30/10/2007 10:29 GMT+7

Tính tò mò

Theo DREW TAYLORDoanh nhân Sài Gòn cuối tuần
Theo DREW TAYLORDoanh nhân Sài Gòn cuối tuần

Một trong đôi điều tôi nghe những người bạn nước ngoài phàn nàn về Việt Nam là người Việt có cách nhìn soi mói đối với họ. Một số đi đến kết luận “như vậy là thô lỗ”, nhưng họ không nhận ra rằng thực sự cái nhìn đó không có ác ý gì cả.

Người ta nhìn đơn giản vì tò mò, thế thôi! Tính tò mò trở thành một phần trong văn hóa ứng xử hàng ngày ở Việt Nam, mà chỉ cần để ý một chút khi đi ra đường là bạn có thể thấy ngay. Đó có thể là khi bạn tự sửa xe máy của mình, khi xem tivi, chứng kiến các vụ tai nạn, hay làm việc trên máy tính cá nhân...

Nếu xe máy bạn đột nhiên bị hư và bạn quyết định tự sửa, việc làm ấy lập tức sẽ gây một sự chú ý đặc biệt. Ngay khi bạn kéo đồ nghề ra, mọi người bắt đầu nhìn xem bạn đang làm gì. Đó là một loại phản ứng có điều kiện: họ nghe tiếng va chạm của đồ nghề và bị lôi cuốn.

Một số sẽ dừng lại, ngồi xuống ngay bên vệ đường hay ngồi sát bên bạn. Một số sẽ học lóm qua vai xem bạn đang thao tác với đồ nghề thế nào. Đốt thuốc, quay lưng hút và rồi lại nhìn từ đằng sau vai bạn…, đôi khi còn góp ý hay cho vài lời khuyên rằng bạn nên làm gì nữa cơ! Và dĩ nhiên, đừng ngạc nhiên nếu có một gã vô tư ngồi ngay trên chiếc xe bạn đang sửa. Bài học ở đây là: hãy mang theo một hoặc hai cái ghế khi tự sửa xe, nếu bạn muốn “khán giả” của mình thoải mái.

Tivi là một trong những vật gây nên sự tò mò lớn cho người Việt và dường như nó có thể thỏa mãn hầu hết mọi sở thích của họ. Nhiều lần tôi chứng kiến những người đang làm việc ở ngoài (ở bãi giữ xe, nhà hàng, giặt ủi hay bán vé số…) và đột nhiên họ dừng lại. Nhìn theo mắt họ, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra rằng họ đang xem tivi qua cửa sổ nhà người lạ hoặc cửa hàng, có khi còn qua một khe cửa sổ khép kín của một nhà ven đường.

Hình như cái tivi ở Việt Nam được mọi người ưa thích! Một khi họ đã bị cuốn vào thì không có cách gì làm họ mất tập trung được cả. Người ở trong nhà cũng chẳng quan tâm nếu có người đang ghé mắt vào xem tivi nhà mình, bởi bản thân mắt họ cũng đã dán vào màn hình. Ở Canada, một người nhìn chằm chằm vào cửa sổ nhà người khác có thể khiến chủ nhà gọi cảnh sát. Về văn hóa, người Canada có xu hướng ảo tưởng và hoài nghi. Còn người Việt Nam nhìn sự việc đơn giản hơn: khi tivi được mở, ai cũng muốn xem cả, ở trong hay ngoài cũng vậy thôi!

Trường hợp tai nạn xảy ra ngoài đường cũng có nét tương đồng với chuyện cái tivi. Nếu bạn đang ngồi trên xe buýt ở Việt Nam và chiếc xe đi ngang qua một vụ tai nạn có nạn nhân nằm trên đường, thì lập tức tất cả hành khách trên xe buýt sẽ đứng dậy và dồn về một bên để nghiêng đầu xem cho được cảnh tượng đáng sợ bên ngoài. Nếu người ta đánh nhau sau khi gây tai nạn thì đám đông bu quanh sẽ ngày càng lớn thêm. Người đang đi xe máy cũng chẳng ngại gì mà không dừng lại giữa đường ngoái đầu nhìn lại và kết quả là tai nạn thứ hai, thứ ba sẽ diễn ra. Nhiều khi nguyên nhân gây kẹt xe không phải là tai nạn và là vì những người “quan tâm” đến vụ tai nạn, làm cho giao thông bị ứ lại một chỗ.

Và còn cái máy vi tính! Nếu bạn đang gõ một email cá nhân hay làm việc với những tài liệu quan trọng mà sơ ý để máy tính hớ hênh một lát thôi, thế nào những kẻ thích đọc lén cũng xem đó là lời mời.

Thế thì tại sao người nước ngoài than phiền về việc bị “ngắm nghía” quá kỹ? Hơn một lần tôi đã học được một kinh nghiệm là cái nhìn chăm chăm của một người Việt có thể được “hóa giải” bằng một nụ cười hay đơn giản chỉ là câu “xin chào”. Kết quả là bạn sẽ nhận lại ngay một câu chào hay một cái nhoẻn cười dễ thương không kém. Người nước ngoài nào phàn nàn về cái nhìn săm soi của dân địa phương là những người chưa nhận ra rằng vì cánh cửa của Việt Nam đã đóng trong một thời gian dài, nên bản tính tò mò mạnh mẽ là điều dễ hiểu. Và vì bất đồng ngôn ngữ, người Việt càng cố phải nhìn để có thêm thông tin, vì dù sao nhìn cũng dễ hơn là hỏi.

Thêm vào đó, một nền văn hóa rất ư là cộng đồng quả là quá xa lạ với cảm quan của người nước ngoài và gây cho họ cảm giác thiếu không gian riêng cho cá nhân. Đối với những người bạn nước ngoài còn e ngại với cách nhìn của người Việt, lời khuyên của tôi là hãy học một ít tiếng Việt, rồi bạn sẽ hiểu “văn hóa nhìn” của người dân xứ này dễ thương đến chừng nào!

Theo DREW TAYLORDoanh nhân Sài Gòn cuối tuần
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên