18/09/2010 18:06 GMT+7

Thuyết trình là giao tiếp!

TRUNG UYÊN
TRUNG UYÊN

TTO - Việc thuyết trình vốn quen thuộc như cơm bữa với SV, song thực tế nhiều SV thường thuyết trình một cách "bản năng" hoặc chủ động mô phỏng từ giảng viên chứ chưa được đào tạo bài bản.

Chính vì vậy cuộc trò chuyện về “Kỹ năng thuyết trình" của giáo sư Loek Hopstaken - giảng viên ĐH Wittenborg (Hà Lan) - nổi tiếng về đào tạo quản trị nhân sự, quan hệ công chúng - tại Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM sáng nay (18-9) làm rất nhiều người trong số 200 SV khu vực miền Nam "nghe như nuốt".

GFEG08to.jpgPhóng to
Giáo sư Loek Hopstaken - giảng viên ĐH Wittenborg (Hà Lan) - nổi tiếng về đào tạo quản trị nhân sự, quan hệ công chúng - trong buổi trò chuyện với SV về kỹ năng thuyết trình - Ảnh: Trung Uyên

Không đơn giản là thuyết trình

Không quá khó để chứng kiến những sự cố của SV mỗi khi thuyết trình trong lớp học hay một cuộc thi nào đó: vẻ bề ngoài chưa phù hợp với bối cảnh - chủ đề; ngôn ngữ cơ thể "nghèo nàn", slide trình chiếu còn quá nhiều lỗi về thiết kế, cách thể hiện buồn chán, thiếu đam mê...

Mỗi một động thái, cử chỉ của người thuyết trình đều hết sức quan trọng. Giáo sư Loek Hopstaken làm nhiều SV bật cười khi ông thực hiện lại những cách xuất hiện trên sân khấu của các bạn SV mà ông quan sát được: cúi đầu lầm lũi bước, rụt vai sợ sệt, tung tăng chạy lên, bước ra sân khấu mà mắt đảo trên trần nhà, cho tay vào túi quần...

Nếu bạn đang thuyết trình, có anh chàng nói chuyện điện thoại lớn tiếng, thu hút sự chú ý của các khác giả thì bạn sẽ làm gì? Đó cũng chính là lúc bạn cần thể hiện kỹ năng kiểm soát đám đông. Hãy nghe gợi ý của giáo sư Loek Hopstaken: "Hãy dừng thuyết trình, im lặng, nhìn thẳng về người đang nói chuyện điện thoại đến khi anh ta nhìn bạn. Sau đó hãy nói: Hãy gửi cho người bạn mà anh đang nói chuyện lời chào trân trọng từ tôi nhé! Anh có thể vui lòng ra ngoài tiếp tục trò chuyện không?".

Và lời khuyên của ông rất ngắn gọn: "Hãy đi chậm rãi, kiểm soát từng di chuyển, khi ra đến sân khấu thì đứng thẳng người vì đó là tư thế thể hiện bạn tự tin nhất".

Ngôn ngữ cơ thể trong quá trình thuyết trình là sự tổng hòa của ngoại hình nhìn được, sự tự tin khi biết rõ và yêu thích những gì đang nói, biết chắc rằng khán giả cũng quan tâm điều đó, cách giao tiếp với đám đông bằng mắt, thể hiện một năng lượng dồi dào, kiểm soát được đám đông...

Lê Nguyễn Anh Như - SV ĐH KHXH&NV TP.HCM - cho biết: "Mình thường thuyết trình theo bản năng là chính vì chưa được đào tạo kỹ năng này bài bản. Điểm yếu nhất của mình là chưa thật sự đam mê và hiểu cặn kẽ những gì mình nói và rất sợ nói sai, rất sợ bị phán xét. Các bạn bè mình cũng có chung những điểm yếu ấy".

Bốn chìa khóa quan trọng để một bài thuyết trình thành công gồm: ngôn ngữ cơ thể, lời nói phù hợp - có thông điệp, thông tin cung cấp đáng tin cậy, thật sự đam mê đủ để truyền cảm hứng cho khán giả. Có đủ các yếu tố này, bạn sẽ không chỉ đang thuyết trình mà là đang giao tiếp một cách chân thành với đám đông.

OsKScKap.jpgPhóng to
SV chăm chú lắng nghe và ghi chép bài nói chuyện về kỹ năng thuyết trình của giáo sư Loek Hopstaken (Hà Lan) - Ảnh; Trung Uyên

"Gõ cửa" một kỹ năng quan trọng

Thuyết trình trước một đội, nhóm làm việc hay nghiêm trọng hơn trước toàn công ty luôn là thách thức của không ít SV vừa tốt nghiệp. Vì vậy một số SV đã chủ động tự trau dồi kỹ năng này từ việc tham gia các khóa học bên ngoài đến tự thân vận động.

Lê Thanh Hưng - SV hệ tại chức ĐH Bình Dương - cho biết: "Mình học kỹ năng thuyết trình bằng cách xem phần nói chuyện của các diễn giả trên tivi, xem youtube hay chính cách giảng bài của giảng viên. Khi làm việc nhóm một số bạn rất sợ thuyết trình, càng sợ thì càng không dám thử và càng yếu kỹ năng này".

Việc làm thêm tại các công ty hay khi tham gia các tổ chức tình nguyện đã giúp Nguyễn Thị Kim Khuyên - SV ĐH Ngoại thương cơ sở 2 TP.HCM - ngày càng nhận ra vai trò của kỹ năng thuyết trình. Cô bạn chia sẻ: "Ngay cả khi đi phỏng vấn bạn cũng phải thuyết trình về bản thân sao cho thu hút nhất. Kỹ năng thuyết trình sẽ phải dùng ở rất nhiều lúc, nhiều nơi. Các SV hiện nay có năng lực nhưng chưa được huấn luyện kỹ năng này bài bản nên khi thuyết trình, chỉ mới nói những gì mình thích chưa biết nói thế nào cho hợp lý".

Cũng vì vậy, được đào tạo chỉn chu về kỹ năng thuyết trình tại đại học trở thành mong muốn của nhiều SV.

Bởi một bài thuyết trình tốt không chỉ giúp bạn sẻ chia những thông điệp, làm thay đổi nhận thức của đám đông, tạo nên động lực hành động cho ai đó mà còn là chìa khóa mở cánh cửa thành công trong nghề nghiệp, cuộc sống.

TRUNG UYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên