Có đêm gặp phải heo nọc nó rượt ba anh em tôi chạy muốn trối chết. Rồi đến một hôm nọ vào buổi chiều mưa, mấy người chở gỗ về ngang qua vườn nhà tôi, dựng xe, ung dung vào vườn nhổ khoai mì. Cha nhìn thấy hết nhưng ông im lặng. Tới lúc họ nhổ nhiều quá, ông mới lên tiếng: “Mỗi người hai bụi thôi nha, Nhà Nước qui định rồi đó... “. Hồi ấy phải nói gia đình tôi sống thật phiêu lưu, không biết chết đói lúc nào và không biết bị cọp, beo nhai sống lúc nào. Tôi tự hỏi, sao cha mình lại dửng dưng trước mọi khó khăn đến thế.
Có một điều hết sức ấn tượng về cha. Đó là những đêm trăng rừng vằng vặc sáng, trăng sáng xuyên xuống từng kẽ lá lấp lánh dưới rừng cây, ông vừa đi vừa thổi kèn harmonica một cách hết sức tha thiết và mê dại. Bây giờ đã qua bao mùa trăng rồi, nhưng hễ cứ đến ngày trăng tròn, thì dù ở đâu khi nhìn trăng sáng, tôi lại nhớ đến hình ảnh một người trung niên rất vừa độ với ánh sáng rực trời của trăng mười sáu, vừa đi vừa thổi kèn harmonica đầy ma dại lại ngân lên trong tôi! Có những lúc mấy anh em chúng tôi cũng rất buồn vì sự la mắng, khắt khe hơi quá đà của cha, nhưng đời sống chân dị, tình yêu thiên nhiên, say mê nghệ thuật của cha đã làm cho anh em chúng tôi hết sức kính phục.
Ôi cha tôi! Đó là một người đàn ông hiếm thấy trên đời. Ông thông thái như một nhà triết học, lãng mạn như một nhà thơ, chân chất như một nhà nông và hiền như một nhà tu. Nhưng lắm lúc cũng ngông loạn, cực đoan như một người không bình thường. Ở ông còn có cái chất “u mua” hớm hỉnh, mà chính vì tinh thần lạc quan, hài hước đó mà đôi khi ông nhìn mọi sự nhẹ nhàng như không.
Có lần cha tôi và chú Huyến nói chuyện, cả nhà ngồi nghe cũng cười đau bụng. Chú Huyến hỏi cha tôi: “Khi vào rừng gặp cọp người ta leo cây để tránh. Nếu gặp beo thì anh tránh cách nào?”. Cha tôi nói tỉnh queo: “Khi gặp beo mình cũng leo lên cây, mà phải leo thật nhanh và bằng mọi cách phải lên trước nó. Beo trèo cây được nhưng cách trèo của nó lạ lắm, khác với con người và các con vật khác, thường cái đầu lên trước. Beo lại không chịu vậy, nên nó đưa đít lên trước.
Lần tôi gặp beo, vì biết chiêu của “chú ta”, nên tôi bình tĩnh trèo lên cây thật nhanh, hai tay ôm thân cây thật chặt, một chân bấu chắc vào nhánh cây, chân kia chuẩn bị xuất chiêu. Chú beo từ từ ủn ỉn cái đít trèo lên. Tôi dùng chân phải đạp thật mạnh vào đít chú ta. Thế là chú ta rớt xuống và hoảng hốt chạy thẳng vào rừng. Từ đó, khi vào rừng tôi không còn gặp beo nữa”. Cha tôi là vậy. Ông còn khối chuyện tiếu lâm khác nữa để chinh phục người nghe, câu chuyện có khi kéo dài đến hàng giờ mà nghe vẫn không chán.
Hồi nhỏ, tôi không có duyên lành được đến trường như các bạn cùng trang lứa, vì gia đình tôi rất nghèo. Cha mẹ đi làm suốt ngày không đủ tiền mua gạo nấu cơm nuôi mấy anh em tôi, thì nói gì đến chuyện lo cho chúng tôi đến trường.
Một hôm vào buổi sáng, tôi phụ cha đẩy xe củi đi bán. Vừa ra tới quốc lộ, bất chợt gặp rất đông những anh chị đang đeo cặp đến trường. Họ vừa đi vừa nói chuyện vui cười với nhau, trông sung sướng lắm. Tôi liền hỏi cha: “Cha ơi, trường các anh chị đi học có gần đây không cha?”. Tôi hỏi một cách tha thiết, mà mắt tôi thì buồn thăm thẳm. Ở nhà ông đã biết tính tôi thèm học vô cùng.
Vì hiểu được tâm trạng tôi nên ông không nói nên lời, nước mắt ông lại trào ra. Đó là lần đầu tiên tôi chứng kiến những giọt nước mắt của cha tôi. Nhìn cảnh ấy tôi không biết nói sao, chỉ biết gục đầu lên xe củi mà kêu lên: “Ôi cha ơi! Từ nay con không xin cha cho con đến trường nữa đâu”. Thật ra ông rất muốn cho tôi đi học, nhưng hoàn cảnh quá khó khăn. Thấy tôi ham học ông lại buồn hơn.
Lúc tôi năm, sáu tuổi ông đã cho tôi học thuộc lòng những lời của Khổng Tử như: “Ở đời có ba điều đáng tiếc: - Một là hôm nay bỏ qua - Hai là đời này chẳng học - Ba là thân này lỡ hư”. Khi lên bảy tuổi thì ông lại bất lực trong việc cho tôi đến trường, nhưng trong lòng ông lúc nào cũng tìm cách gửi gắm đâu đó cho tôi học. Có một hôm, sau khi ông đi thăm một người bạn cũ ở một ngôi chùa trên huyện về, ông gọi tôi lại và hỏi: “Con có muốn đến chùa ở để được đi học không?” Trời ơi, lúc đó tâm trạng tôi sao mừng quá. Tôi la lên: “Thật không cha?”. Ông nói: “Chắc chắn”.
Sáng ấy trước khi đi, tôi tìm cách tránh không thưa mẹ vì tôi biết khi đối diện vớí mẹ, tôi sẽ đau lòng lắm. Vậy mà vẫn không tránh nổi, khi đi được một quãng, ông hỏi tôi: - “Con thưa mẹ chưa?”. Tôi nói: “Dạ chưa”. Thế là tôi phải chạy vào nhà để thưa mẹ. Vào nhà thấy bà buồn buồn, tôi đã hiểu rồi. Cả đêm qua tôi rất sợ nghĩ về mẹ, vì mỗi khi nghĩ đến chuyện phải xa mẹ tôi lại nghẹn ngào.
Ôi những ngày lủi thủi theo mẹ hái trà, hái sim, kiếm củi đi bán. Ôi những tối mẹ phải thức thật khuya để chỉ bài cho tôi học. Nhưng giờ đây tôi đành phải xa mẹ. Ngần ngừ một lát, tôi mới cố gắng giữ lại sự bình tĩnh, lại cầm tay mẹ và nói: “Mẹ ơi, con đi nghe mẹ!”. Vừa dặn tôi được vài câu thì bà đã khóc. Tôi an ủi: “Mẹ đừng buồn. Lên chùa con sẽ cố gắng học, học xong con sẽ về”. Lúc cuối tôi nhớ rõ, bà chỉ dặn tôi được một câu trong nước mắt: - “Con cố gắng, nghe Bảo”.
Thế là từ đó, tôi ở chùa để có một chỗ yên ổn đi học. Ngày đầu tiên được Thầy mua cho cặp sách và dắt đến trường, tôi ôm cặp sách trên tay mà nước mắt cứ chực trào, chực trào... Trời ơi, tôi mừng, tôi thầm biết ơn cha mẹ và Thầy đã cho con ngày hôm nay. Thế là điều mơ ước cháy bỏng đã thành hiện thực. Đôi mắt buồn và sầu khổ của tôi hôm nào, nay đã thay bằng đôi mắt sáng hân hoan vô bờ bến.
Tuổi thơ tôi là một quãng đời đầy nhọc nhằn. Hành trình đến với thế giới của tri thức cũng đầy gian nan. Với tôi, ngoài trường lớp tôi còn học từ cuộc sống những bài học mang đẫm nước mắt, mà người thầy đầu tiên là người cha thân yêu và đáng kính của tôi.
Nhớ có lần ông đi bán củi, đã quá trưa, ghé chùa thăm tôi. Giờ ấy, mọi người đã ngủ trưa. Ông đi thật nhẹ vào, thấy tôi đang ngồi học rất miệt mài trong giảng đường. Ông đứng yên ngoài cửa sổ nhìn tôi học. Lúc lâu sau tôi quay ra giật mình nhìn thấy ông. “Ủa, sao cha im lặng vậy?”. Bỗng mắt ông ngấn lệ nhìn tôi, nói: “Tao thấy mày học, tao mừng quá!”. Lúc ấy tôi lại càng thấm thía hơn về nỗi lòng của cha tôi. Tôi đến với thơ cũng từ sự dẫn dạy của ông. Từ năm chín tuổi ông đã cho tôi học thuộc truyện Kiều và nhiều bài thơ của Huy Cận.
Hồi đó, tôi say mê học thơ lắm. Trong thâm tâm, tôi nghĩ sao mà những thi sĩ tài tình đến thế. Mình muốn làm một đoạn không được, trong khi những nhà thơ làm nối từ tập này đến tập khác. Vì ao ước làm thơ, tôi đem chuyện này hỏi cha: “Thưa cha, làm sao làm được thơ?”. Ông dạy: “Cứ học đi tới lúc nào đó sẽ làm thơ được thôi!”. Lời dạy của cha tôi có vẻ như nói chơi, nhưng càng ngẫm nghĩ tôi càng thấy giá trị của lời dạy thâm sâu này.
Bài thơ đầu tiên tôi làm được là một bài thơ nói về những gì thân thuộc với tôi hằng ngày. Sự vật luôn diễn ra trước mắt ta. Ta như bị thôi thúc nói về những điều quen thuộc, gần gũi ấy. Vào một buổi trưa nọ, sau khi học xong, tôi bỗng thấy nhớ nhà da diết, và hình ảnh ngày nào cùng cha trồng khoai trên nương rẫy đã ập về trong thơ tôi. Sự mở đầu có thể hơi khập khiễng, nhưng bài thơ đầu tiên đã theo tôi suốt bao tháng năm dài.
Nhớ xưa cuốc cỏ vun khoaiCha trồng, con tưới đêm dài thức trôngChao ôi! Heo, thỏ nó đôngĐêm nào con cũng vòng vòng đuổi la...Bây giờ con đã đi xaCòn cha ở lại quê nhà mình thôiĐêm đêm cha có thức coiHeo rừng chạy phá quanh đồi xưa không?
Hôm nay, tôi ngồi trước ly cà phê đang nhỏ giọt. Nhìn giọt cà phê rơi, chợt nhiên có tiếng violon thật tha thiết ngân lên là lạ, tôi ngước nhìn vào màn ảnh chiếc tivi quán cà phê. Hình ảnh một ông già đang cầm chiếc đũa như múa cùng một dàn nhạc lúc đó cũng đang say sưa một giai điệu mà tôi không biết dùng từ ngữ gì để diễn tả sự thăng hoa tuyệt vời ấy. Ngay lúc này, hình ảnh người cha vừa đi vừa thổi kèn harmonica một cách cuồng dại dưới đêm trăng rừng vằng vặc sáng lại trỗi lên trong tâm thức tôi. Ôi những đêm trăng, những đêm trăng vô cùng... và điệu kèn harmonica man dại của cha tôi, sẽ làm tôi sống mãi.
AT |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận