02/01/2011 07:11 GMT+7

Trả nợ bóng đá

VÂN TRƯỜNG
VÂN TRƯỜNG

TT - 61 tuổi, ông Lương Trung Minh có 40 năm gắn bó với bóng đá VN. Năm 2009, ông và con trai - cựu tuyển thủ Lương Trung Tuấn - quyết định giã từ sự nghiệp rồi về Trà Vinh bởi theo lời ông: “Gia đình mình còn nợ với quê hương nên phải về để trả”.

TT - 61 tuổi, ông Lương Trung Minh có 40 năm gắn bó với bóng đá VN. Năm 2009, ông và con trai - cựu tuyển thủ Lương Trung Tuấn - quyết định giã từ sự nghiệp rồi về Trà Vinh bởi theo lời ông: “Gia đình mình còn nợ với quê hương nên phải về để trả”.

Ông Minh nói gia đình ông có được nhiều thứ nhờ bóng đá và mất rất nhiều cũng vì nó.

Vị đắng sau những lần thất bại

Sai lầm của người em là trọng tài Lương Trung Việt và con trai Lương Trung Tuấn từ nhiều năm trước dù đã “trả giá” xong nhưng ông Minh luôn cảm thấy ray rứt. Lặng lẽ “rửa tay gác kiếm” sau khi rời Kiên Giang năm 2009, người ta thấy ông xuất hiện ở Trà Vinh để làm bóng đá phong trào.

Ông nói: “Bóng đá Trà Vinh đã mất tích trên bản đồ bóng đá đỉnh cao VN hơn năm năm. Bây giờ tôi muốn góp sức làm lại và không có cách nào khác ngoài việc gầy dựng phong trào và đào tạo trẻ”.

Tuy sinh ở Vĩnh Long nhưng ông Minh lại thành công trên đất Trà Vinh nhờ bóng đá. Vì vậy, ông luôn xem Trà Vinh là quê hương thứ hai của mình.

Năm 20 tuổi, trung vệ Lương Trung Minh có mặt trong thành phần các đội tuyển Vĩnh Long, Long Xuyên và Sinh Viên Sài Gòn. Năm 32 tuổi, ông là HLV trưởng kiêm đội trưởng của đội tuyển Cửu Long (Vĩnh Long và Trà Vinh). Năm 1990, ông đưa đội Cửu Long lên hạng A1 toàn quốc và đưa đội thị xã Trà Vinh lên hạng A2.

Sự kiện đội bóng nghiệp dư của một thị xã nghèo lên hạng A2 đã gây xôn xao làng bóng đá VN lúc đó. Tiếng tăm của ông nhờ vậy cũng vượt khỏi ĐBSCL.

Năm 2005, ông đến với CLB Đá Mỹ Nghệ Sài Gòn dự Giải hạng nhất. Đây thật sự là thử thách đối với ông vì đa số cầu thủ của đội là sinh viên các trường đại học ở TP.HCM. Khi bắt tay vào việc, ông phát hiện cầu thủ tiếp thu giáo án rất nhanh (do có trình độ văn hóa cao) và luôn “cháy” hết mình trên sân cỏ.

Nhờ phát huy tối đa ưu điểm này, ông đã đưa CLB Đá Mỹ Nghệ Sài Gòn đứng đầu bảng xếp hạng sau khi kết thúc giai đoạn 1. Tuy nhiên do nội bộ bất ổn ông Minh quyết định đến Đồng Nai - đội bóng đang lặn ngụp ở chót bảng xếp hạng. Kết thúc mùa giải 2005, Đồng Nai trụ hạng thành công.

Nhìn ra sân bóng và im lặng một hồi lâu, ông Minh buông giọng buồn buồn: “Năm 1995, đội Trà Vinh của tôi đứng đầu khu vực ĐBSCL nhưng thất bại ở vòng chung kết tranh vé lên hạng đội mạnh quốc gia. Điều này khiến tôi luôn có cảm giác mình là người có lỗi”.

Năm 2003, một lần nữa ông lại thất bại khi cùng Trà Vinh dự vòng chung kết tranh vé lên hạng nhất. Sau giải này, bóng đá Trà Vinh tuột dốc không phanh và chính thức giải tán từ năm 2004 đến nay.

Năm 2008-2009, ông Minh về Kiên Giang với sứ mệnh đưa đội này lên hạng nhất nhưng hai lần dự vòng chung kết đều thất bại. Nhìn cầu thủ của mình nằm vật xuống sân khóc tức tưởi, nhìn thấy sự thất vọng của lãnh đạo địa phương, ông cảm thấy có lỗi.

Đêm cuối cùng ở Kiên Giang ông suy nghĩ rất nhiều về tương lai của mình và gia đình. Rồi ông quyết định về quê, đồng thời thuyết phục con trai Lương Trung Tuấn treo giày để đi theo mình dù anh còn chơi trên sân cỏ V-League.

Âm thầm đãi cát tìm vàng

Chia tay Kiên Giang, ông trở về Trà Vinh với lời hứa “làm bóng đá tới cuối đời”. Ông tâm sự: “Nhiều năm qua làm HLV cho các đội bóng ngoài tỉnh nhưng tôi luôn đau đáu về Trà Vinh. Tôi muốn làm điều gì đó giúp Trà Vinh có một đội bóng mạnh như Đồng Tháp, Long An ở V-League hoặc Cần Thơ, An Giang tại Giải hạng nhất”.

Khi ông trở về, bóng đá Trà Vinh không có đội bóng và cũng không có lứa năng khiếu nào. Sân Trà Vinh chất lượng không khác gì sân cấp xã. Ông Minh làm đơn xin mượn đất công ở phường 7, TP Trà Vinh với cam kết sẽ giao lại cơ sở vật chất cho địa phương sau bảy năm khai thác và đào tạo nguồn cầu thủ trẻ cho tỉnh.

Sau khi được lãnh đạo TP Trà Vinh đồng ý, ông vận động hai người con trai Lương Trung Tuấn và Lương Minh Trung (đang chơi cho B.Bình Dương) góp tiền làm ba sân cỏ mini nhân tạo. Cuối năm 2009 ba sân cỏ nhân tạo mang tên CLB Trung Tuấn - Trà Vinh ra đời, thu hút hàng trăm lượt bạn trẻ đến chơi bóng mỗi ngày.

Nghe tin thầy Minh, thầy Tuấn mở lớp dạy bóng đá, cả trăm em ở tỉnh Trà Vinh tìm đến đăng ký. Nhiều em ở huyện Càng Long, Tiểu Cần, Duyên Hải... mê bóng đá đến mức năn nỉ cha mẹ lên TP Trà Vinh thuê nhà trọ suốt ba tháng hè để được học đá bóng. Hơn 20 đứa trẻ nghèo người Khmer tới xin học, ông dạy miễn phí và cho luôn quần áo, giày, bóng...

Sáng nào ông và con trai Lương Trung Tuấn cũng dậy sớm chuẩn bị quần áo, giày, bóng cho bọn trẻ và quần thảo với các em tới trưa nắng mới nghỉ.

7g sáng, hai cha con ông Minh có mặt trên sân tập. Em nào thực hiện động tác không chuẩn, Trung Tuấn yêu cầu dừng lại hướng dẫn lại, uốn nắn từng động tác. Ông Nguyễn Văn Bé - ông ngoại của cầu thủ nhí Tề Vũ Lâm ở xã Huyện Hội, huyện Càng Long - kể: “Cháu tôi rất mê bóng đá và gia đình họ Lương.

Vì vậy khi nghe tin ông Minh mở lớp dạy bóng đá, Lâm bắt ông ngoại thức dậy từ 4g-5g sáng chở xuống TP Trà Vinh học suốt mấy tháng nay. Bất kể mưa hay nắng, ba ngày/tuần hai ông cháu cũng chạy xe hơn 20km để học đá bóng với thầy Minh, thầy Tuấn”.

Giấc mơ bóng đá Trà Vinh

Nhắc tới bóng đá Trà Vinh, nguyên giám đốc Sở TDTT Diệp Chí Thành than: “Đội bóng khai tử từ đầu năm 2005 mà bây giờ vẫn chưa có dấu hiệu gì khai sinh trở lại. Điều quan trọng là không biết lãnh đạo tỉnh có mặn mòi với bóng đá hay không? Nếu không thì chắc hết hi vọng rồi”. Nghe ông Thành than, mặt ông Minh biến sắc. “Tôi về đây tìm kiếm tài năng để gầy dựng lại bóng đá Trà Vinh, lãnh đạo phải quan tâm thì mới làm được” - ông Minh lo lắng.

Ông Phạm Quốc Thới (nguyên giám đốc Sở TDTT, hiện là chánh văn phòng UBND tỉnh Trà Vinh) trấn an: “Thời tôi làm ở sở, đội Trà Vinh còn đá Giải hạng nhì. Lúc đó anh em cầu thủ lãnh lương rất bèo mà còn đấm đá ra trò. Chẳng lẽ bây giờ kinh tế khá hơn mà không làm được sao?”.

Cả ông Thành và ông Thới đều cho biết họ rất mừng khi ông Minh trở về để xây dựng lại phong trào bóng đá Trà Vinh sau năm năm biến mất hoàn toàn.

Ông Thành nói: “Xây dựng một đội bóng đá không phải dễ. Khi nào trong tay có được con người, có lứa năng khiếu rồi thì mới có cơ sở tính chuyện đầu tư cho bóng đá. Anh Minh đang giúp Trà Vinh tìm và đào tạo cầu thủ, việc còn lại là lãnh đạo tỉnh có chủ trương và hà hơi, tiếp sức cho anh Minh làm. Tôi và người dân Trà Vinh đều mong muốn đội bóng tỉnh nhà sớm được thành lập và có tên trên bản đồ bóng đá đỉnh cao VN”.

Đến đây, gương mặt ông Minh hiện rõ sự quả quyết: “Tôi đã quyết định về Trà Vinh để trả nợ bóng đá, đã tự bỏ công sức, tiền của ra tìm tài năng trẻ thì sẽ làm tới nơi tới chốn. Chỉ khi nào lãnh đạo bảo tỉnh không có chủ trương làm lại bóng đá tôi mới ngưng. Còn việc tạo sân chơi cho giới trẻ tỉnh này thì tôi vẫn làm tới khi nào hết làm nổi nữa mới thôi”.

Phát hiện được tài năng coi như “lời” rồi

Sáng sớm, hai vợ chồng ông Huỳnh Tùng ở phường 1, TP Trà Vinh cùng đưa con trai Trần Huỳnh Quốc Đại tới sân bóng.

Ông Tùng nói: “Trà Vinh nghèo quá. Bọn trẻ không có chỗ nào để chơi, rèn luyện thể thao một cách bài bản. Nhờ có sân bóng, có lớp dạy đá bóng của ông Minh mà mấy đứa trẻ mê bóng đá như con tôi có chỗ chơi. Chơi bóng đá các cháu sẽ có sức khỏe học tập và còn có thể trở thành cầu thủ của đội Trà Vinh sau này”.

Sau nhiều tháng “đãi cát”, bước đầu ông Minh đã tìm ra ba viên ngọc thô cùng 11 tuổi người Khmer: Thạch Ngọc Thảo, Phạm Minh Tuấn và Chan Sô. Theo ông Minh: “Mục tiêu của tôi là sàng lọc tìm tài năng cho bóng đá Trà Vinh nên học phí không phải là chuyện quan trọng. Bỏ công mà phát hiện được một tài năng coi như mình lời rồi”. Ngoài việc huấn luyện, ông còn làm trọng tài, hướng dẫn kỹ thuật cho các đội bóng phong trào.

VÂN TRƯỜNG

VÂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên