![]() |
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), đã trao đổi với báo giới về những thách thức này.
* Thưa ông, năm 2006 được dự báo sẽ là một năm có khá nhiều cơ hội và thách thức đối với ngành thủy sản khi VN thực sự trở thành thành viên của WTO. Theo ông, đâu là những cơ hội và thách thức lớn nhất?
- Tôi cho rằng, cả cơ hội và thách thức đối với ngành thủy sản đều liên quan đến vấn đề thị trường. Đây luôn là một trong những vấn đề quan trọng đối với ngành thủy sản, cũng như với hầu hết các lĩnh vực xuất khẩu chủ lực nói chung. Khi nền kinh tế VN ngày càng hội nhập sâu rộng thì vấn đề thị trường xuất khẩu lại càng nổi lên như một trong những nhân tố quyết định đến hiệu quả sản xuất và xuất khẩu.
Trên thực tế, trong thời gian qua, ngành thủy sản VN đã phải đối mặt với vấn đề này.
* Nhược điểm lớn nhất của ngành thủy sản hiện nay là gì?
- Điểm yếu thì có rất nhiều, nhưng rõ nhất là sự mất cân đối giữa khu vực sản xuất nguyên liệu và khu vực chế biến xuất khẩu. Nói rõ hơn, khu vực sản xuất nguyên liệu chưa đáp ứng được nhu cầu và chưa theo kịp được khu vực chế biến xuất khẩu. Sự mất cân đối này xuất phát từ nhiều yếu tố, như trình độ tổ chức sản xuất chưa cao, sản lượng và chất lượng cũng như sự phối hợp giữa hai khu vực còn yếu.
Bên cạnh đó, trình độ quản trị doanh nghiệp của các doanh nghiệp thủy sản VN còn rất thấp so với các đối thủ cạnh tranh, nên đây cũng là một hạn chế lớn cần khắc phục.
* Một trong những điểm yếu lớn nhất của các ngành hàng xuất khẩu của VN hiện nay là vấn đề thương hiệu. Đây liệu có còn là một “điểm nóng” đối với ngành thủy sản không, thưa ông?
- Có lẽ, đây cũng là một thách thức lớn nữa mà ngành thủy sản đang phải đối mặt. Các mặt hàng thủy sản của VN hiện được xuất khẩu thông qua các nhà nhập khẩu và được phân phối dưới nhiều thương hiệu khác nhau. Một số sản phẩm có chất lượng cao đã bắt đầu xuất hiện trên thị trường quốc tế với thương hiệu của riêng mình, nhưng số đó vẫn còn rất ít.
Việc sử dụng thương hiệu của nhà nhập khẩu trung gian, trên thực tế, cũng là hình thức giúp đẩy mạnh xuất khẩu đối với nhiều doanh nghiệp, nhưng xét về lâu dài thì đây không phải là một biện pháp đem lại hiệu quả cao.
* Vừa qua, VASEP đã có những đóng góp lớn trong việc liên kết các doanh nghiệp để chống lại các vụ kiện chống phá giá và các tranh chấp liên quan đến thương mại. Tuy nhiên, khi gia nhập WTO thì vấn đề này sẽ trở nên gay gắt hơn. Vậy VASEP sẽ chuẩn bị thế nào để đối phó với các rào cản thương mại mới khi gia nhập WTO?
- VASEP đã hình thành các ủy ban ngành hàng để tận dụng triệt để sự phối hợp, hợp tác giữa các nhóm ngành theo hướng phát triển các mối liên kết ngang giữa các doanh nghiệp cùng ngành hàng.
Bên cạnh đó, việc liên kết giữa người sản xuất nguyên liệu và nhà chế biến theo mối liên kết dọc cũng là một định hướng hết sức quan trọng của VASEP. Hai mối liên kết đó sẽ được chúng tôi ưu tiên cao nhất, ít nhất là trong 5 năm tới để tăng năng lực cạnh tranh trong xuất khẩu cũng như để tập trung lực lượng đối phó với các rào cản thương mại nảy sinh.
Mối liên kết thứ ba là liên kết thị trường, tức là liên kết trực tiếp với các khách hàng của từng thị trường đặc thù. Việc này tuỳ thuộc vào tương quan giữa doanh nghiệp VN và từng nhóm khách hàng. Với vị thế của ngành thủy sản VN hiện nay, chúng ta có thể chuyển được từ những nhóm khách hàng quy mô nhỏ sang những nhóm khách hàng lớn hơn.
Tuy nhiên, để làm việc này, cần phải có chiến lược để các nhóm doanh nghiệp, ngành hàng của VN phối hợp được với các tập đoàn lớn trên thế giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận