26/04/2021 14:35 GMT+7

Tiếng lòng Sơn 'xẩm'

HÀ THANH
HÀ THANH

TTO - Ở các khu chợ miền Bắc, hình ảnh Bùi Công Sơn trải manh chiếu hát xẩm đã trở nên quen thuộc.

Tiếng lòng Sơn xẩm - Ảnh 1.

Bạn Bùi Công Sơn - “Sơn xẩm” - Ảnh: HÀ THANH

"Đau đáu nhất là truyền được cảm hứng cho các em nhỏ giữ gìn được vốn liếng của dân tộc, của cha ông mình.

BÙI CÔNG SƠN

Nghệ sĩ Sơn "xẩm" (tên thật là Bùi Công Sơn) nhận mình là "người cổ phong, rêu mốc", từ vận bộ quần áo nâu, tóc dài ngang vai ưa búi tó cho đến dáng dấp, lời nói đều dễ nhận ra chất xẩm đã ngấm sâu vào máu thịt. Sơn hát thấy phảng đâu đó cái hồn xẩm của cố nghệ nhân Hà Thị Cầu.

Lang bạt trải chiếu khắp nơi

Mới 21 tuổi, Sơn đã có hơn 10 năm theo đuổi nghệ thuật hát xẩm. Bạn từ Thái Bình, trở thành "truyền nhân" của cố nghệ nhân hát xẩm tài hoa Hà Thị Cầu ở mảnh đất Yên Mô, Ninh Bình cách xa gần trăm cây số.

"Một ngày bắt gặp tiếng hát của nghệ nhân Hà Thị Cầu trên truyền hình, mình rất thích. Đầu tiên là nghe, dần dần tìm hiểu và học theo, mình tìm đến học kéo đàn nhị từ những người ở gần nhất, về sau tìm đến những nghệ nhân hát xẩm để học theo", Sơn nhớ lại lần đầu bén duyên.

Từ cậu bé với gương mặt trắng trẻo, đẹp trai chỉ "học mót" về xẩm, đến khi học hết lớp 9, Sơn quyết định nghỉ học, lân la tìm về cái nôi hát xẩm ở vùng đất Yên Mô. 

Chàng trai trẻ chia sẻ điều đáng tiếc nhất là khi đã đủ hiểu biết về xẩm, có cơ hội tìm về cái nôi của hát xẩm thì cố nghệ nhân Hà Thị Cầu - người được mệnh danh là "nghệ nhân hát xẩm cuối cùng của thế kỷ 20" - đã qua đời. May mắn Sơn vẫn tìm gặp được những người là học trò của cụ Cầu.

Với xẩm, Sơn nói chủ yếu là lắng nghe, sau đó tự cảm âm, thuộc lời hát, thuộc nhạc. Để nâng cao trình độ, phải tìm được người thầy giỏi đàn, giỏi nhạc cụ hơn để học, trau dồi tiếng hát. 

"Quan trọng nhất là hiểu xẩm, hiểu lời, hiểu rồi thì phải đặt mình vào lời hát đấy. Có rất nhiều bài hát xẩm tâm trạng khác nhau, muốn thể hiện được tất cả các bài, người nghệ sĩ phải "hỉ nộ ái ố", lúc buồn lúc vui, ứng biến linh hoạt thì mới nhập vai được. Đó mới là xẩm", anh trải lòng.

Sơn nói chỉ có thể hát ở chợ mới đúng chất xẩm, truyền tải được hết làn điệu của xẩm. Điều quý giá nhất là đi đến đâu, đến chợ nào, từ ban quản lý chợ cho đến người bán hàng, họ sẵn sàng nhường chỗ cho chiếu xẩm. 

Nhờ vậy, những người trẻ như Sơn "xẩm" càng gắng đi, gắng gìn giữ "cái nghiệp đã gieo vào thân".

Tiếng lòng Sơn xẩm - Ảnh 3.

Chiếu Sơn “xẩm” có các em nhỏ đam mê hát xẩm - Ảnh: HÀ THANH

Lớn lên từ chiếu Sơn "xẩm"

Sau khi cố nghệ nhân Hà Thị Cầu mất đi, Sơn nhớ ở Yên Mô thời điểm đó chỉ còn sót lại đôi ba người biết hát xẩm, rất khó để tìm được người biết được bài bản các làn điệu của xẩm hay chơi thuần thục các nhạc cụ.

"Để phát triển xẩm tốt nhất, phải đưa nó về đúng đất, đúng nôi sinh ra nó", Sơn nói. Khăn gói đến Ninh Bình cùng những người đau đáu với nghệ thuật hát xẩm, Sơn tìm đến các trường học, các câu lạc bộ hướng dẫn mọi người học hát xẩm. 

Nơi nào mời, anh cũng nhận lời đến hát với mong muốn quảng bá nghệ thuật này đến nhiều người.

Hai năm nay ở khu chợ Lồng, Sơn mở chiếu quy tụ các em nhỏ cùng đam mê. Mỗi tuần, anh đi đi về về từ Thái Bình - Ninh Bình dạy cho các em biết đến các làn điệu, dạy cách chơi nhạc cụ như đàn nhị, đàn bầu, sênh tiền, phách bàn, trống mảnh. 

Trong chiếu Sơn "xẩm" hiện có 15 người, trong đó có 5 - 6 em nhỏ đã được Sơn truyền dạy đạt đến trình độ vừa đàn vừa hát, đi thi đoạt nhiều giải cao.

Điểm đặc biệt ở chiếu Sơn "xẩm" là có thể sáng tạo xẩm hợp thời cuộc. Anh trải lòng với xẩm cổ chỉ dành cho những người đam mê, hiểu về xẩm. Còn muốn phổ cập phải dùng ngôn ngữ hiện đại, dễ hiểu đi vào tâm thức người nghe. 

Hiện nay anh có thể sáng tạo thêm các làn điệu xẩm khác như xẩm an toàn giao thông, tiêu trừ tham nhũng, phòng chống tệ nạn xã hội...

Khó nhất với hát xẩm là hát tròn vành rõ chữ, đàn hát câu nào ra câu đó, biết tận dụng làn điệu, ứng biến linh hoạt chứ không được rập khuôn. 

Sơn cho biết muốn học xẩm ngoài chất giọng khỏe, phải luyện hát, hát nhiều sẽ hay, sẽ biết được cái lỗi của mình để sửa, hoàn thiện dần. Ở lớp nghe thầy dạy 1, trò phải học 10, tự cảm âm, tập luyện mới dần giỏi lên được.

Không dừng lại ở hát xẩm, hiện nay Bùi Công Sơn còn tham gia biểu diễn hát chầu văn hầu đồng và phục dựng nghệ thuật chơi diều sáo thủ công ở Thái Bình.

Năm 2019, Bùi Công Sơn đại diện cho tỉnh Ninh Bình tham gia liên hoan các câu lạc bộ hát xẩm các tỉnh khu vực phía Bắc - Ninh Bình và đoạt giải A.

Trong chiếu Sơn "xẩm", bé Xuân Mai, 5 tuổi, nhỏ tuổi nhất được các anh chị lớn chỉ dạy cho cách nhấn nhá hát xẩm. Em Phan Thị Mỵ (16 tuổi) là người theo học lâu nhất, đã thuần thục cách đàn, chơi trống, chơi phách.

"Em thấy được niềm yêu thích, đam mê của anh Sơn, từ đó em xin đi theo để anh truyền dạy cho mình. Chúng em đi biểu diễn các nơi để mọi người nghe, cảm nhận được bộ môn hát xẩm", Mỵ chia sẻ.

Cảm động tiếng đàn nuôi cha mẹ Cảm động tiếng đàn nuôi cha mẹ

TTO - Với cây đàn, bộ trống, hai cậu bé dáng gầy khô ngày đi học, đêm về xin đi diễn nhạc khắp các quán cà phê, buổi liên hoan, đám cưới... kiếm tiền mua thuốc cho cha mẹ.

HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên