07/11/2008 05:01 GMT+7

Tiếng khóc

ĐÀO VĂN ĐẠT(Bình Dương)
ĐÀO VĂN ĐẠT(Bình Dương)

AT - Mưa. Mưa dai dẳng buông màn trắng xóa trên cánh đồng mùa ngả rạ. Nước mấp mé bờ đê rồi leo qua những lối mòn tràn về xóm nhỏ. Xóm bé tẹo như lòng bàn tay trẻ con đưa ra giữa trời hứng không được bao nhiêu hạt mưa đã đầy ngoi ngóp.

bZ3imZDQ.jpgPhóng to

Vậy mà mưa vẫn rơi, dường như trời đất ganh ghét với mấy chị em tôi hay sao mà cứ mưa hoài để ba má phải luôn vắng nhà. Mỗi lần mưa lớn má thường dặn: "Đêm nay ba má lại vắng nhà, mấy chị em coi cửa nẻo cẩn thận rồi đi ngủ nghen!". Rồi ba má đội mưa ra đồng khai nước để chuẩn bị gieo hạt, bỏ lại ngôi nhà nhỏ chơi vơi trong làn mưa đêm mù mịt với mấy thành viên còn non nớt.

Nói mấy chị em tôi non nớt cũng chưa đúng vì chị Hai đã mười bảy tuổi rồi. Nhưng tuổi mười bảy của chị tôi mỏng manh dễ vỡ chứ không mạnh mẽ gánh gãy đòn gánh như người ta thường nói. Vì từ hồi gia đình tôi chuyển nhà về vùng kinh tế mới, chị Hai mắc phải một căn bệnh lạ. Cứ vào những đêm mưa, trong khi đang ngủ chị ngồi bật dậy rồi ôm mặt khóc hu hu. Mẹ lo lắng hỏi nguyên do, chị im lặng lắc đầu.

Nhìn chị ngồi thu lu tóc tay rũ rượi, nước mắt lưng tròng tôi sợ đến điếng người. Sống giữa một vùng đất xa lạ chưa quen biết được nhiều người, đêm đêm lại đối diện với tiếng khóc vô cớ của chị Hai, má đâm hoang mang. Bà liền đi nhờ thầy cúng về nhà làm phép, chị Hai ổn định được phần nào nhưng lâu lâu cũng tái phát. Có khi chị khóc vào ban ngày, khóc trong lúc cả nhà đều vui nhưng cũng có khi chị khóc vào nửa đêm, lúc mọi người đã yên giấc.

Chị vẫn kiểm soát được tiếng khóc của mình, nên vào những giờ cao điểm chị chạy ra nhà sau ngồi khóc một hồi rồi rửa mặt, phủi chân lên giường ngủ tiếp như không có chuyện gì xảy ra. Gia đình nghe chị khóc riết rồi cũng quen, coi việc khóc của chị đơn giản như tiếng cười lúc vui sướng. Vì sau khi khóc bao giờ đầu óc chị cũng minh mẫn hẳn ra, làm cái gì cũng gọn gàng ngăn nắp. Vả lại thấy tiếng khóc không ảnh hưởng đến sức khỏe của chị nên cả nhà cũng yên tâm, hơn nữa ba má tôi lo chuyện đồng áng tối mặt tối mày, chỉ cầu trời phật một ngày đẹp trời nào đó chị sẽ không khóc nữa. Riêng tôi lúc nào cũng đề phòng và sợ chị như sợ cọp.

Đêm nay trời mưa, ba má lại vắng nhà. Tôi thấy chị Hai xếp mớ củi vào bếp rồi bắc nồi cháo lên. Chị nói với con Út: "Để chị nấu nồi cháo hành một chút mấy chị em ăn cho vui". Con Út ngoắt tôi lại phụ chị lặt mớ hành lá rồi đâm tiêu, vừa làm tôi thầm nghĩ: "Lại trời cho đêm nay chị đừng khóc". Cháo chín. Mấy chị em quây quần bên nhau húp xì xụp. Bỗng tôi nghe tiếng chị hít hít rồi như biết mình sắp phải khóc, chị bỏ chén cháo xuống bàn chạy ra sau hè ôm mặt.

Tôi ngưng ăn đưa mắt nhìn em út, rồi như thói quen tôi và nhỏ Út lặng lẽ dọn dẹp chén đĩa leo lên giường ngủ. Cũng như bao nhiêu lần khác, tôi biết chị khóc một chút rồi cũng xong. Vậy mà lên giường nằm đã lâu, tiếng khóc của chị vẫn chưa dứt. Ngày thường có ba má ở nhà, tiếng khóc của chị nhẹ nhàng, gần gũi như lời ru của mẹ đưa tôi vào giấc ngủ. Vậy mà đêm nay ba má vắng nhà, ngoài trời mưa mù mịt, nằm nghe tiếng khóc của chị sau hè tôi dựng tóc gáy.

Xoay lưng ôm con Út vào lòng, chợt nghe tiếng khóc của chị lạnh thấu xương. Không tài nào chợp mắt được bởi tiếng khóc rưng rức trong đêm mưa, tôi ngồi dậy, con Út thét lên. Biết rằng tiếng khóc quen thuộc ấy là của chị mình, vậy mà muốn đối diện với nó tôi và nhỏ Út phải cầm trên tay một con dao và một cây rựa, hai anh em lần bước ra sau hè. Thấy bóng dáng tôi và nhỏ Út chị vụt đứng dậy chạy đi, tôi quăng rựa xuống đất đuổi theo. Chị vừa chạy vừa khóc, tôi chạy theo gọi tên chị khàn cả cổ.

Hai chị em đuổi nhau băng qua đám đất cày ải lổm chổm sau nhà, đạp lên đám gai mắc cỡ nhọn hoắt mà tôi vẫn không nghe đau. Tiếng khóc của chị làm tôi không còn biết sợ đêm trường nữa, không biết sợ những bóng ma mà tôi thường tưởng tượng ra từ tiếng khóc của chị. Lúc này tôi chỉ mong mình chạy thật nhanh để đến bên chị an ủi, dỗ dành hoặc giả làm tiếng khóc kia dẫu có sướt mướt đến đâu cũng còn có chị có em.

Khi tôi đuổi kịp, dang tay ôm vào đôi vai gầy của chị thì tiếng khóc nghe như ấm áp hơn. Chị quay lại ôm tôi vào lòng vừa khóc vừa nói: "Sao em không ngủ, chạy theo chị chi vậy? Như mọi lần chị sẽ ổn thôi mà”. Tiếng khóc của chị dịu dần rồi nín hẳn. Chị đưa tay vuốt tấm lưng trần của tôi nhỏ nhẹ: "Chị không biết mình phải làm sao với căn bệnh này. Điện ơi, chị thật khổ sở!". Đã lâu lắm rồi kể từ khi chị phát bệnh tôi chưa bao giờ dám đến gần chị vậy mà đêm nay hai chị em có dịp ôm nhau. Ngả đầu vào vai chị tôi bật khóc: "Má không có ở nhà chị về với mấy em nghen chị!".

Chị vào nhà, ngả lưng trên tấm vạt tre. Dường như sau cơn khóc chị tỉnh hẳn, tôi nhìn đôi mắt chị long lanh như muốn nói điều gì đó. Tôi bước lại gần hỏi: "Cảm giác trước khi khóc như thế nào? Chị kể em nghe đi!". Chị ngồi dậy nhìn tôi với gương mặt tỉnh queo rồi kể: "Chị cũng không biết phải nói như thế nào cho mọi người hiểu chị. Trước khi khóc bao giờ chị cũng thấy trước mặt mình hiện ra những cảnh tang thương, rồi tự nhiên lòng chị mềm ra và không kiềm chế được chị bật khóc - ngưng một lát chị nói tiếp - Rồi như em biết đó, khóc xong chị cảm thấy như mình vừa làm xong một việc thiện, đầu óc minh mẫn, tâm hồn nhẹ tênh".

Chị nhìn tôi cười nhẹ, lâu lắm rồi mới thấy nụ cười trên gương mặt chị, nụ cười tuy héo hắt nhưng thật hiền lành làm những đố kỵ đua chen ở đời trở thành vô nghĩa. Tôi thở hắt leo lên giường nằm xuống xoay lưng ôm con Út vào lòng, nghe hơi thở nó nhẹ nhàng bình yên. Tôi biết từ nay hai anh em tôi không còn sợ tiếng khóc của chị nữa. Tuy vẫn còn mơ hồ nhưng ít nhiều chúng tôi cũng hiểu chị khóc có nguyên nhân, dù nguyên nhân ấy thật liêu trai.

Ngày tháng trôi qua, đối với gia đình tôi tiếng khóc của chị thân quen như một nếp nhà, ngày nào vắng nó cả nhà cảm thấy thiếu thiếu cái gì đó. Bởi tiếng khóc của chị không hại ai, không phiền toái gì. Chị biết chạy ra sau hè khóc một mình khi nhà có khách, khóc hả hê khi biết gia đình mọi người đã xong việc. Nhưng đối với hàng xóm tiếng khóc ấy là cả một điều gì đó thật khủng khiếp.

Cũng phải thôi, đâu trách gì họ, một cô con gái đẹp nết đẹp người như chị sao lại có chứng bệnh quái lạ như thế. Có người còn cho rằng chị tôi bị ma ám. Họ chỉ xì xào to nhỏ với nhau vậy thôi chứ khi đối diện trước chị ai cũng nể phục. Vì ngoài những cơn khóc vô cớ ra chị là một người bình thường và rất giàu tình cảm, biết kính trên nhường dưới, bà con chòm xóm có hữu sự gì chị giúp đỡ nhiệt tình. Cũng có rất nhiều người yêu mến chị, có lúc họ còn ao ước, phải chi chị là dâu của nhà họ thì vui biết mấy. Nhưng chợt nhớ đến tiếng khóc vô cớ kia họ lại lắc đầu xua tan những suy nghĩ ấy.

Anh Phong thì khác, anh đến với chị bằng cả tấm lòng. Yêu chị anh yêu luôn những khuyết tật của chị. Khi chị khóc anh lặng lẽ ngồi bên cạnh lắng nghe đến khi tàn cuộc, rồi hai người nắm tay nhau đi dọc bờ đê trò chuyện râm ran. Anh chị yêu nhau, tự nhiên tôi trở thành nhân chứng, những vui buồn của hai người lỗ tai tôi đều chứa hết. Anh thường nói với tôi: "Tiếng khóc của chị em như một thứ trang sức tô điểm cuộc đời này thêm phần thú vị”.

Một đêm sáng trăng anh hẹn chị ra mé sông. Chị rủ tôi đi, tôi gãi đầu, ai đi kỳ vậy. Nhưng chị năn nỉ hoài tôi xiêu lòng, vả lại có tôi "đỡ đạn" chị không sợ má la. Bờ sông đêm trăng sáng thật đẹp, mặt sông được ánh trăng tô lên một màu vàng óng ánh. Hai chị em ngồi đợi anh Phong khá lâu, tiếng muỗi vo ve bên tai buồn nẫu ruột, nhìn qua ngó lại chỉ có hai chị em chợt nghe bốn bề trống vắng. Tôi ngáp dài nói với chị: "Buồn ngủ quá, khóc nghe cho vui, chị Hoài ơi!". Nói xong câu này tôi mới hay mình thật ngớ ngẩn. Vì từ khi có anh Phong tiếng khóc của chị thưa dần và gần như không khóc nữa. Chẳng lẽ tình yêu đã làm chị tôi lành bệnh, hay có điều gì đó huyền bí mà tôi không giải thích được.

Tôi thở hắt: "Thôi mình nói gì nghe đi chị”. Mà biết nói gì bây giờ khi chị em hằng ngày gặp mặt. Tôi nghĩ anh Phong này cũng kỳ thiệt, hẹn người ta sao không đến. Sốt ruột, tôi nắm tay chị chạy về hướng nhà anh Phong. Bên trong nhà đèn sáng trưng, tiếng má anh Phong vọng ra: "Con yêu ai má cũng đồng ý, nhưng nó mắc bệnh như vậy má lo cho tương lai của con, không được đâu con ơi, để từ từ má lo!". Chị quay qua nắm chặt tay tôi kéo đi, dưới ánh trăng huyền diệu tôi nhìn gương mặt chị ủ rũ như muốn tan ra thành nước. Khi đến bờ sông tôi lắc vai chị nói như thét: "Khóc đi chị Hai! Có em ở đây làm chứng chị cứ khóc đi để vơi nỗi buồn nhân tình thế thái". Không hiểu sao lúc đáng phải khóc mà chị không hề rớt một giọt nước mắt. Chị vẫn đứng yên hướng mặt ra mé sông mặc gió đêm lạnh buốt buồn hiu luồn qua mái tóc...

Tôi lên tỉnh ở trọ học, những ngày xa nhà đối với tôi buồn vô tận. Có đêm mưa miệt mài bên sách vở, tiếng khóc của chị len lỏi vào tâm thức của tôi làm nỗi nhớ nhà dâng lên cuồn cuộn. Sáng nay bà chủ nhà trọ đưa cho tôi một phong thư từ nhà gửi lên. Tôi hồi hộp mở ra xem, con chữ thân quen của nhỏ Út hiện lên trang giấy:

"Anh Ba kính mến!

Kể từ ngày anh lên tỉnh học đến nay đã ba năm rồi, anh hén! Năm nay là năm cuối cấp, ba má dặn anh phải tập trung học cho đậu kỳ thi này nghen, anh Ba! Anh Ba ơi! Xóm mình nay đông nhà lắm, không phải như hồi đó chỉ lèo tèo vài mái nhà, ban đêm sợ ma đến thót ruột. Em báo cho anh một tin này không biết nên buồn hay vui là chị Hai của mình bây giờ không còn khóc nữa, chị đẹp lắm nhưng chuyện tình của chị và anh Phong mãi mãi còn nằm trong tiếng khóc. Chị đi học may và là người khéo tay nhất xóm đó, anh Ba ơi. Chị dành dụm tiền để chuẩn bị cho anh vào đại học nè. Tiền hằng tháng anh nhận được cũng của chị gửi lên đó. Chị có nhờ em nói với anh lúc nào rảnh anh về thăm nhà rồi chị dẫn anh ra bờ sông chơi, chỗ anh Phong thường hẹn với chị đó. Chị còn nói ra chỗ đó chơi nếu anh thấy buồn chị sẽ cố gắng khóc anh nghe cho vui. Vài dòng hỏi thăm anh Ba, chúc anh Ba học giỏi".

Em gái Út Mè

Tôi xếp lá thư lại bỏ vào túi áo, cảm giác nhớ chị nhớ em tràn ngập trong lòng. Sắp đến ngày thi tốt nghiệp nhưng ngay bây giờ tự nhiên tôi muốn về nhà thăm ba má với chị Hai. Tôi cũng rất muốn ra bờ sông chơi, không phải ra để ngắm cảnh hay giặt đồ như mọi khi tôi và chị thường làm, mà tôi muốn ra để nghe chị khóc. Dù biết rằng đến một nơi tràn đầy kỷ niệm thì tiếng khóc của chị buồn vô tận và chị không bao giờ khóc, nhưng tôi cũng đòi cho bằng được tiếng khóc ấy. Vì sau khi khóc bao giờ lòng chị cũng nhẹ nhàng đầu óc minh mẫn để nhìn đời bằng cặp mắt trong sáng long lanh hơn...

asG4su9j.jpgPhóng to

Áo Trắng số 35 (ra ngày 1-11-2008) hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

ĐÀO VĂN ĐẠT(Bình Dương)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên