Những phụ huynh có con đạt kết quả học tập tốt được xếp loại học lực giỏi, niềm vui, sự hân hoan thể hiện rõ trên gương mặt bằng nụ cười tươi. Phụ huynh có con học lực xếp trung bình, yếu, kém... cô giáo nhắc nhở hẳn nhiên sẽ rất buồn!
Buổi họp gần kết thúc..., cô giáo “xin lỗi” khi phải đọc tên phụ huynh em X, Y... chưa đóng học phí bán trú tháng 12-2004, tháng 1-2005... “Xin quí phụ huynh thông cảm...” - giọng cô giáo ngập ngừng... Tôi hiểu và biết học trò lớp con tôi theo học, phụ huynh đa phần là dân lao động, hoàn cảnh khó khăn nên sang tháng rồi còn có phụ huynh vẫn chưa có tiền đóng cho con là như vậy!
Tôi bắt gặp hình ảnh vài vị phụ huynh hướng ánh mắt từ phòng họp ra khoảng sân trường. Những ánh mắt vừa âu lo vừa ái ngại... Cuối năm... tết lại cận kề...
Mới hôm qua, trước khi đi họp sơ kết học kỳ I cho con, người bạn hàng xóm vốn là dân tứ xứ diện KT3 sang nhà chơi đã than vãn: Con anh học một trường THPT dân lập. Để nuôi con ăn học, hai vợ chồng phải gồng, phải gánh trên vai chiếc gánh bánh đa đi bán suốt hang cùng xóm cụt đến tối mịt mới về đến căn nhà ở trọ.
Anh đưa tôi xem quyển sổ liên lạc của con. Quyển sổ có dòng chữ ghi của nhà trường vẫn còn chưa ráo mực: “Phụ huynh chưa đóng học phí tháng 1-2005”. Cuối năm đang bối rối lo toan tiền bạc ăn tết, quên bẵng còn nợ học phí nhà trường. Khổ thật! Anh than vậy và tự trách mình: nhà trường thông báo nhắc nhở là đúng, lỗi do mình. Thầy cô đi dạy đến tháng phải lĩnh lương, ngày tết phải có tiền thưởng... Nợ nhà trường là nợ với con!
Phụ huynh có điều kiện kinh tế khá, làm việc ở cơ quan nhà nước, đơn vị kinh doanh, sản xuất có thu nhập ổn định, ngày tết ngoài tiền lương còn có thêm tiền thưởng tết. Những người lao động buôn gánh bán bưng, phụ hồ, chạy xe ôm... người dân tứ xứ tìm kế sinh nhai ở TP này, tết đối với họ không chỉ lo toan tiền ăn... còn tiền học, học phí... Tôi đã lắng nghe được ở đâu đó vẫn còn tiếng than thầm não nuột...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận