Tiêu chảy là bệnh như thế nào?
Tiêu chảy là đi ngoài phân lỏng, có nhiều nước hơn bình thường hoặc phân toàn nước, đi ngoài trên 3 lần trong vòng 24 giờ. Trẻ sơ sinh được nuôi bằng sữa mẹ thường đi ngoài trên 3 lần trong một ngày nhưng phân nát hoặc sền sệt thì không phải là tiêu chảy.
Bất cứ người nào cũng có thể mắc bệnh tiêu chảy. Phân càng có nhiều nước, mức độ nguy hiểm của bệnh tiêu chảy càng cao. Trẻ em dễ bị tử vong do tiêu chảy nhiều hơn người lớn vì trẻ em bị mất nước rất nhanh.
Tiêu chảy là một loại bệnh thường gặp trong cộng đồng và thường diễn ra trong vòng từ 1 đến 2 ngày. Hầu hết các trường hợp tiêu chảy sẽ tự khỏi mà không cần một chế độ điều trị đặc biệt nào. Tuy nhiên, ở một số trường hợp tiêu chảy nặng gây mất nước nhiều hoặc kèm theo các dấu hiệu nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
Nguyên nhân gây ra tiêu chảy ít khi được phát hiện sớm ngay ở người bệnh, vì vậy điều trị bệnh tiêu chảy vẫn cơ bản dựa vào phòng chống mất nước của cơ thể. Việc sử dụng sớm Oresol nhằm bù nước và điện giải đóng vai trò vô cùng quan trọng trong điều trị bệnh tiêu chảy. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các trường hợp tiêu chảy nên được dùng Oresol áp lực thẩm thấu thấp. Đối với trẻ em dưới 5 tuổi cần được bổ sung chất kẽm để điều trị và phòng chống tiêu chảy.
Nguyên nhân gây ra bệnh tiêu chảy
Tiêu chảy là một triệu chứng bệnh lý do rất nhiều nguyên nhân gây ra, có thể chia ra làm hai nguyên nhân chủ yếu là nhiễm khuẩn và không nhiễm khuẩn.
Tiêu chảy do nhiễm khuẩn gây ra bởi một số loại vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể từ thực phẩm, đồ uống bị nhiễm bẩn như vi khuẩn Campylobacter, Salmonella, Shigella, Escherichia coli .. hoặc một số loại virus như virus Rota, Norwalk, Cytomegalo, Herpes... Ngoài ra tiêu chảy cũng có thể gây nên do một số loại ký sinh trùng đường ruột xâm nhập và ký sinh ở hệ tiêu hóa như Giardia lamblia, Entamoeba histolytica, Cryptosporidium ...
Tiêu chảy do không nhiễm khuẩn gây ra ở một số người có cơ địa không thể tiêu hóa được một vài thành phần trong thức ăn như không dung nạp lactose, một loại đường có trong sữa; dị ứng thức ăn; bị tác dụng phụ của thuốc hoặc phản ứng của một số thuốc như thuốc kháng sinh, thuốc điều trị cao huyết áp, thuốc chống acid dạ dày chứa chất magnesium.
Ngoài ra, các bệnh về đường ruột như bệnh viêm ruột (bệnh Crohn), bệnh đường tiêu hóa gây tổn thương ở ruột non và ảnh hưởng đến khả năng hấp thu chất dinh dưỡng (bệnh Coeliac); rối loạn chức năng co bóp ruột như hội chứng tăng nhu động ruột do kích thích; sau phẫu thuật dạ dày hoặc cắt túi mật tạo ra sự thay đổi về thời gian thức ăn di chuyển trong hệ tiêu hóa hoặc lượng dịch mật tăng lên trong ruột... cũng tạo điều kiện cho triệu chứng bệnh lý tiêu chảy xuất hiện.
Tùy theo nguyên nhân khác nhau, ngoài triệu chứng tiêu chảy, bệnh nhân còn có thể có một số triêu chứng khác đi kèm như đau quặn bụng, chướng bụng, buồn nôn và nôn, mót rặn, sốt, đi ngoài ra máu…
Xử trí khi bị tiêu chảy
Những trường hợp bị tiêu chảy với khối lượng ít, không có dấu hiệu mất nước và các dấu hiệu nguy hiểm có thể chăm sóc, theo dõi tại nhà, cho uống dung dịch Oresol, bảo đảm chế độ dinh dưỡng.
Những trường hợp bị tiêu chảy có dấu hiệu mất nước hoặc có bất kỳ một trong các dấu hiệu nguy hiểm như: tiêu chảy phân toàn nước với khối lượng nhiều, kéo dài trên 4 ngày, bị sốt cao trên 39 độ C; phân có máu, chất nhầy hoặc có màu đen; đau bụng dữ dội, nôn mửa nhiều... người nhà cần đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế nơi gần nhất để được khám, chẩn đoán, xử trí và điều trị kịp thời; không nên chần chừ, coi thường vì có thể nguy hại đến sức khỏe, kể cả tính mạng của người bệnh. Một vấn đề cũng cần chú ý là nếu trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi hoặc trẻ bị suy dinh dưỡng bị tiêu chảy phải đưa đến ngay cơ sở y tế như là một điều bắt buộc để chủ động phòng tránh những nguy cơ trầm trọng xảy ra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận