![]() |
Vừa chạy xe vừa phì phèo thuốc lá làm khổ những người xung quanh (ảnh chụp tại ngã tư Phú Nhuận, TP.HCM chiều 7-5-2009) - Ảnh: N.C.T. |
Hút thuốc đã trở thành thói quen và là thú tiêu khiển của tôi vào những lúc làm việc căng thẳng; những lúc buồn, vui, bực mình, hạnh phúc, cô đơn… Điếu thuốc trở thành người bạn không thể nào rời xa được.
Có lẽ mọi người hút thuốc sẽ đồng ý với tôi 100% rằng ăn cơm xong, uống tách trà ngon thì hút thuốc sẽ ngon không thể tả nổi.
Trong dân gian có biết bao câu ca dao về điếu thuốc, về sự hấp dẫn của điếu thuốc đến nỗi:
Nhớ ai như nhớ thuốc lào Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên.
Thuốc lá hấp dẫn như vậy nên đã làm tôi say đắm tưởng chừng như không thể nào dứt ra được. Vậy mà…
Năm 1980 tôi được cử đi học lớp lý luận cao cấp ở ngoài Bắc. Từ TP.HCM, công việc đầu tiên tôi chuẩn bị là thuốc lá để mang theo (chiếm gần một phần ba balô). Phòng xa, tôi còn thủ theo nửa ký thuốc rê loại thượng hạng được trồng ở Gò Vấp.
Tôi học chăm chỉ, kết quả rất khá một phần vì sáng dạ, một phần vì chẳng phải lo gì, đặc biệt thuốc lá lúc nào trong túi cũng có một bao. Thế nhưng đến cuối năm 1980, mới học có bốn tháng, số thuốc lá mang theo đã hết nhẵn. Tôi ra đường chọn mua loại thuốc lá Lạng Sơn như Tam Thanh hoặc Tam Đảo, thi thoảng cũng mua bao Điện Biên.
Thế rồi một hôm lên giường, tôi thò vào túi áo theo thói quen, bao thuốc lá hết từ lúc nào, chỉ còn vỏ bao! Trời rét, mưa phùn, đường đi ra phố khá xa. Khi cần hút thuốc dù xa mấy, đêm, bão, tối tôi vẫn đi nhưng mặc quần áo xong, dắt chiếc xe đạp thì bánh xe xẹp lép. Mượn xe đi trong đêm là điều khó thực hiện, chẳng ai cho mượn trong tình hình lúc đó chiếc xe đạp là cả một gia tài. Tôi bước vào nhà. Các bạn học cùng với tôi người đang đọc sách, người đang quây quần uống trà, trên tay điếu thuốc, làn khói mỏng như có phép thần ào đến mũi tôi quyến rũ. Không sao cưỡng lại nổi, tôi đến gần một người bạn hằng ngày vẫn xin tôi thuốc. Cơn thèm xé cổ, tôi nói như van:
- Ông… cho mình xin điếu thuốc.
Anh ta không nhìn tôi, vẫn chăm chú vào quyển sách, nhát gừng:
- Thuốc hả…? Hết rồi...
Cơn tức giận trào đến và tôi như rơi xuống vực sâu, nhục nhã, ê chề… chỉ vì nghiện thuốc lá.
Tôi quyết định bỏ thuốc lá kể từ hôm đó. Từ lâu, tôi đã nhận ra hút thuốc chẳng mang lại lợi lộc gì, chỉ tổ tốn tiền và hại sức khỏe, nhưng tôi cứ chần chừ không bỏ được. Lần này, điều cốt lõi giúp tôi dứt khoát được với thuốc lá chính là tôi không muốn trở thành nô lệ cho một thói quen - thói quen đôi khi hành hạ mình và làm mình mất nhân cách.
Trẻ con lên tiếng, người lớn bỏ thuốc Gia đình tôi có ba nam nhưng không ai hút thuốc. Một hôm có hai người bạn của cha tôi đến chơi, hai ông này đều nghiện thuốc lá nên đến ngồi một lát thì lấy thuốc ra hút. Hai ông bạn của cha tôi vừa hút thuốc được một lát, con gái tôi 5 tuổi từ trong phòng chạy ra thấy khói thuốc mù mịt liền dõng dạc: “Hai ông biến nhà cháu thành cái thùng rác à?”. Câu nói bột phát của trẻ con nhưng làm chúng tôi lặng người vì ngượng. Cha tôi phải vội giải thích là nhà tôi không ai hút thuốc nên cháu không quen, mong các ông thông cảm. Những tưởng hai ông khách sẽ tự ái, nhưng một trong hai ông lên tiếng: “Cháu nhà tôi mà nói thế này chắc tôi đã bỏ thuốc từ lâu”. Rồi mọi việc kết thúc, hai ông dập thuốc lá. Sau đó khoảng một tuần, khi gia đình tôi vẫn còn áy náy chuyện con tôi nói hỗn làm khách phật lòng thì một ông bạn của cha tôi (người nói câu nói trên) gọi điện báo ông ấy quyết tâm bỏ thuốc lá từ ngày ở nhà tôi về. Ông ấy còn nói mới bỏ thuốc một tuần mà thấy cơ thể khoan khoái và ăn ngon miệng hơn. Câu chuyện nhỏ trên cùng với một vài tình huống khác tôi được chứng kiến về cách phản ứng của trẻ em đối với người lớn hút thuốc khiến tôi nghĩ rằng việc giáo dục cho trẻ em cách phản ứng hợp lý đối với những hành động mà chúng không mong muốn từ người khác không chỉ có tác dụng đối với chính bản thân chúng, mà còn có tác dụng tích cực đến đối tượng bị phản ứng. Tôi tin rằng nếu được giáo dục tốt thì trong tương lai những trẻ em của chúng ta hôm nay sẽ có rất ít người phải lệ thuộc vào thuốc lá. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận