![]() |
Minh họa: Đỗ Trung Quân |
Đầu tuần, tôi lấy giấy giới thiệu lên vùng núi này. Sau khi thu xếp, vẫn thấy còn vướng một chuyện. Có bà cụ ở Thái Bình, mẹ của bốn liệt sĩ, lên tòa soạn tôi kêu cứu vì bị người ta chiếm đất, phải ra túp lều ngoài đê ở. Tôi tiếp nhận đơn của bà, hẹn thứ năm này sẽ làm việc cụ thể để viết bài. Nhưng mình đi công tác thì ai tiếp? “Ôi dào, mày để tao tiếp cụ cho, về nhuận bút chia đôi nhé”, thằng Trung cùng ban thời sự bảo. Tôi yên tâm lên đường.
Ông trưởng phòng giáo dục huyện vùng cao nói phả hơi rượu vào mặt tôi: “Nhà báo muốn viết về đề tài giáo viên cắm bản thì phải đến Trường San Chải. Cô giáo nào cũng kè kè một lọ đường để nhử học sinh đến lớp. Bây giờ thì khá rồi, cô giáo chỉ đến muộn năm phút là học sinh đứng cả ra cửa lớp ngóng chờ. Đây đến đó không xa đâu, gần một tiếng đi bộ, để tôi vẽ đường cho, nên đi ngay kẻo các thầy cô lên lớp hết...”.
Tôi toát mồ hôi trong cái lạnh ngọt lành của buổi sáng tinh mơ mùa hè vùng cao. Tiếng chim cu gáy gù như hòn sỏi ném vào cái bầu không khí lặng như tờ. Tôi giật mình khi thấy một cô gái đứng phía trước, mờ ảo trong làn sương mù, tưởng gần mà hóa xa. “Chào anh, có phải anh lên Trường San Chải không?”, giọng nói cô gái như vang lên từ một thế giới khác. Tôi bảo: “Ừ, đúng rồi, chị cũng lên đó à?”. “Em là Liên, giáo viên của Trường San Chải, hôm nay em phải có mặt để lên lớp tiết một đấy, nhưng gia đình em có việc đột xuất nên em phải ở lại. Em nhờ anh nhắn với thầy hiệu trưởng là em xin nghỉ buổi dạy sáng nay và mấy hôm nữa. Sau đó gia đình em sẽ lên nói rõ lý do. Được không anh?”. “Tại sao không nhỉ? Tôi sẽ làm việc với thầy hiệu trưởng mà”. Qua làn sương mờ ảo, cô gái cười để lộ hai lúm đồng tiền. “Vậy em nhờ anh một việc nữa. Anh cầm hộ giúp món quà này cho Hơ Lim, học sinh lớp 4A của em chủ nhiệm. Anh nhắn với Hơ Lim là cô giáo Liên mong Hơ Lim hãy tập vẽ nhiều vào nhé”. Cô gái đưa cho tôi một hộp bút chì màu, tôi thoáng thấy những ngón tay hồng hào của cô còn vương mực tím, rồi không thấy cô đâu nữa. Cô biến mất trong sương mù.
Thầy hiệu trưởng Trường San Chải sau khi biết tôi là nhà báo, mừng quýnh lên. Ông vội vàng cầm chiếc ấm đã sứt vòi pha trà, bảo: “Anh đừng cười nhé, thiếu thốn đủ bề, ngay cả nước cũng phải dè sẻn. Khổ nhất là các cô giáo. Thế mà nhiều cô bám trụ đây hơn mười năm quên cả lấy chồng”. “Nhưng Sở Giáo dục hứa chỉ phải đi nghĩa vụ có ba năm?”. “Thì người ta hứa vậy thôi, xong rồi quên luôn. Nói thật nhé, giáo viên của tôi đã hai người bỏ mạng ở vùng sâu này. Một chết vì lũ quét, một vì tai nạn giao thông...”. Thầy hiệu trưởng nhìn đồng hồ rồi ra cửa ngóng: “Chắc có chuyện gì rồi, sao bây giờ Liên vẫn chưa tới”. Tôi chợt nhớ, vội nói: “Hồi sáng em có gặp cô giáo Liên trên đường, cô nhờ nói với thầy là xin nghỉ buổi dạy sáng nay và mấy ngày tiếp theo vì có việc gia đình đột xuất. Cô còn nhờ chuyển cho em Hơ Lim, học sinh lớp 4A, hộp bút màu này và dặn phải tập vẽ nhiều vào”. Thầy hiệu trưởng thở phào: “Nếu anh không nói ngay thì tôi nghĩ Liên gặp chuyện gì rồi. Đi dạy năm năm nay, Liên chưa bao giờ chậm một phút, chưa bao giờ sai hẹn, chưa bao giờ thất hứa. Chỉ thất hứa với tuổi xuân của mình: chưa chịu lấy chồng. Đấy, hứa mua cho cô học trò hộp chì màu là mua ngay, người chưa lên tới nơi mà bút chì màu đã có mặt. Xin lỗi, anh ngồi chờ một chút để tôi bố trí giáo viên dạy thay và đưa hộp bút chì cho Hơ Lim”.
Một lúc sau thầy hiệu trưởng quay lại, trên tay cầm một nhành lan rừng. Thầy cười bảo: “Nhà báo chờ hơi lâu phải không? Hơ Lim nó bắt tôi đợi để nó chạy về nhà lấy nhành lan này lên gửi tặng cô giáo Liên. Nó bảo: cô đã hứa cho nó hộp bút chì, còn nó cũng muốn thực hiện lời hứa tặng cô cành lan rừng. Phiền anh, trên đường về thành phố, ghé qua nhà Liên ở ngay bến xe thị trấn Si Ma Cai chuyển giùm cành lan và nhân tiện xem tình hình gia đình cô ấy có chuyện gì không. Tôi lo quá. Mà Liên cũng đáng để anh viết một bài báo đấy”.
Sau nửa ngày tìm hiểu, ghi chép, tôi tạm biệt thầy hiệu trưởng. Đến bến xe thị trấn Si Ma Cai, tôi hỏi thăm đường vào nhà Liên. Tôi sởn da gà khi nghe tiếng kèn đám ma. Trên bàn thờ, ảnh một cô gái trẻ đang mỉm cười. Nụ cười có lúm đồng tiền. Tôi muốn quị xuống khi nghe người nhà bảo Liên đã mất trong một tai nạn giao thông khi đang từ Trường San Chải về thăm nhà. Tôi có nghe nhầm không? Sáng nay tôi vừa gặp Liên, cầm hộp bút chì màu từ bàn tay còn vương mực của Liên. Hay còn có một cô giáo Liên nào khác. Nhưng gương mặt trong bức ảnh thờ này đúng là đã nói chuyện với tôi nơi dốc núi... Tôi run rẩy đặt nhành lan lên bàn thờ và đi vội ra bến xe.
Sau chặng đường dài, vừa đặt chân tới tòa soạn, cô thường trực đã sa sả: “Sao cháu lỡ hẹn với bà cụ ở Thái Bình. Tội nghiệp bà cụ đứng chờ cả ngày. Cháu không biết giữ lời hứa à?”. Tôi cúi đầu, gọi di động ngay cho Trung: “Sao mày không tiếp bà cụ Thái Bình như đã hứa?”. Trung cười, nói một câu ơ hờ: “Ừ nhỉ, tao quên mất. Thôi ra Hải xồm uống bia hơi, tao chịu phạt vậy”. Tự dưng nước mắt tôi trào ra. Tôi bỗng muốn bắt xe trở lại Trường San Chải.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận