Ông Tư năm nay 84 tuổi, đang trải qua bạo bệnh (liên quan đến phổi), đang nằm điều trị ở Bệnh viện 30-4 (TP.HCM), phải thở máy và hút dịch nhưng tinh thần ông vẫn minh mẫn, kể chuyện xưa, bàn chuyện nay một cách vui vẻ, thú vị.
Vợ chồng quan trọng nhất là lắng nghe nhau
Ông Trần Văn Tư khá nổi tiếng ở Châu Thành (Bến Tre) không chỉ vì cơ ngơi 5 mẫu đất trồng cây mà còn ở tinh thần lạc quan, sống nghĩa tình với xóm giềng, ai cũng quý thương. Đặc biệt, mọi người thương quý ông Tư thợ bạc còn bởi cách sống của ông với vợ con.
"Bà nhà tui mất cách đây mười mấy năm, hồi bả còn sống, tui luôn chu toàn mọi việc trong ngoài", ông Trần Văn Tư kể. Người con gái chăm bệnh cho ông kể hồi bà còn sống, ông luôn nhỏ nhẹ, làm hòa trong mọi hoàn cảnh. Có lẽ đó chính là bí quyết giữ yên hạnh phúc của ông.
Nhớ về thời thanh xuân, ông Trần Văn Tư cho biết mình từ hai bàn tay trắng mà làm nên sự nghiệp. Từ Tiền Giang qua Bến Tre, ông gặp bà, cưới xin, ăn ở với nhau mấy chục năm. Nghĩa vợ tình chồng vun bồi theo năm tháng, có lúc buồn vui, khó khăn do thời cuộc hoặc do cư xử, hiểu lầm nhau cũng có nhưng chưa bao giờ ông để cho mọi chuyện đi quá xa.
"Bà nhà tui nóng tính, hay nói nhiều và ít nói lời nhẹ nhàng. Tui thì ngược lại". Với ông, đó là quy luật bù trừ, dẫu thực dạ có lúc ông cũng mong bà nói nhiều hơn những lời ngọt ngào.
Từ hai bàn tay trắng lập thân lập nghiệp, ông Tư cho biết việc chịu khó làm ăn, tiết kiệm chính là điều kiện để ông từng bước thay đổi cuộc sống. "Từ mần mướn, thuê đất thuê điền làm ăn đến khi mua được đất được nhà là cả hành trình cố gắng, chắt chiu, tiết kiệm, đồng vợ đồng chồng", ông nói.
Tất nhiên, ông thừa nhận mình có cả may mắn trong khởi sự làm ăn nhưng sự chịu thương chịu khó qua bao năm tháng đã giúp ông tạo được cơ ngơi. Song song với làm nông, ông Tư còn có nghề thợ bạc. Với đôi tay khéo léo cùng chí tiến thủ, ông từ làm thợ sang làm chủ, khá lên, cho con ăn học được là nhờ sự dành dụm.
"Tui có ước mơ là con cái mình được học, nên hễ đứa nào học được đều khuyến khích", ông kể. Ông khoe: "Cả con cả cháu, tui có năm đứa theo ngành y dược. Đây là nghề mà tui thích nhất vì nghĩ sẽ cứu được người, khi họ đang bệnh đang khổ".
Nói về mối quan hệ vợ chồng, ông Tư cho biết quan trọng nhất là lắng nghe nhau. Người này nói, người kia nghe. Người này nóng, người kia nhịn. Và đó phải là quan hệ hai chiều chứ không phải một bên nhịn thì bên kia lớn tiếng hoài, một bên giận còn bên kia cứ dỗ riết. "Tình cảm vợ chồng như vậy sẽ không ấm nồng", ông khẳng định.
Con cháu không cần mình phải làm thay
Ở tuổi xưa nay hiếm, lại đang có bệnh trong người, ông Tư cho biết chỉ nhớ những chuyện vui, những cái tốt của người khác, nhất là của vợ con và cháu mình. Người còn, người mất gì cũng là cái duyên mình phải gặp trong đời, vui buồn của mình không phải (và không nên) ở thái độ của họ, mà phải xem xét cách mình tiếp nhận.
Những gì đã làm cho con cháu, có những điều chưa tròn nhưng không có điều gì hối tiếc. Có những điều không làm được không phải lỗi ở ông mà nhiều nhân duyên khác khiến việc không thành. Ví dụ như "tui mong đứa nào cũng học cao hết mà có đứa không chọn theo đuổi việc học, đi chọn theo nghề thợ bạc, ra mở tiệm như tui".
Ông chấp nhận một cách vui vẻ vì đó là lựa chọn của con mình. Rồi ông chỉ Ngân - cô cháu ngoại 8x của mình - "nó học dược rồi, theo lẽ sẽ đi làm ở bệnh viện hay mở nhà thuốc, nhưng thấy má nó cực với cái tiệm quá, nó theo phụ".
Triết lý của ông trong việc con cháu chọn ngành chọn nghề, chọn người thành gia lập thất cũng như nhau: "mình chỉ định hướng chứ không làm thay".
Theo ông Trần Văn Tư, mỗi người đều có cuộc đời riêng để sống với những tính cách, ước mơ, khát vọng, năng lực, bản lĩnh... riêng biệt. "Mình dù có là cha, là ông cũng không thể bắt con cháu theo mình, lấy cái thích của mình buộc con cháu phải làm. Đó là... tầm bậy", ông Tư khẳng khái.
Cuộc trò chuyện ngắn với ông Tư trong vài tiếng ở bệnh viện, chúng tôi nghe ông chia sẻ cũng thấy mình như vừa học được chút ít lẽ sống của một người đã đi qua nhiều thăng trầm, chiêm nghiệm về đời mình một cách chân thành và rút ra những điều đã làm được, như gia tài để lại cho cháu con…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận