượt qua điểm xoáy lao vút đi nhưng lại va vào chân chiếc cầu gần đó. Cầu rớm nứt. Chủ sà lan đền tiền để sửa chữa.

Để lâu không sửa, cầu nứt thêm và nhanh chóng gãy sụm. Mất mấy năm trời người dân bị mất lối đi, cuối cùng cũng nhìn thấy được một lễ khởi dựng cầu mới. Hôm đó cả vùng này quên hết công việc, nỗi cực nhọc để đổ về kín đặc đôi bờ sông.

Cụ Giang mừng nhất làng. Cụ phải kìm nén mãi mới không hét lên một điều rằng có cầu rồi lúc về già, trong lễ tang cho mình sẽ dễ dàng đưa qua bên kia sông mai táng.

10 năm đằng đẵng trôi qua rồi mà công việc xây cầu này vẫn còn dang dở. May sao cạnh chân cầu có gia đình anh Dương bỏ tiền mua chiếc đò đưa giúp bà con qua sông. Nhưng khi nước sông dâng to hoặc trời giở chứng thì đò không thể hoạt động được buộc phải neo đậu. Cụ Giang tuổi đã 97, lưng còm gập xuống song song với mặt đất nên ngày một thưa dần việc ra xem cầu có thi công tiếp không.

Sáng nay, cụ lại được tin trong làng thêm một đám tang. Cụ lại như ngồi trên đống lửa. Trên đoạn sông này có khá nhiều thuyền nhưng đều kiêng chở người chết. Con đò này cũng vậy. Cả làng nhốn nháo đổ xô đi tìm chiếc thuyền duy nhất nhận chở thuê quan tài qua sông. Thầy cúng đã xem giờ, đến giờ tốt để hạ huyệt rồi mà chưa tìm ra chiếc thuyền ấy đâu cả. Tiếng khóc càng ré lên thảm thiết, dội xuống mặt sông.

Mỗi một quan tài đưa qua sông mai táng phải trả tiền thuê thuyền mất một triệu hai. Cụ Giang rùng mình và càng co rúm trong chiếc chăn sờn, mỏng dánh. Cụ mở mắt nhìn khắp căn nhà rồi lẩm bẩm: “Bán cả cái nhà ni cũng còn chưa đủ”. Cụ bật dậy, tấm san giường bằng nan tre kêu rột roạt. Cụ hổn hển ra sông xuống đò sang bên kia bờ. Đã thành cái nếp, hễ thấy trở trời, nước sông dâng to hoặc nghĩ đến cái chết là cụ lại sang bên kia sông xin được tá túc với gia đình người con trai để lỡ chết khỏi phải thuê thuyền.

Mọi lần, trước khi bước vô nhà, cụ cứ nhấn nhứ, loay hoay ngoài cổng để thăm dò thái độ các con. Lần này, cụ chống gậy đi thẳng vào góc tối nhất của chiếc kho đựng muối còn trống nằm cuối vườn. Cụ định sẽ ngồi đó chờ cho quá bữa cơm trưa rồi mới vào nhà. Mấy lần trước, cụ sang khi bắt đầu nấu cơm nên con dâu cứ nói xa nói gần... Bỗng trong nhà có tiếng xì xồ của con dâu rồi đến người con trai to tiếng. Chẳng mấy chốc cuộc cãi vã xảy ra với gia đình bên cạnh.

- Chỗ đất đó là cái ngõ đi chung của hai nhà dạo trước, tại sao nay mày lại lấn bờ vườn mất một nửa hả cái đồ tham lam?

- Ông không tham chắc? Làm anh sao mỗi lần mẹ sang ở vài ngày là mặt sa mày sỉa.

- Mày có điều kiện hơn sao không đưa mẹ về nuôi đi. Cái gì cũng đùn cho tao cả…

Cuộc cãi vã đã say sưa kéo dài và chuẩn bị xảy ra ẩu đả thì có tiếng ồn ào của xóm làng: “Cán bộ địa chính, lãnh đạo xã đến. Ồ có cả cán bộ huyện”. Mọi người trầm trồ bởi cán bộ thật nhanh nhạy, về để giải quyết và dập tắt vụ việc cho hai gia đình này.

- Bọn tao về đây là để hỏi cho ra việc mấy hôm trước ai đã cung cấp thông tin cho nhà báo ba cái chuyện cầu xây dở, đám ma phải thuê thuyền chở quan tài sang sông. Lại còn kể ra những hôm động trời nước dâng to, đò không chống, học sinh phải ngồi trên vai người lớn đu bám theo chân cầu để qua sông đến trường. Đúng là đồ tam tổ tam tiên…

Cụ Giang nãy giờ ngồi đang ôm ngực, đầu óc như đã trôi dạt nơi nào. Trong mơ màng cụ có nghe thấy hai từ nhà báo. Cụ tỉnh dần và nghĩ ngợi: họ mà đưa chuyện hai người con trai mình lên báo thì đâu đâu cũng biết. Chết nhắm mắt sao đặng. Cụ nhổm dậy, tay men theo vách tường rào ra chỗ đông người. Cụ sững lại khi nhìn thấy một tốp người ăn mặc sang trọng, nói năng lớn tiếng. “Họ về bắt các con mình”, nghĩ vậy rồi cụ lịm dần, đổ người xuống…

Đám tang cụ rất đông người, nhất là trẻ em. Dựng ở đầu quan tài có tấm hình thờ người quá cố. Hình chụp khi đã chết, mắt cụ nhắm nghiền, chẳng dám nhìn ai nhưng thật mãn nguyện vì được mai táng trót lọt phía bên kia sông…

Truyện 1.196 chữ của  ĐÀO NGUYÊN THUẬN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên