06/05/2008 12:00 GMT+7

Toronto - Montreáal - Ottawa

TRẦN BẠCH ĐẰNG
TRẦN BẠCH ĐẰNG

TTO - Từ hòn đảo chói chang nắng, xinh như một công viên rộng Bermuda, chúng tôi quay lại Toronto giữa mùa đông mưa dầm, rét cắt da. Lần trước, trên đường đến Bermuda, chúng tôi quá cảnh sân bay Toronto, trên cao, thấy một biển đèn mênh mông và lần này, chúng tôi đáp xuống sân bay vào ban ngày.

1. Toronto

wQu7tbCn.jpgPhóng to
TTO - Từ hòn đảo chói chang nắng, xinh như một công viên rộng Bermuda, chúng tôi quay lại Toronto giữa mùa đông mưa dầm, rét cắt da. Lần trước, trên đường đến Bermuda, chúng tôi quá cảnh sân bay Toronto, trên cao, thấy một biển đèn mênh mông và lần này, chúng tôi đáp xuống sân bay vào ban ngày.

Đường từ sân bay vào trung tâm thành phố, xe qua vùng ngoại ô giới thiệu được đặc trưng Canada - đất rộng, người thưa nên nhà cửa không chen chúc như Hồng Kông chẳng hạn. Ngay giữa thành phố, cũng không nhiều nhà cao tầng và nhịp độ xây dựng có vẻ bình thường.

Ontario mà Toronto là thủ phủ, rộng 916.735km2 – tức rộng hơn Việt Nam gấp ba lần – với dân số 9,5 triệu, là tỉnh quan trọng hàng đầu của Canada về lao động, công nghiệp và xuất khẩu. Để hình dung, hàng năm Ontario xuất khẩu, chủ yếu sang Mỹ, 60 tỷ USD. Từ 1980 đến 1988, bình quân kinh tế Ontario tăng trưởng hàng năm 4,2%, là tỉnh công nghiệp chi phối toàn Canada về các thiết bị vận tải, thực phẩm chế biến, hóa chất, điện khí, sắt thép và sản phẩm sắt thép, giấy, thiết bị lọc dầu, v.v… Xuất khẩu của Ontario là sản phẩm bằng kim loại, vô tuyến viễn thông, máy móc, xe chuyên dùng, v.v…

Toronto là thành phố lớn nhất Canada, hơn 3 triệu dân, nơi dân lưu tán Bắc Mỹ chọn làm chỗ đứng đầu tiên trên con đường khai phá lục địa mới này. Ngày nay, địa lý được chia giữa Mỹ và Canada như ta biết, còn trong quá khứ nhiều thế kỷ, cả vùng cùng phát triển – dĩ nhiên có tranh chấp đẫm máu. Toronto không đẹp, không mang nét riêng, khá cũ so với Vancouver (và Montréal mà tôi sẽ nói sau). Nhưng Toronto, liên quan đến năng lực của Ontario, vẫn luôn giữ tiếng nói quyết định, trước hết, đối với vấn đề thống nhất quốc gia Canada mà người Canada đang hết sức quan tâm do thắng thế của nhóm Quebec qua bầu cử – nhóm chủ trương giành cho phần đất và phần dân nói tiếng Pháp tập trung ở Quebec một quy chế tự trị. Trước đây, xu hướng thành lập nước Quebec còn mạnh hơn, nó yếu dần và nhường cho chủ trương ôn hòa – Quebec tự trị – Ontario và Toronto vô hình đóng vai trò trọng tài.

Đêm 1.12, chúng tôi đến rạp “Công chúa xứ Wales” xem vở nhạc kịch đang được quảng cáo rầm rộ: “Miss Saigon”. Rạp lớn nhất Toronto và, tôi nghe nói, lớn nhất Canada. Các đạo diễn Cameron McKintosh, David và Ed Mirvish cho ra đời một tác phẩm đồ sộ. Phải công nhận vở nhạc kịch được dàn dựng công phu, kỹ thuật (và xảo thuật) cao, tân kỳ, kết hợp thủ pháp sân khấu, ca nhạc với điện ảnh, dùng chuyển cảnh điện ảnh, ánh sáng và các tình huống “giật gân” đưa người xem vào thời điểm nhiều kịch tính của Saigon năm 1975 và 1978. Một vài trường đoạn chân thật và gây xúc động, như đoạn di tản khỏi sứ quán Mỹ ngày 30.4.1975.

Tuy nhiên, cái gì cũng vậy, kỹ thuật không bao giờ thay thế nổi cuộc sống thật, tức câu chuyện. Tác giả nói về “Cô gái Saigon” và lý giải số phận của cô – vợ một kỹ sư, kỹ sư đi học cải tạo, cô lấy một sĩ quan “Việt cộng”, rồi bắn chết sĩ quan này vì viên sĩ quan định đâm chết đứa con riêng của cô, sau đó cùng chồng di tản sang Bangkok. Tại đây, gặp lại tình nhân cũ là một thủy quân lục chiến Mỹ, cô vừa làm điếm vừa làm tình nhân và sau cùng, cô tự sát – như nạn nhân của hàng cờ đỏ và ảnh Hồ Chí Minh, tức của chiến thắng Việt Nam. Sự lý giải ngụy biện đó khiến người xem ngỡ ngàng. Và các tình tiết đều tô đậm nét hoang dại, man rợ về phía những người chiến thắng Mỹ và cả những thường dân Việt Nam. Ngay nạn nhân - mà tác giả đặt tên là Kim - đầy sắc thái bán khai, nhục dục.

Điều tôi lạ lùng là vở nhạc kịch như thế diễn nhiều lần – không phải giữa sự ca ngợi của người Canada nhưng giữa sự im lặng của người Việt ở Canada. Và, tôi chợt hiểu, khi ở tại Việt Nam, vài người sáng tác các truyện hao hao kiểu “Miss Saigon”.

Sáng 2.12, chúng tôi đi thăm thác Niagara, một trong những thác “kỳ quan” của thế giới. Nằm ngay trên biên giới Canada – Mỹ, thác Niagara phủ bằng lớp sóng nhỏ cả một vùng đá, đổ xuống một vực, những “cuộn” nước trắng xóa tạo nên cảnh hùng vĩ lạ lùng. Bên kia thác, nhà của người Mỹ. Chúng tôi đã đến gần nước Mỹ nhất và nước Mỹ trong tinh thần Niagara, nghĩa là trong trạng thái trinh nguyên đáng yêu của nó…

Đêm trước, xem vở nhạc kịch “chính trị” nặng nề, sáng hôm sau được thác Niagara giải tỏa…

Thiên nhiên quả rất quyền năng.

2. Montréal

Quebec nằm phía đông Canada, rộng 1,375 triệu km2, với 6,694 triệu dân, số đông nói tiếng Pháp. Năng lực kinh tế của Quebec xếp thứ nhì Canada, chỉ sau Ontario, được mệnh danh là “Tỉnh đẹp”.

Đoàn thám hiểm Pháp Jacques Cartier ngược dòng Lawrence thâm nhập đất Quebec năm 1534 và tỉnh Quebec được thành lập năm 1608 do Samuel de Champlain đặt thương điếm tại nơi mà hiện nay gọi là Quebec-City.

Sau nhiều lần đổi chủ – từ Pháp sang Anh rồi Mỹ – giữa thế kỷ XIX, Quebec gia nhập vào cộng đồng Canada. Tuy nhiên, vấn đề Quebec luôn khuấy động nền chính trị Canada. Năm 1970, tổ chức Liên minh Giải phóng Quebec từng dùng bạo lực đòi tách Quebec khỏi Canada, họ bắt cóc ba bộ trưởng và giết một người.

Chính phủ Canada trấn áp mạnh, phong trào ly khai xẹp xuống, nhưng vẫn âm ỉ. Vừa rồi, khối Quebec giành thắng lợi trong bầu cử, chính trường và thương trường Canada lại một phen sóng gió. Lãnh tụ Buchard, người có khả năng lên cầm quyền, bỗng mắc một bệnh hiểm nghèo: vi trùng streptocoque bata hémolitique – gọi nôm na là “vi trùng ăn thịt” hủy hoại một chân của ông. Cuộc giải phẫu thành công song Buchard còn lâu mới hồi phục hoàn toàn, điều gây phân vân trong những người Quebec chủ trương tự trị.

Montréal, 2,8 triệu dân, thành phố lớn thứ hai Canada, thành phố cũ xây trên một hòn đảo nơi hợp lưu hai sông Saint Lawrence và Ottawa, đã mở rộng ra ngoại vi. Montréal đồng thời là cảng biển lớn bên bờ Đại Tây Dương, cách New York không xa. Tiếng Pháp thông dụng tại đây. Rất ít nhà cao tầng, Montréal giữ dáng dấp thành phố châu Âu thế kỷ trước.

Mùa lạnh năm nay đến Canada hơi sớm, ai cũng lo tái diễn mùa lạnh năm ngoái – 30 độ âm, khi có gió, xuống 50 độ.

Giống như Việt Nam, những ngày tôi đến Montréal đúng dịp người ta sửa soạn ăn Tết Giáng sinh. Kinh tế Canada suy thoái hàng chục năm nay, chưa lấy lại sức. Thất nghiệp cao, đến 10% như ở Montréal, vật giá quá đắt đỏ, ngày giáp Tết cùng mùa đông đè nặng tâm tư nhiều người. Thị trường địa ốc đảo lộn dữ dội, nhà sụt còn nửa giá mà không sao bán được. Cửa hàng tạp hóa, theo người sống lâu tại Montréal cho biết, mọc lên để thêm thu nhập. Thuế ở Canada là nỗi ám ảnh chung – ngoài thuế chính thức, còn những khoản phụ thu, thậm chí, vào sân bay phải nộp lệ phí “nâng cấp sân bay”.

Một thời, chính phủ Canada chủ trương thực hiện một Nhà nước xã hội, bao cấp phúc lợi cho dân, với khái niệm Etat Providentiel. Tính không tưởng này dẫn Canada vào khủng hoảng. Bây giờ, một cái gì ngược lại – thuế trở thành biện pháp chính cân bằng ngân sách, trong khi Canada nợ nước ngoài đến 700 tỷ USD.

Tôi chứng kiến không phải một lần các ông cụ cẩn thận đếm từng xu trước khi mua một thỏi chocolat; dưới đường hầm người thổi kèn chờ khách tặng cho vài mươi xu… Giá cả ở Montréal – và Canada nói chung – khiến tôi lưu ý: 5 đồng 99 xu, 6 đồng 95 xu… Những xu lẻ tạo cảm giác món hàng vẫn chưa vượt khỏi 5 đồng, 6 đồng… Tệ nạn xã hội không quá tràn lan song cũng gây phiền nhiễu: uy hiếp người bán hàng bằng súng vơ vét vài chục đô la, ăn cắp xe hơi, cạy cửa… Tham nhũng cũng có mặt: tân trang tòa thị chính một triệu đô la song thực chi thấp hơn nhiều. Casino Montréal khá khang trang – quy mô to gấp mấy lần Monte Carlo, sang trọng hơn Macau – thu hút bằng nhiều nghìn người mỗi đêm vào cơn sát phạt .

3. Ottawa

Ottawa, thủ đô Canada, cách Montréal 2 giờ xe – tốc độ xe lối 100km/giờ trên một xa lộ thật tốt. Tuy là thủ đô, Ottawa nhỏ hơn các thành phố Toronto, Montréal, Vancouver, cư dân độ 700.000. Một thành phố hành chánh, một thành phố của công chức – người Canada đánh giá Ottawa như vậy. Ottawa thuộc lãnh thổ Ontario, được xây dựng vào những năm cuối thế kỷ XVIII.

Không phải trung tâm công nghiệp, dịch vụ Ottawa êm ả lạ thường: rất ít hiệu buôn, quán ăn, đường sá cũng vắng xe cộ. Ở đây, chúng tôi thấy nhiều cờ Canada – lá cờ viền xanh, nền trắng đính một lá phong năm cánh đỏ – hơn bất kỳ đâu trên nước Canada.

Đại sứ quán Việt Nam đặt ở ngoại ô Ottawa, trong một khuôn viên. Có lẽ vào thời đại ngày nay, Canada là nước còn sót lại mà nhà ở của dân và cơ quan rộng, hầu hết gắn với một mảnh đất đủ cho một vườn nho nhỏ.

Bữa cơm do anh chị đại sứ Đặng Nghiêm Bái thết chúng tôi thật đậm màu quê hương: canh chua, thịt kho, tép kho, ớt tươi, nước mắm Phú Quốc…

Nhìn cảnh tuyết rơi đóng băng trong sân sứ quán, tôi nói đùa: Anh là Bái, còn tôi, tôi phục anh, xin tự đặt tên là Lạy – đi “sứ” Canada “đáng nể” thật!

Chúng tôi đến hiệu phở Hân. Đây là “tổng hành dinh” của một tổ chức “kháng chiến”, “giải phóng” nào đó – tất nhiên, hồi mấy năm trước. Chủ quán niềm nở đón chúng tôi. Bát phở to, nhiều thịt, có rau quế, giá, nước mắm, bán 5 đồng. Ăn cũng tạm “đỡ ghiền”. Quán tặng không cho khách mấy tập san”văn nghệ hải ngoại” bớt hung hăng nhưng thêm lập lờ.

Đêm họp mặt anh chị em Việt kiều từng tham gia phong trào Việt kiều yêu nước ở Canada từ ba bốn chục năm nay thật cảm động. Tôi hiểu rất rõ những đóng góp, những chịu đựng mà anh chị em trải qua – kể cả những chịu đựng phi lý gần đây do cách nhìn và cư xử của vài cán bộ trong nước.

Số đông trở lại nghề cũ của mình – dạy học, viên chức. Đôi người kinh doanh. Đôi người buôn bán vặt. Có anh chị làm ăn với trong nước. Cả “cô dâu” người Canada sát cánh với chồng, nay sẵn sàng về quê chồng cống hiến kiến thức của mình.

Sống chật vật, nhưng tất cả đều vui vì Việt Nam đổi mới thành công tuy vẫn băn khoăn những hiện tượng cụ thể trong nước. Và, băn khoăn chung nhất là liệu xã hội Việt Nam có rơi vào cảnh để đồng tiền đè bẹp đạo lý…

Trong sáng biết bao nhiêu “những băn khoăn đáng băn khoăn” ấy!

Cái Nhà nước – Etat Providentiel – “tốt bụng”, “thiên sứ” đến năm 1980 vấp cú sốc nan giải: ý muốn bao la thế song cả khả năng lẫn hoàn cảnh đều chống lại. Trong 8 năm (1980-1988) các thủ tướng ra sức rút ngắn khoảng cách giữa mơ ước và hiện thực, song di sản quá khứ nặng đến mức thành thói quen xã hội, bắt người dân đóng góp là bị phản đối. Kinh tế Canada do vậy lún sâu vào cơn bối rối kinh tế – xã hội. Thủ tướng nào muốn đắc cử đều phải hô hào mở rộng quỹ phúc lợi và khi đắc cử, muốn ngân sách quốc gia thoát khỏi lạm chi đều siết các mục dính đến lợi ích công cộng.

Từ khá lâu, Canada xem nhẹ xuất khẩu. Nói giản đơn, Canada “tự cấp tự túc”. Tiềm năng, tài nguyên Canada cho phép mình “riêng một góc trời”, nhưng quy luật giao lưu và nhu cầu xã hội Canada lại phản bác. Làm sao Canada có thể cung cấp cho 28 triệu dân của mình mọi nhu cầu – tất cả phải tối ưu về chất, về giá? Thế là hàng nước ngoài – nhất là hàng Nhật và Mỹ ùa vào. Cán cân mậu dịch lệch, thiệt hại thuộc về Canada.

Sang Canada, tôi hiểu với lòng tốt quả chưa đủ. Còn cách biểu thị trên thực tế lòng tốt đó sao cho ai cũng chấp nhận qua hưởng thụ của mình, đặc biệt qua đối chiếu thu nhập thực tế bằng đồng lương với chi tiêu. Anh Lê Tiên Phong, nguyên Tổng thư ký Hội người Việt ở Canada, dạy học ở Montréal, lương hàng năm 52.000 đô la Canada. Anh phải đóng thuế, cuối cùng còn lối 28.000 đô la Canada, tiền nhà, tiền sưởi, tiền ăn hết sạch. Vợ anh, chị Hạnh, một người trong phong trào Việt kiều, đứng bán tạp hóa, từ 8 giờ sáng đến 20 giờ đêm, mong tìm một ít tiền đắp đổi qua ngày.

Xin mở ngoặc: Tôi gặp chị Hạnh tại cửa hàng – nhỏ thôi, quán hàng xén, nói cho chính xác – và anh Tiên Phong tại căn phố chật chội, không nghe một lời than trách.

Hôm tôi đến cửa hàng anh Việt, chị Thoa – những trái ớt Việt Nam được nâng niu giữa mùa đông trồng trong phòng làm việc bề bộn của anh chị, gặp một số người. Người Việt đến văn phòng luật của anh Việt (kiêm bán sách Việt Nam xuất bản trong nước, kiêm… đại lý nước mắm Phú Quốc – mà giá Thái Lan phá giá ta: ta bán 2,8 đô la Canada; Thái Lan, mạo danh Phú Quốc, bán 99 xu! Tuy chất lượng một trời một vực, song túi tiền người Việt ở Canada nghiêng về… 99 xu!). Một anh trong diện trao đổi chuyên viên với Canada, ôm chầm tôi: Mừng quá, gặp bác ở đây. Một đi theo chương trình đoàn tụ gia đình, ôm tôi chặt hơn: Con biết bác! Con nhớ nhà quá… Một vượt biên, ôm tôi chặt hơn hai anh trước: Cám ơn bác, cám ơn Tổ quốc… Tụi con nay ngẩng mặt được rồi. Mắt anh đỏ, anh hôn má tôi nóng hổi.

Ở Montréal có cả phở Hòa… Các tiệm phở đang trở lại chức năng phổ biến món điểm tâm độc đáo Việt Nam thay vì các “ổ” hò hét, các “căn cứ” xuất phát hành hung.

Đất nước, trong những năm Đổi mới, chi viện cho người Việt Nam lương thiện ở Canada thật lớn lao.

Ở Montréal, tôi chú ý hàng hóa hạ giá 50% trước lễ Giáng sinh. Lẽ ra, sau lễ Giáng sinh mới có hiện tượng này.

Canada là đất nước “khép kín” – tôi dám nói như vậy. Các công ty Canada cân nhắc trên “cân tiểu ly” mọi may rủi trong đầu tư ra nước ngoài và do đó, bao giờ cũng chậm chân. Chính phủ Canada “tốt bụng” khi sẵn sàng chi cho công đoạn lập đề án tiền khả thi với những nước thuộc thế giới thứ ba – không biết bao nhiêu tổ chức chính phủ và phi chính phủ đảm trách việc này – xong rồi thì giao cho thiên hạ phần béo bở còn lại. Tính chất – ta có thể nói – “tài tử” kia ảnh hưởng không nhỏ đến vị thế kinh tế – chính trị của Canada, đặc biệt với Đông Nam Á.

Là một trong “Thất hùng” (G7), Canada khiêm tốn với GDP năm 1993 là 594,8 tỷ đô la Mỹ, chia cho đầu người 21.464 USD, tăng trưởng so năm trước 2,5%. Các chi phí phúc lợi đang thu hẹp. Bạch thư của Bộ Quốc phòng Canada công bố: từ 1980 đến nay, Canada tham gia 40 đội quân mũ nồi xanh, nay xin… chào thua vì… hết tiền!

Thật dễ hiểu, một Tây Ban Nha, ứng cử viên vào nhóm “G7” đã đạt GDP 535 tỷ USD, sắp “bóp còi” qua mặt Canada! Và trong khối Bắc Mỹ (NAFTA), Canada coi chừng Mexico, nay GDP chỉ bằng hơn nửa Canada, song có thể đến cuối thế kỷ rút ngắn khoảng cách đáng kể.

Canada là nước giàu tài nguyên vào bậc nhất thế giới – đối thủ họa chăng là Nga, Úc và Mỹ. Thế mà, trong một thời gian dài, Canada theo đuổi ý tưởng “Nhà nước phúc lợi toàn dân”, lực bất tòng tâm, mô hình của chủ nghĩa tư bản do những người giàu nhiệt tình dân chủ xã hội chủ trương, đã phải chịu số phận của Owen trong thế kỷ trước, từng được Mác “mắng yêu” là xã hội chủ nghĩa không tưởng. Thật ra, các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và Liên Xô một thời theo lối mòn này, Canada giàu hơn, ít dân hơn, không làm nổi, các nước kia nghèo hơn khó tránh khó khăn. Chúng ta có thể liên hệ Canada với Thụy Điển. Vấn đề rốt lại là một cộng đồng đủ sức chiếm tỷ trọng quá nửa tổng sản phẩm thế giới, người ta có thể xây dựng mô hình nhân ái mà xã hội dễ chấp nhận; còn chỉ ở mức Canada, Thụy Điển, quả giống trưng bày tủ kiếng, khó đại trà.

Trên một khía cạnh nào đó, Canada và các nước Đông Âu gần nhau – “không tưởng” như nhau!

Ngày nay, đến Canada, ta dễ thấy cái gì uể oải trong nhịp sống. Khi mọi thứ đã thỏa mãn, người ta dễ lười, có thể ước nghĩ như vậy. Tôi đã từng thấy cảnh xếp hàng ở các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Xếp hàng vì thiếu hàng. Ở Canada, xếp hàng dài dài. Xếp hàng vì… không có người bán! Nạn quan liêu tiến công xã hội Canada không kém ác liệt.

Động lực kích thích mất, xã hội dậm chân. Các nhà nghiên cứu kinh tế và xã hội học sẽ có tiếng nói phán quyết, riêng tôi, tôi nói theo cách nhìn hiện tượng bằng chính mắt mình…

TRẦN BẠCH ĐẰNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên