Mấy người già trong xóm chặc lưỡi tiếc hùi hụi: “Thiệt, cái thằng này, đi đâu thì đi, để con chim lại đây nghe nó gáy đỡ buồn!”. Thì ra mấy ông già tiếc con chim chứ đâu có thương xót gì cho người đi xa lắc. Cũng ngộ, tiếng chim đa đa nghe thăm thẳm buồn đứt ruột, vậy mà vắng nó cả xóm cứ lao xao như thiếu một cái gì đó mà không tài nào giải thích được cho rõ ràng. Mà người nhớ nhất có lẽ là chị Dung.
Mấy bữa trước lúc dắt bò ra ăn đám đậu xanh mới hái của chú Bảy, tôi thấy anh Dân vác rựa đi chặt tre về vót cần câu cá. Khi đi ngang miếng đất nhà chị Dung, thấy chị một mình cặm cụi đào khoai lang dưới cái nắng như đổ lửa trên đầu. Mùa này nhà chị Dung trúng khoai lang, mới đào có một giồng mà đầy hai gánh. Thấy chị ì ạch với gánh khoai lang, anh Dân cắm cái rựa xuống đất nói: “Nặng lắm, để tôi gánh về cho. Làm vậy sần vai hết!”.
Nói rồi anh kề vai vào gánh khoai quảy đi, làm chị Dung bối rối đứng ngớ người ra, tay chân như thừa thãi. Gánh khoai nặng trịch, vậy mà anh Dân gánh thấy nhẹ hều. Chị Dung cầm cái rựa riu ríu theo sau mà cũng không kịp bước chân anh. Đi một đoạn anh Dân quay lại, rồi như chậm bước có ý muốn chờ chị Dung. Khi hai người đã kịp bước nhau, anh Dân quay qua hỏi: “Mùa này khoai lang nhà Dung trúng lớn. Trồng cách nào mà giỏi vậy? Chỉ tôi học vài chiêu để làm ăn với người ta coi!”.
Chị Dung cười bẽn lẽn: “Bộ anh tính về xóm này ở luôn hay sao mà học cách trồng khoai lang?”. Sang gánh khoai qua vai khác, anh Dân trả lời: “Nếu tôi ở luôn thì Dung có chỉ cách cho tôi không?”. Chị tươi cười: “Cách trồng thì dễ lắm, mà đất ở đây cũng màu mỡ, chỉ sợ người ta chê quê mùa dốt nát rồi không thèm ở thôi”. Nghe chị Dung nói vậy anh Dân vui vẻ: “Nếu chê thì tui đâu có về đây chi!”. Câu chuyện của hai người cứ dài ra mà đường về nhà chị Dung sao mà ngắn quá, để gánh khoai trên vai anh Dân phút chốc trở nên nhẹ hẫng nhẹ hơ…
Cả xóm ai cũng biết anh Dân để ý thương chị Dung. Biết vậy thôi chứ có ai dám hó hé câu nào đâu. Không phải họ không thương anh Dân, nhưng thói đời ăn cơm nhà lo chuyện người ta, không được gì còn mang tiếng là nhiều chuyện. Hôm đám giỗ ông nội chị Dung bà con trong xóm đến dự rình rang. Trong lúc ngà ngà say, thấy anh Dân chạy tới chạy lui, lúc châm đá vô ly bia cho đám thanh niên, lúc lại bưng lẩu cho bàn mấy bà, lăng xăng làm nhiệt tình như đám giỗ nhà mình, mấy ông già cười khà khà ghẹo: “Rể tương lai phải vậy chứ!”. Lỡ miệng nói lúc vui vậy mà má chị Dung đứng gần đó hứ một tiếng rồi bỏ đi xuống nhà sau xếp mớ chén khua lổn cổn.
Một bữa tình cờ tôi xuống nhà dưới định lấy cái rựa chạy đi chặt mối với anh Dân về cho chim đa đa ăn, nghe dì Hai má chị Dung thở dài với má tôi: “Tôi sợ ngựa quen đường cũ chị Tư ơi! Mà tôi thì mẹ góa con côi nên tôi lo”. Nghe dì Hai nói câu đó tôi nép sát vô vách. Không phải tự nhiên mà tôi tò mò nghe lén, nhưng từ trước tới giờ hễ nghe ai nói động gì đến anh Dân là tôi bênh ảnh đến cùng. Hay trong xóm có ai đó tọc mạch sai lệch chuyện đời tư của anh Dân trước mặt tôi, tôi đều đứng ra chống nạnh đính chính liền. Làm như chuyện của anh Dân là chuyện của tôi vậy.
Không hiểu tại sao tôi lại mến anh quá trời. Chắc tại anh Dân có con chim đa đa gáy quá hay mà trưa nào không nghe là tôi mất ngủ. Tiếng má tôi chậm rãi: “Tại dì quá lo xa, chứ con người ta ai không muốn làm lại cuộc đời”. Má chị Dung lại thở dài than vãn: “Nhưng tôi cũng sợ ăn cắp quen tay ngủ ngày quen mắt chị Tư ơi!”. Nghe đến đây tôi hiểu ra tất cả. Thì ra má chị Dung nói xa nói gần cuối cùng cũng chỉ sợ một điều mà theo tôi nghĩ nó mơ hồ không có thực. Tuy quá khứ của anh Dân không có gì tốt đẹp nhưng đó là lúc anh còn trôi dạt ở tận xứ nào, chứ từ khi về với xóm này anh là một người tốt.
Bằng chứng là từ một đứa con nít đến ông già chín mươi ai cũng biết anh thương người như thể thương thân. Nhớ lần thằng Tí con chú Mười lò rèn tắm sông hụt giò anh đã một mình lao xuống cứu. Rồi chuyện thằng Tèo con chú Út bị tai nạn giao thông, người đi đường xúm lại ngó chứ không ai làm ơn chở đi bệnh viện. Trong lúc đi đám cưới một người quen, thấy vậy anh liền bỏ cuộc vui chở thằng Tèo đi cấp cứu.
Rồi những lần phụ dựng nhà mấy người trong xóm, hái đậu xanh phụ chị Ba, cho đến chuyện ông Sáu già bệnh thấp khớp, nhà lại neo đơn. Đi đâu nghe người ta bày thuốc gì hay anh cũng mua về rồi tự tay sắc thuốc cho ông Sáu uống. Khi xong việc anh có lấy đồng bạc nào của ai đâu. Nếu anh còn máu me gian lận thì bà con đâu dám giao cho anh cái chòi canh đồ hàng bông mỗi khi thu hoạch. Anh coi bà con trong xóm như ruột thịt của mình. Vậy mà má chị Dung rào trước đón sau sợ sau này chị Dung trao thân nhằm tướng cướp! Anh lúc nào cũng muốn hoàn lương mà tiếng đời vẫn khắt khe cố chấp.
Tưởng chỉ có mình tôi ghiền tiếng chim đa đa của anh Dân, ai dè chị Dung cũng thích. Khi tôi ôm cục mối mới đào qua chòi anh Dân, thì thấy chị Dung cũng xách một bịch gì đó. Tôi hỏi: “Chị xách bịch gì đi đâu vậy?”. Chị cười đỏ mặt: “Cám viên, qua cho chim đa đa của anh Dân ăn”. Tôi trố mắt: “Chị ra tới thị xã mua hả?”. Chị khẽ gật: “Ừ tốt lắm, cái này nghe anh Dân nói chim ăn gáy sung lắm!”. Hai chị em hí hửng ghé vô chòi. Anh Dân đang chẻ lạt làm mấy con diều cho đám con nít trong xóm, thấy tôi lấp ló ngoài cửa, anh kêu lớn: “Sao không vô nhà, đứng ngoài đó chi?”. Khi thấy phía sau tôi có thêm vành nón lá tròn trịa của chị Dung, anh Dân thoáng bối rối. Mà tôi biết chị Dung cũng không kém bồi hồi. “Ừ, hai người cứ tha hồ ở trong đây nói chuyện với nhau, để tôi ra phía sau với con chim đa đa”. Nói rồi tôi đưa tay lấy bịch cám viên của chị Dung đi te ra ngoài vườn.
Thấy tôi, con chim cất tiếng gáy lanh lảnh. Nếu như mọi ngày thế nào tôi cũng thưởng cho nó vài cục mối, vậy mà hôm nay hai lỗ tai tôi cứ dỏng lên nghe ngóng. Một bên là tiếng chim hót nhoi trời nhoi đất, còn một bên như muốn nghe hai người đang nói chuyện gì trong chòi. Tiếng chị Dung thủ thỉ cái gì đó nghe không rõ lắm, rồi tiếng ấm áp của anh Dân cứ đều đều nghe rất tình cảm. Dường như họ đang nói chuyện yêu đương. Bất giác tôi liếc mắt nhìn vô chòi thấy chị Dung ngả đầu vô vai anh Dân. Tôi vội quay mặt chỗ khác.
Không phải tôi tò mò, mà tôi đang lo cho chị Dung vì những lời lẽ của má chị nói với má tôi lúc ở nhà thì dầu có yêu anh Dân đến đâu, cuộc tình này kết thúc cũng không có hậu. Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng đâu đó trong tôi bỗng trỗi dậy cái tính ngang tàng, quyết liệt. Ừ, trong tình yêu đôi khi cũng cần có chút lửa để bảo vệ nó chứ. Cái câu “con cãi cha mẹ trăm đường con hư” là xưa rồi, bây giờ là tình yêu của mình thì tự mình lựa chọn và quyết định chứ. Tôi vẫn giữ ý định ủng hộ hai người...
Biết được chị Dung ra chòi anh Dân cả buổi, chú Bảy với anh Sáu vỗ đùi cái đét: “Bức rừng vậy mới đã, nói với con Dung tới luôn tao. Ai cản trở để đó tao lo cho!”. Thương thì nói vậy, chứ áo mặc sao qua khỏi đầu chú Bảy ơi. Tại nhớ anh Dân quá chị Dung làm liều ra thăm ảnh, chứ chị cũng biết sau ngày đó chị sẽ không còn có dịp quay lại để nghe ngai ngái mùi gốc rạ ẩm ướt, gió giật tấm vách chòi mà nghe rạo rực bâng quơ. Nếu ngày nào đó thấy lòng trống vắng thì chiều chiều bước ra phía hiên nhà lắng tai nghe tiếng chim đa đa mà đỡ nhớ cái căn chòi cô độc, hiu hắt ở ngoài xa.
oOo
Nghe anh Dân bỏ xóm ra đi tôi tiếc và giận anh hết biết. Tiếc là anh không để con đa đa lại cho tôi, còn giận là lẽ nào anh là một con người không bản lĩnh. Tại sao yêu chị Dung mà lại nỡ bỏ chị một mình với những tiếng đồn không tốt. Người như vậy uổng công lâu nay tôi ngưỡng mộ. Nhưng rồi nghe chị Dung nói nguyên nhân anh Dân đi là do má chị yêu cầu một cách thiết tha. Vì không muốn mất lòng một người đáng kính nên anh lặng lẽ ra đi.
Một buổi chiều chị Dung rủ tôi lên rẫy hái đọt lang về luộc ăn. Chị nói với tôi giọng buồn hiu: “Chắc chị chết dần chết mòn vì nhớ anh Dân quá Đạt ơi!”. Thấy chị buồn tôi cũng buồn theo, chứ biết làm sao bây giờ khi suy nghĩ của tôi còn quá non nớt, mà tiếng chim đa đa thì mênh mông sâu thẳm tận đâu đâu, hiểu sao hết những buổi chiều vắng vẻ. Nhưng tôi cũng ráng tìm ra một câu an ủi: “Thôi chị đừng buồn nữa, thế nào anh Dân cũng quay về mà!”.
Chị Dung lại ôm tôi vào lòng khóc như trối chết: “Biết chừng nào chị mới gặp lại anh”. Chị khóc quá làm tôi quẫn trí, chứ tôi còn nhớ có lần anh Dân nói với tôi quê anh ở tận Tây Ninh. Đâu đó trong tôi ánh lên một tia hy vọng tuy mong manh nhưng cũng phần nào làm vơi đi nỗi buồn của chị Dung. Tôi về bàn với chú Bảy, rồi mọi chuyện cũng tạm lắng xuống bởi ngày mùa đã đến bà con làm không hở tay, hơi đâu mà bàn tới chuyện tình đầy trắc trở của chị Dung nữa.
Một buổi sáng, tôi còn ngủ nướng trên giường, nghe dì Hai nói với má tôi giọng tức tưởi: “Chị Tư ơi, con Dung nhà tôi đi đâu mà cả đêm nay không thấy về!”. Rồi tôi nghe má tôi hỏi: “Chứ trước khi đi nó có nói gì với chị không?”. Nghe má chị Dung sụt sùi: “Mấy ngày nay nó giận tôi nên mẹ con ít nói chuyện với nhau lắm!”. Tôi tuột xuống giường bước ra đưa tay dụi đôi mắt còn ngái ngủ.
Biết tôi thân với chị Dung, nên dì Hai chạy lại ôm tôi kể lể: “Con có biết chị Dung mầy bây giờ ở đâu không?”. Tôi nheo mắt nói tiếng không tỉnh bơ trước nỗi đau quá lớn của một người mẹ. Thấy nỗi thất vọng hiện rõ trên nét mặt dì Hai, tôi mới biết mình hơi quá trớn liền nhẹ giọng: “Nhưng mà dì đừng buồn, con sẽ cố gắng đi tìm chị Dung về cho dì!”. Nghe tôi nói vậy, dì Hai mở to đôi mắt: “Con mà kiếm được chị Dung về đây, muốn gì thì dì cũng chiều”. Tôi cười: “Dì hứa đó nghen!”.
Bỗng dì Hai ra hiệu cho tôi im lặng, lắng tai nghe ngóng một hồi rồi hỏi tôi: “Con có nghe gì không, hình như là có tiếng chim đa đa từ đâu vọng về. Lẽ nào thằng Dân quay lại với xóm mình?”. Ủa sao lạ vậy cà, chị Dung bỏ nhà đi mà nghe hơi hướng anh Dân quay về dì Hai lại vui mừng ra mặt. A thì ra vì quá thương con nên bất cứ cái gì liên quan đến chị Dung cũng đều làm cho dì Hai liên tưởng đến. Nhìn nét mặt dì Hai lúc này tôi biết dì đã phần nào hối hận việc làm của mình.
Trên chiếc xe đò đi Tây Ninh về quê anh Dân. Tôi, chị Dung và chú Bảy cứ cười tủm tỉm vì kế hoạch của mình đã thành công. Chú Bảy nhìn chị Dung cười nói với gương mặt tươi rói: “Tại má mày cố chấp, lo xa rồi làm bậy, chứ gốc gác của thằng Dân tao rành sáu câu vọng cổ”. Chiếc xe như chạy nhanh hơn bởi lòng chị Dung nôn nóng muốn nghe lại tiếng gáy của chim đa đa ngày nào nơi căn chòi vắng ngoài đồng.
Áo Trắng số 9 (ra ngày 15-9-2007) hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận