![]() |
Tôn Nữ Mỹ Nhật bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ |
Chị là Tôn Nữ Mỹ Nhật, giảng viên môn tiếng Anh, Trường ĐH Quy Nhơn.
Người mang mã số 5.04.34
Đó là mã số tiến sĩ tiếng Anh và Mỹ Nhật là nghiên cứu sinh (NCS) đầu tiên nhận bằng tiến sĩ của ngành học này tại ĐH Quốc gia Hà Nội. So với các ngành học khác, tiếng Anh là ngành "sinh sau, đẻ muộn", do đó, người đi tiên phong phải tự khai phá và mở đường trong "khó khăn đủ thứ" - từ thiếu tài liệu nghiên cứu, không bạn bè học hỏi… cho đến mẫu luận án cũng phải tự mày mò sáng tạo ra.
Đến khi bảo vệ thì Hội đồng khoa học cũng không đồng nhất, có giáo sư được học tập ở nước ngoài về lại yêu cầu khắt khe như đối với NCS "ngoại"… Vậy mà, đề tài "Phân tích ngôn ngữ quảng cáo trong tiếng Anh và tiếng Việt", đã được Mỹ Nhật bảo vệ thành công một cách xuất sắc.
Sinh trưởng trong một gia đình vốn thuộc dòng dõi quyền quý của chế độ phong kiến, ba của chị cho rằng con gái không cần phải học nhiều. Do đó, chuyện học của chị gặp không ít khó khăn. Nhưng, đối với chị, học đã trở thành niềm đam mê không có gì thay thế được...
Năm 1995, Mỹ Nhật ra Hà Nội học cao học. Thông thường, học viên sẽ phải học 1,5 năm để hoàn thành các chứng chỉ và có 6 tháng để viết luận văn. Thế nhưng, "lúc đó, tôi đang mang bầu đứa con đầu lòng, nếu để sau khi sinh con thì… quá muộn nên đã phải vừa học, vừa bắt tay làm luận văn. Mấy tháng sau, tôi vác "bầu" lên gặp thầy hướng dẫn xin được nghỉ một số môn để về nhà sinh con. Con tròn ba tháng tuổi, tôi đã bế ra Hà Nội, xin được bảo vệ" - Mỹ Nhật tâm sự.
Vậy là, từ một học viên cao học khóa sau, chị đã được "đặc cách" bảo vệ luận văn cùng với khóa trước và đã thành công bằng thạc sĩ tiếng Anh với nhận xét đầy thán phục của vị giáo sư hướng dẫn: "Excellent research work!" (một công trình xuất sắc).
Điểm lại thành tích học tập, từ vị thứ "áp chót" của năm học lớp 1, Tôn Nữ Mỹ Nhật đã vươn lên đứng đầu ở lớp 5, được tuyển thẳng lên lớp 10, đạt giải học sinh giỏi quốc gia và được tuyển thẳng vào ĐH. Lấy được bằng thạc sĩ lại được chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh... Đằng sau những vị trí "số 1" ấy là sự cần cù, chịu khó và một ý chí vươn lên không mệt mỏi của một cô giáo mà nhìn bề ngoài thật mảnh mai, yếu ớt, chưa bao giờ vượt lên được chỉ số cân nặng… 40 kg.
Một cô giáo tận tâm
Tôn Nữ Mỹ Nhật, sinh năm 1970, tại TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Năm 1992, chị tốt nghiệp ĐH Sư phạm Huế và trở thành giảng viên khoa Ngoại ngữ của Trường ĐH Quy Nhơn và năm 1997, lấy được bằng thạc sĩ, được chuyển tiếp NCS tiến sĩ. Tuy nhiên, lúc đó, Trường ĐH Quy Nhơn đang thiếu giáo viên nên chị phải về trường tiếp tục giảng dạy. Năm 2001, chị thi NCS (do hết hạn bảo lưu kết quả để chuyển tiếp NCS) và 10-2005 vừa qua, chị đã bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ và trở thành tiến sĩ ngành tiếng Anh đầu tiên của cả nước. |
Đối với cô Nhật, học phải theo đúng nghĩa của sự học, dạy phải theo đúng nghĩa của sự dạy, chị không bao giờ cho phép mình được thiếu nghiêm túc trong giảng dạy nên cũng yêu cầu sinh viên như thế. "Bây giờ, tôi khắt khe, yêu cầu cao đối với sinh viên, các em chưa hiểu, nhưng đến khi ra đời, nhiều em đã viết thư về cám ơn, vì cái khó của cô ngày ấy mà em mới trưởng thành như ngày hôm nay" - Mỹ Nhật tâm sự.
Vừa dạy học, vừa nghiên cứu để tìm ra phương pháp tối ưu trong giảng dạy, quá trình đào tạo của chị là quá trình giúp cho sinh viên luôn chủ động tiếp thu kiến thức, sao cho trong một thời gian ngắn nhất, các em có thể học được nhiều nhất và học được những điều thiết thực nhất.
Giáo viên giỏi là một giáo viên biết rút ngắn quãng đường đi của học trò và biết dạy làm sao cho học trò đi được trên đôi chân của chính mình. Cô Nhật thường tự nhủ như vậy và chị ghét nhất là cái kiểu "đọc - chép" - dạy mà không biết học trò của mình là ai. "Đã vào lớp tôi hiểu rất rõ sinh viên, nắm được năng lực học tập của từng em, học sinh nào vắng một buổi, không làm bài tập một lần tôi đều nhớ rất rõ…" - chị cho biết.
Tri thức là của chung nhân loại, chỉ có cái tâm của người thầy mới còn đọng lại với mỗi học sinh. Mỹ Nhật kể rằng, chị có được thành công như ngày hôm nay nhờ ảnh hưởng sâu sắc về một người thầy - Tiến sĩ Trần Xuân Thảo, hiện công tác tại Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội. Đối với thầy, chị vẫn còn nợ "một nửa kiến thức, một nửa nhân cách".
Tiếp bước thầy, chị đã dạy học bằng trách nhiệm của một người thầy, dù phải hy sinh địa vị và lợi ích về kinh tế. Chị kể: "Ngoài dạy học trên lớp, thời gian còn lại tôi dành cho việc nghiên cứu. Giáo viên đi dạy mà không nghiên cứu, kiến thức sẽ mai một và tụt hậu so với chính mình".
Vợ chồng nhà... tiến sĩ
![]() |
Gia đình nhà tiến sĩ |
Người ta thường nói "thế gian được vợ mất chồng", nhưng đối với Tôn Nữ Mỹ Nhật, cả vợ lẫn chồng đều… tiến sĩ. Chồng chị, PGS-TS Thái Thuần Quang, giảng viên khoa Toán của Trường ĐH Quy Nhơn. Anh quê ở Quảng Ngãi, chị sinh ra và lớn lên ở TP Huế. Họ gặp nhau ở ĐH Quy Nhơn.
Năm 1996, anh Quang đang NCS ở Hà Nội cũng là lúc chị Nhật học cao học. Trong khó khăn, thiếu thốn về vật chất, hai vợ chồng và đứa con nhỏ phải ở nhờ dưới gầm cầu thang một ký túc xá để đeo đuổi sự học. Để giúp chồng toàn tâm với việc học tập, nghiên cứu, chị đã phải vừa học, vừa nuôi con, vừa phải ra ngoài dạy thêm để có tiền mua sữa cho con… Bởi vậy, đến khi chị ra Hà Nội NCS, anh Quang lại lo nuôi con và dạy học.
Tại căn nhà riêng số 60, Biên Cương, TP Quy nhơn (Bình Định) vợ chồng nhà tiến sĩ luôn rất bận. Cả cậu con trai đang học lớp 3 cũng miệt mài tự học trong góc học tập riêng của mình. Dừng tay trên máy tính, Mỹ Nhật cho biết, chị đang viết bài cho một tạp chí nghiên cứu chuyên ngành.
Viết được một bài báo phải mất hai tháng trời, trong khi với khoảng thời gian ấy chị có thể đi dạy để kiếm được nhiều tiền hơn. Nhưng "việc gì càng khó, lúc còn trẻ, càng phải cố gắng làm…" - Mỹ Nhật tâm sự - "Đối với tôi, tấm bằng tiến sĩ chỉ là sự ghi nhận một quá trình nỗ lực phấn đấu của bản thân và nó như một bông hoa mà vợ chồng tôi gặt hái được trên con đường đi đến đích… Đó là trở thành những nhà giáo mẫu mực, có ích cho xã hội và là tấm gương sáng cho học trò".
Được hỏi về những dự định sắp tới, Mỹ Nhật cho biết, việc giảng dạy tiếng Anh trong nước hiện nay còn quá nhiều bất cập, học sinh được học tiếng Anh từ lớp 6 lên đến đại học vậy mà khi cần vẫn phải học lại để lấy bằng A, B, C… thậm chí vẫn không sử dụng được.
"Ông xã tôi bây giờ chỉ còn thiếu mỗi bằng tiếng Anh quốc tế… tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để tìm ra con đường học tiếng Anh ngắn nhất cho những người cần sử dụng tiếng Anh làm phương tiện phát triển chuyên môn như ông xã tôi và rất nhiều người khác nữa" - Mỹ Nhật cho biết như vậy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận