09/01/2009 15:24 GMT+7

Trật khớp vai nhiều lần

ThS.BS TĂNG HÀ NAM ANH
ThS.BS TĂNG HÀ NAM ANH

TTO - Năm nay tôi 28 tuổi, thường trú tại tỉnh Vĩnh Phúc (gần Hà Nội). Cách đây 10 năm, trong khi đá bóng tôi đã bị trật khớp vai, do tuổi trẻ và sự đam mê nên sau khi nắn cho khớp trở lại vị trí ban đầu tôi tiếp tục ra sân thi đấu, kết quả là lại bị trật khớp.

Trong 10 năm qua tôi thường xuyên bị trật khớp, không chỉ do chơi bóng mà ngay khi nằm ngủ vắt tay lên trán, khi bắt tay xã giao, khi với một vật gì đó... mỗi lần như vậy đều rất đau đớn và phải mất 4-5 ngày sau khi nắn khớp trở lại cơn đau mới chấm dứt. Việc này đã ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống và tinh thần của tôi. Rất mong quý anh/chị cho tôi biết địa chỉ có thể chữa lành chấn thương trên?

- Trả lời của Phòng mạch Online:

Trước hết xin định nghĩa trật khớp vai: đó là tình trạng hai mặt khớp của chỏm xương cánh tay và ổ chảo cánh tay không còn tiếp xúc với nhau. Khớp vai là khớp có tầm vận động lớn nhất trong cơ thể, do vậy đứng về mặt cấu trúc xương khớp vai không vững như những khớp khác.

ENtXgmFw.jpgPhóng to QGXkrMk3.jpg
Tổn thương sụn viền thấy qua nội soi Ảnh: Nam Anh Sụn viền đã khâu lại qua nội soi Ảnh: Nam Anh

Sở dĩ khớp vai có thể vững được do cấu trúc sụn viền và các dây chằng quanh khớp vai cũng như các nhóm cơ bám quanh khớp vai. Có thể ví khớp vai như quả trứng đặt trong đĩa có thể bị lọt ra ngoài bất kỳ lúc nào. Hệ thống sụn viền và bao khớp, dây chằng sẽ biến cái đĩa thành cái chén để giữ quả trứng trong cái chén.

Trong sinh hoạt hằng ngày cũng như chơi thể thao, khớp vai là khớp dễ bị trật nhất trong cơ thể. Một khi bị trật lần đầu, các sụn viền, dây chằng bao khớp bị tổn thương giống như miệng chén đã bị vỡ. Sau khi được bất động và cho tập vận động trở lại, rất tiếc là “miệng chén” lại không được gắn lại như cũ, nhất là những người trật khớp vai ở độ tuổi dưới 18.

Mặt khác, ở những người trên 40 tuổi nếu bị trật khớp vai thì có đến 50% bị rách gân chóp xoay là nguyên nhân gây đau và hạn chế vận động vai. Và một khi miệng chén không được gắn lại đúng vị trí thì việc quả trứng lăn ra ngoài cái chén là chuyện dễ hiểu và đó là lý do tại sao bạn bị trật nhiều lần khớp vai.

Vậy nếu cứ trật nhiều lần khớp vai thì có ảnh hưởng gì không? Ảnh hưởng thứ nhất là bệnh nhân không thể chơi các môn thể thao sử dụng tay vung quá đầu như tennis, cầu lông, ném đĩa, ném lao..., cũng như khó làm các việc với tư thế tay quá đầu và xoay ngoài như trong trường hợp của bạn. Ảnh hưởng thứ hai là sụn viền và bao khớp sẽ bị hư hại lần sau nhiều hơn lần trước, mặt sụn khớp vai bị hư gây thoái hóa khớp gây đau.

Vấn đề còn lại là các bác sĩ làm được gì cho cho bệnh nhân? Nắn trật khớp vai rồi cho về thì quá đơn giản. Việc để bị trật khớp vai quá nhiều lần là điều không nên vì sẽ làm hư hại khớp vai. Những bệnh nhân bị trật khớp vai tái hồi nên được khám và tư vấn kỹ càng để xem xét việc phục hồi miệng chén bằng phẫu thuật.

Phẫu thuật mổ mở, gắn lại miệng chén hay thế miệng chén khác bằng mảnh xương ghép đã được thực hiện từ rất lâu trên thế giới cũng như ở Việt Nam ở các khoa chấn thương chỉnh hình hay cơ xương khớp tại các bệnh viện lớn. Gần đây, phẫu thuật nội soi điều trị trật khớp vai tái hồi đã đem lại kết quả rất tốt với tỉ lệ trật lại nhỏ hơn 10% theo các báo cáo trong nước.

Ở miền Bắc, phẫu thuật này đã được thực hiện tại BV 108, BV 19-8. Ở miền Nam, BV Chấn thương chỉnh hình, BV Đại học Y dược cơ sở 1 là những nơi đã thực hiện phẫu thuật này với kết quả khá tốt. Đây là phẫu thuật ít xâm lấn, chỉ cần ba lỗ nhỏ trên vai các bác sĩ sẽ soi vào trong khớp vai và sửa chữa các tổn thương. Nhược điểm của phương pháp này là giá thành hơi cao. Và vì tính ít xâm lấn nên có nhiều bác sĩ ủng hộ việc dung nội soi thám sát và sửa chữa các tổn thương trong trật khớp vai.

Tóm lại, bệnh nhân trật khớp vai tái hồi nhiều lần nên được các bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình khám và tư vấn về vấn đề điều trị vì tình trạng trật nhiều lần sẽ làm hư hại khớp vai, đôi khi có thể gây hạn chế chức năng vai sau này. Bạn có thể liên hệ các bệnh viện nêu trên để được tư vấn và điều trị. Chúc bạn mau chóng hồi phục khớp vai sau điều trị.

Bạn có những thắc mắc về sức khỏe của mình mà không biết hỏi ai. Bạn cần được tư vấn những thắc mắc về sức khỏe của mình, của người thân... Phòng mạch Online của Tuổi Trẻ Online sẽ giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn.

Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode). Chân thành cảm ơn.

B.CHÂU thực hiện

ThS.BS TĂNG HÀ NAM ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên