30/03/2005 21:40 GMT+7

Tiếng vọng nghìn xưa từ đáy sông

Bài, ảnh: TH. LỘC
Bài, ảnh: TH. LỘC

TTO - Một người chơi đồ cổ sành điệu quả quyết với tôi rằng, lẫn trong những đồ cổ hàng xôn bán trên vỉa hè đường Trần Hưng Đạo, TP Huế có rất nhiều đồ cổ thời Lý, Trần, Lê và nhiều hàng gốm sứ Chăm, có cái tuổi đã lên đến nghìn năm.

XBQt0fKc.jpgPhóng to
Những chum gốm Chăm, có cái hàng nghìn tuổi được bày bán, la liệt trong sân nhà ông Thương

Bị kích thích trí tò mò, tôi đã đi lần tìm, và những bí ẩn nghìn năm dưới đáy các con sông Huế đã hiện ra...

Từ đồ cổ bày bán dọc lề đường

Theo chân Thanh - một tay buôn đồ cổ ở Huế - tôi tìm đến nhà ông Thương tại khu định cư phường Phú Hậu, TP Huế để xem đồ cổ trục vớt. Trước khi đến, Thanh dặn tôi phải dấu danh tánh: "Có muốn chụp ảnh công khai, cùng lắm thì nói là người sưu tầm để nghiên cứu đồ vớt dưới sông thôi. Coi chừng. Dân bán đồ ni đa nghi lắm!".

6BuZ9rzE.jpgPhóng to
Những bình gốm chăm cổ
Nhà ông Thương chất đầy đồ gốm sứ từ ngoài ngõ vào tận trong nhà và trên gác. Theo lời Thanh, những đồ gốm bày la liệt ngoài sân có cả đồ Chăm lẫn đồ Việt, đều là đồ cổ thứ thiệt. Trong nhà, giữa cái nền rộng chừng 30m2, những đồ gốm sứ đủ loại, từ đồ thời Lý, Trần, Lê... cho đến các dòng Minh, Thanh... của xứ Tàu. Này đây là đồ Xêlađông, gốm Chu Đậu, Lý nâu ám hoạ... đủ cả.

Ông Thương cho biết tất cả những đồ cổ nói trên đều được vớt từ đáy các con sông thông qua việc khai thác cát sạn của cư dân vạn đò. "Không biết ở mô ra mà đồ ni dưới đó (đáy sông) nhiều đến như rứa! Họ (chỉ dân vạn đò) vớt lên bán cho tui mấy chục năm ni rồi mà đến chừ vẫn còn nhiều". Khi tôi tỏ vẻ chưa "mặn mà" lắm với đống hàng trước mắt, ông nói: "Nếu chú cần thì... tui còn đến hai kho hàng nữa. Chú muốn thứ chi cũng có, hàng "nhức nhối" hơn ri nhiều!..."...

Thanh kể, những năm sau 1975, giai đoạn khốn khó của người dân trong tỉnh mà nhất là dân vạn đò, phong trào lặn vớt phế liệu đem bán bùng phát. Thời kỳ đầu, họ lặn nhôm đồng như các loại vỏ đạn, súng ống và soong nồi... tại khắp nơi từ sông Hương, sông Bồ cho đến sông Ô Lâu, sông Truồi, sông An Nong, sông Phù Bài... Một thời gian sau kim loại màu hết, họ chuyển sang lặn sắt thép và các loại nhựa. Nhưng những thứ đó cũng cạn kiệt. Và họ chuyển sang lặn đồ gốm sứ như chén, hũ... để bán. Giá cả hồi đó rất "bèo", nhưng có còn hơn không.

Dần dà, người lặn cũng chẳng bõ công bởi một số lọt được vào "mắt xanh" những tay chơi cổ vật. Điều này ông Thương xác nhận, từ nhiều năm qua mỗi ngày có đến hàng chục người, Tây có, Việt đến nhà ông mua hàng. Việc mua, bán của ông, và việc lặn vớt dưới đáy các con sông của dân vạn đò theo đó kéo dài mãi cho đến nay. Biết rằng, ngoài đồ bán tại nhà, hai hàng "xôn" đồ cổ được bày bán công khai bên đường Trần Hưng Đạo (Huế) đều do con của ông Thương bày bán.

Đến bộ sưu tập "nghìn năm một thuở"

qwGYRgIc.jpgPhóng to
Ông Hồ Tấn Phan và những vật dụng uống (nước) cổ từ thời Lý, Trần có nguồn gốc từ đáy sông
Trong khi đi tìm hiểu gốm sứ trục vớt, tôi tình cờ ghé nhà ông Hồ Tấn Phan, một nhà nghiên cứu văn hoá Huế. Vào nhà, tôi đâm hoảng bởi, ông Phan xưa nay vốn nổi tiếng là "người tình" của sách, vậy mà đồ gốm sứ cổ xưa chẳng hiểu đâu ra bỗng chất đầy cả nhà, tràn ra tận sân vườn rộng mấy nghìn mét vuông.

"Cậu thấy khiếp chưa, tất cả đều được trục vớt từ đáy các con sông trong tỉnh (Thừa Thiên - Huế) cả đó" - ông nói vừa chỉ đống thạp, vại, hũ, bình... đính đầy hàu, hà đang được chất đống ở góc hiên nhà. "Tui đã từng không thể ngờ tới dưới đáy sông mà có những thứ cổ vật "nhức nhối" và nhiều đến như vậy. Mấy mươi năm nghiên cứu (văn hoá lịch sử), tui cũng không ngờ!".

Được biết, bắt đầu từ những năm sau 1975, xuất phát từ công việc của vợ ông - người chuyên đỡ đẻ cho dân vạn đò, ông Phan mới phát hiện ra dưới các con đò có rất nhiều những cổ vật. "Cậu biết không, lần đầu tiên vợ tui đem một vài thứ về, nhìn thấy tui rùng mình vì nhận ra đồ Lý, Trần từ cả nghìn năm trước. Từ đó tui mới mê mẩn vào "đeo" theo chúng cho đến nay".

sU6SXwzp.jpgPhóng to
Hàng nghìn bình vôi cổ có nguồn gốc từ đáy các con sông
Bộ sưu tập của ông Phan có đến hàng nghìn cổ vật với đủ thứ loại vật dụng sinh hoạt văn hoá của người Việt lẫn người Chăm, mà nhiều nhất là bình vôi gốm với số lượng hàng nghìn cái. X., một tay buôn cổ vật thứ thiệt khẳng định phần lớn trong đó là bình vôi Chăm, nhiều cái lên đến hàng nghìn năm tuổi.

Theo sự phân chia (tạm thời) của ông Phan thì có ba loại chính, đó là bình miệng loe (phần miệng vừa là tay cầm), loại có quai xách và loại có tai hình nấm trên đỉnh. Ngoài ra còn có thể căn cứ vào nhiều yếu tố như hoa văn, chất men, độ nung, xương gốm (đỏ, nâu, trắng, xốp...) để phân thành các nhóm. Riêng về mặt hình dáng, cũng có đến hàng chục nhóm được phân chia như nhóm có chân, không chân, chân có thành, chân bộng, đế bằng...

OdR8T8ui.jpgPhóng to
Những vịt dầu (chuồn) thắp sáng một thời của ông cha
Một số vật dụng khác cũng có rất nhiều là loại vịt dầu (chuồn) thắp sáng mà hiện công năng đến hồi "dĩ vãng"; bộ chum (mộ Chăm xưa); bộ ống nhổ gốm; bộ bình (kiểu cắm hoa); bộ nấu, ăn, uống; bộ đựng như chĩnh, vại, thạp... với nhiều cấp độ nung chảy, xương gốm, hình dáng và nhiều đời khác nhau.

Đặc biệt, có rất nhiều vật dụng gốm mà rất khó xác định trong quá khứ người ta dùng nó để làm gì. Cũng có những thứ đồ lạ lùng đến mức xương gốm thì rất cổ xưa, trong khi hình dạng lại tưởng chừng chỉ có thể sử dụng trong đời sống hiện đại...

pJMqnYDv.jpgPhóng to
Các loại ống nhổ chính mà ông Phan sưu tầm được
"Ở đây, chủ yếu là loại đồ gốm được sử dụng trong đời sống dân gian nên tính nhân văn nó rất cao. Bởi chúng có mặt trong cuộc sống của hàng hàng lớp lớp thế hệ nối tiếp trên mảnh đất này. Tui nghĩ rằng, nếu sưu tập lại tất cả những thứ ấy có thể để làm một loại tư liệu nghiên cứu, bổ sung cho loại các loại tư liệu khác như thư tịch. Hơn thế, đôi khi chúng còn có tính chất tư liệu gốc, có thể trả lời chân xác vấn đề về lịch sử và văn hoá, nếu chúng ta tiếp cận và nghiên cứu kỹ càng...!"- ông Phan cho biết...

Riêng về sự có mặt với số lượng rất lớn của bình vôi Chăm cổ, vì đang trong giai đoạn nghiên cứu nên ông Hồ Tấn Phan cũng trả lời một cách dè dặt. Tuy nhiên, ông lại nhắc đến sự tồn tại của tấm bia Chăm cổ mang nội dung về một vị quan phụ trách mảng cau trầu hiện còn tại làng Lai Trung (làng Vu Lai xưa, thuộc xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế). "Điều đó có nghĩa, cau trầu, tất nhiên trong đó có bình vôi có vị trí cực kỳ quan trọng trong đời sống của người Chăm xưa"- ông Phan nói.

Bài, ảnh: TH. LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên