24/02/2015 13:01 GMT+7

​Tình đời

PHAN TRUNG NGHĨA
PHAN TRUNG NGHĨA

TTXuân - 1. Tôi và anh chị Bảy Chánh (Nguyễn Minh Chánh), chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Bạc Liêu, về nhà Phạm Hồng Quân, bí thư xã Vĩnh Trạch, thành phố Bạc Liêu.

Cộ lúa mùa gió chướng ở làng Vĩnh Trạch (Bạc Liêu) - Ảnh: Quang Hùng
Cộ lúa mùa gió chướng ở làng Vĩnh Trạch (Bạc Liêu) - Ảnh: Quang Hùng

Nhà Quân là một căn nhà nhỏ, nằm giữa một cánh đồng, kế bên là cái đìa nước ngọt nuôi cá, lại trồng thêm mấy cây xoài, khế... Quân năm nay khoảng 45 tuổi, người thấp đậm, đẫy đà, bộ dạng như nông dân. Quân ca vọng cổ rất hay, có lẽ vì thế mà nó cưới được một cô vợ đẹp. Hồi nhỏ dưới quê, nhà Quân cách nhà tôi non một cây số, ông già Quân và ông già tôi là bạn lâu đời.

Khi chúng tôi vào đến thì thấy Quân xoay trần ra cùng vợ làm gà nấu cháo, làm ếch xào lăn, xé mắm sống. Chốc sau, Sơn Lá và Năm Trong, bạn chí thân của Quân, từ dưới Xóm Lá khệ nệ bưng lên món chim nấu cà ri, cơm nấu với dừa rất lạ để góp phần. Sau đó, bàn tiệc được bày ra toàn là đặc sản. Thực khách hôm đó ngoài tôi, vợ chồng anh Bảy Chánh, vợ chồng Quân; thì Quân còn mời thêm Tư Ngọc (Lê Minh Ngọc) nguyên là xã đội trưởng cũ, Hai Bình (Nguyễn Thanh Bình) trưởng trạm truyền thanh xã thời bao cấp và có thêm bạn của Quân là Ba Ngân. Sơn Lá, Năm Trong, Tư Ngọc,  Hai Bình, Ba Ngân… Thằng thì gọi tôi bằng chú, thằng thì gọi bằng cậu. Phần lớn chúng nó hơn tôi 1-2 tuổi, nhưng chơi với tôi từ thời để chỏm.  

Rượu càng nhiều tôi càng nhớ “Chuyện đời cố lũy”. Tôi đang ngồi trên đất làng Vĩnh Trạch xưa, nơi tôi từng gửi lại lá nhau cuống rốn và sống hết thời thơ trẻ. Tôi làm nghề viết lách, người ta nói mỗi nhà văn đều có mảnh đất để viết, thế thì làng Vĩnh Trạch đích thị là mảnh đất cội nguồn cảm hứng của tôi. Tôi đã từ đây mà ra đi rồi trở lại để không biết bao lần nhìn ngắm đất mẹ mà tìm cái đẹp của muôn năm cũ. Vậy mà lần nào cũng nhận ra những điều mới mẻ, thấy tâm hồn của đất địa cứ thẫm sâu mà ta không thể với tới sự cạn cùng của nó. Cái mới mà tôi phát hiện lần này chính là cái tình đời của người Vĩnh Trạch. Đó là một bữa tiệc bí thư xã đãi chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh, của người quê đãi cố hương đi xa trở về, của mấy đứa cháu đãi chú, cậu mình… Anh Bảy Chánh xúc động, anh bảo trước khi ghé nhà Quân, anh tranh thủ ghé thăm người quen ở ấp Xóm Lá, nơi anh thuê đất nuôi tôm cách đây mấy năm. Mặc dù anh từ chối vì có hẹn ăn cơm với bí thư xã, nhưng người Xóm Lá vẫn làm cơm rượu mời anh, khi anh về, người quê nghèo có gì biếu nấy lủ khủ nếp, dừa, bầu, bí… Anh bảo: “Tấm tình của đất này thật rộng!”.

2. Ngoài trời gió chướng chớm mùa đã thổi. Ngọn gió phóng khoáng bay nhảy khắp đồng. Đây là đất thời tấm mẩn của tôi, từ cửa nhà Quân nhìn về hướng sông Bạc Liêu chỉ hơn một cây số là cái xóm nhỏ của tôi ngày bé. Nơi đó, đất ấm nồng đang ấp ủ xương thịt hồn cốt của ông bà, cha mẹ tôi. Nơi mà cách đây 100 năm, ông bà nội tôi từ Trà Vinh, bồng bế cha mẹ già và năm đứa con nhỏ về khẩn hoang làm ruộng. Hồi đó cây bần, cây mắn bịt bùng, chúng to cả ôm người, cọp rền vang rừng… dọn được một miếng đất thành thuộc để làm ruộng là công đức như trời như biển. Và cũng từ đây, nhiều thế hệ của họ nhà tôi ra đời, rải đều khắp các ấp của làng Vĩnh Trạch.

Nhậu ngà ngà, Hai Bình, Tư Ngọc nhắc chuyện cũ. Đó là mùa ruộng cách nay 39 năm, hồi đó bọn tôi 15-16 tuổi. Số là sau năm 1975, thấy gia cảnh tôi nghèo quá, anh Hai Trọng là anh cô cậu ruột của tôi và cũng là bác ruột của Tư Ngọc, cậu của Hai Bình, cho ba tôi mượn 20 công đất để làm lúa kiếm ăn. Liền kề bên mảnh đất ấy là 20 công đất của ba Tư Ngọc. Những tháng gió chướng của mùa lúa năm ấy, tôi, Hai Bình và Tư Ngọc quảy nóp băng đồng lên dựng chòi ngủ ở bờ đìa để giữ lúa. Hồi đó không phải canh chừng kẻ trộm mà lên để xua chim cắn phá lúa. Chim phổ biến lúc đó ở quê tôi gọi là bồng bồng. Thật ra nó là con vịt trời. Vịt trời đi thành đàn, mỗi lần bay ngang là che kín bầu trời, tiếng rít gió ồn ào như bão đến. Bầy chim ấy mà sa xuống ruộng ai thì sập hết, chủ ruộng chỉ biết ngồi khóc. Thế nên chúng tôi phải đi nhặt đạn đại liên 60mm của Mỹ mà đốt làm tiếng súng nổ để xua quân đối phương. Bữa đó không may cái đít đạn văng trúng bụng tôi, Hai Bình và Tư Ngọc phải thay phiên cõng tôi 2-3 cây số về nhà để đưa đi bệnh viện.

Cội nguồn sức sống mãnh liệt của làng Vĩnh Trạch được nuôi dưỡng bởi cái tình đời chan chứa được hun đúc trao truyền từ nhiều thế hệ, làm nền tảng để xây dựng con người mà đi lên
Bà con chòm xóm quây quần ở Vĩnh Trạch - Ảnh: P.T.N.
Bà con chòm xóm quây quần ở Vĩnh Trạch - Ảnh: P.T.N.

Mấy năm mượn đất của anh Hai Trọng làm gia đình tôi đỡ lên một chút, vượt qua được những năm 1978, 1979 ngặt nghèo của Bạc Liêu. Đó là những năm Bến Tre, Vĩnh Long mất mùa 2-3 năm liền, dân vùng này đổ về Bạc Liêu kiếm ăn rất đông, các gia đình lâm vào cảnh ăn cơm độn khoai mà lịch sử đất mới Bạc Liêu chưa từng có. Ông bà xưa bảo: “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”, vậy mà gia đình tôi nghèo đúng ba đời. Ông bà cố tôi bị địa chủ cướp sạch ruộng đất, bị chiến tranh loạn lạc do quân Pháp gây ra phải trôi nổi tha phương về xứ này. Ông bà nội tôi là người dựng nghiệp trên đất mới, nhưng đất mới là rừng hoang, thiên nhiên khắc nghiệt rồi chiến tranh loạn lạc liên miên nên không ngóc đầu lên được. Đến đời ba tôi cũng chiến tranh giặc giã, giống như ông nội tôi, ba tôi là con út phải nuôi nấng cha mẹ già, thờ phụng tổ tiên ông bà. Năm ba tôi 18 tuổi, chưa vợ, ông phải nuôi thêm ba đứa cháu vì vợ chồng bác Năm tôi chết sớm. Thế là đêm ông nhảy xuống sông đăng cá bán kiếm tiền, ngày thì ông quảy vòng gặt đi gặt mướn hoặc đập lúa thuê. Khi má tôi về nhà này làm dâu thì bà bước vào cuộc đời thân cò lặn lội đồng sâu. Cái hình ảnh nhức nhối cả đời tôi là má tôi dầm mình cấy lúa đến đỏ đèn trong một mùa cấy xưa cũ của tháng 8 mưa dầm, có tiếng nhái bầu ngắc nga làm thổn thức đồng chiều.

3. Nhà tôi nghèo đến cỡ mỗi lần bưng chén cơm lên ăn lỡ làm cơm rơi vãi, má tôi chắt lưỡi hít hà rồi đi nhặt từng hạt cơm bỏ vào miệng và luôn miệng lẩm nhẩm: “Tội chết con ơi”. Hạt cơm hồi đó quý đến mê muội, sợ hãi. Cuộc sống quanh năm chỉ trông chờ vào mùa lúa, đó là mùa gió chướng mà người Bạc Liêu gọi là mùa vui. Còn tôi, chính cuộc sống đó, đã làm cho tôi đến tận bây giờ, bạc trắng mái đầu vẫn còn ám ảnh về những hạt cơm, vẫn còn cảm giác nôn nao khi mùa gió chướng về. Bây giờ mỗi lần ra đồng, bắt gặp một mảnh lúa trổ là tôi bồi hồi xốn xang đến lạ.

Khi thế hệ của tôi, Hai Bình, Ba Ngân, Tư Ngọc, Sơn Lá, Quân từ trong chiến tranh máu lệ, đói nghèo lớn lên, mỗi đứa có cách nhìn nhận, lĩnh hội những gì tốt đẹp của gia đình, dòng tộc, quê hương mà lập định lối sống cho riêng mình. Trong những cuộc nhậu với chúng nó, tôi thấy chúng tôi có một niềm cảm thức giống nhau là hạt cơm nuôi nấng nên hình hài chúng tôi hôm nay rất khác hơn những hạt cơm ở những đất nước, những quê hương giàu có. Đó là sự kết tinh hạt cơm bởi một mảnh đất trải qua nhiều dông bão chiến tranh mà nhiều người thân của chúng tôi đổ máu xương để giành lấy nó, đó là sự kết tinh hạt gạo của những mùa ruộng cũ có mưa sa đầy trời, có những người mẹ chúng tôi trầm mình giữa đồng sâu cấy lúa; đó là những hạt gạo kết tinh bởi sự đùm bọc, sẻ chia dòng tộc, láng giềng… Bưng chén cơm ấy lên ăn, nuốt cơm vào là nuốt bao mồ hôi nước mắt, nuốt bao nghĩa ân của xương trắng máu đào. Nghĩ rồi ứa nước mắt, thấy hình hài mình được tạo ra bởi công đức như núi. Đó chẳng lẽ không phải là những điều ghi xương khắc cốt? Đã ghi xương khắc cốt rồi thì nhớ hết, trân trọng hết, cả những cây cỏ của quê hương. Suốt đời ta không dám làm gì ngược lại với phẩm hạnh của làng xóm. Đi ra đường, thấy bông lúa rụng không dám giẫm chân lên vì sợ tội. Hóa ra cái làng Vĩnh Trạch nghèo còn âm thầm ban tặng cho chúng tôi một thứ quý giá khác, đó là những minh định của quê hương như một khuôn vàng thước ngọc về lối sống, một đạo làm người cho những đứa con quê. Đó là một lối sống có tình có nghĩa, có trước có sau. Và cũng thật lạ, cách làm người đó rất ổn định dù cuộc đời ta có ngang trái lỡ làng.

Bà con nấu bánh tét ngày Tết ở Vĩnh Thạnh - Ảnh: P.T.Nghĩa
Bà con nấu bánh tét ngày Tết ở Vĩnh Thạnh - Ảnh: P.T.Nghĩa

Ba Ngân năm nay đã 57 tuổi, đầu thì xanh um nhưng răng cỏ rụng hết. 13 tuổi, Ngân phải vòng tay kéo cha nó chết từ dưới biền lác đem lên bờ bởi ông làm xã đội trưởng bị biệt kích Mỹ bắn chết. Thế là bao nhiêu việc đồng áng cực nhọc để nuôi đàn em dại năm đứa trong chiến tranh đầy trời đổ lên đầu Ba Ngân. Lớn lên Ba Ngân thương một người con gái là cháu gọi tôi bằng cậu. Đàng gái thấy Ba Ngân nghèo nên làm khó dễ đủ điều, ba tôi phải thuyết phục, còn má tôi có chiếc vòng đeo tay thời con gái bằng đồng (vàng 10) bà kêu thợ bạc nấu lại làm ra ba đôi bông tai để dành cưới vợ cho tôi và hai người anh tôi. Thấy Ba Ngân nghèo bà cho mượn một đôi cưới vợ. Đám cưới Ba Ngân bà lo việc bếp núc như đám con trai của bà. Cưới được vợ rồi, Ba Ngân đẻ soàn soạt năm đứa con trong năm năm. Đó lại là thời kỳ bao cấp, thế là đời Ba Ngân lâm vào cảnh khốn cùng. Vợ đẻ mà nước rong giáp tết nhà nó ngập nước đến gầm giường, ba tôi đi đốn cây, đốn củ ráng cho nó sửa cái giường cho vợ nó được cao ráo và đốt củi ráng thay cho đốt than nằm ở cữ. Khoảng năm 1986, 1987 gì đó, Ba Ngân và Hai Bình vác dá đi Cà Mau đào đất mướn, một bữa hai thằng ghé nhà tôi (lúc đó tôi ở Cà Mau) mặt xanh như tàu lá, buồn rượi rên rỉ “Đói quá cậu ơi”. Số là hai thằng tìm không được việc làm phải đói khát trở về. Vợ tôi làm một bữa cơm ngon đãi hai kẻ ruột gà cơ nhỡ nơi đất khách, tôi chạy vạy quơ quào khắp nơi được 1 triệu đồng để cho hai thằng mượn mà cứu đói vợ con chúng nó nơi quê nhà.

Năm 1984 má tôi mất vì tai nạn, hay tin Ba Ngân đang sạ lúa băng đồng bốn cây số chạy về đứng khóc như mẹ nó chết. Rồi nó chạy đôn chạy đáo lo hậu sự cho bà, y như bà lo đám cưới cho nó hồi nẫm. Năm 1998, ba tôi đổ bệnh, phải đưa đi Sài Gòn trị, Ba Ngân tự giác đi theo để tắm táp, đút cơm cho ông ăn. Đi nuôi bệnh cho láng giềng, dòng họ là chuyện thường tình ở quê tôi, nhưng cái đáng quý là Ba Ngân đi nuôi ba tôi hơn 20 ngày trong lúc vợ con nó ở nhà chạy gạo từng lon. Khi ba tôi qua đời, Ba Ngân xin để tang, mặc dù nó chỉ là cháu rể. Cho đến tận bây giờ, đã 17 năm kể từ ngày ba tôi mất, nhà Ba Ngân trồng được mấy cây đu đủ, nó chọn trái ngon nhất mang đến phủ thờ ba tôi mà cúng. Cái tình đời của Ba Ngân không làm sao tôi quên được, con nó học thì ở nhà tôi, con nó đi làm tôi cũng lo. Mấy năm trước nó nhậu quá bị bể bao tử nếu không có tôi gọi bác sĩ đến lo thì nó đã chết rồi. Chúng tôi sống trên làng Vĩnh Trạch bằng ơn nghĩa cứ chồng chéo với nhau từ đời này qua đời khác, nên giao tình bền chặt như sợi dây vàm buộc mũi trâu.

Ba Ngân học lớp 2 trường làng, chữ nghĩa lõm bõm, ăn nói ý nọ xọ ý kia, vậy mà thiệt lạ người ta mời Ba Ngân vào làm thành viên ban trị sự của mấy ngôi chùa trong xã. Trong xóm mà có đám cưới là láng giềng mời Ba Ngân đi “ăn nói”. Ba Ngân ăn nói dở ẹt thì ai cũng biết, cái mà họ cần là cái đức độ, cái lối sống ăn ở có trước có sau, rất nghĩa tình của Ba Ngân, mà người quê quan niệm có thể lấy đức cho đôi trẻ.

***

Tôi nhìn ra đồng, đất Vĩnh Trạch xù xì thô mộc. Còn con của đất là năm gã nông dân mặt mày đen đúa, bàn tay bàn chân nạm phèn đang ngồi trước mặt tôi. Họ xuất thân hèn mọn, vai vế nhỏ nhoi. Thế nhưng trước chúng tôi họ ngồi lưng rất thẳng, mắt nhìn rất thẳng, nụ cười hiền hậu hồn nhiên như cây cỏ. Nhìn họ, tôi nhận ra cội nguồn sức sống mãnh liệt của làng Vĩnh Trạch. Sức sống ấy được nuôi dưỡng bởi cái tình đời chan chứa được hun đúc trao truyền từ nhiều thế hệ, làm nền tảng để xây dựng con người mà đi lên. 

PHAN TRUNG NGHĨA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên