
1. Bàn thắng của Hurst
Đó là bàn thứ 2 của Geoff (đội tuyển Anh) trong trận chung kết World Cup 1966. Phải mãi đến sau này với sự trợ giúp của các thiết bị công nghệ hiện đại, người ta mới chứng minh được rằng trái bóng chưa hoàn toàn vượt qua vạch vôi của khung thành đội tuyển Đức.
Thế nhưng các trọng tài thời ấy lại quyết định công nhận bàn thắng cho Anh, nước chủ nhà kỳ World Cup đó. Đúng ra là theo luật, một khi không chắc chắn, trọng tài không được phép công nhận bàn thắng. Đó là một lỗi nghiêm trọng khi trận đấu đó lại là trận chung kết (Anh thắng 4-2 giành chức vô địch).
2. Bàn tay của Chúa (phần 1)
Nếu năm 1966, trọng tài giúp người Anh cười hớn hở thì 20 năm sau, trọng tài lại khiến họ phải khóc hận. Trong trận tứ kết với Argentina, những ông vua sân cỏ bị một ông vua khác là Maradona qua mặt. Đáng lẽ họ phải nghi ngờ rằng tại sao một cầu thủ nhỏ con như Maradona lại có thể bật cao hơn cả tầm tay của thủ môn Peter Shilton.
Đây được coi là pha tiểu xảo được nhắc đến nhiều nhất trong lịch sử bóng đá với câu nói để đời của Maradona: “Nếu có là một bàn thắng bằng tay thì đó là bàn tay của Chúa”.
3. Bàn tay của Chúa (phần 2)
Lại là cái tay của Maradona. Sau khi thua trận đầu tiên ở Italia 90 trước Cameroon, Argentina gặp Nga. Trong một pha tấn công của Nga, Maradona dùng tay phá cú đánh đầu của Kuznetsov ngay trước khung thành. Trọng tài đứng ngay sát đó nhưng không hiểu sao lại bỏ qua quả penalty mười mươi cho Nga. Nếu như Nga dẫn trước thì có lẽ đã không thất bại 0-2 chung cuộc và biết đâu Argentina sớm bị loại.
Trọng tài Erik Fredriksson cũng phải sớm rời World Cup này sau vòng bảng vì lỗi lầm trên. Không hiểu ở sân bay, ông có kịp nói lời xin lỗi với các cầu thủ Nga không?
4. Tiếng còi nhanh hơn bóng bay
Các fan lớn tuổi hẳn nhớ như in trận đấu giữa Brazil và Thụy Điển ở World Cup 1978. Khi tỷ số đang là 1-1 và Brazil được hưởng quả phạt góc ở đúng phút 90. Chỉ vài giây sau khi kim đồng hồ chỉ thời gian trận đấu đã hết, bóng nằm gọn trong lưới Thụy Điển. Thế nhưng trọng tài người xứ Wales Clive Thomas lại nổi tiếng là bảo thủ. Theo ông thời gian bù giờ là chưa đến 15 giây và khi trái bóng còn lơ lửng trên không đã nổi hồi còi chung cuộc.
Sau đó, trọng tài này cũng được cho về quê nhà “nghỉ sớm” và để có thời gian chăm lo cho những vết bầm tím trên người sau trận mưa tiền xu trút xuống sân của các fan Brazil giận dữ.
5. Nhẹ tay với Schumacher
Đó là trận giữa Tây Đức và Pháp năm 1982. Thủ môn lừng danh Schumacher của Đức va chạm trong một pha phạm lỗi khủng khiếp đối với Patrick Battiston. Kết quả là tuyển thủ Pháp này bị gãy 3 cái răng, thâm tím cổ và phải cần máy thở oxy trên đường từ sân đến bệnh viện.
Theo bạn, trọng tài Charles Corver của Hà Lan phải làm gì? Giải pháp 1: cho Pháp đá phạt, rút thẻ đỏ với Schumacher. Giải pháp 2: cho Pháp đá phạt, rút thẻ vàng với Schumacher và thổi nốt phần còn lại trận đấu có phần ủng hộ Pháp.
Giải pháp 3: cho...Đức đá phạt và để Schumacher tiếp tục ở lại trên sân rồi sau đó trở thành người hùng dân tộc ở loạt đá luân lưu. Nếu chọn giải pháp 3, bạn là người am hiểu lịch sử bóng đá nhưng cũng như trọng tài Corver, suy nghĩ của bạn “có vấn đề”.
6. Công nhận bàn thắng rồi lại... hủy
Câu chuyện xảy ra ở World Cup 1982. Pháp đang dẫn Kuwait 3-1 và trận đấu đi vào cuối hiệp 2. Alian Giresse ghi bàn nới rộng tỷ số lên 4-1 nhưng trong tình huống kỳ quặc khi toàn đội Kuwait đột nhiên đứng sững hết cả lại. Theo họ lý giải, họ nghe thấy một tiếng còi và tưởng trọng tài tạm dừng trận đấu. Và thế là toàn đội Kuwait cùng ban lãnh đạo quyết liệt phản đối. Thậm chí cả Hoàng tử Fahid (chủ tịch Liên đoàn bóng đá Kuwait ngày đó) cũng lao xuống sân từ khán đài và dọa tẩy chay trận đấu.
Đáng ngạc nhiên là trước sức ép đó, trọng tài Miroslav Stupar đổi ý và hủy bỏ quyết định trước. Nhưng vài phút sau, Pháp lại ghi bàn và Kuwait sớm rời World Cup. Nhưng chí ít, Kuwait đã thực hiện được điều rất khó khăn là....làm trọng tài đổi ý!
7. Kết thúc trận đấu sớm... 6 phút
Chuyện hy hữu này xảy ra ở kỳ World Cup đầu tiên năm 1930. Lúc đó, Pháp đang bị Argentina dẫn trước 1-0 nhưng ở những phút cuối trận, họ dồn dập tấn công và nhiều người Pháp đã nghĩ đến một kết cục hòa nghẹt thở.
Đột nhiên, toàn đội Pháp chết sững khi nghe hồi còi chung cuộc của trọng tài. Hóa ra, nhân vật này đã nhớ nhầm giờ và cho trận đấu kết thúc chỉ sau 84 phút. Dĩ nhiên trận đấu được nối lại nhưng Pháp không còn giữ được sức ép lúc trước nữa. 6 phút sau đó, khi kỹ càng kiểm tra lại đồng hồ, một hồi còi chung cuộc thứ 2 vàng lên và Pháp bị loại.
8. Cho Diana Ross biểu diễn khai mạc World Cup 94
Đó là kỳ World Cup diễn ra trên đất Mỹ, quốc gia có lẽ là duy nhất trên thế giới mà bóng đá chỉ là hạng nhì so với các môn thể thao khác. Ban tổ chức có một quyết định kỳ quặc khi mời ca sĩ nổi tiếng Diana Ross đá quả penalty khai mạc. Dĩ nhiên, chưa bao giờ cô làm chuyện này. Cú sút trật lất dù chỉ cách khung thành...3 mét. Theo kịch bản, khung thành vẫn được kéo đổ trông rất hoành tráng nhưng làng túc cầu giáo thở dài ngán ngẩm.
Điều còn kỳ quặc hơn là đám đông khán giả Mỹ vẫn cuồng nhiệt khen ngợi! Nó ấn tượng đến nỗi Ross còn được mời đến biểu diễn ở lễ khai mạc World Cup bóng bầu dục ngay sau đó. Lần này, không ngạc nhiên khi cô đặt điều kiện rõ ràng là... không thực hiện một cú sút nào hết.
9. Phân phối vé World Cup 1998
Cho dù đây được xem là một giải đấu rất thành công (đặc biệt nếu bạn là người Pháp) nhưng chuyện vé lại thực sự là scandal. Ban tổ chức đã giành quá nhiều vé cho người Pháp và thậm chí bạn cũng được ưu tiên mua vé thừa nếu gọi điện đặt vé trong phạm vi nước chủ nhà.
Theo thống kê, chỉ 8% số vé được phân phối cho 31 quốc gia còn lại. Một sự độc quyền quá khủng khiếp!
10. Cho Ronaldo chơi trận chung kết
Chỉ vài giờ trước trận chung kết World Cup 1998, trận đấu lớn nhất trong World Cup, tiền đạo này bị lên cơn co giật. Thế nhưng không hiểu sao ban lãnh đạo đội tuyển Brazil vẫn quyết định đưa anh vào sân (về sau, người ta cho rằng đó là vì sức ép của các nhà tài trợ). Dĩ nhiên Ronaldo chỉ vật vờ và có màn trình diễn tệ hại. Đó là một trong những lý do khiến Brazil thua Pháp tơi tả 0-3.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận