29/04/2008 03:00 GMT+7

Trận đánh cuối cùng và ngôi mộ "gió"

NGUYÊN NGỌC
NGUYÊN NGỌC

TT - Tôi còn một món nợ sâu nặng: tôi hầu như chưa viết gì về Nguyễn Thi, ngoài một số dòng vắn tắt trong một bài về những ngày sống và viết ở chiến trường thời chống Mỹ. Mà có lẽ tôi là người có nhiệm vụ và cũng có điều kiện hơn cả để viết về anh.

vXpFAX7O.jpgPhóng to
Nhà văn Nguyễn Thi (1928-1968)
TT - Tôi còn một món nợ sâu nặng: tôi hầu như chưa viết gì về Nguyễn Thi, ngoài một số dòng vắn tắt trong một bài về những ngày sống và viết ở chiến trường thời chống Mỹ. Mà có lẽ tôi là người có nhiệm vụ và cũng có điều kiện hơn cả để viết về anh.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Chúng tôi đã sống cùng nhau những ngày thật đẹp mà cũng đầy trăn trở - điều này không phải ai cũng biết - ở tạp chí Văn Nghệ Quân Đội hồi cuối những năm 1950 đầu những năm 1960, lại cùng nhau đi vào chiến trường, rồi sau này cũng chính tôi đi tìm lại người con gái của anh theo lời dặn cuối cùng khi anh nắm tay thầm thì cùng tôi lúc chia tay trên Trường Sơn...

Tôi cũng có thể có một lời bào chữa: Nguyễn Thi có một cuộc sống không hề đơn giản, đấy là một người anh hùng có cuộc đời đầy bi kịch, mà những người liên quan đến anh, đến các bi kịch của đời anh đều còn sống, viết bây giờ chẳng tiện chút nào... Nhưng để đến bao giờ nữa? Thôi thì xin cứ cầm bút vậy, có những điều có thể nói được bây giờ, và những điều chưa tiện, xin để đến một lúc nào đó - nếu còn có một lúc như vậy...

Trận đánh cuối cùng

Hai anh em chúng tôi từ Hà Nội lên đường vào chiến trường miền Nam khoảng giữa tháng 5-1962. Mãi đến sau năm 1975, khi tôi trở ra Hà Nội, anh Thanh Tịnh - người đã cùng anh Văn Phác tiễn đưa chúng tôi đêm cuối cùng rời miền Bắc - hỏi tôi: "Cậu có nhớ hai cậu ra đi ngày nào không?". Ngày cụ thể thì quả thật tôi không nhớ, hồi ấy háo hức lên đường, có tính gì ngày tháng đâu. Anh Thanh Tịnh bảo: "Hôm ấy là ngày thứ sáu 13-5-1962. Thế đấy, ai lại ra đi đúng vào một ngày như thế!". Anh Tịnh là người rất kỹ tính. Mười ba năm sau anh mới nói cho tôi biết chúng tôi đã ra đi đúng vào một ngày rất xấu, theo niềm tin của người phương Tây, cũng đã in đậm trong tâm thức nhiều người ở ta.

Đúng là một ngày xấu, ít ra cũng xấu một nửa: trong hai người ra đi vào cái ngày rất xui đó một người đã mãi mãi không trở về: Nguyễn Thi. Lực lượng đầu tiên của tạp chí Văn Nghệ Quân đội gửi cho chiến trường miền Nam đã mất đi một nửa. Nguyễn Thi nằm lại đâu đó bên cạnh cầu Chữ Y Sài Gòn, cách mùa xuân này đúng 40 năm, trong Mậu Thân 1968. "Đâu đó”, bởi trong trận đánh cuối cùng của đời anh, không ai còn tìm thấy thi hài anh.

Chỉ còn một vài người lính sống sót trở về được sau trận quyết chiến ấy kể lại rằng lúc đó đại đội đã bị tổn thất rất nặng, toàn bộ ban chỉ huy đã hi sinh hết. Nguyễn Thi, là nhà văn đi theo đơn vị, nhưng cũng là người có cấp hàm cao nhất trong số những người còn sống, và theo đúng điều lệnh quân đội, anh đứng ra, khẩu súng ngắn cầm tay đưa lên cao, khắp người đã đỏ rực hàng chục vết thương, dõng dạc: "Những ai còn sống, theo tôi!"...

Đấy là lời nói cuối cùng của anh. Cũng là hình ảnh cuối cùng của anh, từ giây phút ấy không còn ai thấy anh nữa, cả thi hài của anh cũng không. Anh đã vĩnh viễn trở thành đất đai và cát bụi của Sài Gòn. Sài Gòn, cái thành phố hồi cuối năm 1945, khi giặc Pháp trở lại gây hấn đánh chiếm Nam bộ, anh từng là quyết tử quân...

Cách đây mấy năm, chị Bá vợ anh và cháu Trang Thu con gái anh gửi cho tôi một tấm ảnh hai mẹ con ngồi bên một ngôi mộ ở nghĩa trang liệt sĩ Sài Gòn, cạnh tấm bia ghi tên Nguyễn Thi. Theo lối gọi dân gian tình nghĩa mà đau đớn, đấy là một ngôi mộ "gió”. "Gió” tức là mông lung giữa trời vậy, một ngôi mộ không có xương cốt của ai cả, chôn chặt dưới mấy thước đất ở đấy chỉ có tấm lòng mãi mãi không nguôi của những người thân và hình bóng như ngọn gió vĩnh cửu và vô hình của một con người đã tự hòa tan mình vào đất trời của non sông.

Tính cách Nguyễn Thi

Nguyễn Thi không phải người gốc Sài Gòn. Cha mẹ chia tay nhau sớm, mẹ lại dấn thân hoạt động bí mật từ thời trước cách mạng 1945, anh bỏ quê nghèo Nam Định ra đi vào Nam từ lúc mới hơn mười tuổi đầu, theo một gánh hát rong.

Một cậu bé lang bạt và tài hoa, rất lãng mạn và cũng rất sớm quyết liệt trong cuộc sống. Có lẽ ngay từ những ngày ấy, điều mà sau này những người ở gần anh gọi là "tính cách Nguyễn Thi" đã được hình thành gần như trọn vẹn: một con người đầy mâu thuẫn, vừa hòa nhập vừa cô đơn, vừa điềm tĩnh, rất biết tự kiềm chế, lại cũng quyết liệt, rất cực đoan, cả trong yêu lẫn ghét, yêu đến cùng và căm ghét đều đến cùng, một con người bao giờ cũng đến cùng ở cả hai cực đối lập tuyệt đối, trung thực đến cùng trong yêu thương và trung thực đến cùng trong căm ghét, thường sống âm thầm, lặng lẽ, hết sức khiêm nhường, song cũng lại đầy ngưỡng vọng và đòi hỏi cực kỳ nghiêm nhặt về những đỉnh cao nhất trong đời sống tinh thần.

Một con người vừa rất giản dị, bình thường, không chút tham vọng danh lợi trong cuộc đời, vừa không thể chịu được cái trung bình, dường như luôn bị giằng xé, tự giằng xé giữa cái bình dị và cao cả, cao siêu.

Những con người như vậy đến với cách mạng vừa hết sức tự nhiên, cứ như cách mạng và họ sinh ra là vì nhau, để cho nhau; lại vừa rất có thể, âm thầm và kín đáo thôi, luôn cảm thấy chật chội trong cái không gian mà những yêu cầu khắc nghiệt của cuộc chiến đấu cách mạng buộc người chiến sĩ phải khuôn mình vào. Mà cách mạng ở Nam bộ, ở Sài Gòn, cũng tức là kháng chiến. Chỉ 20 ngày sau tuyên ngôn độc lập 1945, súng đã nổ ở Sài Gòn. Nguyễn Thi lập tức thành quyết tử quân. Cuộc chiến đấu vừa dữ dội vừa lãng mạn thiêu đốt mọi dằn vặt của con người rất sớm nuôi sẵn trong mình những trăn trở của người nghệ sĩ và người trí thức ấy...

Trong cuộc chiến đấu kỳ vĩ ấy có một câu chuyện tình nho nhỏ. Một tình yêu vô cùng lãng mạn mà cũng tận cùng đau đớn...

Nhà văn Nguyễn Thi (1928-1968) còn có bút danh khác là Nguyễn Ngọc Tấn, tên khai sinh là Nguyễn Hoàng Ca, sinh ngày 15-5-1928 tại xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định; sinh thời nhiều năm sống ở Nam bộ và Hà Nội.

Từ năm 1945-1955, Nguyễn Thi làm công tác tuyên huấn, sau là đội trưởng đội nghệ thuật phân liên khu miền Đông Nam bộ. Năm 1955, tập kết ra miền Bắc làm đội trưởng đội nghệ thuật sư đoàn 330. Từ năm 1956-1962, ông công tác tại tạp chí Văn Nghệ Quân Đội. Năm 1962, trở lại chiến trường miền Nam, tham gia sáng lập tờ Văn Nghệ Quân Giải Phóng, có mặt ở những nơi gian khổ nhất của chiến tranh, làm báo, vẽ tranh, soạn nhạc, viết diễn ca tuyên truyền cổ vũ chiến sĩ và nhân dân hăng hái tham gia kháng chiến. Nguyễn Thi hi sinh trong cuộc tổng tiến công Sài Gòn - Gia Định (Mậu Thân 1968). Ông đã được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh vào tháng 9-2000.

Các tác phẩm: Hương đồng nội (thơ, 1950), Trăng sáng (truyện ngắn, 1960), Đôi bạn (tập truyện,1962), Người mẹ cầm súng (truyện ký, 1966, giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu), Những sự tích đất thép, Chuyện xóm tôi, Mẹ vắng nhà, Những đứa con trong gia đình...

Kỳ sau: Hai người và một cuộc chiến tranh

* Bài viết đã in trong tập bút ký Bằng đôi chân trần (NXB Văn Nghệ). Tít tựa trên do báo Tuổi Trẻ tạm đặt.

NGUYÊN NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên