23/09/2007 06:07 GMT+7

Trần Tùng Chinh: Áo Trắng - người bạn thân thiết trong cuộc sống của tôi

        TRƯƠNG THỊ HỒNG VÂN thực hiện
        TRƯƠNG THỊ HỒNG VÂN thực hiện

AT - Trần Tùng Chinh là giảng viên bộ môn văn Trường đại học An Giang từ năm 2000 đến nay, trước đó anh có hơn 10 năm là giáo viên giảng dạy ở một trường THPT ở ngoại ô Long Xuyên.

ebH5m6Ia.jpgPhóng to
AT - Trần Tùng Chinh là giảng viên bộ môn văn Trường đại học An Giang từ năm 2000 đến nay, trước đó anh có hơn 10 năm là giáo viên giảng dạy ở một trường THPT ở ngoại ô Long Xuyên.

Xuất hiện trên Áo Trắng lần đầu năm 1993 (AT số 35), ngay năm đó anh được giải nhì cuộc thi truyện ngắn của Áo Trắng với truyện Tía ơi!. Chuyên viết về tuổi mới lớn ở vùng miền Tây Nam bộ, Trần Tùng Chinh đã có các tập truyện Mùa thu vàng mưa nắng (NXB Văn Nghệ 1998), Mùa mưa ở lại, Thủ khoa, Bâng quơ trên núi (NXB Kim Đồng - 2003, 2004, 2006).

* Chào anh. Kỷ niệm khi tác phẩm của anh được đăng trên AT lần đầu?

- Một niềm vui thật khó tả không thể sánh với những lần được đăng sau này. Còn nhớ, đó là một tùy bút nhỏ về ngôi trường quê ngoại thành. Vui hơn nữa là không lâu sau đó, tôi được anh Biền giới thiệu trên AT và trong một chuyến công tác, anh Biền còn ghé tận trường tôi đang giảng dạy - một ngôi trường rất xa thành phố - với những lời khích lệ rất quan trọng dành cho tôi mà nếu không có nó, tôi sẽ không viết được hàng loạt truyện ngắn tiếp theo. Tôi nghĩ thật hạnh phúc khi có AT. AT vừa cho tôi cơ hội sáng tác, vừa là người bạn thân thiết trong cuộc sống của tôi.

* Anh có thấy sự khác biệt giữa những cây bút trẻ hiện nay và những cây bút trẻ trên AT thời với anh?

- Theo cái nhìn chủ quan của tôi, sự khác biệt không đáng kể. Sự giống nhau nổi bật hơn bởi tôn chỉ và mục đích của tờ báo dành cho những người yêu văn chương cơ bản không thay đổi. Đối tượng đến với AT (người viết và cả người đọc) cũng có những điểm chung ấy. Đó là tình yêu văn chương với những xúc cảm vừa chân thành vừa vụng về, đa phần là những cây bút mới chập chững viết đang trao trọn niềm tin cậy cho AT và được AT nuôi lớn sự tự tin. Với AT, tôi luôn chờ đợi một thời gian sau những cây bút mới sẽ trưởng thành và cất cánh bay xa hơn.

* Những tác phẩm của anh vẫn viết về tuổi mới lớn? Anh có vẻ như không “cất cánh bay xa” khỏi đề tài và lứa tuổi quen thuộc trong những sáng tác của mình?

- Tôi vẫn nghĩ mình đã được văn chương ưu ái nhiều. AT cho tôi nhận ra mình đã, và chỉ là một thầy giáo viết văn thôi, tôi không phải là nhà văn và cũng không có ý định trở thành nhà văn. Tôi viết cho tuổi mới lớn vì tôi yêu lứa tuổi này của chính mình và của bao lứa học trò yêu mến của mình. Tôi cũng chưa bao giờ thử sức viết ở một đối tượng khác, một lứa tuổi khác như bạn nói. Đơn giản vì tôi không tìm được cảm xúc nên không thể viết được.

* Thế còn sự nổi trội hơn của các cây bút nữ ở tuổi hai mươi so với cây bút nam?

- Tôi nghĩ điều này cũng bình thường, mai này đến lứa tuổi 40 chẳng hạn, thường có sự thay đổi - các cây bút nam lại trội hơn? Là người phụ trách CLB văn thơ của Trường ĐHAG, tôi cũng thường xuyên nhận thấy hiện tượng “âm thịnh dương suy” này. Tôi nghĩ, tuổi 20, con trai có nhiều cái khác để “mê” hơn là văn chương. Còn các cô gái thường hướng nội, nhạy cảm và đa cảm, tinh tế và sâu sắc trong cái nhìn về cuộc đời... lại rất hợp với văn chương, nhất là văn học tuổi mới lớn, đúng không?

* Anh phụ trách CLB văn thơ của Trường ĐHAG, anh nghĩ gì về văn chương mạng? Về phong trào sáng tác của SV hiện nay?

- Về văn chương mạng, tôi nghĩ nhiều hơn đến hình thức phổ biến của nó, đó là phương tiện rất hữu hiệu để “chộp” lấy cảm xúc của bạn bất cứ nơi đâu và bất cứ lúc nào. Nhất là giới trẻ hôm nay, thích làm bạn với máy vi tính, với Internet. Sự phát triển đó là tất yếu và ta hãy hưởng ứng. Mai mốt đây, văn chương lại xuất hiện và phổ biến ở các phương tiện đại chúng khác nữa thì tuyệt vời. Còn phong trào sáng tác của sinh viên, tôi nghĩ, nơi đây tiềm ẩn rất nhiều “quặng vàng quặng bạc”.

Phụ trách CLB văn thơ, tôi học ở anh Biền cách khuyến khích động viên những bạn yêu văn chương và có năng khiếu văn chương. Kết quả là các bạn thường xuyên gửi về CLB những sáng tác mới nhất của mình, mà trong đó tôi cảm nhận được không ít những cây bút triển vọng. Tất nhiên là tôi lại gõ cửa AT để AT giới thiệu với bạn đọc gần xa. Và bạn thấy đấy, AT bộ mới đã có tên các bạn sinh viên là thành viên trong CLB của chúng tôi như Nguyễn Thị Thanh Hiếu, Tẩu Nhật Quý, Trương Chí Hùng, Nguyễn Xa, Văn Vĩnh Nhất Nguyên, Hồng Nhung...

* Theo anh, làm thế nào để đẩy mạnh phong trào sáng tác của sinh viên?

- Câu hỏi lớn quá, tôi chỉ nghĩ ở trường mình. Từ khi thành lập Trường ĐHAG, CLB văn thơ của trường chúng tôi cũng ra đời ngần ấy năm. Chính những hoạt động văn chương ở những CLB nho nhỏ, những bút nhóm trường học như vậy, kích thích rất hiệu quả phong trào sáng tác. Các bạn sẽ rất hứng thú nếu tác phẩm của mình được giới thiệu và tìm được người đọc. CLB chúng tôi có phát hành (theo kiểu photo) những tuyển tập sáng tác nhỏ, giới thiệu đến tận các lớp; sau này là trang CLB thơ văn trên báo điện tử của trường.

Các bạn tham gia hào hứng lắm. Kèm theo đó là những hoạt động đậm tính văn chương như sinh hoạt định kỳ theo chủ đề, gặp nhau “đàm đạo” về những sáng tác mới, đi thực tế, các chương trình ngoại khóa gắn với bộ môn chuyên ngành ngữ văn. CLB còn thu hút cả các cây bút ở các chuyên ngành khác, các khoa khác.

* Vậy với tư cách là chủ nhiệm một CLB sáng tác, một thầy giáo dạy văn và là một bạn đọc thân thiết của AT, anh có góp ý gì cho AT?

- Nỗ lực của tôi lúc này là tích cực giới thiệu AT đến với các bạn sinh viên của tôi. Tôi nghĩ rằng tờ báo của chúng ta đã đáp ứng được yêu cầu trở thành một sân chơi cho những người yêu văn chương. Nếu có góp ý thì đó là vấn đề quảng bá để AT tìm thêm thật nhiều bạn tri âm.

AT nên tiếp tục có những nỗ lực ngoài trang báo, chẳng hạn giao lưu giới thiệu đến các trường phổ thông và trường đại học, tạo mối liên kết gần gũi với các bút nhóm, các CLB sáng tác ở trường. Khi đó AT sẽ trở thành người bạn đường không thể thiếu cho những người yêu văn chương, nghệ thuật.

udN7wf2J.jpgPhóng to

Áo Trắng số 9 (ra ngày 15-9-2007) hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

        TRƯƠNG THỊ HỒNG VÂN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên