14/11/2007 05:00 GMT+7

Tính toán tỷ lệ hoàn vốn đầu tư

LinhThoai
LinhThoai

TTO - Như đã thảo luận ở những chương trước, tỷ lệ hoàn vốn đầu tư (ROI) không phải lúc nào cũng là phương pháp tối ưu để đánh giá thành công của một cuộc đầu tư.

ET2OWgsT.jpgPhóng to

Nhưng vì nhiều nhà quản lý vẫn dùng ROI, nên cũng cần hiểu xem họ nhìn nhận vấn đề này như thế nào. Tỷ lệ hoàn vốn đầu tư có thể nằm dưới hình thức tiết kiệm chi phí, lợi nhuận tăng thêm hay gia tăng giá trị.

Hãy bắt đầu bằng việc xác định lợi ích thu về thực tế. Để tính toán lợi ích thu về thực tế từ một cuộc đầu tư, hãy lấy tổng lợi nhuận nhận được trừ đi tổng chi phí đầu tư. Sau đó, để tính tỷ lệ hoàn vốn đầu tư, hãy chia số tiền đã ước tính thành tiền mặt của lợi ích thu về thực tế cho tổng chi phí đầu tư.

Giả sử như cái máy ép nhựa mới trị giá 100.000 USD mà Công ty Amalgamated đang cân nhắc sẽ giúp tiết kiệm được 18.000 USD mỗi năm cho công ty trong suốt vòng đời của máy, mà theo ước tính là bảy năm. Tổng số tiền tiết kiệm được sẽ là 126.000 USD (tức là 18.000 USD x 7), tạo ra lợi ích thu về thực tế là 26.000 USD (tức là 126.000 USD - 100.000 USD). Áp dụng công thức tính tỷ lệ hoàn vốn đầu tư: lấy lợi ích thu về thực tế chia cho tổng chi phí đầu tư (26.000 USD chia cho 100.000 USD), ta có được ROI là 26%.

26% có phải là một giá trị khả quan hay không? Đứng riêng biệt thì con số này chẳng có ý nghĩa gì cả, vì ROI là một cách so sánh lợi ích thu về trên đồng tiền mà công ty đầu tư bên trong với lợi ích thu về có sẵn ở nơi khác ở cùng mức độ rủi ro đó. Ở đây, khái niệm rủi ro cân bằng có ý nghĩa rất quan trọng, vì tất cả các nhà đầu tư đều đòi hỏi lợi ích thu về cao hơn đối với trường hợp rủi ro cao hơn. Như vậy, sẽ chẳng nghĩa lý gì nếu so sánh lợi ích thu về mà công ty nghĩ là có thể có được từ vụ đầu tư A (mở rộng dòng sản phẩm hiện tại tương đối an toàn) với vụ đầu tư B (một dòng sản phẩm mới hoàn toàn cho một thị trường chưa thử nghiệm). Mức độ rủi ro của hai vụ đầu tư tiềm năng này không tương đương nhau. Vì thế vụ đầu tư có tính rủi ro cao hơn nên có được lợi ích thu về tiềm năng lớn hơn.

Tỷ lệ hoàn vốn đầu tư trong ví dụ này cũng chưa hoàn thiện do không tính đến giá trị tiền theo thời gian - một khái niệm tài chính quan trọng sẽ được trình bày ở chương tiếp theo. Chẳng hạn, bạn muốn có một vụ đầu tư đem lại cho bạn tỷ lệ hoàn vốn 26% trong một năm hay một vụ đầu tư đem lại tỷ lệ hoàn vốn như vậy trong bảy năm (giả sử mức độ rủi ro trong hai trường hợp này bằng nhau)? Chẳng có gì phải bàn cãi ở đây cả. Bất cứ nhà đầu tư nào cũng muốn nhận được tiền sớm hơn là muộn.

Như vậy, việc sử dụng tỷ lệ hoàn vốn đầu tư làm công cụ ra quyết định còn khá hạn chế. Tuy nhiên, vì nhiều doanh nghiệp vẫn dùng ROI, nên bạn cũng cần hiểu được cách đánh giá và những điểm yếu của nó.

Nguồn: Tài chính dành cho người quản lý - First News và NXB Tổng hợp TPHCM

qncwQZ2q.jpgPhóng to
LinhThoai
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên