Tình trạng đau nhức xương khớp khi trời lạnh khiến bệnh nhân khổ sở trong sinh hoạt, lao động, từ đó làm giảm sút chất lượng cuộc sống, thậm chí có thể bị những biến chứng không đáng có.
Ông Nguyễn Văn Vui (54 tuổi, Hà Nội) mắc bệnh thoái hóa khớp gối hơn 3 năm nay. Mỗi khi thời tiết mưa gió thất thường hoặc mùa đông trời trở lạnh các khớp gối có cảm giác châm chích, đau nhức rất khó chịu.
"Những cơn đau nhức cứ tái đi tái lại rất khó vận động, khiến tôi nhiều khi không muốn đứng lên, đi lại. Nhiều hôm đau nhức quá tôi mệt mỏi không muốn ăn, đêm nằm thao thức không sao ngủ được", ông Vui chia sẻ.
Bệnh lý cơ xương khớp thường gặp khi trời lạnh
Bác sĩ Nguyễn Văn Cường - khoa châm cứu Bệnh viện Y dược cổ truyền Hưng Yên - cho biết mùa đông thời tiết lạnh, độ ẩm tăng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nhiều loại bệnh lý, đặc biệt là các bệnh về cơ xương khớp. Những bệnh này không chỉ gây khó chịu mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của người bệnh.
Trong thời tiết lạnh có cảm giác tăng cường cảm giác đau và khó chịu ở các khớp.
Một số bệnh lý thường gặp như thoái hóa khớp, là quá trình thoái hóa của sụn khớp, thường xảy ra ở người lớn tuổi. Thời tiết lạnh làm tăng cường triệu chứng đau nhức, sưng tấy.
Viêm khớp dạng thấp, là bệnh tự miễn có xu hướng bùng phát trong thời tiết lạnh. Người bệnh thường cảm thấy đau, cứng khớp vào buổi sáng và khi thời tiết chuyển lạnh.
Bên cạnh đó, mùa đông cũng là thời điểm mà bệnh gout thường có xu hướng tăng do chế độ ăn uống, đặc biệt là việc tiêu thụ nhiều thực phẩm chứa purin.
Phòng bệnh thế nào?
Theo bác sĩ Cường, y học cổ truyền xem sức khỏe là sự cân bằng giữa các yếu tố âm dương, khí huyết và các tạng phủ trong cơ thể. Vào mùa đông, thời tiết lạnh và ẩm có thể làm tăng độ lạnh trong cơ thể, gây ra sự ứ trệ khí huyết và dẫn đến các vấn đề về cơ xương khớp.
Bác sĩ Cường gợi ý một số biện pháp phòng bệnh cụ thể:
- Giữ ấm cơ thể: Tắm ngâm nước ấm với thêm một ít thảo dược như gừng, sả hoặc muối hồng có tác dụng kích thích tuần hoàn máu, giúp cơ thể ấm lên và giảm cơn đau nhức khớp.
Mặc ấm, có khăn quàng cổ và tất để giữ ấm cho các bộ phận dễ bị lạnh như tay, chân và cổ.
- Chế độ ăn uống: Nên ăn những món ăn ấm nóng, dễ tiêu hóa như cháo gừng, xúp xương, và các món hầm. Những món này không chỉ bổ sung dinh dưỡng mà còn giúp cơ thể giữ ấm.
Sử dụng các loại thảo dược như gừng, quế, nghệ, và tỏi trong chế độ ăn uống. Những thảo dược này có tác dụng kháng viêm, giảm đau và tăng cường sức đề kháng.
Bổ sung canxi và vitamin D, các thực phẩm giàu canxi như tôm, cua, cá, và sữa có thể giúp duy trì sức khỏe xương khớp. Vitamin D từ ánh nắng mặt trời cũng rất quan trọng, nên cần có kế hoạch bổ sung khi thiếu ánh sáng tự nhiên.
- Vận động hợp lý: Những bài tập nhẹ nhàng như yoga hoặc thái cực quyền không chỉ giúp cơ thể linh hoạt mà còn tạo cảm giác thư giãn. Y học cổ truyền khuyến khích việc tập luyện hằng ngày để duy trì sự lưu thông khí huyết.
Đi bộ hằng ngày, ngay cả khi thời tiết lạnh, có thể giúp tăng cường sức khỏe xương khớp và giảm cảm giác đau nhức.
- Sử dụng phương pháp trị liệu y học cổ truyền như châm cứu, phương pháp này giúp kích thích các điểm huyệt, làm tăng lưu thông khí huyết, giảm đau và cải thiện chức năng khớp.
Xoa bóp bấm huyệt: những liệu pháp này giúp thư giãn cơ bắp, giảm căng thẳng và tăng cường lưu thông máu. Có thể thực hiện các bài xoa bóp nhẹ nhàng tại nhà hoặc tìm đến các chuyên gia.
Sử dụng thuốc thảo dược: Một số bài thuốc cổ truyền như bài thuốc ngải cứu, bài thuốc hạ khớp có thể giúp giảm đau, chống viêm và tăng cường sức khỏe khớp. Cần tham khảo ý kiến bác sĩ y học cổ truyền để có liều lượng phù hợp.
Tham vấn bác sĩ thường xuyên: Nếu có tiền sử bệnh lý về cơ xương khớp, hãy tham khảo bác sĩ để được tư vấn kịp thời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận