16 tuổi, một mình từ Huế vào Sài Gòn sống tự lập, tự mày mò nghiên cứu triết học và tiếp tục việc tự học nhạc được bắt đầu trước đó vài năm, để rồi ông đã đứng tên vững vàng với ngay bản nhạc đầu đời: Ướt mi (1959).
![]() |
Minh họa: La Nguyễn Quốc Vinh |
Sau này nhìn lại, Trịnh Công Sơn không hề cho đó là “bất hạnh hay không bất hạnh” về thuở áo trắng của mình. Những bước đầu tiên vào đời và những bước đầy trải nghiệm sau này không hề có sự đổi khác, càng không đứt đoạn; đó liên tục là những bước thuần nhất, quán xuyến làm nên một đời người. Ðó có thể là bản lĩnh “chín sớm” của ông, đó cũng có thể do định mệnh đã khoác lên người ông một số phận khác thường.
Nhưng dù sao tuổi áo trắng luôn là sự khởi động quan trọng. Nghe và hát nhạc Trịnh Công Sơn hôm nay, hay mãi mãi về sau, ta vẫn nhận biết thời áo trắng của ông mang nhiều khát vọng to lớn - nhưng đấy không phải là khát vọng về danh vị hay sự nghiệp cá nhân, đấy là khát vọng về sự hoàn mỹ của cuộc sống phải được kiến tạo nên bởi tình yêu giữa con người và con người, được ông tỏ bày không mệt mỏi qua hình thức sáng tạo của nghệ thuật âm nhạc - trước và sau này vẫn thế.
Một ca khúc, có thể nói là hay nhất của ông - và của Việt Nam ở thế kỷ 20 - nói về tuổi áo trắng có lẽ là bài Còn tuổi nào cho em. Tôi chưa từng nghe ai tỏ bày sự trân trọng, và có cách diễn đạt quá chừng mẫn cảm, tinh tế về lứa tuổi này bằng ông qua những lời hát tuyệt vời như thế: “Xin cho tay em còn muốt dài. Xin cho cô đơn vào tuổi này. Tuổi nào lang thang thành phố tóc mây cài… Xin chân em qua từng phiến ngà. Xin mây xe thêm màu áo lụa. Tuổi nào thôi hết từng tháng năm mong chờ… Tay măng trôi trên vùng tóc dài. Bao nhiêu cơn mơ vừa tuổi này. Tuổi nào ngơ ngác tìm tiếng gió heo may…”. Ðúng là không có đủ mọi cơn mơ - dù có khi “vĩ cuồng” nhất, sánh với sự mơ mộng cùng bao khát vọng của lứa tuổi này bao giờ!
Kỳ lạ là kể từ thuở áo trắng vào đời sớm thành danh cho đến những ngày tháng trước khi nằm xuống với bao vinh quang tót vời đã nếm trải, Trịnh Công Sơn vẫn giữ được một tấm lòng tinh khôi như ngày nào.
Người ta hay nói về con người ông như một kẻ đạo hạnh, xa rời khỏi sự ganh tị, tị hiềm. Tôi muốn nói thêm là vì kể từ lúc đặt chân vào đời, ở tuổi áo trắng, ông đã biết chọn cho mình một nhân sinh quan trong cuộc sống là giữ một cái tâm bình đẳng giữa mọi loài. (Có thể ông hơi nghiêng về đạo Phật một cách tự phát do truyền thống gia đình lúc bấy giờ).
Với sự trang bị một “vũ khí” như thế, con người ông chỉ có tiến bộ lên mãi mà thôi. “Cái tôi là cái đáng ghét” (Pascal), ngay từ thuở đầu đời Trịnh Công Sơn đã luôn muốn xóa bỏ cái tôi ích kỷ của mình đi, và vì vậy toàn bộ tinh lực của đời ông, ông thoải mái hiến dâng cho tình yêu, nghệ thuật, cái đẹp, và cũng nhờ đó tài năng ông càng thêm điều kiện tập trung lại, nở rộ ra mãi.
Ðó là một “kinh nghiệm” mà tuổi áo trắng thời nào cũng nên lưu ý.
Con người này, tự bản chất xa lạ với danh vọng, mặc dù không có nghĩa là ông phủ nhận nó. Là vì trước tiên, ông biết cuộc sống một con người là hữu hạn so với trời đất, danh vọng mấy rồi cũng có lúc bị chìm khuất đi.
Ông nói một cách hình tượng tài tình: “Từng giọt vô biên. Rơi chìm tiếng tăm”. Một người sống rồi mất đi không ai hay biết: “Vết mực nào xóa bỏ không hay”. Nhưng dù nói cách nào, âm nhạc của ông rốt lại cũng dạy ta về lòng khiêm tốn. Và lòng khiêm tốn rốt lại vẫn có thể là người bạn tốt của danh vọng, nếu như quả thật ta muốn đi kiếm danh vọng một cách chân chính.
Trịnh Công Sơn mất đi, âm nhạc của ông vẫn tiếp tục làm bạn với những thế hệ áo trắng mới. Tôi nhớ những năm trước 1975, có rất nhiều học sinh, sinh viên, để “làm dáng” một chút đã mượn tập nhạc của họ Trịnh làm “nón” che đầu khi đi đến trường học, giảng đường.
Và nhiều bạn trẻ ngày nay khi mua một cuốn sách mới, để kỷ niệm với nó, họ ghi vài dòng ở trang đầu, đại loại: “Hãy yêu ngày tới, dù quá mệt kiếp người. Còn cuộc đời, ta cứ vui”. Một bạn trai chia tay người yêu, nhắc: “Sau lưng ngày con gái. Môi son đừng biếng lười. Cho ta còn mãi mãi. Chút mùi phấn hương bay”, toàn những lời hát chia sẻ khắp nơi của họ Trịnh!
Cách ngôn Việt Nam có câu “người ta là hoa đất”. Thế thì với Trịnh Công Sơn, những người áo trắng là hoa nhất trong các loài hoa. “Dù ngày mưa hay nắng. Bông hoa vẫn là người. Một đàn chim rất trắng. Trong sân đứng xinh tươi”. Ông nhìn thấy thân phận con người quá mong manh, thậm chí mong manh hơn một áng mây (dù đã có hàng nghìn thi sĩ, triết gia ví von đời người như áng mây), cho nên ông từng “xin cho mây che đủ phận người”.
Với loài người tội nghiệp nói chung, Trịnh Công Sơn muốn nhờ mây che chở, nhưng trước những đàn chim áo trắng xinh tươi, ông “bắt” mây phải làm nhiệm vụ “xin mây xe thêm màu áo lụa” cho áo càng trắng hơn, đủ thấy tuổi áo trắng đã làm “hân hoan ôi cuộc đời” của ông nói riêng và của chúng ta như thế nào.
Tại sao ta không nói “cảm ơn tuổi áo trắng” nhỉ?
Áo Trắngsố 36(số 92 bộ mới) ra ngày 1/04/2011hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận