27/06/2006 06:17 GMT+7

Tiêu cực trong thi cử: Giáo viên nói gì?

(Trích thư của giám thị ĐỖ VIỆT KHOA - VietNamNet 26-6)
(Trích thư của giám thị ĐỖ VIỆT KHOA - VietNamNet 26-6)

TT - Sự kiện giám thị Đỗ Việt Khoa lên tiếng tố cáo tiêu cực thi cử ở Hà Tây đang trở thành tâm điểm thời sự trong lẫn ngoài ngành giáo dục, mặc dù chuyện đã không mới và tương đối phổ biến ở nhiều nơi.

daEl4E2q.jpgPhóng toThản nhiên leo tường mở cửa sổ ném “phao” cho thí sinh tại hội đồng thi đặt tại Trường THPT Kim Liên, TP Vinh, Nghệ An - Ảnh: Vũ ToànTT - Sự kiện giám thị Đỗ Việt Khoa lên tiếng tố cáo tiêu cực thi cử ở Hà Tây đang trở thành tâm điểm thời sự trong lẫn ngoài ngành giáo dục, mặc dù chuyện đã không mới và tương đối phổ biến ở nhiều nơi.

* Thầy NGÔ VĂN PHƯỚC(hiệu phó Trường THPT Quốc Học, Huế):

Đó là một sự xúc phạm

Là một giáo viên, khi nghe thầy Khoa tố cáo nạn tiêu cực trong thi cử ở Hà Tây, cảm giác đầu tiên của tôi là rất buồn. Nếu thầy Khoa trình bày đúng thực tế diễn biến thực trạng thi cử với sự đồng tình của nhiều giáo viên, sự lơ là của hầu hết cán bộ coi thi thì đây quả là chuyện đáng tiếc.

Chính nó làm giảm uy tín của người thầy trước học trò, giảm uy tín của ngành giáo dục trước xã hội, làm mất niềm tin về người thầy trước các em học sinh, là sự xúc phạm đối với những học sinh đang ngày đêm cố gắng phấn đấu học tập và là cả sự xúc phạm đối với tuổi trẻ.

Do đó theo tôi, cần phải làm rõ, phải xác định trách nhiệm đúng sai cụ thể và có biện pháp xử lý thật nghiêm minh với những trường hợp như vậy.

Ở đây, không chỉ là trách nhiệm của một vài người, mà Sở GD-ĐT Hà Tây phải có biện pháp mạnh, nghiêm túc, phải khẳng định trách nhiệm trong công tác tổ chức thi và những vi phạm trong phạm vi xử lý của mình.

Hãy mạnh dạn và thẳng thắn giải quyết vấn đề một cách rõ ràng, chính thức nhận lỗi trước công luận, may ra cứu vãn phần nào danh dự nói chung của ngành giáo dục đang bị sứt mẻ bởi những sự việc như vậy!

Giám thị ĐỖ VIỆT KHOA:

Bao giờ mới thôi dối lòng?

Xin hỏi các lãnh đạo, nếu đã từng là thầy giáo thì khi có tin thí sinh sử dụng bài giải bên ngoài đưa vào (có tờ photo bài giải kèm theo) thì người thầy xử lý thế nào? Các vị là lãnh đạo, là người soạn các câu hỏi thi tuyển công chức, có các tình huống ứng xử, sao lại không có cách giải quyết?

Sáng 23-6, tôi đã nộp hai lá đơn với hai nội dung. Tôi có trình bày kèm theo bài giải môn hóa + toán mà tôi thu thập được cho phó thanh tra sở.

Cùng lúc, tôi đã copy dữ liệu là file video + ghi âm vào máy tính trong phòng thanh tra. Thế mà sau đó, ông Nguyễn Cao Biền trả lời báo “không biết đó là hai tờ photo gì?”.

Khi tôi cài đặt chương trình, mở file hình video quay cảnh một người phục vụ của Trường Phú Xuyên A đang ném bài giải vào phòng, cả ba vị thanh tra đều không quan tâm? Lại yêu cầu tôi nộp đĩa CD và bảo file hình + tiếng tôi vừa ghi vào máy tính không có giá trị pháp lý?

Thế mai kia tôi có nộp đĩa CD dữ liệu, chắc các vị lại nói: không mở được file, chứng cứ không thuyết phục? Và không làm gì cả, như Đài truyền hình VN bình luận: vài tháng nữa vẫn... chưa bắt đầu làm.

... Thế thì bao giờ mới chấm dứt được tệ nạn giả dối trong học hành thi cử ở Hà Tây và trên cả nước? Thầy cô bao giờ mới thôi dối lòng? Cứ để mãi thế này sao? Chúng ta tiếp tục làm hư hỏng bao nhiêu thế hệ học sinh nữa đây?

Về phía cá nhân tôi, càng chứng kiến sự bao che, chậm chạp của lãnh đạo, tôi càng quyết tâm chống tiêu cực, cho dù tôi đơn độc.

Tôi kêu gọi các em học sinh và các thầy cô giáo: hãy lên tiếng cùng tôi chấm dứt tiêu cực này. Đừng dối mình hay im lặng mãi thế. Năm nay nếu các em trượt nhiều đừng vội trách thầy. Các em hãy chịu thiệt một chút. Nhưng hàng chục thế hệ sau sẽ không bị làm hỏng nữa. Nền giáo dục sẽ trở về đúng nghĩa của nó. Tính trung thực của thầy trò ta mới không bị đánh cắp nữa.

* GV NGUYỄN THỊ NGỌC ANH(Trường THPT Hùng Vương, TP.HCM):

Phải xử lý đến cùng!

Đọc báo, tôi rất bức xúc với chuyện thứ trưởng Bộ GD-ĐT tiếp nhận thông tin do thầy Khoa cung cấp nhưng không hề có một động thái nào gọi là ngăn cản tức thì những hành vi gian lận thi cử ở Hà Tây. Tại sao vậy?

Tôi cũng tự hỏi tại sao gian lận thi cử diễn ra công khai ở Hà Tây từ năm này sang năm khác, có phải họ có "thế lực" che chở?

Tại sao Tiền Giang dám hủy kết quả thi của mấy trăm thí sinh mà Hà Tây lại không dám? Nếu Bộ GD-ĐT vẫn công nhận kết quả tốt nghiệp của Hà Tây là coi thường những giám thị nghiêm túc, coi thường công sức giảng dạy của giáo viên, gây ảnh hưởng xấu đến tương lai thế hệ trẻ, gây bất công đối với những địa phương thi cử nghiêm túc.

Vụ này nhất định phải giải quyết đến cùng, thầy Khoa nhất định phải được bảo vệ mới có thể lấy lại niềm tin về ngành giáo dục cho xã hội.

* NGUYỄN VĂN TRUNG(SV lớp K28, lý kỹ thuật thí nghiệm, Trường cao đẳng Sư phạm Hà Nội):

Tôi sẽ vững vàng hơn

Chọn nghề giáo, thật sự tôi mang trong mình nhiều hoài bão lắm: được truyền đạt kiến thức cho lớp sau, rồi được nhìn thấy sự trưởng thành của học sinh mà bản thân mình có một phần đóng góp và được đón nhận sự ngưỡng mộ, kính trọng của học trò…

Tuy nhiên, khi dấn thân vào đời, bị va chạm nhiều, nhìn thấy nhiều thứ không giống mình hình dung, thậm chí mình không thể tưởng tượng nổi cũng có thể làm cánh sinh viên sư phạm chúng tôi băn khoăn lắm chứ.

Tôi hi vọng hành động dũng cảm của thầy Đỗ Việt Khoa sẽ giúp chúng tôi vững vàng hơn, biết cách sống trung thực hơn. Tôi có thể khẳng định với chính mình rằng tôi không bao giờ tham gia, cũng không muốn nhìn thấy bất cứ sự tiêu cực nào trong nhà trường.

* Cô ĐỖ THỊ LUYẾN(Trung tâm Giáo dục Thanh Trì, Hà Nội):

Thầy càng nghiêm, trò càng thành công!

Đó là điều tôi đã đúc kết được từ khi còn là học trò, rồi là sinh viên ĐH Sư phạm và bây giờ trên cương vị một người thầy. Trong cuộc đời, tôi đã không ít lần gặp những người thầy tận tình trong giảng dạy, nghiêm túc trong các kỳ thi và nghĩa tình trong cuộc sống ngày thường.

Đằng sau thành công của học trò không thể thiếu bóng dáng thầy cô, và mệnh đề còn lại có tính tất yếu: sau thất bại, trượt dốc, sự đi xuống về nhân cách của học trò sẽ là... thầy không nghiêm khắc, thậm chí tiếp tay cho học trò gian lận trong thi cử trước tiên là đại họa cho chính học trò, sau đó mới đến nền giáo dục của nước nhà.

Nói rộng ra, những tệ nạn tham ô, tham nhũng, rút ruột... đang gây nhức nhối dư luận cũng là do có những “người thầy” không nghiêm. Đã đến lúc phải nói “không” với những tệ nạn học đường như ở Hà Tây. Là một người con Hà Tây đang đứng trên bục giảng, tôi thật sự xấu hổ vì điều này.

* GV NGUYỄN THỊ VÂN(Trường THCS Chu Văn An, Q.11, TP.HCM):

Xác lập kỷ cương trong thi cử

Tôi thấy lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Hà Tây cũng như chính quyền địa phương có vẻ thiếu nhiệt tình trong việc tiếp nhận thông tin do thầy Khoa cung cấp cũng như thiếu quyết tâm trong việc chống lại gian lận thi cử (có phải vì căn bệnh thành tích mà họ hành động như thế không?).

Phải xử lý nghiêm những ai sai phạm để giữ kỷ cương trong thi cử, trả lại niềm tin cho HS. Thi cử để khẳng định năng lực học tập mà quay cóp, ném “phao”... như ở Hà Tây thử hỏi thi để làm gì nữa.

Bên cạnh đó, tôi nghĩ rằng những người có lương tâm bảo vệ công lý như thầy Khoa phải được xã hội bảo vệ chứ không phải bị khiển trách "báo cáo vượt cấp sai qui định, sao không báo cho sở trước?".

Trước hết, chính quyền địa phương phải có biện pháp cấp thiết bảo vệ sự an toàn tính mạng của bản thân cũng như gia đình thầy Khoa. Sau đó, ngành GD-ĐT cũng nên nhân rộng điển hình một thầy giáo dám đấu tranh chống sai trái vì hành động của thầy Khoa không thua gì một chiến sĩ.

(Trích thư của giám thị ĐỖ VIỆT KHOA - VietNamNet 26-6)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên