25/12/2004 13:09 GMT+7

TIm Aline Rebeaud và "ngôi nhà may mắn"

KIM SƠN
KIM SƠN

TTCN - Năm 1992, ở tuổi 20, Aline Rebeaud - cô sinh viên Trường đại học Mỹ thuật Thụy Sĩ - đã từ châu Âu theo đường bộ đi từ Liên Xô sang Mông Cổ rồi Trung Quốc và sau cùng là Việt Nam để du lịch và tìm đề tài sáng tác.

YoxAM2kX.jpgPhóng to
Tim (thứ hai bên phải) - trong buổi nhận giải thưởng của Hội Chữ thập đỏ quốc tế

Những chuyến dừng chân ngắn ngủi ở Hà Nội, Huế rồi TP.HCM và rồi “cái đêm định mệnh” ấy đã khiến cô “chôn chặt” cuộc đời mình ở đất nước này.

Một hôm đang trên đường về khuya, Aline Rebeaud bỗng nghe tiếng khóc của một bé trai chừng 10 tuổi. Chị đưa tay ra hiệu hỏi có phải cần ăn? Nó gật đầu. Chị vẫy tay gọi nó theo, nhưng đi một quãng, nhìn lại thấy bé vẫn nằm đó. Hóa ra nó đang đói lả. Chị cõng nó lên, đưa đi ăn rồi dắt về khách sạn. Đêm đó chị không sao ngủ được, cứ nghĩ mãi về thân phận những đứa trẻ lang thang, xin ăn trên đường phố... Và chị quyết định đến các cô nhi viện để tìm hiểu. Tới cơ sở điều trị tâm thần ở Thủ Đức, chị gặp Trần Văn Thành, 13 tuổi, người đầy ghẻ lở và mắc đủ thứ bệnh: tim, thấp khớp, phổi ứ nước...

Người ta nói cậu bé này không có gia đình, bệnh nặng chỉ chờ chết. Chị đưa Thành vô một bệnh viện thành phố và ở lại chăm Thành như mẹ lo cho con. Chị kể: “Mỗi ngày bác sĩ phải rút nước trong phổi ra nhiều lắm. Thành nằm ba tháng mới xuất viện, mình cũng ngủ dưới gầm giường, đi lấy cơm, giặt quần áo cho nó chung với mấy người nuôi bệnh khác... Hôm xuất viện, người ta chỉ tay qua cái cổng và đặt cho mình tên “Tim”. Cái tên Tim Aline Rebeaud có từ đó. Rồi mình lập nhà May Mắn này cũng do gặp Thành”. Chị tiếp: “Nó ở cô nhi viện, rồi trường mầm non, 10 tuổi đã bị đưa vô trại tâm thần ở chung với người lớn. Lúc đó 13 tuổi mà hỏi con tên gì cũng không biết, vì từ nhỏ người ta chỉ gọi “mày”. Mình đưa nó đi phố cho nó biết, rồi dạy chữ”.

5QSD5fCb.jpgPhóng to
Lớp học cho trẻ em nghèo trong xóm
Một lần đưa Thành xem phim ở rạp Minh Châu, Tim lại gặp một cậu bé khoảng 10 tuổi, tên Bình xin tiền, chị cho nó cùng vào xem. Trưa hôm sau, chị quay lại chở Bình về... Số trẻ lang thang đưa về ngày càng đông. Lúc đó Tim đã thuê một căn nhà nhỏ ở Tân Bình, bán tranh để có tiền lo cho bọn trẻ, rồi đi chợ nấu ăn, dạy chữ, dạy vẽ... cho các con.

Nhà May Mắn (6/17 Tân Kỳ - Tân Quí, khu phố 4, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP.HCM) ra đời năm 1993, nay là tổ ấm của một “đại gia đình” 50 con người có số phận không may - gồm trẻ mồ côi, người khuyết tật do Tim đưa về. Khởi đầu chỉ là dãy nhà tạm bợ trên khu đất sình lầy ở cạnh nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Sau 12 năm, “cơ ngơi” có thêm mấy phòng, vẫn lụp xụp, đầy bụi, ngập nước khi trời mưa.

Nguyễn Văn Bình - đứa bé lang thang trước rạp Minh Châu năm nào nay đã 24 tuổi, là họa sĩ, năm 2003 được mẹ Tim đứng ra làm đám cưới với cô hàng xóm Phạm Thị Bảo Châu. Bình kể: “Nhờ mẹ Tim thông báo trên truyền hình, cách đây hai năm tôi mới biết ba mẹ ruột mình còn sống với bốn đứa em ở Nghệ An. Hồi 8 tuổi, tôi bị người ta bắt cóc đưa vô Đà Nẵng, không biết đường về, theo tàu lửa vô Sài Gòn, bơ vơ. Đi ăn xin, rồi bị người ta bắt đi đánh giày. Có bữa bị mất hết tiền phải bỏ trốn.

Sống trước rạp Minh Châu gần hai năm thì đêm đó (1996) thấy mẹ Tim dắt anh Thành tôi xáp vô xin tiền, mẹ không cho mà hỏi thăm hoàn cảnh rồi cho coi phim luôn. Anh Thành chê tôi dơ, xô ra, mẹ năn nỉ - nói lúc trước con cũng dơ như bạn vậy. Mẹ biểu hai đứa bắt tay. Xem phim xong mẹ mua cho hai ổ bánh mì, dặn ăn xong thì ngủ ở đó, 10 giờ sáng mai mẹ tới rước. Hôm sau, chờ tới 12 giờ trưa, tôi ngủ quên, mẹ tới đánh thức dậy, chở về nhà ở phường 13, quận Tân Bình. Mẹ đi chiếc xe đạp cũ, áo đẫm mồ hôi…

Lúc mới về đây, mẹ thuê hết bốn phòng trọ trong một căn nhà lá, rồi từ từ sửa sang lại... Mẹ cho học chữ, dạy vẽ, dạy tiếng Pháp, rồi cho đi học ba tháng về tạo mẫu ở Lyon, Pháp. Có đêm tụi tôi đi chơi về khuya, mẹ ngồi chờ tới 2 giờ sáng. Năm 17 tuổi, một lần đi đánh nhau về bị mẹ tát. Tát xong, mẹ khóc. Tôi hỏi: “Sao đánh con rồi mà mẹ còn khóc?”. Mẹ bảo: “Vì tức quá, dạy hoài mà không nghe”. Từ đó tôi sợ quá không dám đi “quậy” nữa”.

Võ Thị Thu Hiền mồ côi từ năm lên 7, bị sốt bại liệt, vẹo cột sống, đi lại khó khăn, được một tu viện cưu mang. Năm 17 tuổi, Hiền được mẹ Tim nhận về. Hiền nói: “Lúc đó tôi chưa biết chữ nhiều, mẹ cho học chữ, nghỉ một bữa mẹ cũng không cho. Nhưng tôi chỉ học tới lớp 8 vì cứ nhức đầu”. Giờ thì Hiền phụ trách xưởng may có 14 người. Sản phẩm là những con thú nhồi bông ngộ nghĩnh bán cho khách nước ngoài. Năm 2003, đám cưới Thu Hiền với Đặng Văn Lanh (em trai bệnh nhân Đặng Văn Tài, vào nhà May Mắn để chăm sóc người bệnh), mẹ Tim cũng theo đưa dâu về Sóc Trăng. Mùa hè năm nay họ sinh được bé gái - tên Na, còn “bà ngoại” Tim thì cứ thích gọi bé là Hiền Mai.

Ra vào các bệnh viện, Tim cứ xốn xang với hoàn cảnh bi đát tột cùng của những số phận không may bị tai nạn lao động, gãy cột sống, liệt nằm một chỗ. Nhiều người bị gia đình bỏ rơi. Chị lặng lẽ đưa họ về nhà May Mắn. Đặng Văn Tài, quê ở Sóc Trăng, một lần hái dừa thuê bị té chấn thương cột sống, điều trị ở Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình (CTCH) suốt thời gian dài, bị loét, được Tim chăm sóc. Xuất viện, chị đưa Tài về nhà May Mắn, cho học vẽ rồi sang Pháp học nâng cao tay nghề.

Chiều thứ bảy, tôi gặp đủ năm cha con anh Lý Văn Môn khi các cháu đi học về. “Một đứa học nội trú nên ít khi về. Mình liệt hết hai chân, vợ bỏ đi, mà tụi nhỏ được đi học đầy đủ... Năm 1995, đi Lộc Ninh làm than củi, xe bò lật, bị cây đè gãy cột sống, nằm ở Bệnh viện CTCH một tháng, ba đứa con ở nhà, vợ sắp sinh, không tiền... Lúc ấy Tim vô bệnh viện nuôi anh Tài, thấy hoàn cảnh như vậy cô đóng viện phí, cho tiền ăn. Sau đó phải sang Trung tâm Phục hồi chức năng chữa thêm ba tháng.

Về nhà được 20 ngày thì vợ sinh, tôi nằm một chỗ nên bị loét, lại phải vô Bệnh viện CTCH. Vậy là Tim cho tiền mua sữa, mướn vú nuôi bé Hẹ (tên mẹ Tim đặt) để vợ tôi vô bệnh viện lo cho chồng. Khi xuất viện, Tim cho xe đưa về Định Quán và một ít tiền. Nhưng nhà cửa đã bán hết, phải ở nhờ bên vợ, bị hắt hủi... Tim biết được, lại đón cả gia đình lên nhà May Mắn. Lúc đầu vợ tôi cũng ở đây phụ làm vệ sinh lặt vặt, nhưng năm 1998 bỏ đi biệt tích. Tôi còn đi xe lăn được, Tim cho học đồ họa vi tính, ra “nghề” chỉnh sửa hình ảnh, làm thiệp... hơn sáu năm qua”.

Anh Môn cứ lặp đi lặp lại: “Lạ lắm, khó tìm được một người như Tim. “Tây” mà đi nuôi người bệnh cũng túc trực trong bệnh viện, cùng ăn với anh em, gắp rau muống không được thì bốc tay. Nếu không gặp Tim chắc giờ này mình “xong” rồi, mấy đứa nhỏ cũng không biết trôi dạt về đâu... Tôi mổ cột sống hai lần, rồi mổ sạn bàng quang, mổ đưa bàng quang ra da, thủng đại tràng phải làm hậu môn tạm... tám lần mổ, mỗi lần từ vài triệu đến chục triệu, Tim lo hết. Người tôi lúc nào cũng đau nhức, rát buốt như phỏng từ trong xương... Sống đối với tôi là một cực hình, nhưng phải ráng để kèm mấy đứa nhỏ”.

Gần 20 người bị gãy cột sống, liệt cả hai chân, có người gãy cột sống cổ liệt cả tứ chi phải đút ăn... Tim đưa về, thuê người chăm sóc, tắm giặt, cho học chữ, học nghề. Chị tâm sự : “Nhiều người chán đời, nghĩ liệt là chấm hết. Tôi phải giải thích là họ vẫn còn cái đầu. Đa số tuổi 20-35, chỉ lao động chân tay, ít học. Vì vậy phải lo cho họ học chữ rồi mới dạy nghề, mà phải chuyên môn một chút. Nếu biết sơ sơ thì sau này cũng chỉ đi làm thuê chứ không cạnh tranh nổi. Chẳng hạn như biết vẽ rồi thì cũng phải 5-6 năm mới có thể tự “bay” được”. Ngoài 50 số phận không may “thường trú” ở đây, còn có trên 60 trẻ con gia đình khó khăn ở quanh xóm vào học chữ. Chung sức với Tim để đưa nhà May Mắn đi lên còn có những tấm lòng của thầy giáo Võ Thanh Tùng, cô Nguyễn Thị Kim Chi, ông Trịnh Duy Sơn, giáo viên người Pháp Vincent…

Lo ăn ở, học tập cho gần 100 con người là chuyện vô cùng khó khăn. Tim phải vận động Tổ chức nhà May Mắn (Maison Chance) ở Pháp, Thụy Sĩ, các công ty, đơn vị trong nước... “Nhiều khi 3 giờ sáng mình còn ngồi “chat” với bạn bè ở nước ngoài để mong họ hỗ trợ. Bên đó là cuối giờ chiều, họ vừa tan sở về nên rỗi rảnh, còn mình ở đây đã 2-3 giờ sáng, buồn ngủ muốn chết! Đang bắt đầu xây dựng một trung tâm cho người tàn tật nặng hơn. Mình còn muốn giúp rất nhiều người nhưng chưa có điều kiện...”.

Năm 2002, tại TP.HCM, chị được trao tặng giải thưởng “Prix Henry Dunant” của Hội Chữ thập đỏ quốc tế.

Tôi hỏi: “Điều gì đã “quyến rũ” chị đến với công việc này? Chị đã yêu chưa?”. Tim cười: “Ở nơi đẹp nhất thế giới mà lòng mình buồn thì cũng không vui. Làm việc này sao lại chưa yêu? Tôi gắn bó với Việt Nam chỉ vì thấy một đứa bé sắp chết và không nhắm mắt làm ngơ được. Còn công việc, thì không biết trời hay ai đó định rồi”.

Tất bật với nhà May Mắn từ sáng đến khuya, Tim không còn thời gian để vẽ tranh như ngày nào, nhưng chị đang cùng những số phận không may phác cho chúng ta một bức tranh lớn. Lớn và thật đẹp.

KIM SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên