Phóng to |
Mới đây, nhà chức trách Trung Quốc đã cảnh báo: hạn hán ở năm tỉnh miền nam (Vân Nam, Quý Châu, Quảng Tây, Trùng Khánh và Tứ Xuyên) có thể kéo dài đến giữa tháng 3. Khô hạn kéo dài từ tháng 9-2009 đã đẩy hơn 15 triệu người và 9 triệu đầu gia súc vào cảnh thiếu nước. Ngoài ra, hơn 4,4 triệu hecta hoa màu ở năm tỉnh cũng bị hư hại. “Từ trước đến nay, ít có đợt hạn hán nào kéo dài và tác động nghiêm trọng như lần này”, Cơ quan Khí tượng Trung Quốc (CMA) nhận định.
Khát nước và cháy rừng
Chỉ riêng ở tỉnh Vân Nam, nơi bị thiệt hại nặng nề nhất, 6 triệu người đã bị thiếu nước. “Số người bị ảnh hưởng có thể tăng lên tới 10 triệu vào tháng 5” - ông Tần Quang Vinh, chủ tịch tỉnh Vân Nam, cho biết. Nhiệt độ trung bình ở Vân Nam từ tháng 9-2009 đến tháng 2-2010 là 22,7 độ C, cao hơn 2,2 độ C so với nhiệt độ trung bình hằng năm, một kỷ lục kể từ năm 1952. Trong năm qua, Vân Nam chỉ có 31 ngày mưa. Tại Trùng Khánh, nhiều hồ chứa nước khô cạn. Ở huyện Vinh Trường, Trùng Khánh, người dân chỉ có thể sử dụng nước năm giờ mỗi ngày kể từ tháng 10-2009.
Ở Quảng Tây, hạn hán đã làm gần 100ha rừng ở khu bảo tồn tự nhiên quốc gia Trung Sơn bị cháy rụi. Ước tính thiệt hại kinh tế do đợt hạn hán này gây ra cho Quảng Tây lên đến 220 triệu USD. Các cơ quan khí tượng Trung Quốc dự báo do không có mưa, thời tiết khô hạn và nóng sẽ tiếp tục trong ít nhất 10 ngày nữa.
Giới chuyên gia khí tượng Trung Quốc cho rằng do biến đổi khí hậu, hiện tượng El Niño đang diễn biến trầm trọng hơn ở Thái Bình Dương, kết cấu khí hậu toàn cầu bị phá vỡ dẫn đến hiện tượng phía bắc thì mưa tuyết, phía nam thì hạn hán. Riêng đối với khu vực Đài Loan, Trung Quốc, hiện tượng El Niño đang lan rộng đến hơn 3.000km là nguyên nhân chính gây ra hạn hán kéo dài ở một số khu vực của Trung Quốc.
Để đối phó với hạn hán, CMA đang dự tính tạo mưa nhân tạo ở các khu vực bị ảnh hưởng với một dự án trị giá khoảng 2 triệu NDT (294.000 USD). CMA sẽ cho bắn hạt iodide bạc vào mây để tăng tích tụ hơi nước dẫn đến mưa, một kỹ thuật mà Trung Quốc đã sử dụng từ nhiều thập niên qua, đặc biệt ở khu vực miền bắc, khu vực trồng lúa mì chủ yếu của cả nước.
Mekong cạn kiệt
Trong khi đó tại Thái Lan, hạn hán cũng đang trở nên cực kỳ nghiêm trọng. Cơ quan Phòng chống thảm họa Thái Lan cho biết khoảng 23 tỉnh ở Thái Lan đang bị hạn hán, tác động trực tiếp lên hơn 2,25 triệu người. Cục Thời tiết Thái Lan dự báo nhiệt độ năm nay ở Thái Lan có thể lên tới 43 độ C. Thường vào thời điểm này, nhiệt độ cao nhất ở Thái Lan khoảng 34-35 độ C, nhưng hiện đã lên đến 38-39 độ C và sẽ còn tiếp tục tăng trong hai tháng nữa.
Tàu thuyền chở hàng và sà lan đã không thể đi lại trên sông Mekong do mực nước sông xuống thấp nhất trong vòng 50 năm qua. Văn phòng hải quan ở Chiang Rai đã thông báo hoạt động chở hàng trên sông đi và đến từ Trung Quốc sẽ bị đình trệ. Thay vào đó, hàng hóa được chuyên chở bằng đường bộ từ Thái Lan sang Vân Nam qua ngả Lào. Tuyến đường R3A này đang trở nên cực kỳ đông đúc với số xe tải chở container đi qua tăng từ 50 xe/tháng vài tháng trước lên 50 xe/ngày.
Nghị sĩ Thái Lan Prasarn Maruekapitak, lãnh đạo Ủy ban Phát triển lưu vực Mekong, khẳng định các con đập ở Trung Quốc là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mực nước sông sụt giảm. “Vì bất kể nguyên nhân gì thì người dân cũng đang phải gánh chịu khó khăn - ông Prasarn tuyên bố - Chính phủ cần xem xét việc đàm phán với Trung Quốc để Bắc Kinh mở các đập, cho nước tràn xuống hạ lưu”. Báo chí Thái Lan cho biết ở tỉnh Phitsanulok, nông dân đã bắt đầu xung đột, tranh giành nước của nhau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận