14/11/2018 15:00 GMT+7

Tích cóp 10 năm sửa chợ Bình Tây: Khẽ khàng với di tích

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TTO - Các chuyên gia đánh giá việc trùng tu chợ Bình Tây, TP.HCM cơ bản chọn giải pháp tốt, đồng thời giữ được tối đa các yếu tố cấu thành gốc.

Tích cóp 10 năm sửa chợ Bình Tây: Khẽ khàng với di tích - Ảnh 1.

Diện mạo kiến trúc gốc được giữ gìn...

TS.KTS Lê Vĩnh An, viện trưởng Viện Kỹ thuật công nghệ Việt - Nhật (VJIET), đánh giá về nghệ thuật kiến trúc, chợ Bình Tây điển hình cho bước tiếp biến văn hóa kiến trúc Đông - Tây diễn ra ở miền Nam đầu thế kỷ 20.

“Người dân không muốn cơi nới thêm mà muốn giữ nguyên kiến trúc chợ như ban đầu. Bên cạnh sự thận trọng, chúng tôi còn nhận được sự đồng thuận của địa phương và đại diện tiểu thương, nên việc trùng tu đã diễn ra thuận lợi!

Ông Trương Kim Quân

Chợ Bình Tây ngày trở lại - Video: CHẾ THÂN

Giá trị đặc biệt

Theo KTS Vĩnh An, giá trị đặc biệt ở công trình này là các yếu tố truyền thống Việt được chắt lọc một cách tinh tế, sử dụng linh hoạt, hợp lý.

Đó là: mặt bằng chữ "khẩu" được biến tấu linh hoạt, thông minh; việc sử dụng đầu hồi "rất Việt" đưa ra mặt trước công trình; những cổ lâu có đầu đao "rất Bắc"; hệ thống mái chồng diêm thời Nguyễn được vận dụng hợp lý làm cho tỉ lệ dễ nhìn và tạo thông thoáng; việc dùng từng thanh rui và con sơn đỡ mái vận dụng kiến trúc cổ xưa...

Đặc biệt hơn là việc sử dụng các kiểu thức trang trí từ truyền thống, cụ thể nhưng không rườm rà, "quá lố" như những con giống và phù điêu khảm rồng, những hoa thị, hoa chanh, kỷ hà chữ "vạn" hay thủy ba sóng nước.

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính, một chuyên gia hàng đầu về kiến trúc cổ, cũng nói thêm rằng có thể chợ truyền thống Việt Nam ngày xưa chỉ là những lều quán tạm bợ trong các bãi đất. Đến khoảng đầu thế kỷ 20 mới xuất hiện các chợ theo hình mẫu như chợ Bến Thành, Bình Tây ở TP.HCM và Đồng Xuân ở Hà Nội... và đó là những hình ảnh của văn hóa, nhất là văn hóa đô thị, là một yếu tố lịch sử của kinh tế thị trường Việt Nam hiện đại.

Song, khác với chợ Đồng Xuân hay Bến Thành là những chợ lớn có lối kiến trúc kiểu Pháp với kết cấu hiện đại thời đó, chợ Bình Tây có thể là "hình ảnh kiến trúc chợ đặc sắc bậc nhất, cộng sinh kiến trúc Pháp, Việt, Hoa".

Tích cóp 10 năm sửa chợ Bình Tây: Khẽ khàng với di tích - Ảnh 4.

...chi tiết hoa trang trí dù có sứt mẻ nhưng nhuốm màu thời gian của công trình gốc đã được giữ lại - Ảnh: T.LỘC

"Khẽ khàng" với di tích

Ông Trương Kim Quân - giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa TP.HCM - cho biết dù dự án là "Nâng cấp, sửa chữa toàn diện chợ Bình Tây", song vì là di tích nên công tác trùng tu được thực hiện hết sức thận trọng và bài bản.

Khi trùng tu, phần ngói đã được đặt theo màu xưa tại lò gốm ở Bình Dương, nơi ngói gốc nguyên xưa được đặt làm để lợp. Toàn bộ tháp đồng hồ, những hoa văn trang trí, đầu đao và những con giống được giữ nguyên.

Khi trùng tu, hầu hết được bó vải và cố định tại chỗ, chỉ hạ giải một cách thận trọng một số chi tiết cần thiết sau khi làm hồ sơ kỹ lưỡng để lắp lại cho đúng vị trí. Trong quá trình trùng tu, có nhiều chi tiết được tham khảo ý kiến của tiểu thương, nhất là màu sơn vàng hiện nay.

Với hệ thống thang cuốn từng có, vì không phải yếu tố gốc của công trình, lại hoạt động không hiệu quả trong thực tế nên đã tháo dỡ để tạo sự thông thoáng cho cổng chính vào chợ.

Hệ thống thu sét trên nóc 4 vọng lâu ở 4 góc của chợ từ lâu không tác dụng, ông Quân cho hay từng cân nhắc tháo dỡ, song cũng được giữ lại vì "quen mắt nhìn từ lâu", đồng thời lắp thêm hệ thống thu sét mới.

Ngoài ra, công trình được trang bị các hệ thống kỹ thuật mới, gồm: điện, phòng cháy chữa cháy, camera, xử lý nước thải cùng nhiều nhà vệ sinh đạt chuẩn để phục vụ khách tham quan lẫn người trong chợ.

Một "bản tham khảo" cho kiến trúc

Nhận xét về quyết định bảo tồn chợ Bình Tây, TS.KTS Lê Vĩnh An cho rằng đây là nỗ lực rất đáng khâm phục của TP.HCM. "Trong khi không gian đô thị TP.HCM đang theo chiều hướng "rốc hóa" thì việc bảo tồn chợ Bình Tây để tạo một "bản tham khảo" cho kiến trúc, góp phần cho đô thị phát triển có định hướng, nếu không nhịp không gian của TP sẽ bị phá vỡ ngay" - KTS An nhấn mạnh.

Ông An nhận xét giải pháp được lựa chọn trùng tu theo hiện trạng (bảo tồn những gì đang có) chứ không phải trùng tu hoàn nguyên (trả lại hình hài nguyên xưa) tuy đơn giản nhưng rất đúng, hiệu quả và thông minh trong bối cảnh hiện nay.

Cơ bản, việc trùng tu đã giữ gìn tốt các yếu tố gốc, đặc biệt là hệ thống phù điêu, họa tiết trang trí, cả màu sơn cũng vừa đủ cường độ của màu vàng truyền thống.

Tuy nhiên, TS.KTS Lê Vĩnh An tỏ rõ sự tiếc rẻ một số chi tiết "phần nào ảnh hưởng thành quả trùng tu".

Như ở một số phần mái âm dương, công trình sử dụng vữa để trét vào những viên ngói dương, trong khi theo ông ngày xưa, lối lợp mái âm dương trực tiếp lên rui (phổ biến từ Quảng Nam trở vào Nam) không dùng vữa kết dính, vì đã có hàng gạch "câu đầu" phía dưới và diềm phía trên (có dùng vữa) giữ chắc. Mỗi viên ngói cũng có sự co giãn vật liệu tự thân do nhiệt độ mặt trời, và chúng tự điều hòa với nhau.

Ngoài ra, ông An cho rằng duy trì hệ thống chống sét cũ trên 4 cổ lâu vì "quen nhìn" là không hợp lý lắm. Việc gắn thêm hệ thống chống sét mới càng không nên, trong khi có thể làm cột chống sét riêng, bố trí giữa sân thiên tĩnh...

Tích cóp 10 năm sửa chợ Bình Tây - khu chợ lớn bậc nhất của Sài Gòn Tích cóp 10 năm sửa chợ Bình Tây - khu chợ lớn bậc nhất của Sài Gòn

TTO - Ngày 15-11, chợ Bình Tây (Q.6) sẽ trở lại hoạt động. Việc nâng cấp, sửa chữa chợ Bình Tây được quan tâm bởi đây không chỉ là một di tích, mà còn là khu chợ lớn bậc nhất của Sài Gòn - nơi mưu sinh của hơn 1.000 hộ kinh doanh.

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên