20/08/2007 16:02 GMT+7

Tiền tỉ mua tranh

Theo DIÊN VỸ - Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần 
Theo DIÊN VỸ - Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần 

Hàng tỉ USD đã được chi trong thời gian gần đây để mua các tác phẩm hội họa, trong đó người mua đã trả đến 72,8 triệu USD cho một bức tranh trừu tượng của Mark Rothko (1) và 71,7 triệu USD cho một bức tranh in của Andy Warhol (2).

HcDTOz3v.jpgPhóng to
Thiếu phụ và chó trắng (tranh Lucian Freud)
Hàng tỉ USD đã được chi trong thời gian gần đây để mua các tác phẩm hội họa, trong đó người mua đã trả đến 72,8 triệu USD cho một bức tranh trừu tượng của Mark Rothko (1) và 71,7 triệu USD cho một bức tranh in của Andy Warhol (2).

Cách đây không lâu, khó ai tưởng tượng nổi tranh của hai họa sĩ đương đại Mỹ này lại có thể bán được với mức giá kinh hoàng như vậy! Điều gì đã xảy ra ở thị trường tác phẩm nghệ thuật thế giới? Và đâu là giới hạn của giá tranh đã lên cao ngất trời thế? Liệu cái bong bóng giá tranh ấy rồi sẽ nổ tung?

Từ London tới Bắc Kinh, từ Mumbai đến Moscow, ở đâu có các phiên đấu giá tác phẩm nghệ thuật của các công ty danh tiếng nhất như Sotheby's, Christie's, người ta cũng nghe được những câu đầy kinh ngạc, chẳng hạn:

- Điều gì đã tạo nên giá tranh như thế?

- Chưa bao giờ thấy thị trường tranh như vậy!

- Giống như người ta bị bỏ bùa mê, bị ma ám!

Không thể không kinh ngạc khi theo dõi thị trường nghệ thuật: Theo thông tin của Artprice.com, trong năm 2006 có ít nhất 810 tác phẩm với mức giá trên 1 triệu USD/tác phẩm được bán trong các phiên đấu giá; và chỉ trong thời gian gần đây (năm 2007), đã có trên 200 tác phẩm mức giá trên 1 triệu USD được bán; trong khi vào mấy năm cuối cùng của thập niên 1990 vừa qua, mỗi năm chỉ có 100-200 tác phẩm mức giá trên 1 triệu USD được bán.

Đó là chưa kể những tác phẩm được giao dịch “ngầm”, không qua các công ty đấu giá, hay được bán tại các hội chợ nghệ thuật (art fair).

Thậm chí, như một nhà kinh doanh tác phẩm nghệ thuật tiết lộ: “vì cái thị trường ấy phát triển nhanh hơn thị trường bán đấu giá, tôi tin chắc rằng mỗi năm phải có tới trên 1.000 tác phẩm mức giá trên 1 triệu USD được tiêu thụ ở đó”.

JwwVEkm8.jpgPhóng to
Bức tranh đắt giá nhất từ trước đến nay: Số 5, 1848 của Jackson Pollock
Như vậy thì tổng cộng trong năm qua phải có đến hơn 2.000 tác phẩm mức giá trên 1 triệu USD được bán? “Chắc chắn là như thế!” - Nhà kinh doanh trả lời ngay. Trong số hơn 2.000 tác phẩm ấy, có nhiều tranh, tượng được bán với giá vài chục triệu USD; nghĩa là nhiều tỉ USD đã được đầu tư cho nghệ thuật trong năm 2006.

Hằng năm, tạp chí Forbes đều công bố danh sách các tỉ phú đôla trên toàn thế giới; năm nay, theo Forbes, đã có một sự “bùng nổ tỉ phú đôla” với con số kỷ lục 946 nhà tỉ phú, riêng Mỹ là 415 người (năm ngoái là 371); và có 176 khuôn mặt mới gia nhập câu lạc bộ cực giàu này.

Với chừng ấy tỉ phú đôla thì không có gì đáng ngạc nhiên khi thị trường nghệ thuật trở nên nóng bỏng như đã thấy: “Khi người ta có1 tỉ thì việc bỏ ra 1 triệu chẳng là gì cả”, một nhà quan sát thị trường nghệ thuật kết luận.

Còn một nhà quan sát khác khẳng định chắc nịch: “Không có khoản tiền nào là không thể đạt tới ở thị trường này”. Điều ông ta nói được minh họa cụ thể: Trong thập niên 1980, một tác phẩm của Jackson Pollock (3) được bán với giá 10 triệu USD đã là kỷ lục thì ngày nay người ta có thể bán với số tiền đó tranh của... Peter Doig (4). Tháng 2/2007, một bức tranh của Peter Doig đã được bán với giá 11,3 triệu USD tại nhà Sotheby's ở London; đưa Doig lên cạnh Lucian Freud (5) và Gerhard Richter (6) như là những họa sĩ châu Âu đương thời có tranh cao giá nhất!

Những người quan tâm đến tranh của Jackson Pollock và Peter Doig đều có mặt trong danh sách Top 200 các nhà sưu tập tác phẩm nghệ thuật do tạp chí ARTnews bình chọn mới đây; gồm: các nhà sưu tập tư nhân, các nhà kinh doanh nghệ thuật, giám đốc bảo tàng, các curator (người tổ chức và chọn tác phẩm cho các sự kiện nghệ thuật),...

Và còn điều gì mới nữa trong thị trường nghệ thuật đang khát khao hôm nay? Michael Findlay, giám đốc một gallery ở New York, tiết lộ: “Có những người muốn xây dựng bộ sưu tập với tranh có giá từ 5 triệu USD trở lên, và họ không thể mua bất kỳ thứ gì tại các phiên đấu giá. Tranh của thế kỷ 20 không làm họ thỏa mãn”.

Cũng theo Findlay: “Thời kỳ thị trường nghệ thuật phát triển ngọan mục gần đây nhất là giữa những năm 1987 - 1990; nhưng toàn bộ thị trường khi ấy tăng trưởng đồng đều từng phần, tranh kém chất lượng và giá trị xuống giá; tranh có giá trị và chất lượng trung bình tăng giá, tranh chất lượng và kém giá trị cao giá càng tăng cao.

5BmCd3I4.jpgPhóng to
Tranh Peter Doig
Còn bây giờ tranh có chất lượng cao giá đã lên đến đỉnh điểm của nó. Nhưng với giá tiền ở mức kế đó người mua lại chỉ có được tranh kém giá trị hơn nhiều”. Ông nói tiếp: “Những bức tranh lẽ ra có giá chừng 10 - 20 triệu USD thì nay phải trả 50 triệu USD mới mua được, còn tranh giá chừng 2 triệu lại bán được với giá 20 triệu; bởi có một nhóm nhỏ những người quá nhiều tiền đang săn đuổi với bất kỳ giá nào để có được một bức tranh Gauguin vẽ ở Tahiti, một bức chân dung do Van Gogh vẽ, một bức tĩnh vật của Cézanne hay một bức của Pollock, thậm chí một bức của Andy Warhol...”.

Còn các nhà sưu tập tỉ phú hiện nay thì sao? Họ khác gì với Lorenzo de Medici? Neil Meltzer, một nhà kinh doanh nghệ thuật từng làm cho Christie’s, nói: “Vì giá tranh leo thang cỡ đó, để tồn tại trong cuộc chơi này, họ buộc phải có một trí nhớ ngắn ngủn thôi”.

Bởi trong cuộc chơi ấy, điều tai hại là ngay cả các họa sĩ còn trẻ đã có giá tranh cao. Nếu tranh họ bán được, sẽ có một danh sách những nhà sưu tập đang chờ để có được những bức tranh hệt như lần trưng bày trước!”.

Và thị trường tác phẩm nghệ thuật, theo Michael Findlay, đang trở nên méo mó vì đồng tiền của những kẻ quá giàu!

----------------(1) Mark Rothko (1903-1970), họa sĩ Mỹ gốc Nga, theo khuynh hướng Biểu hiện trừu tượng(2) Andy Warhol (1928-1987), họa sĩ Mỹ theo khuynh hướng Pop art(3) Jackson Pollock (1912-1956, họa sĩ Mỹ theo khuynh hướng Biểu hiện trừu tượng. Bức tranh có tên Số 5, 1948 của ông đã được bán với giá cao nhất thế giới, 142 triệu USD vào tháng 3/2006(4) Peter Doig (sinh năm 1959, họa sĩ Anh, chuyên vẽ phong cảnh(5) Lucian Freud (sinh 1922), họa sĩ Đức nổi tiếng với tranh chân dung và khỏa thân(6) Gerhardt Richter (sinh 1932), họa sĩ Đức theo khuynh hướng Trừu tượng

Theo DIÊN VỸ - Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên