22/06/2007 14:46 GMT+7

Tiếp cận thế giới phóng viên "nhí"

Theo Lê Nga, Thanh Niên
Theo Lê Nga, Thanh Niên

Tác nghiệp báo chí chuyên nghiệp, có ban chủ nhiệm (BCN), tự điều hành, tư duy đề tài, viết lách, quay phim, chụp ảnh, biên tập... và cuối cùng cho ra cả một tập san “hoành tráng”.

ZummRcRo.jpgPhóng to
Một số thành viên câu lạc bộ đang tác nghiệp tại một hội thi vẽ tranh
Tác nghiệp báo chí chuyên nghiệp, có ban chủ nhiệm (BCN), tự điều hành, tư duy đề tài, viết lách, quay phim, chụp ảnh, biên tập... và cuối cùng cho ra cả một tập san “hoành tráng”.

Đó là những chuyện không hề nhỏ của các phóng viên “nhí” Câu lạc bộ Phóng viên Nhỏ tỉnh Bến Tre.

Phóng viên “nhí” của tờ báo “nhí”

Nhanh nhẹn, thông minh, học giỏi là “bề nổi” của hơn 40 thành viên câu lạc bộ với tuổi đời dưới 14, vừa đoạt một giải thưởng báo chí về loại phóng sự với đề tài “Trẻ em nghèo - khuyết tật cùng vươn lên". Trong đó có những em mới học lớp 5 nhưng cũng đã có những tác phẩm thơ, những bài viết đáng để người lớn chú ý.

“Bề chìm” mà ít ai biết đến là các phóng viên “nhí” hoạt động theo hình thức tự quản, mỗi năm bầu BCN một lần theo hình thức bỏ phiếu kín. Các phóng viên “nhí” làm tất tần tật mọi vấn đề về chuyên môn, từ tư duy đề tài, thực hiện đề tài, chọn đăng, biên tập... chỉ những công đoạn cuối: dàn trang, chuyển nhà in, phát hành tập san Tuổi thơ Xứ dừa là có sự hỗ trợ của người lớn.

Hằng tuần, vào buổi chiều ngày chủ nhật, các phóng viên “nhí” tụ họp về “đại bản doanh” ở nhà thiếu nhi tỉnh Bến Tre để đề xuất, bàn bạc, chọn đề tài sẽ thực hiện (chủ yếu về thanh thiếu niên, đoàn, đội), rồi sau đó các em tản đi khắp nơi để thực hiện đề tài. Đến hạn duyệt bài các em trong BCN sẽ ngồi lại để chọn bài, biên tập.

Bài viết phần lớn được viết bằng vi tính, chép ra đĩa mềm chuyển về BCN. Chỉ những bài hay mới được chọn đăng và không ai được thiên vị. Thế nào là bài hay? “Cựu” phó BCN câu lạc bộ phóng viên nhỏ Lê Thị Tuyết Minh cho biết: “Bài hay là những bài nêu bật lên được chủ đề, lối viết mạch lạc, phong phú và cái chính là đi vào lòng bạn đọc”.

Một khối lượng công việc ngồn ngộn được các em sắp xếp trật tự và guồng máy cứ thế chạy. Đến nay, tập san Tuổi Thơ Xứ Dừa đã ra đến số thứ 8 với 1.500 bản/kỳ đều đặn đến tay bạn đọc nhỏ trong tỉnh. Phóng viên “nhí” Võ Thuận Hiền cho biết: “Tụi em đang cố gắng để mỗi tháng ra một số, chứ không phải một quí ra một số như hiện nay”.

Làm cả báo hình, báo tiếng

Các em được Nhà thiếu nhi tỉnh dành cho một phòng làm “đại bản doanh” nằm trên lầu 1 Nhà thiếu nhi. Bên cạnh đó, các em còn được các đơn vị tài trợ đầy đủ phương tiện “hành nghề” như máy ghi âm, máy chụp ảnh, quay phim, máy vi tính xử lý dữ liệu, hình ảnh và một nội dung sinh hoạt, mượn máy móc tác nghiệp được thực hiện nghiêm chỉnh. Sau hai năm thành lập, toà soạn “nhỏ” này đã cho ra đời hàng trăm tác phẩm từ báo giấy, báo tiếng đến cả báo hình. Riêng “kho” tư liệu hình ảnh đã có trên 2.000 bức.

Nhiều sản phẩm phóng sự sinh động đã được phát trên đài truyền hình Bến Tre trong chương trình “Vì tuổi thơ”, rồi trong chương trình “Phát thanh thanh thiếu niên” của Đài tiếng nói Việt Nam. Nét độc đáo là có những phóng sự các em thực hiện từ A đến Z từ quay phim, dàn dựng, đọc lời bình, lồng tiếng.

Phóng sự mà các em mới đoạt giải với đề tài “Trẻ em nghèo - khuyết tật cùng vươn lên" là một thể loại báo hình. Tác nghiệp như phóng viên lớn, có nhuận bút khi bài viết được đăng, cũng được các đơn vị truyền thông đặt bài, tuy nhiên, các em chỉ khác người lớn là cùng lúc làm tốt hai việc học và làm báo. Bên cạnh đó, vì còn nhỏ nên các em không có phương tiện đi lại tác nghiệp mà phải phụ thuộc người lớn, chủ yếu xin đi theo xe của các cô, các chú của nhà thiếu nhi. Khi bị từ chối, một số bạn sẵn sàng “thi hành” chiến thuật khóc nhè để đạt được mục đích.

Xem qua những “sản phẩm” báo chí của các em mới thấy chúng cũng nóng hổi tính thời sự, từ việc đội mũ bảo hiểm đến căn bệnh thành tích trong giáo dục trong nhà trường và ở cả gia đình, rồi vấn đề quyền trẻ em, chuyện em nhỏ trong tâm bão Durian, chuyện thực phẩm chứa chất ung thư... điều đặc biệt là tất cả đều được thể hiện dưới lăng kính trẻ thơ. Bên cạnh đó, các em còn có những bài viết về tâm tư, tình cảm, suy nghĩ về mọi vấn đề xảy ra xung quanh các em. Một phụ huynh cho biết: “Bài viết của các em cung cấp rất nhiều thông tin cho người lớn để hiểu rõ về thế giới tuổi teen”.

Gặp các em ngoài đời, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì các em vẫn hồn nhiên tuổi học trò nhưng lại nắm bắt thời sự rất chắc khi nghe các em bàn về vấn đề thực phẩm chứa chất ung thư, rồi vấn đề tai nạn giao thông và một trong những thành viên của nhóm đã kể vanh vách vụ tại nạn thương tâm xảy ra ở Đồng Nai làm chết 5 em học sinh của trường Nguyễn Khuyến vừa xảy ra trước đó.

Để có được nhạy cảm, tác phong làm báo, các em đã có những đợt tập huấn, trong đó có những đợt tập huấn dài ngày tận mãi thủ đô Hà Nội để học cách viết, cách chụp ảnh, cách quay phim, cách dàn dựng phim... Khi tỉnh Đoàn phát triển mô hình này về các huyện, các thành viên câu lạc bộ này lại xuôi ngược về các huyện để tập huấn lại cho những tân phóng viên.

Bạn Nguyễn Nhật Tài tâm sự: “Tụi em chỉ mong báo bán được nhiều, có lời thì sẽ có nguồn qũy dồi dào, có chi phí đi về vùng sâu, vùng xa giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn. Trước đây, không có máy ghi âm, mỗi lần phỏng vấn phải đề nghị các cô chú nói chậm để viết cho kịp. Giờ được trang bị máy móc đầy đủ nên tụi em ráng tận dụng hết những gì mình có để phát triển thể loại báo tiếng, báo hình”.

Tiếp xúc với chúng tôi, ông Phan Văn Mãi, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết, xuất phát từ dự án “Mảnh đời trẻ thơ”, câu lạc bộ này được thành lập chủ yếu để tạo sân chơi cho các em thể hiện ý kiến, tình cảm đối với bạn bè, thầy cô. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động thì thấy các em hoạt động rất hiệu quả, có nhiều bài viết rất xúc động.

Đây dần trở thành nơi phát triển năng khiếu, kỹ năng, hình thành tình cảm nghề nghiệp... đã có không ít em mơ ước sau này trở thành phóng viên trong các tờ báo lớn. Sắp tới, chúng tôi chú ý nâng cao chất lượng chuyên môn và vận động thêm nhiều nguồn qũy để đầu tư thêm cho các em...

Theo Lê Nga, Thanh Niên
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên