15/05/2007 15:14 GMT+7

Tổng hạnh phúc quốc gia

TTO
TTO

TTO - Không bao giờ là quá muộn khi sử dụng chỉ số GNH song song với GDP để đo độ hạnh phúc của dân chúng...

eMCzd4qC.jpgPhóng to
Quốc lễ Bhutan

Sau hơn ba thập niên Bhutan đưa ra chỉ số Tổng Hạnh phúc Quốc gia, nhiều nước bắt đầu nhận ra phát triển không có nghĩa là hi sinh môi trường và hạnh phúc cộng đồng.

Marina rất vui khi Polly, đồng nghiệp của cô, ủng hộ ý tưởng quyên góp một khoản tiền để giúp đỡ Siriporn - cô bé 3 tuổi bị tàn tật nặng nề. Niềm hạnh phúc của Marina tăng gấp đôi sau khi cô chia sẻ câu chuyện này với một người bạn khác tên là Rachanee. Rachanee sau đó đã góp thêm 1.000 bạt. Ông của bé Siriporn, người chỉ kiếm được 5.600 bạt/tháng, bây giờ đã có thêm tiền để chăm sóc đứa cháu.

Mặc dù khoản tiền mà 3 người phụ nữ kia bỏ ra rất nhỏ, song họ có được niềm vui khi biết rằng họ đang giúp đỡ những người gặp khó khăn.

Đây chỉ là một ví dụ nhỏ về những hành động mà qua đó một xã hội có thể xây dựng nên chỉ số Tổng Hạnh phúc Quốc gia (Gross National Happiness - GNH) của mình. Và bằng cách đo chỉ số GNH, một chính phủ có thể đánh giá xem mình có thể làm gì để đẩy mạnh hạnh phúc của dân chúng.

GNH được áp dụng lần đầu tiên vào năm 1972 ở Bhutan, một trong những nước nghèo nhất thế giới. Khi lên ngôi, Quốc vương Jigme Singye Wangchuk đã dùng GNH để đo sự phát triển xã hội về mặt hạnh phúc và chất lượng cuộc sống. Khái niệm chỉ số GNH của Bhutan dựa trên 4 tiêu chuẩn - tự túc về kinh tế, môi trường trong sạch, bảo tồn và phát huy văn hóa và chính quyền cai trị tốt dưới hình thức dân chủ.

Chỉ số GNH được Quốc vương Bhutan Jigme Singye Wangchuck đưa ra khi ông lên ngôi năm 1972. Quốc vương đã dõng dạc trả lời “không” trước nỗ lực “toàn cầu hóa” của thế giới phương Tây bằng lời tuyên bố nổi tiếng: “Bhutan không có cái gì gọi là Tổng Sản lượng Quốc gia (GNP) cả, chúng tôi chỉ có cái gọi là Tổng Hạnh phúc Quốc gia (GNH) mà thôi”.

Đất nước bé nhỏ bên rìa ngọn Himalaya này (tổng diện tích 47.00 km2) chỉ có khoảng 750.000 người dân và được liệt kê là một trong những quốc gia nghèo nhất trên mức thang phát triển.

Nhưng nếu căn cứ vào chỉ số GNH chắc chắn Bhutan đứng hàng đầu thế giới. Người dân quan niệm hạnh phúc là tự hài lòng với chính mình, với những gì mình có và không tham lam.

Bhutan cũng là nước nghèo duy nhất trên thế giới có rừng còn nguyên vẹn, là nước nghèo duy nhất trên thế giới hạn chế du lịch đến mức tối đa (chủ yếu là du khách giàu) nhằm bảo vệ các di tích cổ và các giá trị văn hóa lâu đời.

Đáng chú ý là từ năm 1984 đến 1998, tuổi thọ trung bình của người dân Bhutan đã tăng thêm 19 năm.

Đến bây giờ, sau hơn ba thập niên Bhutan đưa ra chỉ số GNH, nhiều nước bắt đầu nhận ra phát triển không có nghĩa là phải hi sinh môi trường và hạnh phúc của cộng đồng.

Mối quan tâm về hạnh phúc ngày càng thu hút sự chú ý của nhiều nước phát triển. Adrian White, nhà tâm lý học về xã hội học phân tích tại trường Đại học Leicester (Anh) cho rằng các nhà chính trị ngày càng quan tâm đến việc dùng các phép đo hạnh phúc làm chỉ số quốc gia song song với các phép đo về sự giàu có.

Một điều tra do đài BBC tiến hành năm 2006 phát hiện thấy 81% dân nước Anh cho rằng chính phủ nên tập trung vào việc làm cho người dân hạnh phúc hơn hơn là giàu có hơn. Ông White nhận định rằng các phân tích khác cũng chỉ ra rằng mức độ hạnh phúc của quốc gia liên quan chặt chẽ đến sức khỏe, tiếp đó mới đến sự giàu có và cung cấp giáo dục.

Các nước giàu càng ngày càng biết rằng chẳng ai đem tiền ra mua được hạnh phúc. Các nhà kinh tế tiếng tăm của Nhật Bản đã tuyên bố trong một hội thảo là nước Nhật phải bớt quan tâm đến mức tăng trưởng GDP để học hỏi quan niệm hạnh phúc của Bhutan.

Và gần đây Thái Lan đang học tập bước đi của Bhutan, “rục rịch” dịch chuyển nền kinh tế dựa vào chỉ số GNH. Quốc vương Thái Lan vẫn nói rằng "là một con hổ không quan trọng - những gì quan trọng là có một nền kinh tế có thể cung cấp đủ để ăn và sống".

Mặc dù Thái Lan vẫn tự nhận mình là "Mảnh đất của những nụ cười", song một nghiên cứu quốc tế trong năm 2006 cho thấy đất nước chùa Tháp không hạnh phúc bằng những nước láng giềng như Việt Nam, Philippines và Indonesia. Còn theo nghiên cứu được công bố vào tháng 7-2006 của Công ty Quĩ kinh tế mới (NEF) tại Anh, Việt Nam là đất nước hạnh phúc nhất châu Á, Thái Lan chỉ hạnh phúc hơn Malaysia, Ấn Độ, Pakistan và Singapore.

Ban Phát triển Xã hội và Kinh tế Quốc gia Thái Lan (NESDB) đã chuyển hướng tập trung của mình từ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng sang phát triển bền vững. NESDB cũng đang phát triển những chỉ số mới để đo mức hạnh phúc của dân chúng Thái Lan.

Trong lần trả lời phỏng vấn hãng AFP năm 2006, ông Kitisak Sinthubanich, Phó Tổng thư ký NESDB, nhấn mạnh rằng chỉ số GDP chỉ phản ánh về mặt kinh tế và vẫn chưa đủ để đo độ hạnh phúc của dân Thái. Do vậy, Thái Lan muốn tìm cách nhận ra những “hàng hóa chung” như chất lượng cuộc sống và độ thỏa mãn trong cuộc sống.

Vào năm ngoái, Mạng lưới Chỉ số Hạnh phúc đã được lập ra ở Thái Lan để khai thác cách thức đo “tổng hạnh phúc quốc nội”. Nhà nghiên cứu Noppadon Kannikar, thành viên sáng lập Mạng lưới Chỉ số Hạnh phúc Thái Lan cho rằng không bao giờ là quá muộn để sử dụng chỉ số GNH song song với chỉ số GDP để đo độ hạnh phúc của dân chúng nhằm duy trì sự cân bằng trong phát triển nền kinh tế quốc gia.

Hạnh phúc có gắn liền với những giá trị vật chất? Đời sống với tốc độ công nghiệp có phải đang làm người ta kém hạnh phúc hơn...? Chúng tôi chờ ý kiến của bạn tại các địa chỉ e-mail tto@tuoitre.com.vn hoặc bấm vào đây (xin viết có dấu bằng font Unicode)

TTO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên