15/08/2010 05:05 GMT+7

Tình nguyện ở trại phong

LƯƠNG ĐÌNH KHOA
LƯƠNG ĐÌNH KHOA

AT - Con đường đất đỏ từ quốc lộ 35A dẫn vào trại phong khá ngoằn ngoèo. Hơn chục em nhỏ trong trại đã đợi sẵn ở cổng ùa ra, tíu tít kể tên từng tình nguyện viên trong đoàn. Đây là chuyến tình nguyện thứ tư của nhóm Quê Hương Foundation lên thăm trại phong Sóc Sơn nằm trên một quả đồi nhỏ của làng Thanh Trí, xã Minh Phú, Sóc Sơn, Hà Nội...

clgqB5s1.jpgPhóng to

Bữa cơm trưa của cụ Nguyễn Hoàng Doanh

"Nối liền khoảng cách - Nâng cánh ước mơ”

Nhóm Quê Hương Foundation tổ chức một chương trình nhằm xóa bỏ khoảng cách giữa cộng đồng xã hội với những con người có số phận bất hạnh. Mục đích của nhóm là giúp đỡ họ hòa nhập xã hội, đồng thời giúp đỡ và khích lệ tinh thần cho các em nhỏ ở trại phong Sóc Sơn bước đi trên con đường vươn tới ước mơ.

Hành trang mang theo của đoàn là một xe chất đầy sách vở, bánh mì và những tấm lòng tràn đầy nhiệt huyết của gần 40 tình nguyện viên, chủ yếu là sinh viên của các trường ĐH Quốc gia, ĐH Thăng Long... và một số học sinh của các trường THPT trên địa bàn Hà Nội như Hà Nội Amsterdam, Quang Trung, Việt Đức... Đoàn tình nguyện viên tham gia vào các công việc cụ thể: dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh chân tay, trò chuyện tâm sự với các cụ. Các em nhỏ và các bệnh nhân trong trại đều nhớ mặt thuộc tên các thành viên tình nguyện, ân cần vồn vã như gặp lại những người thân trong gia đình.

Chị Nguyễn Thi Mai (36 tuổi, hộ lý duy nhất, đã gắn bó 16 năm với trại phong Sóc Sơn) bộc bạch: "Chính những việc làm dù nhỏ bé như thế của các tình nguyện viên lại là điều mong ước tha thiết nhất của những bệnh nhân ở đây. Họ cảm nhận được sự quan tâm của xã hội, tạo thêm niềm tin để tiếp tục vui sống, vượt qua bệnh tật và nỗi mặc cảm tự ti".

Bên cạnh 31 bệnh nhân cao tuổi, trại phong Sóc Sơn còn có gần chục em nhỏ là con cháu của các bệnh nhân trong trại. Tất cả các em ở đây đều được đến trường, song lại phải chịu rất nhiều thiệt thòi so với các bạn cùng trang lứa.

Nước da đen nhẻm, dáng điệu gầy gò nhưng khuôn mặt lộ rõ vẻ thông minh lanh lợi, đó là Nguyễn Văn Đông - cháu nội của hai bệnh nhân cao tuổi trong trại. "Em ở với ông bà từ nhỏ, bố mẹ em là ai, bỏ đi đâu, em không được biết và ông bà cũng không cho biết. Năm nay em sẽ lên lớp 9 của Trường THCS Minh Phú. Em muốn học thật giỏi, lên cấp III lấy được bằng tốt nghiệp để ra ngoài đi làm" - giọng Đông buồn buồn. "Ước mong duy nhất của em là có được người dạy học hành. Giá như các anh chị trong nhóm tình nguyện Quê Hương ở lại đây mãi thì hạnh phúc biết bao, dù em biết đó là điều không thể..." - cậu bé nói.

Uv7E5eAL.jpgPhóng to

Các em ở trại phong háo hức đọc truyện do đoàn tình nguyện tặng

Học cách yêu thương...

Chứng kiến bữa cơm trưa của bệnh nhân Nguyễn Hoàng Doanh (70 tuổi, quê ở Thạch Bàn, Gia Lâm, Hà Nội), nhiều tình nguyện viên không khỏi chạnh lòng: một bát cơm trắng, bát canh rau tập tàng và mấy miếng thịt dính mỡ... "Khéo làm thì no, khéo co thì ấm, với hơn 200.000 đồng ít ỏi Nhà nước chi cho việc mua củi, gạo, thức ăn... trong thời kỳ bão giá như hiện nay, đồng thời lại phải tằn tiện để bớt ra một vài đồng dự phòng khi đi viện thì một bữa cơm như vậy vẫn là tuyệt vời lắm rồi!" - cụ Doanh bộc bạch.

Hằng ngày, các bệnh nhân ở đây phải tự nấu cơm phục vụ chính mình. Với những người còn nguyên vẹn tay chân thì không sao, nhưng với những người khuyết tật thì phải lê lết, cố gắng trong từng bữa ăn, rồi khi cần giặt giũ chăn màn lại phải thuê người dân ở ngoài xóm vào làm.

Hầu như tất cả bệnh nhân ở trại phong Sóc Sơn đều có một tâm lý chung là không muốn làm phiền người thân, dù cho luôn khao khát được ở gần con cháu. "Cách đây lâu lắm rồi, trong một lần về quê dự đám cưới của đứa cháu, tôi đã gọi cả họ hàng con cháu lại và bảo do tôi không may mắn bị mắc căn bệnh này nên cả gia đình họ hàng cứ coi sống như chết. Biết làm sao, mình mắc bệnh thì phải chịu chứ thực sự là nhiều lúc thấy nhớ con cháu, quê hương bản quán vô cùng, nhưng chẳng dám về" - bệnh nhân Phùng Thị Liệu (88 tuổi) nghẹn ngào.

Bà Liệu cầm một khung ảnh nhỏ đặt ở đầu giường lên, hồ hởi chỉ cho tôi từng người trong gia đình của bà ở Vĩnh Phúc: "Bây giờ chỉ biết nương nhờ Nhà nước thôi, chứ làm gì có quyền được mong muốn... Có chăng chỉ là mong không mất ngủ về đêm, ngày thì không đau nhức, đỡ đau đớn".

Chia tay trại phong Sóc Sơn, nhưng những tâm sự về hoàn cảnh và cuộc sống của các bệnh nhân, những khát vọng về học tập của các em nhỏ cứ ám ảnh mãi trong lòng tôi cùng các bạn tình nguyện viên đồng hành... Hi vọng sẽ có nhiều đoàn tình nguyện đến với trại phong Sóc Sơn như Quê Hương Foundation, để không chỉ "rút ngắn" mà còn xóa hẳn đi "khoảng cách" đối với các bệnh nhân nơi đây, giúp họ khắc phục được những thiếu thốn và khó khăn trong cuộc sống, đồng thời đưa ước mơ của các em nhỏ trong trại ngày càng đến gần hơn với hiện thực.

VZi920nR.jpgPhóng to

Áo Trắng số 14 (ra ngày 1-8-2010) hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

LƯƠNG ĐÌNH KHOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên