08/11/2018 18:26 GMT+7

Tiếng trẻ lên ngôi

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TTO - Những nhân chứng cuối cùng - quyển thứ hai trong loạt 5 quyển sách Những giọng nói không tưởng, đã mang đến cho nhà báo - nhà văn Svetlana Alexievich giải Nobel văn học 2015

Tiếng trẻ lên ngôi - Ảnh 1.

Ảnh: P.VŨ

Quyển sách này cũng vừa ra mắt ấn bản tiếng Việt qua bản dịch của nhà báo Phan Xuân Loan.

Đọc Chiến tranh không có gương mặt phụ nữ, nghe hàng trăm cô gái kể về cái đẹp, sự mềm mại, dịu ngọt, bao dung bị buộc phải hủy hoại, phải chai đá, phải chôn giấu trong chiến tranh, những người phụ nữ với thiên chức "ban sự sống" lại phải chết và tệ hơn là phải đích thân giết người, tưởng như sự phi nhân của chiến tranh đã được lột tả đến tận cùng.

Nhưng hóa ra chưa phải.

Cùng với những giọng phụ nữ, cuộn băng ghi âm - ngòi bút - và sự tìm tòi đồng cảm, đồng điệu của Svetlana Alexievich còn ghi lại hàng trăm câu chuyện chiến tranh qua đôi mắt và suy nghĩ trẻ thơ. Những đứa trẻ với ký ức 4-5 tuổi, những câu hỏi 6-7 tuổi, những nhận xét 8-9 tuổi, những lý giải 9-12 tuổi.

Trò chuyện với hàng trăm người, những nhân chứng cuối cùng đã chứng kiến và trải qua chiến tranh khi còn thơ ấu, tác giả hẳn đã phải rất kiên nhẫn để vượt qua những tiếp xúc ban đầu, đại loại như "Khi ấy tôi còn nhỏ, không biết gì...", vượt qua những nghe - đọc - hiểu về chiến tranh suốt cuộc đời trưởng thành để tìm cho được những ấn tượng, ký ức, ám ảnh thật sự của một đứa trẻ. Những đứa trẻ đúng thật là nhân chứng cuối cùng của chiến tranh, sau họ sẽ không còn ai nữa.

Bà đã thành công.

"Mẹ đẹp lắm. Tại sao chúng lại bắn vào mặt?" - ký ức xót xa của một cậu bé 7 tuổi. "Lửa không khoan nhượng ai. Bạn gặp một thi thể màu đen, đó là một người già bị thiêu cháy".

"Còn đốm nhỏ màu hồng là một đứa trẻ" - nhận xét qua quan sát của một cô bé 13 tuổi. "Tôi đang ở giữa bãi khoai tây thì máy bay đến, lượn vòng trên đầu. Tôi ngẩng lên nhìn thấy gương mặt viên phi công.

Loạt súng tiểu liên - tạch - tạch! Anh ta không cố giết tôi, mà chỉ tiêu khiển. Ngay lúc đó tôi đã hiểu ra điều đó. Tôi không có chỗ nào để trốn, kể cả một chiếc khăn trùm đầu" - những điều không thể hiểu về chiến tranh đến tận khi lớn của một cô bé 7 tuổi...

Trong ánh mắt trẻ thơ, chiến tranh là như vậy. Không ý nghĩa, không mục đích, không lý tưởng. Chỉ có hủy hoại, phi lý, phi nhân. Trong vô vàn thứ bị hủy hoại bởi chiến tranh có cả trẻ em và tuổi thơ của những em bé đã sống sót, đi qua được chiến tranh.

Trẻ em là tương lai, tuổi thơ là tấm gương trong trẻo nhất để soi tỏ lương tâm nhân loại. Hàng trăm đôi mắt, tâm hồn, suy nghĩ trẻ thơ mà Svetlana Alexievich ghi lại trong tác phẩm của bà là hàng trăm ánh ngơ ngác chứng kiến cái chết, hàng trăm câu hỏi tại sao, hàng trăm ấn tượng "chiếc đầu búp bê, chiếc nơ to trên váy, khăn quàng đỏ..." neo vào chiến tranh thật vô nghĩa.

Không anh hùng ca, không niềm tin to tát thay thế phận người, cuốn sách của Svetlana Alexievich chỉ là "solo cho giọng trẻ em", vì vậy mà từng bị cấm xuất bản ở quốc gia của bà. Cũng vì vậy mà được tôn vinh trong văn học nhân loại.

Svetlana dẫn một câu hỏi của Dostoyevsky: "Liệu có tìm được chăng lời biện hộ cho hòa bình, hạnh phúc của chúng ta, thậm chí cho sự hài hòa vĩnh cửu, nếu vì điều đó, vì sự vững chắc của nền móng, sẽ có dẫu chỉ một giọt nước mắt của đứa bé vô tội đổ ra?".

Ông đã tự trả lời: "Giọt lệ nhỏ đó bất khả biện bạch cho một tiến bộ nào, một cuộc cách mạng nào, một cuộc chiến tranh nào. Nó luôn luôn nặng hơn".

Svetlana đã dùng phương pháp văn xuôi hiện thực để thực chứng điều đó. Không gì chân thật và thuyết phục bằng những lời nói của trẻ thơ.

Nobel Văn học 2016: Bob Dylan và những cảnh báo  chiến tranh Nobel Văn học 2016: Bob Dylan và những cảnh báo chiến tranh

TTO - Trong bối cảnh chiến tranh đang sôi sục ở Syria, ở Yemen, hầm hè ở Crimea, bán đảo Triều Tiên... giải Nobel văn chương về tay Bob Dylan - người đàn ông rất thơ thẩn phản kháng chiến tranh này là phải!

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên