30/10/2005 05:08 GMT+7

Tiếng tơ chưa dứt

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TTCN - Hơn 20 năm trước, Phan Thị Thanh Thúy là một thiếu nữ Huế nghèo phiêu dạt vào TP.HCM kiếm sống bằng nghề làm đàn tranh.

vBJ56nLU.jpgPhóng to

Những khúc nhạc vẫn ngân vang mỗi chiều trong khu vườn của gia đình âm nhạc dân tộc này.

Ban ngày, cô cặm cụi ngồi mài vỏ ốc, vuốt nước sơn trên từng phiến gỗ.

Đêm đêm, cô mày mò học ngón đàn với chủ cơ sở là nghệ nhân Vĩnh Tuấn, hậu duệ của một danh cầm triều đình Huế xưa. Thế rồi cô đoạt giải trong cuộc thi tài năng âm nhạc dân tộc do báo Tuổi Trẻ tổ chức năm 1989...

“Lâu lắm rồi, gia đình chúng tôi mới có người đến thăm. Rượu đã rót đầy, xin đừng từ chối nhé!” - người chồng kéo tay tôi ra tận vườn sau, nơi có cái chòi cũ kỹ treo các cây đàn tranh, đàn tì bà đã bóng nước thời gian. Sau ba tuần Hoàng Hoa tửu, đôi vợ chồng nghệ nhân Vĩnh Tuấn và Thanh Thúy chậm rãi kể chuyện đời mình. Có thể thấy ngoài nghĩa vợ chồng, họ vẫn còn mang nặng đạo thầy trò.

Thầy và trò và âm nhạc dân tộc

Năm 1981 Thanh Thúy theo mẹ từ Huế vào Lâm Đồng kiếm sống, nhưng rồi số phận lại tiếp tục đưa đẩy họ trôi dạt về Sài Gòn, không chỉ thiếu một chốn dung thân mà còn đói cả miếng ăn. Tìm đến ngôi nhà của nhạc sư Bửu Lộc, Thúy xin được phụ làm đàn tranh cho nghệ nhân Vĩnh Tuấn, một bậc tài hoa của cả nghề làm đàn lẫn những ngón đàn dân tộc.

Ngày ngày cặm cụi ngồi mài vỏ ốc, vuốt nước sơn trên từng phiến gỗ, những ngón tay cô có khi bật máu. Nhưng càng làm Thanh Thúy càng say mê công việc mới lạ này. Không những thế, tâm hồn cô thiếu nữ còn rung động trước tiếng đàn của thầy Vĩnh Tuấn trong những đêm ông ngồi lặng lẽ thử từng tiếng nhạc để chỉnh sửa lại mặt đàn tranh. Khi ưng ý, ông thường tự thưởng cho mình vài chén rượu và say sưa đàn suốt đêm thanh vắng.

Rồi một hôm, Thanh Thúy thu hết can đảm xin thầy truyền lại ngón đàn thập lục tài hoa. Từng dạy bao lớp học trò, nghệ nhân Vĩnh Tuấn dễ nhận ra được nơi cô gái mảnh mai này một tâm hồn âm nhạc, có thể trở thành đệ tử chân truyền của mình. Làm và học đàn, mỗi ngày chỉ còn vài giờ nghỉ ngơi nhưng nhiều đêm Thanh Thúy đã gần như thức trắng để luyện tập ngón đàn.

Năm 1989, Thanh Thúy ôm đàn đến dự cuộc thi tài năng âm nhạc dân tộc do báo Tuổi Trẻ tổ chức. Là thí sinh tự do không thuộc bất cứ trường lớp, nhạc viện tên tuổi nào nhưng Thanh Thúy đã bất ngờ đoạt giải đặc biệt(*). Tiếc rằng hoàn cảnh kinh tế gia đình rất khó khăn lúc ấy đã không cho phép cô tiếp tục con đường biểu diễn, dù đêm đêm cô vẫn luyện ngón đàn nhưng chỉ có chính cô và người thầy thưởng thức...

Thế rồi tiếng đàn đã chuyển sang giai điệu tình cảm nồng nàn lúc nào không biết, nghĩa thầy trò dần dà trở thành tình cảm thương yêu sâu đậm. Sau đám cưới, họ tiếp tục nghề làm đàn tranh kiếm sống với bao khó khăn. Một hôm, người chồng tâm sự với Thúy: “Ông anh, mẹ anh, rồi cả đời anh đều sống chết với đàn dân tộc.

Không có điều kiện theo đuổi con đường biểu diễn thì mình chọn nghiệp làm đàn sinh nhai, nhưng sống chật vật ở thành phố ồn ào này sẽ khó làm được những cây đàn tốt như mong muốn...”. Và hai vợ chồng quyết định khăn gói về một vùng quê xa thành phố, phần để giải quyết khó khăn về kinh tế nhưng quan trọng hơn là cần có một không gian yên tĩnh, thanh tịnh để có thể tạo tác được những cây đàn.

Ước nguyện bất thành

jOXXXiFo.jpgPhóng to
Về xã Phước Bình, huyện Long Thành, Đồng Nai, họ mua một miếng đất cách xa hẳn khu dân cư rồi hai vợ chồng bắt tay gầy dựng lại cơ sở làm đàn tranh với tâm nguyện tạo được những nhạc cụ dân tộc đủ sức cuốn hút người nghe, người học đàn, góp phần gìn giữ nền âm nhạc dân tộc.

Trung bình một cây đàn tranh của họ từ lúc bắt đầu được làm đến khi căng dây phải mất ít nhất hai năm. Thân đàn không chỉ được làm từ gỗ thật tốt, không một vết nứt, sẹo mà còn phải được phủ bảy lớp sơn mài, mỗi lớp cách nhau đến ba tháng. Người mới vô nghề làm đàn nhiều khi bị hư hết móng tay khi đi hết quá trình làm đàn công phu này. Song đó mới chỉ xong phần “chất” của đàn, để đàn có được tiếng tơ rung cảm còn phải có “thần” - công đoạn do chính nghệ nhân Vĩnh Tuấn thực hiện: căng dây đàn thử để thẩm âm.

Công việc ấy chỉ có thể được làm về đêm, trong thanh vắng và khi tâm hồn nghệ nhân ở trạng thái bình yên, thanh thản nhất. Chỉ cần một chút không bằng lòng, ông phải tháo dây ra để mài lại mặt đàn. Những cây đàn chuyên để biểu diễn còn gắn thêm 16 môbin theo hình vòng cung tương ứng với 16 dây đàn để âm thanh ngân rung qua khuếch đại thật chuẩn xác, loại bỏ được tạp âm như khi sử dụng micro...

Thời gian đầu, cơ sở làm đàn của họ giải quyết được việc làm cho một số người dân địa phương. Khách hàng nghe tiếng tìm đến, có cả một số Việt kiều cũng về đây mua đàn đem đi. Nhưng khách mua cứ vắng dần, vắng dần bởi như lời tâm sự có gì đó như thở than của đôi vợ chồng này: “Nhạc dân tộc thời nay càng lúc càng hiếm dần người nghe, người học!”. Cho đến trận lũ lớn năm 1998 thì họ hoàn toàn tay trắng. Mực nước sông Đồng Nai lên cao gần 3m cùng với mưa to tràn đến, cuốn trôi và làm hư hại gần như tất cả tài sản, vật dụng sản xuất và cả những cây đàn sắp thành phẩm của họ.

Bây giờ thì đôi vợ chồng này vẫn sống ở đó, trên một miếng đât hình bán nguyệt với vườn cây, ao hồ và cả một dòng suối lớn, nơi mà họ thường tự gọi là “Bến trăng” khi cùng nhau hợp tấu những cung đàn xưa. Họ vẫn sống thật thanh đạm, vẫn nghèo như ngày nào, nhưng bù lại họ có một gia tài vô giá là ba đứa con: Tôn Nữ Tần Tranh, Bảo Long, Bảo Thạnh, tất cả đều đam mê âm nhạc truyền thống và có thể nâng đàn phụ họa cùng cha mẹ. Ngày ngày vợ chồng cuốc đất làm vườn, lưới cá trên dòng suối. Tối tối cả nhà quây quần hợp tấu, cha mẹ truyền nghề cho các con.

Trong vườn còn có hai giàn gỗ hình chữ nhật, nơi cả gia đình âm nhạc đó có thể hòa tấu nhã nhạc mỗi chiều khi cao hứng, như lời nghệ nhân Vĩnh Tuấn: “Không gì thú vị bằng ngồi trên cao đó mà chơi đàn. Bởi tiếng đàn cũng chính là tiếng hồn mình; khi hồn mình sảng khoái thì tiếng đàn cũng ngân nga thanh thoát, lên cao...”.

Cũng theo ông - người cháu duy nhất được viên quan Hồng Quan Mậu của triều Nguyễn tin tưởng truyền lại cây tì bà quí nhất trong bộ sưu tập hàng trăm cây đàn quí của mình - đời người chơi đàn có bốn giai đoạn: sơ khởi là học để biết đàn; sau đó sẽ thu phục lòng người; đến giai đoạn thứ ba thì người nghệ sĩ sẽ chơi đàn cho chính lòng mình nghe; và sang “cảnh giới” thứ tư, tiếng đàn sẽ thoát tục, đi vào cõi tâm linh...

Nghệ nhân Vĩnh Tuấn lại rót chén Hoàng Hoa tửu do chính tay mình ngâm để mời khách. Những đứa con vừa đi học về, ôm đàn tấu hai bài Tứ đại cảnh và Liễn bộ thập chương để tặng khách trước khi tạm biệt...

Chị Thúy nhẹ nhàng tâm sự vẫn ấp ủ nguyện vọng gầy dựng lại cơ sở làm đàn tranh; và hiện gia đình chị vẫn còn giữ được gần 50 cây đàn tranh sắp thành phẩm. Đây là những cây đàn mà họ đã mất gần ba năm để làm nhưng do cơn lũ năm 1998 cộng với hoàn cảnh sống khó khăn khiến chúng mãi dở dang. Theo lời chị, nếu có điều kiện họ sẽ cố gắng hoàn thành bộ đàn này và gửi tặng ai thật sự đam mê nó hoặc tặng những cá nhân nào đoạt giải âm nhạc dân tộc.

Dù chị nói trước lúc chia tay: “Đó cũng là tiếng tơ lòng cuối cùng của chúng tôi gửi đi...” nhưng tôi vẫn tin rằng với họ, tiếng tơ mãi mãi còn vương...

(*) Báo Tuổi Trẻ số ra ngày 6-7-1989 đã có bài viết giới thiệu gương mặt âm nhạc Phan Thị Thanh Thúy

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên