03/10/2017 16:56 GMT+7

Trẻ biếng ăn - cuộc chiến trên bàn ăn

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe TP.HCM

Hẳn là đã không ít lần, bạn phải trổ đủ "ngón nghề", vất vả mới cho bé ăn nổi vài thìa cháo hay cơm. Và chắc bạn từng tự hỏi tại sao con người ta ăn uống dễ dàng thế kia, còn con mình thì...

Trẻ biếng ăn - cuộc chiến trên bàn ăn - Ảnh 1.

Đừng lo, vẫn còn nhiều cách có thể làm bé hứng thú hơn với chuyện ăn uống.

"Biếng ăn" – Chuyện "thường ngày" của trẻ

Thông thường trung bình 25% - 35% trẻ khỏe mạnh có những biểu hiện biếng ăn chỉ ở mức độ nhẹ như không muốn ăn, không thèm ăn, ăn không ngon miệng, ăn ít hơn…

Riêng đối với trẻ bệnh thì tần suất biếng ăn ở trẻ đến 40% - 70%, những trẻ đang bị bệnh cấp hoặc mãn tính có những biểu hiện biếng ăn ở mức độ nghiêm trọng hơn. Nếu việc "biếng ăn" của trẻ kéo dài cũng sẽ làm trẻ chậm tăng trưởng, giảm phát triển trí tuệ, chiều cao-cân nặng thấp với chuẩn… hoặc nghiêm trọng hơn trẻ sẽ mắc nhữngchứng bệnh suy dinh dưỡng thể teo đét, thể phù, bệnh còi xương, béo phì.

Bên cạnh những nguyên nhân do bệnh lý, rối loạn nhận thức về hình thể, cảm giác no-đói, sự biếng ăn của trẻ đôi khi xuất phát từ nguyên nhân do dinh dưỡng sai lầm của các bậc phụ huynh: sợ con mình ăn không đủ chất, sợ con mình không "bụ bẫm", "não không phát triển tốt", không thông minh, cao lớn như con người khác…

Ngoài ra, trẻ biếng ăn còn do tâm lý bị ép ăn quá mức, trẻ có khẩu vị khác với món ăn mẹ nấu, hoặc trẻ quá hiếu động mải chơi quên ăn, trẻ quá kén chọn thức ăn, trẻ sợ ăn món mới…

Làm gì khi trẻ "biếng ăn"

Các bậc phụ huynh không nên ép trẻ ăn khi trẻ chưa kịp đói, không ép trẻ ăn thức ăn trẻ không thích, không giấu những thức ăn trẻ không thích vào món ăn của trẻ. Nên giảm các bữa ăn vặt, nước trái cây, bánh kẹo, nước ngọt trước khi trẻ ăn các bữa chính.

Đồng thời, các bậc phụ huynh nên quan tâm tạo không khí bữa ăn vui vẻ cho trẻ, tập cho trẻ bắt chước ăn theo người lớn, khen ngợi trẻ khi trẻ ăn một món ăn không thích, khi nấu thức ăn cho trẻ nên làm nhiều món đa dạng, nhiều màu sắc, quan tâm cách trình bày món ăn sao cho bắt mắt trẻ và "chấp nhận" những ý thích "trái khoáy" của trẻ.

Để điều trị chứng "biếng ăn" của trẻ, nên áp dụng "9 quy tắc ăn uống":

- Cho trẻ tập trung vào bữa ăn, không xem ti-vi…;

- Giới hạn bữa ăn của trẻ từ 20-30 phút/bữa ăn;

- Đừng tỏ thái độ khó chịu khi trẻ không ăn;

- Khen ngợi khi trẻ chịu ăn thức ăn mới;

- Cung cấp thức ăn phù hợp lứa tuổi;

- Giới thiệu món mới một cách hệ thống, kiên trì;

- Khuyến khích trẻ tự múc ăn, tự gắp, tự bốc thức ăn;

- Cứ cho trẻ nghịch thức ăn, dù đổ cơm, vỡ bát.

- Không cho trẻ ăn, uống đồ ngọt giữa các bữa ăn, chỉ cho uống nước.

Khi trẻ có biểu hiện biếng ăn, các bậc phụ huynh nên tìm hiểu nguyên nhân và can thiệp đúng nguyên nhân trẻ biếng ăn để thay đổi việc cho trẻ ăn.

Nếu con bạn ăn ít hơn những đứa trẻ khác nhưng vẫn phát triển bình thường thì bạn không có gì phải bận tâm lo lắng. Con bạn hầu như không đói? Với bản năng sinh tồn, bọn trẻ có thể chỉ ăn đúng cái và đúng lượng mà cơ thể chúng cần.

Chỉ nên cho trẻ "Ăn khi đói, uống khi khát", không nên đe dọa, tạo áp lực cho trẻ và chọn thức ăn mà trẻ thích. Do đó, nên chấm dứt chế độ "độc tài" trên bàn ăn nhà bạn. Hãy để cho trẻ được quyết định nó sẽ ăn gì. Ngoài ra, dạ dày của trẻ nhỏ hơn của người lớn rất nhiều nên khẩu phần ăn của chúng nhiều nhất chỉ bằng một nửa của người lớn. Trung bình bao tử của trẻ chứa được dung lượng thức ăn khoảng từ 250-300ml thức ăn.

Phòng biếng ăn ở trẻ với phương châm "Hãy coi bé là khách trong bàn ăn".


Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên