Theo Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN) có hiệu lực từ 1-1-2009, trợ cấp một lần khi sinh con được miễn thuế. Vậy bốn tháng tiền lương nhận từ BHXH có được miễn thuế TNCN hay không?
(Thuy Duong)
- Tư vấn của luật sư Võ Hoàng Tuyên:
Theo qui định tại điểm d Khoản 2.2 Phần II Thông tư 84/2008/TT-BTC ngày 30-9-2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế TNCN và hướng dẫn thi hành một số điều của nghị định 100/2008/NÐ-CP ngày 8-9-2008 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân, các khoản phụ cấp, trợ cấp theo qui định của Luật bảo hiểm xã hội và Bộ luật lao động sẽ được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công bao gồm:
- Trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.- Trợ cấp một lần khi sinh con, nhận con nuôi.- Trợ cấp do suy giảm khả năng lao động.- Trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hằng tháng.- Các khoản trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc, trợ cấp thất nghiệp.- Các khoản trợ cấp khác do BHXH chi trả.
* 2. Tôi làm việc cho một công ty TNHH. Hiện tôi đang công tác xa nên nhận lương khoán hằng tháng bao gồm lương và các khoản chi phí đi lại, ăn, ở trọ nơi công tác, vì thế tổng thu nhập hằng tháng là rất cao. Vậy nếu tính thuế TNCN thì tôi có được giảm trừ các khoản chi phí (vé máy bay đi công tác, thuê nhà...)? Nếu có thì tôi cần những giấy tờ gì?
(Phan Thanh Sang)
- Theo qui định tại Khoản 2 Ðiều 3 Luật thuế TNCN có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2009 thì thu nhập của bạn nhận được từ tiền lương là thu nhập chịu thuế nên thu nhập nhận từ lương khoán hằng tháng của bạn phải đóng thuế TNCN.
Tuy nhiên, theo hướng dẫn tại công văn số 937 ngày 06/03/2007 của Tổng cục Thuế thì: Khoản công tác phí thuộc diện không chịu thuế thu nhập cá nhân được qui định tại thông tư số 118/2004/TT-BTC ngày 8-12-2004 và thông tư số 91/2005/TT-BTC ngày 18-10-2005 của Bộ Tài chính.
Ðối với các đơn vị đang áp dụng mức chi công tác phí (trong và ngoài nước) phù hợp với đặc điểm hoạt động, sản xuất kinh doanh của đơn vị và khoản chi này đã được hạch toán vào chi phí hợp lý của đơn vị thì cá nhân được hưởng công tác phí không phải tính thuế TNCN nhưng tối đa không vượt quá mức quy định tại thông tư số 118/2004/TT-BTC ngày 08/12/2004 và thông tư số 91/2005/TT-BTC ngày 18-10-2005 của Bộ Tài chính.
Do đó, bạn nên yêu cầu cơ quan nơi bạn đang công tác hạch toán và tách riêng những khoản chi phí này ra khỏi tiền lương tháng của bạn và đưa vào chi phí hợp lý của cơ quan.
* 3. Công ty tôi có trường hợp một công nhân nữ đến ngày 31-1-2009 thì hết hạn hợp đồng. Do kết quả đánh giá quá trình làm việc không đạt và do công nhân này thường vi phạm nội quy công ty nên công ty quyết định không tiếp tục ký tiếp hợp đồng lao động (HĐLĐ) mới sau khi kết thúc hợp đồng cũ (áp dụng chấm dứt HĐLĐ theo điều 36, Bộ luật lao động) và đã có báo trước.
Tuy nhiên công nhân này không đồng ý chấm dứt HĐLĐ với lý do đang nuôi con nhỏ. Xin hỏi trong trường hợp này công ty chúng tôi có quyền chấm dứt HĐLĐ theo Khoản 1 Ðiều 36 của Bộ luật lao động không?
(John Pham)
- Theo quy định tại Ðiều 36 Bộ luật lao động đã được sửa đổi bổ sung, HĐLĐ chấm dứt trong những trường hợp sau đây:
1. Hết hạn hợp đồng;2. Ðã hoàn thành công việc theo hợp đồng;3. Hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng;4. Người lao động bị kết án tù giam hoặc bị cấm làm công việc cũ theo quyết định của Tòa án;5. Người lao động chết; mất tích theo tuyên bố của tòa án.
Vì vậy, nếu sau khi hết hạn hợp đồng mà công ty bạn không muốn ký kết hợp đồng mới với người lao động thì có quyền chấm dứt HĐLĐ theo Khoản 1 Ðiều 36 Bộ luật lao động đã được sửa đổi, bổ sung.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận