![]() |
Lê Thành Nam Giải Phóng - Ảnh: Quốc Dũng |
Ngày sinh giúp tôi nâng cao học vấn và rèn luyện nhân cách
Là tổ trưởng đại lý của Công ty Bảo hiểm Manulife và đang theo học lớp cao học Kinh tế, ngoài ra còn làm chủ nhiệm CLB Lý luận trẻ và kiêm chức danh Ủy viên Ban chủ nhiệm CLB/ Đội/ Nhóm của Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM. Đó là những điểm nổi bật về Lê Thành Nam Giải Phóng, chàng trai sinh vào đúng thời khắc lịch sử 30-4-1975.
Ngày Phóng chào đời với một tiếng khóc rất to, cũng chính lúc đó đài phát thanh thông báo miền Nam hoàn toàn được giải phóng. Đặc biệt khi được sinh ra, Phóng không có bà đỡ vì mọi người còn đang tưng bừng chuẩn bị lễ chiến thắng!
Điều đặc biệt ấy cũng không bất ngờ bằng chính cái tên mà Phóng đang mang. Phóng bảo: “Lẽ ra tên của tôi chỉ là Lê Thành Nam, nhưng vì tôi ra đời đúng thời điểm lịch sử trọng đại như vậy nên bố mẹ đã thêm vào tên tôi hai từ Giải Phóng trong giấy khai sinh”. Rồi Phóng nói tiếp: “Không biết có phải vì tôi sinh ra ngay ngày lễ trọng đại của đất nước mà tôi rất mê các hoạt động thanh niên, bởi tôi thấy các hoạt động này có ý nghĩa rất nhiều cho cuộc sống. Chính vì thế, ngay từ khi trưởng thành, tôi hiểu rõ hơn rằng ngày sinh của mình có ý nghĩa rất quan trọng, và đó cũng chính là động lực để tôi nâng cao học vấn và rèn luyện nhân cách”.
Mỗi lần đến sinh nhật của mình, mặc dù không nhắc nhưng bạn bè ai cũng dành cho Phóng những món-quà-đặc-biệt. Vốn mê những ca khúc cách mạng, vào ngày đặc biệt của đất nước, của riêng mình, Phóng có cảm giác như mình được sống trong không khí hào hùng của dân tộc mỗi khi nghe nhạc.
Tôi mê nghề “gõ đầu trẻ”
![]() |
Đoàn Nhật Quang - Ảnh: Quốc Dũng |
Chàng trai sinh năm 1981 tại quê hương Đồng Khởi Bến Tre vừa tốt nghiệp ngành Địa lý du lịch, Trường ĐH KHXH & NV TP.HCM hiện đang là giáo viên Trường THCS bán công Chi Lăng (quận 4, TP.HCM).
Tốt nghiệp đại học, Quang được một công ty du lịch mời làm việc nhưng Quang đã từ chối. Quang tâm sự: “Học ngành này mình đã đi được rất nhiều nơi và biết thêm nhiều điều trên đất nước hình chữ S này. Chính vì thế mình muốn được đi dạy để truyền lại kiến thức cho các em. Mặc dù không học ngành Sư phạm nhưng vì đam mê nên mình phải đi theo cho bằng được”.
Nhật Quang tâm sự: “Hình như trong lòng mình có một cảm giác lâng lâng, hồi hộp mỗi khi đến ngày 30-4. Mình đã ý thức được rằng có một thế hệ, nhiều thế hệ đã ngã xuống để bây giờ mình có thể lớn lên và trưởng thành. Và ngày 30-4 đã đi vào trong máu thịt cùng với quê hương Đồng Khởi Bến Tre, nơi mình đã sinh ra”.
Hoài bão chăm lo trẻ em dân tộc
![]() |
Nguyễn Thị Minh Thảo - Ảnh: Quốc Dũng |
Ngày 30-4 đối với Thảo đó vừa là ngày sinh, vừa là ngày mà Thảo cảm thấy tự hào về lịch sử của dân tộc mình. Thảo cho biết, bạn chọn học Giáo dục học vì trên chính quê hương của Thảo còn rất nhiều những đứa trẻ đến tuổi đi học vẫn không được đến trường, lý do vì nghèo, thiếu trường lớp… nên Thảo muốn góp bàn tay mình vào sự nghiệp giáo dục chung. “Những em bé người dân tộc là mục tiêu đầu tiên Thảo hướng đến, phải làm sao để các em hòa mình với người Kinh là Thảo cảm thấy yên tâm”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận